| Hotline: 0983.970.780

Chương trình tái canh cà phê thành công ngoài mong đợi

Thứ Sáu 24/06/2022 , 14:12 (GMT+7)

Đề án tái canh cà phê của Bộ NN-PTNT, trong đó có Dự án VnSAT đã giúp cải tạo hàng trăm nghìn ha cà phê già cỗi giúp tăng năng suất và sản lượng.

Sáng 23/6, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2014-2022, triển khai Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025.

Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng…

Tái canh giúp tăng năng suất, chất lượng cà phê

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt,Bộ NN-PTNT chương trình tái canh cà phê đã đem lại một số hiệu quả như: trẻ hóa vườn cây cà phê già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp không còn khả năng phục hồi. Năng suất của các vườn tái canh đạt trung bình 2,8 tấn/ha vượt 0,1 tấn/ha so với mục tiêu.

Diện tích tái canh và ghép cải tạo cà phê vùng Tây Nguyên từ năm 2014-2021 được 129.008,4 ha (đạt trên 107,5% kế hoạch). Tính lũy kế diện tích tái canh và ghép cải tạo cà phê từ năm 2011-2021 được 166.579,2 ha.

Hầu hết diện tích cà phê tái canh được trồng bằng giống mới, cây sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao, chất lượng tốt và mang lại hiệu quả kinh tế rất rõ rệt, góp phần vào chương trình phát triển cà phê bền vững.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Yên.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Yên.

Các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê đã thực hiện tốt quy trình trồng tái canh cà phê vối như: Phân loại vườn cà phê trước khi trồng tái canh, ghép cải tạo dựa vào độ tuổi của vườn, mức nhiễm bệnh vàng lá chết cây theo tỷ lệ bệnh, cấp bệnh và năng suất của vườn cà phê để lựa chọn các biện pháp kỹ thuật tái canh phù hợp, rút ngắn thời gian luân canh, một số vườn cà phê già cỗi không bị bệnh vàng lá chết cây có thể tái canh ngay (không luân canh); đưa vào trồng tái canh phần lớn các giống cà phê vối cao sản mới không những cho năng suất cao, chất lượng nhân tốt mà còn chống chịu bệnh gỉ sắt rất cao như TR4, TR9, TR11, TR13, TRS1...

Một số giống như TR4, TR15, Cà phê dây, Xanh lùn có thời điểm chín muộn (từ tháng 1 đến tháng 2) đã vào mùa khô ở Tây Nguyên nên rất thuận lợi cho việc thu hái, chế biến sản phẩm, giảm áp lực công thu hoạch, nhất là giảm được một đợt tưới, các nông hộ cũng thực hiện tốt việc trồng xen các loại cây ăn quả lâu năm có giá trị kinh tế cao (cây bơ, sầu riêng, tiêu…) không những làm cây che bóng mà còn tăng thu nhập trên từng đơn vị diện tích, tăng hiệu quả kinh tế cho vườn cây.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Quang Yên.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Quang Yên.

Dự án VnSAT góp phần quan trọng vào thành công chung

Ông Cao Thanh Sơn, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án VnSAT Trung ương cho biết, Dự án VnSAT đã đào tạo, tập huấn tái canh đến hết dự án là 9.000 hộ nông dân với 10.000 ha cà phê bền vững. Hoạt động đào tạo, tập huấn được các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật cấp Trung ương (TT Khuyến nông Quốc gia, Cục Trồng trọt, Viện WASI…).

Tại các địa phương, Dự án VnSAT kết hợp với Trung tâm Khuyến nông cấp tỉnh, Trung tâm giống, Chi cục Bảo vệ thực vật…) thực hiện. Đến nay, kết quả đào tạo, tập huấn của dự án đã thực hiện vượt chỉ tiêu đề ra là 30.898 hộ nông dân (đạt 343% so với kế hoạch ban đầu); 29.899 ha được đào tạo, tập huấn (đạt 298% so với kế hoạch ban đầu).   

Đặc biệt, Dự án VnSAT đã cung cấp nguồn giống tốt, đạt chuẩn cung cấp cho việc tái canh 10.000 ha cà phê theo kế hoạch. Dự án đã ưu tiên một phần nguồn vốn để thực hiện các hoạt động chứng nhận, nâng cấp các vườn ươm giống nhà nước, vườn giống đầu dòng và 57 vườn ươm tư nhân.

Dự án VnSAT tài trợ đầu tư các vườn nhân giống cho các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: Quang Yên.

Dự án VnSAT tài trợ đầu tư các vườn nhân giống cho các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: Quang Yên.

Đến nay, Dự án VnSAT đã chứng nhận được 51 vườn ươm tư nhân đạt tiêu chuẩn tham gia dự án VnSAT (Đắk Lắk: 16 vườn; Đắk Nông 9 vườn; Lâm Đồng 11 vườn; Gia Lai 12 vườn và Kon Tum 3 vườn); Hỗ trợ nâng cấp 11 vườn ươm nhà nước và 21 vườn ươm tư nhân, các vườn ươm được nâng cấp đã cung cấp ra thị trường hơn 12,6 triệu cây giống đảm bảo chất lượng cho tái canh 12.000 ha cà phê.

