| Hotline: 0983.970.780

Chùa cổ lưu dấu tình xưa

Chủ Nhật 21/06/2020 , 08:05 (GMT+7)

Mọi sự biến động lớn lao của cuộc đời đều bắt đầu từ trong những bi kịch tình yêu.

Chùa Phù Dung ở Hà Tiên - Kiên Giang.

Chùa Phù Dung ở Hà Tiên - Kiên Giang.

Nhờ nghề báo, tôi đã có dịp đi qua những ngôi chùa với bước chân tiêu dao vô định để trở về cõi lòng cô đơn, mong tìm tới bản ngã tịnh tâm, cùng với nỗi niềm sâu lắng trong tâm hồn.

Suốt những dặm dài nước non ấy tôi mới hiểu ra trong mọi sự biến động lớn lao của cuộc đời đều bắt đầu từ trong những bi kịch tình yêu.

Nàng thơ Phù Dung với tình yêu cay đắng

Đó là chuyện tình tôi được nghe kể tại chùa Phù Dung, ở xứ sở mơ mộng Hà Tiên, nơi xưa có những nàng tiên vào những đêm trăng sáng về ca múa trên đầm Đông Hồ.

Phù Dung là nàng thơ Nguyễn Thị Xuân, một thành viên nữ duy nhất trong thi đàn Chiêu Anh Các, do nhà thơ Mạc Thiên Tích thành lập năm 1736. Mạc Thiên Tích là tác giả của tập thơ “Hà Tiên thập cảnh” nổi tiếng. Ông là con cả của Tổng trấn Mạc Cửu (1655-1735), người đầu tiên khai phá và gây dựng nên mảnh đất Hà Tiên.

Sau khi cha mất, Mạc Thiên Tích tiếp tục sự nghiệp và được chúa Nguyễn phong chức Đô đốc trấn Hà Tiên.Tình yêu của Mạc Thiên Tích và nữ sĩ Nguyễn Thị Xuân ngày càng trở nên thắm thiết. Năm sau ngài đô đốc đã rước nàng Xuân, xinh đẹp ở tuổi hai mươi về dinh lập Ái Cơ thứ phi.

Tình thơ càng mặn nồng bao nhiêu thì nàng Ái Cơ càng bị mối hận thù từ người vợ cả của Mạc Thiên Tích là Hiểu Túc phu nhân rắp tâm, chờ thời cơ hãm hại.

Đợi đến ngày chồng đi kiểm tra các đồn bốt dọc biên giới, Hiếu Túc phu nhân bí mật ra lệnh cho người bắt Ái cơ, đem nhốt vào trong cái chậu sứ lớn úp xuống. Đây là cái chậu quý hứng nước mưa bấy lâu nay trong dinh thự để ở ngoài sân. Nàng Ái Cơ bị bịt miệng không thể kêu.

Trong chậu kín, cái nóng và cái đói đã làm nàng Ái Cơ lả đi tưởng chừng sẽ chết. Nhưng không ngờ trời bắt đầu mưa tầm tã, đường trơn và lầy lội khó đi, Đô đốc Mạc Thiên Tích quay ngựa trở về. Khi ngồi nghỉ ở thư phòng, ông thấy những gia nhân nhìn ông tỏ ra sợ sệt lo lắng, nên lấy làm lạ.

Khi bước ra hè lại thấy cái chậu hứng nước mưa úp xuống nên ra lệnh cho mọi người khênh vào hứng nước để pha trà. Ai ngờ trước mắt ông là Ái cơ đang trong cơn nguy kịch. Ông hiểu ra và cho các thày thuốc tận tình cứu chữa.

Tai qua nạn khỏi, Ái cơ khiếp vía không dám ở lại cùng chàng, nằng nặc đòi cho đi ở chùa. Nàng thơ đã chán cảnh vinh hoa phú quý.

Trong lòng buồn bã về kiếp nhân sinh và sự hận thù của con người. Mạc Thiên Tứ đành cho xây một ngôi chùa để cho Ái Cơ đến trụ trì chân tu. Đó là ngôi chùa Phù Dung còn lưu dấu những câu thơ: “Duyên xưa chẳng bận chi tình / Bụi trần chi để vương cành hoa sen..”.

