Mục đích của diễn đàn nhằm gắn kết người nuôi với các bên tham gia trong chuỗi giá trị tôm Việt Nam, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, đối thoại, định hướng phát triển bền vững ngành tôm, góp phần nâng cao giá trị, hình ảnh và thương hiệu tôm Việt.
Các đại biểu tham dự diễn đàn. |
Diễn đàn tôm Việt là sáng kiến của Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) trong khuôn khổ triển khai dự án “Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững, công bằng tại Việt Nam- SusV” và dự án “Tăng cường bình đẳng giới trong chuỗi giá trị tôm và đầu tư kinh doanh nông nghiệp nông nghiệp tại Đông Nam Á- GRAISEA”.
Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về sản xuất tôm và dẫn đầu thế giới về sản lượng tôm sú. Tôm cũng là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong nhóm hàng thủy sản của nước ta. Sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã xuất đi 164 quốc gia trên thế giới trong đó, tôm là một trong 4 sản phẩm xuất khẩu chủ lực, với tổng giá trị kim ngạch chiếm 45% giá trị kim ngạch toàn ngành thủy sản, tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 700.000 hộ gia đình. Bình quân tăng trưởng của nghề nuôi trồng, chế biến xuất khẩu tôm đạt 6,82%/năm.
Tuy nhiên trong hơn 20 năm qua, ngành tôm Việt Nam cũng thường xuyên đối mặt với không ít khó khăn, thách thức về thị trường xuất khẩu và biến động giá tôm. Để khắc phục tình trạng này trong dài hạn, đã đến lúc chúng ta cần xây dựng, định hình thương hiệu tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chia sẻ các giải pháp để xây dựng thương hiệu tôm Việt, như hoàn thiện các hợp phần trong xây dựng thương hiệu; giải pháp xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị ngành tôm; đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc và quản trị chuỗi tôm…
Gian trưng bày của Tập đoàn Việt- Úc. |
TS Trần Đình Luân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho hay, ngành tôm Việt Nam cần có những cải tiến để nâng cao thương hiệu con tôm Việt Nam, nhất là cần cân đối cung cầu sản xuất với tiêu thụ, hoàn thiện tổ chức liên kết, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận chất lượng…
Ông Trần Đình Luân nhấn mạnh, mặc dù đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng thương hiệu tôm nhưng vẫn chưa có sự liên kết để tạo ra thương hiệu riêng. Do đó, diễn đàn sẽ là cầu nối giúp các doanh nghiệp tiếp cận và khai thác tốt lợi thế trong việc xây dựng thương hiệu cho con tôm Việt Nam.
Với vị thế đơn vị dẫn đầu ngành tôm giống, Tập đoàn Việt – Úc đã tham gia và chia sẻ các giải pháp xây dựng thương hiệu tôm Việt.
Tại diễn đàn, ông Vũ Đức Trí, Giám đốc Quản lý doanh nghiệp đại diện cho Tập đoàn Việt - Úc đã trình bày chiến lược dài hạn trong việc đầu tư vào công nghệ và con người trong quy trình chuỗi khép kín từ tôm bố mẹ đến con giống, tôm thương phẩm, thức ăn đến bàn ăn phục vụ người tiêu dùng.
Đại diện Tập đoàn Việt- Úc trình bày tham luận tại diễn đàn. |
Để con tôm Việt đứng được trên thị trường cần đảm bảo 2 yếu tố chính: Truy xuất nguồn gốc và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là điều được Tập đoàn Việt – Úc xác định đầu tư ngay từ đầu thông qua việc ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm. Với quy mô 9 khu sản xuất giống công nghệ cao từ Nam ra Bắc, 4 khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao, 1 nhà máy chế biến thức ăn, Tập đoàn liên tục áp dụng những công nghệ vượt trội để nâng cao hiệu quả trong nuôi tôm.
Các công nghệ Việt - Úc đã và đang áp dụng giúp sản xuất ra những con giống chất lượng và hình thành các vùng nuôi bền vững quy mô công nghiệp. Với những thành công bước đầu, Tập đoàn Việt - Úc còn được Bộ NN- PTNT tin tưởng giao nhiệm vụ thu hút và lan tỏa công nghệ này đến bà con nuôi tôm cả nước, cùng chung tay thay đổi diện mạo ngành tôm và nâng tầm thương hiệu tôm Việt. |