Theo mục tiêu đến cuối dự án đã đạt được 10.000 ha được tái canh đúng kỹ thuật, sử dụng nguồn giống đạt tiêu chuẩn và áp dụng các kỹ thuật canh tác bền vững. Thông qua các hoạt động hỗ trợ tích cực, đến nay diện tích cà phê tái canh trong vùng dự án đã thực hiện được 18.283 ha, đạt 183% mục tiêu đề ra (trong đó: Đắk Lắk 6.251 ha, đạt 208% kế hoạch, Đắk Nông 4.260 ha, đạt 152%; Gia Lai 2.515 ha, đạt 148%; Lâm Đồng 4.721 ha, đạt 236% và Kon Tum 536 ha, đạt 107%).

"5 tỉnh Tây Nguyên, nhờ các chương trình đào tạo, tập huấn kỹ thuật của dự án và được sử dụng nguồn giống cà phê đạt chuẩn nên các vườn cà phê tái canh trong vùng dự án đều sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, tỷ lệ tái canh thành công đạt trên 95%", ông Sơn thông tin.

Mở rộng đề án tái canh ra nhiều địa phương

Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu trồng tái canh và ghép cải tạo khoảng 107 nghìn ha cà phê; trong đó, trồng tái canh 75 nghìn ha, ghép cải tạo 32 nghìn ha. Năng suất vườn cà phê sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo ở thời kỳ kinh doanh ổn định đạt bình quân 3,5 tấn nhân/ha. Thu nhập/ha cà phê sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo tăng 1,5 - 2 lần so với trước khi tái canh.

Tổng kết chương trình tái canh 2014-2020 đã mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt. Do đó, để tiếp tục mở rộng chương trình này, các cơ quan ở Trung ương và địa phương đã có những kế hoạch tiếp theo cho trương tình tái canh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Ông Lê Văn Đức, Phó cục trưởng Cục trồng trọt - Bộ NN-PTNT trình bày kết quả đề án tái canh cà phê. Ảnh: Quang Yên.

Ông Lê Văn Đức, Phó cục trưởng Cục trồng trọt - Bộ NN-PTNT trình bày kết quả đề án tái canh cà phê. Ảnh: Quang Yên.

Ông Đỗ Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, cà phê không những có ý nghĩa về kinh tế mà là văn hóa của địa phương. Do vậy, địa phương đã thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ, tưới tiết kiệm, sử dụng các giống cà phê do Viện WASI nghiên cứu để thực hiện tái canh cà phê.

"Đắk Lắk tái canh chủ yếu sử dụng giống mới. Việc này giúp tăng năng suất, trẻ hóa vườn cà phê già cõi. Thời gian qua, địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ cây giống và vay vốn để tái canh", ông Dũng nói.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, đề án tái canh đã đem lại hiệu quả rõ rệt cho ngành cà phê Việt Nam cụ thể là việc tái canh đã không làm giảm năng suất và sản lượng cà phê Việt Nam mà còn tăng năng suất và sản lượng. Năng suất cà phê Việt Nam năm 2011 là 23,5 tạ/ha đã tăng lên 28,2 tạ/ha năm 2021 và sản lượng tăng từ 1,27 triệu tấn lên 1,81 triệu tấn.

Tái canh cà phê đã đạt vượt kế hoạch, tính lũy kế đến năm 2020 diện tích tái canh cà phê và ghép cải tạo đạt gần 150 nghìn ha, vượt 30 nghìn ha so với kế hoạch.

Để đạt được kết quả đáng khích lệ này là do được chỉ đạo có hiệu quả của các Bộ, ngành Trung ương, Ngân hàng Nhà nước, sự triển khai tích cực, đồng bộ của các địa phương, Dự án VnSAT, sự chủ động phối kết hợp của Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam với người trồng cà phê và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cà phê.

Tái canh giúp cà phê tăng năng suất và chất lượng. Ảnh: Quang Yên.

Tái canh giúp cà phê tăng năng suất và chất lượng. Ảnh: Quang Yên.

Từ những thành công của đề án tái canh cà phê giai đoạn 2014-2020, Bộ NN-PTNT tiếp tục phê duyệt đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025. Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025 không chỉ thực hiện ở 5 tỉnh Tây Nguyên mà còn được mở rộng ở các tỉnh cà phê khác như Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Để tái canh giai đoạn 2021-2025 hiệu quả, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các tỉnh, Hiệp hội, doanh nghiệp và các đơn vị của Bộ các nội dung như: Các địa phương tiếp tục rà soát, phân loại, xác định diện tích cà phê già cỗi của từng hộ để xây dựng kế hoạch tái canh, ghép cải tạo cho từng năm sát với thực tế của địa phương; Các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ, tiếp tục bổ sung hoàn thiện Quy trình tái canh, đặc biệt là quy trình tái canh cho cà phê chè phù hợp với các địa phương như Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị; Viện KHKTNLN Tây Nguyên (WASI) tiếp tục nghiên cứu, khảo nghiệm để đưa vào sản xuất các giống cà phê mới phục vụ nhu cầu tái canh của các tỉnh, chú ý đến bộ giống cà phê chè phù hợp cho cả vùng miền Trung và vùng Tây Bắc.

Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT

Xem thêm
Xuất khẩu cà phê Việt Nam quý II sẽ tăng do nhu cầu thế giới tăng?

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 756.000 tấn cà phê, trị giá 2,57 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng và 57,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

‘Con tôm ôm Thụy Hương 308’ cùng phát triển bền vững

Giống lúa lai ba dòng Thụy Hương 308 đem đến năng suất vượt trội, khả năng chống chịu phù hợp với mô hình luân canh lúa - tôm trên những cánh đồng mặn xâm nhập.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.