| Hotline: 0983.970.780

Chung sức với người trồng tiêu: [Bài 2] Doanh nghiệp, ngân hàng chung tay tháo gỡ

Thứ Năm 19/09/2019 , 13:05 (GMT+7)

Trước những khó khăn của người trồng tiêu, chính quyền, các doanh nghiệp, ngân hàng đã vào cuộc, chung tay giúp đỡ nông dân thoát khỏi "biển nợ"...

Doanh nghiệp: Liên kết sản xuất

Chư Pưh là huyện có diện tích tiêu chết nhiều nhất. Báo cáo của UBND huyện này cho biết: Do áp lực phải trả lãi suất ngân hàng và chi tiêu sinh hoạt gia đình, không ít hộ dân trên địa bàn đã bỏ vào các tỉnh phía Nam làm thuê, để lại nhiều hệ lụy người già không được chăm sóc, trẻ em không được học hành; tình hình trộm cắp ngày càng phức tạp gây mất an ninh trật tự địa phương... Sản xuất nông nghiệp giảm sút do đất đai bỏ hoang không canh tác, các ngành tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ theo đó cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Vườn hồ tiêu theo hướng hữu cơ bền vững.

Để tháo gỡ khó khăn cho người trồng tiêu, tỉnh Gia Lai đã chủ động tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết sản phẩm đầu ra với các doanh nghiệp sản xuất nông sản uy tín trên địa bàn. Các tổ chức tín dụng cũng đã vào cuộc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều chỉnh giảm lãi suất, cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh, cho vay chuyển đổi cây trồng… Theo đó, người dân phần nào đã ổn định tâm lý, an tâm chuyển đổi mô hình sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Với việc tái cơ cấu cây trồng, tỉnh Gia Lai đã định hướng ổn định 10.000 ha cây ăn quả gắn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với Công ty CP Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco), Công ty CP Nafood Group… Đây là điều kiện thuận lợi để người trồng tiêu mạnh dạn chuyển sang xây dựng mô hình kinh tế mới, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống.

Ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch HĐQT Cty CP Xuất khẩu Đồng Giao, cho biết: "Với quy mô chế biến 500 tấn nguyên liệu mỗi ngày, Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Gia Lai sẽ xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu liên kết sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị bền vững quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với diện tích từ 10.000 - 15.000 ha tại Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên. Qua đó, góp phần tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho hàng chục nghìn lao động nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, bán hàng, vận tải…".
 

Ngân hàng: Khoanh, giãn nợ

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cũng đã có động thái cụ thể, nhằm hỗ trợ người trồng tiêu thông qua việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều chỉnh giảm lãi suất, cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh và cho vay chuyển đổi cơ cấu cây trồng với số tiền gần 2.000 tỷ đồng.

Người dân trồng xen cây bưởi trong hồ tiêu đã chết.

Ông Võ Bình Độ (thôn Hòa An, thị trấn Nhơn Hòa, Chư Pưh) là khách hàng được ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh hỗ trợ bằng biện pháp giãn nợ 5 năm để giảm áp lực trả lãi và tạo cơ hội tái sản xuất. Ông cho biết: "Năm 2012, tôi vay Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh 2 tỷ đồng để đầu tư mở rộng 7 ha tiêu. Đến năm 2017 bị chết 7 ha. Không còn nguồn thu nên gia đình không thể trả gốc và lãi vay. Được ngân hàng giãn nợ khoản vay lên 5 năm, mỗi năm trả một ít nên cũng đỡ áp lực. Những diện tích hồ tiêu chết, gia đình tôi đã chuyển sang trồng cà phê và cây ăn quả, hy vọng thời gian tới sẽ có thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống  và trả nợ".

Cũng ở huyện Chư Pưh, ông Lê Hồng Ánh (thôn Hòa Phú, thị trấn Nhơn Hòa) có 6 ha tiêu kinh doanh. Dịch bệnh đến, lấy đi toàn bộ diện tích hồ tiêu của gia đình ông, và để lại cho ông khoản nợ trên 3 tỷ đồng với ngân hàng Nông nghiệp và PTNT. Cũng như ông Độ, ông Ánh được ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chư Pưh giãn nợ 5 năm. Hiện, ông đã trồng lại được 5 ha cây trồng khác như cà phê, bơ, chanh leo trên diện tích tiêu chết. Ông nói: "Nhờ ngân hàng nông nghiệp giãn nợ nên gia đình tôi đỡ áp lực. Giờ lo chăm tốt vườn cây ăn quả, hy vọng sẽ sớm trả nợ được cho ngân hàng".

Ông Lê Thanh Quang - Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh tỉnh Gia Lai, cho biết: Toàn Chi nhánh hiện có tổng dư nợ do thiệt hại hồ tiêu lên đến gần 700 tỷ đồng của hơn 4.100 khách hàng, chiếm hơn 97% dư nợ cho vay trồng và chăm sóc hồ tiêu trên địa bàn.

"Để người dân có diện tích hồ tiêu bị thiệt hại ổn định cuộc sống, an tâm khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo thu nhập để trả nợ, ngân hàng đã tạo điều kiện thuận lợi cho những khách hàng còn nguồn thu và có thiện chí trả nợ tiếp tục được vay vốn để tái đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích những khách hàng trả nợ trong năm 2019 sẽ được áp dụng cơ chế miễn giảm lãi. Ngoài ra, ngân hàng còn cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các hộ vay bị thiệt hại theo hướng phù hợp với nguồn thu nhập, điều chỉnh miễn, giảm lãi suất, thu gốc trước, thu lãi sau đối với các hộ dân có thiện chí trả nợ" - ông Quang cho biết. 

Sự vào cuộc của chính quyền tỉnh và các tổ chức tín dụng trên địa bàn thời gian qua, phần nào đã giảm áp lực cho người trồng tiêu, giúp họ vượt qua khó khăn. Đồng thời mở ra cơ hội để người dân tái đầu tư, chuyển đổi hướng sản xuất kinh doanh phù hơp với hoàn cảnh, điều kiện, tạo nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống và trả nợ. 

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh) Phạm Ngọc Tuấn, cho biết: "Trước đây, tổng diện tích hồ tiêu của địa phương là 220 ha, giờ chỉ còn dưới 40 ha. Trước thực tế này, ngoài việc vận động người dân chuyển đổi 64 ha sang trồng cà phê, cây ăn quả, chính quyền địa phương còn phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng rà soát cụ thể và xác nhận để các hộ trồng tiêu được giãn nợ, miễn giảm lãi xuất và vay mới tái đầu tư sản xuất".

Xem thêm
Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng trong quý I/2024

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa công bố hoạt động kinh doanh quý I/2024 với doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.