Chuyện tình bí ẩn bên chùa Tiêu

Dòng sông Tiêu Giang được gắn bó với chuyện tình Trương Chi và Mỵ Nương đầy bi phẫn bao nhiêu thì ngôi chùa Tiêu trên ngọn núi Tiêu của xã Tương Giang, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh lại ghi dấu một cuộc tình đầy huyền diệu và vĩ đại của đại sư Lý Vạn Hạnh bấy nhiêu.

Cho dù đã ngàn năm trôi qua, có nhiều giả định về thân phận người cha đẻ của vua Lý Thái Tổ, nhưng xem ra câu chuyện nghiêng về đại sư Lý Vạn Hạnh có phần kỳ bí nhưng phần nào lại có sức thuyết phục hơn cả.

Người đời có lời bàn cho dù đã hơn mười thế kỷ đã trôi qua, nhưng có dư luận để xóa đi những hằn vết cho là đã bị phạm lụy trần tục của một nhà sư với một người đàn bà, người đời đã dựng lên những câu chuyện ly kỳ và đầy bí ẩn về một người đàn bà không chồng có chửa và đã bỏ con ở cửa chùa Cổ Pháp ngày nào. Người đàn bà đó có tên là Phạm Thị Ngà ở làng Dương Lôi thuộc vùng Kinh Bắc.

Trong dân gian đồn rằng, cô gái họ Phạm kia đã từng làm việc ở chùa, và đã quan hệ gần gũi với sư thầy, khi có thai đã bị đuổi đi. Nhưng đến ngày sinh nở, cô gái đã trả lại con cho nhà chùa (khoảng năm 974).

Chủ trị chùa Cổ Pháp ngày đó là thiền sư Lý Khánh Văn, ngài là em trai của đại sư Lý Vạn Hạnh, người làng Đình Bảng chủ trì chùa Tiêu.

Chùa Tiêu ở Từ Sơn - Bắc Ninh.

Chùa Tiêu ở Từ Sơn - Bắc Ninh.

Vào một buổi sáng, thiền sư Lý Khánh Văn phát hiện có tiếng trẻ khóc ở cổng Tam quan. Ông liền bế đứa trẻ vào chùa, nhận làm cha nuôi và đặt tên là Lý Công Uẩn.

Mấy năm sau Lý Công Uẩn được gửi lên chùa Tiêu để đại sư Lý Vạn Hạnh dẫy dỗ.Hơn nữa, người đời cho rằng không ai khác, bởi chỉ có là cha đẻ mới tận tình và hết lòng dậy dỗ và đào tạo con cái đến thế. Lý Vạn Hạnh đã dựng nghiệp cho Lý Công Uẩn với mọi lĩnh vực, từ kiến thức đến nếp sống và nhân cách của một người làm vua của một đất nước.

Đại sư còn tạo dựng những thế lực trong triều Tiền Lê, cùng những lời sấm truyển trong dân gian để chớp thời cơ cho Lý Công Uẩn đoạt ngôi vua như mệnh trời sắp đặt.

Thậm chí, chuyện vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thành Thăng Long năm 1010, cũng bắt đầu từ ý tưởng của Lý Vạn Hạnh.

Hơn nữa, sau này vua Lý Thái Tổ đã về quê nội ở Đình Bảng để chọn đất thờ và trở thành lăng mộ hiện nay ở Đền Bát Đế, lại càng thêm khẳng định cha ngài chính là sư tổ Lý Vạn Hạnh!?.

Tuy nhiên mọi sự thật về cuộc tình không thể phơi bày, và trong lăng mộ họ Lý không hề có mộ người cha đẻ của Lý Thái Tổ.

Tất nhiên mọi sự phân tích hay suy luận trải qua ngàn năm vẫn thiếu cơ sở khoa học và những chứng cứ thuyết phục để chứng minh đại sư Lý Vạn Hạnh là cha đẻ của Lý Công Uẩn.

Tuy vậy trong thực tế và những trang sử chói lọi về vua Lý Thái Tổ đều có nhiều sử liệu minh chứng cho sự gắn bó mật thiết và sâu sắc về tình cảm giữa hai người.

Chùa Sủi với mối tình Ỷ Lan và Lý Thánh Tông

Mối tình tuyệt đẹp giữa người con gái vùng đồng dâu, làng Sủi thuộc đất Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội, có tên là Lê Thị Yến, với vua Lý Thánh Tông (1054-1072) cũng là một câu chuyện lỳ lạ gắn liền với vụ án oan của một quan thái giám Nguyễn Bông, cũng là người của làng Sủi.Lê Thị Yến được vua đón về cung vì phục tài đối đáp, thông minh cùng với nụ cười xinh tươi.

Nàng đã được phong làm Nguyên phi Ỷ Lan. Không ít những quyết định trong triều chính đều có sự tham bác của Ỷ Lan. Hai người đi đâu cũng có nhau. Khi đàm đạo thơ ca hay nghe nhã nhạc cung đình, nhà vua họ Lê này luôn luôn cùng Ỷ Lan tâm đầu ý hợp, và chia sẻ tình cảm.

Chùa Sủi ở Gia Lâm - Hà Nội.

Chùa Sủi ở Gia Lâm - Hà Nội.

Nhưng thời gian trôi đi, vua Lý Thánh Tông đã đến tuổi bốn mươi mà vẫn chưa có con trai nối ngôi, nỗi niềm ấy làm xao xuyến lòng người. Được sự gợi ý, vua Lý Thánh Tông cùng Ỷ Lan trở lại chùa Sủi làm lễ cầu tự vì nghe nói ở quê vợ có một đại sư rất cao tay.

Ngài đại sư chùa Sủi đã làm lễ cầu siêu và tìm người hóa phép đầu thai làm con của vua Lý Thánh Tông. Pháp sư đã chú ý đến một quan thái giám đi cùng là Nguyễn Bông. Viên quan thái giám này cũng là người làng Sủi có gương mặt khôi ngô tuấn tú có khí phách làm vương.

Ông đã được chọn làm người phải hóa kiếp đầu thai để làm con vua, nhưng phải chịu mất mạng vì đại nghiệp.

Khi được pháp sư hỏi đến và biết mình sẽ là thế mạng đầu thai, viên giám quan Nguyễn Bông đồng ý. Nhưng để tìm cớ chém đầu một viên quan như Nguyễn Bông như thế nào, pháp sư nhà chùa đã bí mật bày kế không để cho ai biết tới.

Đó là chuyện, bất ngờ quân lính phát hiện viên giám quan Nguyễn Bông đi lên từ phía biệt khu nhà vua, trong khi đó Ỷ Lan đang tắm. Mọi người hô hoán, Nguyễn Bông phạm quy pháp của triều đình và bị kết án chém đầu. Đại sư chùa Sủi ngay lập tức phù phép và đánh dấu để làm lễ hóa kiếp cho Nguyễn Bông đầu thai làm con Ỷ Lan.

Quả nhiên năm sau Nguyên Phi Ỷ Lan sinh hạ được một người con trai và đặt tên là Lý Càn Đức (vua Lý Nhân Tông 1072-1128). Chữ “Càn” được lấy từ dấu chữ mà đại sư đã đánh dấu trên lưng của Nguyễn Bông trước khi làm lễ hóa kiếp đầu thai.

Vĩ thanh

Vậy là những câu chuyện tình cùng với những biến động lịch sử đầy bí ẩn được gắn liền với những ngôi chùa cổ. Những mối tình bất tử, luôn luôn là mốc son của một đất nước mang dấu ấn cổ tích, thường được kể lại với những mầu sắc huyền ảo làm mê hoặc lòng người.

Thời gian đã làm chúng ngày càng trở nên bí ẩn, lãng mạn hơn bao giờ hết, dưới những mái ngói rêu phong và sau cánh cổng tam quan chùa cổ.

(Kiến thức gia đình số 25)

Xem thêm
Tháng phim điện ảnh tri ân huyền thoại màn bạc Alain Delon

Tháng phim điện ảnh từ 12h ngày 16/12/ 2024 đến 24h ngày 16/1/2025, với ba tác phẩm nổi tiếng cho sự góp mặt của huyền thoại màn bạc Alain Delon.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.