| Hotline: 0983.970.780

Miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đối phó thiên tai

Chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất do mưa lũ

Chủ Nhật 05/11/2017 , 19:07 (GMT+7)

Sau bão số 12, chúng ta đang phải đối mặt ngay với một hiểm hoạ, có thể nói là lớn nhất hiện nay ở cả 4 khu vực Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo tại cuộc họp

Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ khi bão số 12 đổ bộ, chiều 5/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT – Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã triệu tập cuộc họp khẩn với các Bộ ngành liên quan bàn về giải pháp ứng phó mưa lũ, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an toàn và điều hành hồ chứa.

“Sau bão số 12, chúng ta đang phải đối mặt ngay với một hiểm hoạ, có thể nói là lớn nhất hiện nay ở cả 4 khu vực Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Đó là hiện trạng hồ đầy nước, sông đầy nước, vùng trũng đầy nước trên toàn khu vực”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường mở đầu cuộc họp khẩn.

Theo báo cáo của ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương tại cuộc họp khẩn, trong những ngày qua mưa lũ sau bão vẫn diễn ra dữ dội ở miền Trung, đặc biệt là tại Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai... Nhiều nơi lượng mưa lên tới hơn 600mm như ở A Lưới (TT-Huế). 

Dự báo trong những ngày tới lượng mưa vẫn còn tiếp diễn do ảnh hưởng tương tác của không khí lạnh và đới gió Đông kết hợp với hoàn lưu sau bão. 

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai báo cáo, đến ngày 5/11 đã có 29 người chết, 29 người mất tích, 1.015 căn nhà bị sập đổ, 43.611 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng. 4.425 ha lúa bị ngập, 25.314 ha rau màu hư hại, 228 tàu cá bị chìm và hư hỏng, 1.491 lồng bè nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại…

Tình hình tại các hồ chứa thủy điện tại các khu vực Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên dao động nhẹ, mực nước các hồ xấp xỉ hoặc thấp hơn mực nước dâng bình thường. 4 hồ ở Bắc Trung Bộ, 14 hồ ở Duyên hải Nam Trung Bộ, 17 hồ ở Tây Nguyên đang vận hành xả qua tràn.

Về hồ chứa thủy lợi, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết: Khu vực Bắc Trung Bộ có 2 hồ là Tả Trạch (TT-Huế) và Thác Chuối (Quảng Bình) đang vận hành xả lũ. Khu vực Nam Trung Bộ có 13 hồ, khu vực Tây Nguyên có 4 hồ đang vận hành xả lũ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định, cơn bão số 12 là một cơn bão rất mạnh, mặc dù mức độ tương tự bão số 10 vừa qua nhưng bão số 12 nguy hiểm hơn do kèm theo mưa lớn, hoàn lưu bão trên diện rộng và kéo dài. Ngoài ra, cơn bão vào thẳng khu vực Nam Trung Bộ, vùng nhiều năm qua không có bão nên mức độ tổn thất về người và tài sản là rất lớn.

“Trước bão số 12, những khu vực này đã chịu ảnh hưởng của ATNĐ, gió mùa đông lạnh nên gây mưa lớn. Các lưu vực sông, hồ chứa, vùng trũng cơ bản đã đầy nước. Đến giờ phút này, lượng mưa vẫn rất lớn, tốc độ vào lớn hơn rất nhiều so với tốc độ xả. Chính vì vậy, toàn tuyến đang phải đối mặt với hiểm họa lớn nhất từ trước đến nay. Cần phải tìm ra các giải pháp chỉ đạo nhằm đảm bảo toàn hồ chứa thuộc phạm vi, lưu vực của các con sông toàn bộ khu vực Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Đến thời điểm hiện tại vẫn đang mưa và theo dự báo sẽ tiếp tục mưa đến ngày 7/11. Nguy cơ mất an toàn hồ đập rất cao. Không chỉ thủy điện, thủy lợi mà tất cả các hồ, từ hồ lớn đến hồ nhỏ, đặc biệt là các hồ xung yếu. Nhiều lưu vực sông đã trên mức báo động 3, một số nơi trên báo động 3, thậm chí tiếp cận mức lũ lịch sử năm 1997. Nhiều lưu vực sông đã vượt quá sức chịu đựng, ẩn chứa thảm họa”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cảnh báo. 

Trước đó, Bộ NN-PTNT đã cử 3 đoàn công tác phối hợp với các tỉnh để cùng đôn đốc chỉ đạo giám sát quy trình vận hành liên hồ chứa các lưu vực. Đặc biệt các hồ nguy hiểm xuống cấp nghiêm trọng, những lưu vực chính nhằm mục tiêu cấp thiết là đảm bảo an toàn hồ đập, đảm bảo an toàn đời sống, sản xuất cho nhân dân. Mặc dù vậy, trước những nguy cơ có thể xảy ra, ngay tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo tiếp tục thành lập 3 đoàn công tác, ngay trong ngày 6/11 bay vào Đà Nẵng và các tỉnh bị ngập lụt, do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng dẫn đầu để chỉ huy các nhiệm vụ ứng phó khắc phục hậu quả lũ lụt. 

Về phương án chỉ đạo, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu tổ chức giám sát, quản lý chặt chẽ các hồ chứa, thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ chứa. Các Ban chỉ huy ở các địa phương cần quyết liệt hơn, tích cực hơn, cụ thể hơn. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn TƯ liên tục cập nhật các số liệu, đưa ra các dự báo sát với thực tiễn hơn.

Đặc biệt phải xây dựng các kịch bản ứng phó khi xả lũ từ các hồ chứa đã bị đầy nước, kể cả kịch bản xấu nhất, chủ động sơ tán dân ở vùng hạ du xảy ra xả lũ, không để tình trạng nước đến chân mới nhảy. Huy động tổng lực lượng tham gia ứng phó với các sự cố do do xả lũ và ngập lụt.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm