| Hotline: 0983.970.780

Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Thứ Tư 27/03/2024 , 07:00 (GMT+7)

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Mô hình nuôi chồn hương tại TP Hà Tĩnh đang phát huy hiệu quả bước đầu rất tốt. Ảnh: TN.

Mô hình nuôi chồn hương tại TP Hà Tĩnh đang phát huy hiệu quả bước đầu rất tốt. Ảnh: TN.

Đầu tư trăm triệu, thu về tỷ đồng

Theo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Hà Tĩnh, địa giới hành chính TP Hà Tĩnh sẽ mở rộng trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 14 xã giáp ranh liền kề thuộc các huyện: Thạch Hà, Lộc Hà và Cẩm Xuyên. Đây là cơ sở để thúc đẩy phát triển nông nghiệp ven đô.

Một lãnh đạo UBND TP Hà Tĩnh cho hay, trước mắt, địa phương tập trung chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi nông hộ theo hướng hạn chế chăn nuôi trâu bò, lợn trong khu dân cư, đưa các giống vật nuôi ít tác động đến môi trường, giá trị kinh tế cao vào sản xuất.

“Đối với gia súc, ngoài hươu sao, hiện mô hình nuôi chồn hương tại các phường Thạch Quý, Đại Nài và xã Đồng Môn bước đầu cho thấy hiệu quả rất tốt. Tỷ lệ nhân đàn cao, thị trường đầu ra cũng rất tiềm năng”, vị lãnh đạo nói.

Cơ quan chuyên môn đang phối hợp với trang trại hộ anh Đặng Văn Cường chuẩn hóa quy trình, kỹ thuật nuôi để chuyển giao cho các hộ dân khác muốn làm giàu từ nghề nuôi chồn hương. Ảnh: TN.

Cơ quan chuyên môn đang phối hợp với trang trại hộ anh Đặng Văn Cường chuẩn hóa quy trình, kỹ thuật nuôi để chuyển giao cho các hộ dân khác muốn làm giàu từ nghề nuôi chồn hương. Ảnh: TN.

Năm 2021, sau khi học hỏi kinh nghiệm từ một người bạn ở tỉnh Nghệ An, anh Đặng Văn Cường, thôn Thanh Tiến, xã Đồng Môn mạnh dạn đăng ký với cơ quan chức năng xin cấp phép thực hiện mô hình nuôi chồn hương trên diện tích gần 1.000m2, đầu tư gần 400 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và hơn 120 triệu đồng để mua 6 cặp chồn giống về nuôi thử nghiệm.

“Chuồng trại tôi thiết kế dạng lồng sắt cao khoảng 70cm, rộng khoảng 1,2m tùy vào số lượng nuôi nhốt. Lồng sắt được bố trí trên giá đỡ cách nền từ 0,5 - 0,6m để thông thoáng, tránh ẩm thấp và tiện vệ sinh chuồng trại. Các dãy chuồng cũng chia thành khu riêng biệt, gồm: khu nuôi cá thể, khu nuôi các cặp chồn vợ chồng, khu nuôi chồn sơ sinh... Tùy giai đoạn phát triển sẽ nhốt chồn trong lồng theo tỷ lệ 1 - 2 hoặc nhiều con”, anh Cường chia sẻ về quy trình kỹ thuật nuôi.

Theo chủ cơ sở, chi phí nuôi chồn hương khá thấp vì chủ yếu tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như chuối, thịt gà, cá, cháo, trứng vịt lộn…, giá bán chồn hương lại cao và không tốn quá nhiều thời gian chăm sóc nên người nuôi sớm thu hồi vốn và cho lãi cao ở những lứa tiếp theo.

Hiện tổng đàn đã đạt hơn 350 con. Ảnh: TN.

Hiện tổng đàn đã đạt hơn 350 con. Ảnh: TN.

Ví dụ, một con chồn mẹ có thời gian mang thai 54 - 60 ngày, mỗi năm sẽ đẻ 2 lứa, mỗi lứa 3 - 4 con. Chồn nuôi giống 8 tháng có giá trung bình từ 30 triệu đồng/cặp, đối với chồn nuôi lấy thịt khi chồn con nuôi khoảng 2 tháng có trọng lượng từ 0,6 - 1kg là có thể bán với giá hơn 1,6 triệu đồng/kg.

“Nhu cầu thị trường về chồn giống và chồn thịt trên cả nước rất lớn, luôn trong tình trạng cháy hàng. Tuy nhiên, cơ sở của tôi đang tập trung nhân đàn nên không xuất bán quá nhiều hai mặt hàng này. Hiện tại, tôi đã nhân đàn lên hơn 100 con trưởng thành, giá trị khoảng hơn 1,5 tỷ đồng, phấn đấu nhân đàn đạt 400 con vào cuối năm nay”, anh Cường nhẩm tính.

Với hơn 3 năm kinh nghiệm nuôi chồn, anh Cường cho biết, khó nhất trong nuôi chồn hương là khi bị ốm không có thuốc điều trị. Do đó, khâu quan trọng nhất trong nuôi chồn là hệ thống chuồng trại phải đảm bảo thông thoáng, môi trường trong lành, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông và luôn sạch sẽ, tránh ánh nắng mặt trời rọi thẳng trực tiếp. Đặc biệt, người chăm sóc chồn phải am hiểu đặc tính của loài động vật hoang dã này.

Dự kiến mô hình của hộ ông Võ Tá Khương, phường Thạch Quý sẽ nhân đàn thêm khoảng 40 - 50 con chồn hương giống baby. Ảnh: TN.

Dự kiến mô hình của hộ ông Võ Tá Khương, phường Thạch Quý sẽ nhân đàn thêm khoảng 40 - 50 con chồn hương giống baby. Ảnh: TN.

Hỗ trợ nông dân chuẩn hóa quy trình kỹ thuật

Mặc dù kỹ thuật nuôi chồn hương không quá khó nhưng để hạn chế dịch bệnh trong quá trình nuôi, cần phải có một quy trình chuẩn. Lãnh đạo thành phố đã giao cho Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi phối hợp hộ anh Đặng Văn Cường theo dõi tập tính, ăn uống, nghỉ ngơi, quá trình phối giống, sinh sản của chồn hương để chuẩn hóa thành cuốn cẩm nang, từ đó chuyển giao cho các hộ dân khác phát triển, nhân rộng mô hình.

“Chúng tôi sẽ không vội vàng mở rộng. Hiện tại tổng đàn tại 4 hộ dân đạt khoảng 350 con, sắp tới tiếp tục nhân đàn tại các cơ sở này. Song hành với đó, giao cho đơn vị chuyên môn phối hợp chủ các cơ sở tìm kiếm đầu ra để ổn định giá trị của loài chồn đặc sản này”, lãnh đạo TP Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Ông Võ Tá Khương, khối phố Tiền Giang, phường Thạch Quý cũng là một trong những hộ dân tiên phong xây dựng chuồng trại để nuôi chồn hương. Năm 2023, từ việc bán con giống đã giúp ông bỏ túi 100 triệu đồng, dự kiến năm 2024, thu về 200 triệu đồng.

Theo ông, để phòng chống dịch bệnh, khu vực nuôi cần hạn chế người ra vào, phun khử khuẩn thường xuyên; chuồng nuôi lắp đặt hệ thống uống nước tự động, đảm bảo các tiêu chuẩn về kỹ thuật. Đặc biệt, trong quá trình nuôi chồn sinh sản, người chăn nuôi cần bổ sung thêm thịt gà, tôm, ghẹ, phổi động vật... thường xuyên để tăng hàm lượng dinh dưỡng cho chồn.

Chủ tịch Hội nông dân phường Thạch Quý, bà Trần Thị Huyền cho hay, ngoài hộ ông Khương trên địa bàn phường còn có hộ ông Lê Văn Nga đang nuôi 22 con chồn hương. Sau một thời gian nuôi cho thấy, con chồn thích nghi tốt với điều kiện thời tiết, môi trường trên địa bàn phường.

Thức ăn của chồn hương trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh rất dồi dào. Ảnh: TN.

Thức ăn của chồn hương trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh rất dồi dào. Ảnh: TN.

“Điều kiện thuận lợi phát triển nghề nuôi chồn hương trên địa bàn thành phố nói chung, phường Thạch Quý nói riêng là chúng không đòi hỏi quỹ đất nhiều, thức ăn trên địa bàn cũng dồi dào. Các chủ cơ sở có thể xây dựng bể lót bạt nuôi cá trê, cá rô phi phục vụ thức ăn tại chỗ cho chồn. Còn các hộ dân trong vùng có cơ hội trồng chuối, nuôi gà, hải sản… bán thức ăn cho cơ sở nuôi chồn. Đây là mối liên hệ cộng sinh, nâng cao thu nhập cho người dân hiệu quả”, bà Huyền phân tích.

Được biết, trong số 35 con chồn đang nuôi của hộ ông Võ Tá Khương, có 14 con nái sắp sinh, ước nhân đàn lên đạt gần 50 con chồng giống baby. Chủ cơ sở sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm cho những ai thực sự muốn làm giàu từ nghề nuôi chồn hương.

Ông Lê Quang Nghiêm. Phó Trưởng Phòng Kinh tế TP Hà Tĩnh: Mô hình nuôi chồn hương của anh Đặng Văn Cường, Võ Tá Khương và Lê Văn Nga là những mô hình kinh tế mới trên địa bàn thành phố. Qua kiểm tra, các cơ sở mua con giống ở các trại giống hợp pháp, có nguồn gốc rõ ràng. Trong quá trình nuôi, chủ mô hình lập sổ theo dõi, báo cáo định kỳ đầy đủ với cơ quan chức năng. Dù mới nuôi chưa lâu nhưng bước đầu mô hình đã đem lại hiệu quả rõ nét như chồn phát triển nhanh, sinh sản đều, đem lại số lượng con giống lớn.

Xem thêm
Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm