Mạnh dạn tái canh cà phê nhờ Dự án VnSAT
Huyện Đăk Hà (Kon Tum) đang ngày càng chuyển mình mạnh mẽ trong việc sản xuất và tái canh cà phê bền vững. Những diện tích cà phê giá già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp đang dần được thay thế bằng những vườn cà phê tươi tốt, chất lượng cao. Có được thành quả này là nhờ sự hỗ trợ của Dự án VnSAT trong việc tái canh cây cà phê hiệu quả, qua đó nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê trên địa bàn.
Đến với huyện Đăk Hà những ngày này, có dịp ghé thăm lòng hồ thủy điện Plei Kroong (xã Hà Mòn), du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những vạt đồi cà phê xanh mơn mởn bao quanh lòng hồ.
Mùa này, một số nhà vườn đang tập trung chăm sóc, tỉa cành cho những cây cà phê tái canh vừa trổ lá xanh.
Đang cặm cụi chăm sóc vườn cà phê tái canh trên diện tích 1 ha, ông Ngô Văn Phương (thôn 2, xã Hà Mòn) cho biết, khoảng hơn 10 năm về trước, gia đình anh thu khoảng 4 - 5 tấn cà phê nhân mỗi vụ, sau khi bán, trừ chi phí vẫn còn tích lũy được khoản tiền kha khá. Nhưng rồi vài năm trở lại đây, sản lượng cà phê giảm dần, chất lượng kém, không đủ chi phí, gia đình quyết định tái canh.
Thỏa mãn với những cây cà phê tái canh đang sinh trưởng tốt, ông Phương cho biết, những năm trước mất mùa, cộng thêm việc cà phê già cỗi nên năng suất rất kém, chỉ đạt khoảng 2 tấn nhân/ha. Đến năm 2020, ông quyết định vay tiền, thuê máy đào cây, múc hố, sau đó để đất nghỉ ngơi khoảng 1 năm mới tiến hành bón phân, xuống để trồng.
“Trước đó, vườn cây già cỗi, có nhiều tuyến trùng nên khi phá bỏ phải làm đất, bón phân thật kỹ, nếu không những cây cà phê tái canh sẽ bị vàng lá, kém chất lượng. Rất may, trong quá trình tái canh, gia đình đã được tham gia các lớp tập huấn của Dự án VnSAT nên đã nắm rất vững những quy trình, kiến thức để thực hiện tái canh cà phê một cách bài bản, khoa học”, ông Phương nói và cho biết, những cây cà phê tái canh được gia đình sử dụng giống TRS1 cho năng suất cao.
Cách vườn cà phê của ông Phương không xa là 2 vườn cà phê tái canh của bà Ngô Thị Mai (thôn 2, xã Hà Mòn) với tổng diện tích hơn 1,3 ha. Hiện tại, vườn cà phê tái canh của gia đình bà Mai đã bước sang năm thứ 3 và cho thu bói với sản lượng lên đến 3,5 - 4 tấn nhân/ha.
Bà Mai cho biết, từ những kết quả đã đạt được, gia đình sẽ tiếp tục phá bỏ 0,5 ha vườn cà phê già cỗi để thực hiện tái canh trong năm sau.
Được biết, gia đình bà Mai là một trong những hộ đầu tiên tại xã Hà Mòn thử nghiệm đưa giống cà phê mới TRS1 vào trồng. Trước khi chọn giống, gia đình cũng đã tìm hiểu rất kỹ về các thông số kỹ thuật do Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Viện Eakmat) nghiên cứu, cũng như được sự hỗ trợ từ Dự án VnSAT. Theo đó, giống TRS1 cho tỉ lệ đậu quả rất cao, chất lượng rất tốt. Đặc biệt, giống này rất ít cành tăm như những giống cũ nên việc chăm sóc dễ dàng hơn nhiều.
Ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung (huyện Đăk Hà) cho biết, chưa bao giờ phong trào tái canh cà phê tại huyện Đăk Hà lại lan tỏa rộng khắp như những năm gần đây.
“Đăk Hà là thủ phủ cà phê của tỉnh Kon Tum nhưng phần lớn đã già cỗi, năng suất thấp. Việc tái canh cà phê đang được rất nhiều các hộ dân trong vùng hưởng ứng. Chỉ tính riêng ở các thành viên của HTX đã có khoảng hơn 20 ha cà phê được tái canh trong năm nay. Trên thực tế, nhiều vườn cà phê sau khi tái canh, sử dụng những giống mới cho năng suất rất cao, thập chí có những vườn cà phê mới thu bói đã cho sản lượng trên 3 tấn nhân/ha”, ông Sáu nói và cho biết, mới đây, lãnh đạo Dự án VnSAT Trung ương ghé thăm và làm việc đều đánh giá rất cao những vườn cà phê tái canh của người dân trên địa bàn.
Bà Dương Thị Thanh Lương, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án VnSAT Kon Tum cho biết, những năm qua, thông qua các lớp đào tạo, tập huấn, người dân đã nâng cao nhận thức, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tái canh cà phê bền vững. Theo đó, người dân biết được việc giảm chi phí đầu vào như giảm phân vô cơ, tăng phân hữu cơ, giảm nước tưới và giảm số lần tưới trong năm… Đến nay, có 67,2% nông dân sau khi tập huấn đã áp dụng tiêu chí kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững, tăng tỷ lệ lợi nhuận lên 20,6% so với khi chưa có Dự án.
Bà Lương cũng cho biết, ngoài các khóa tập huấn tái canh cà phê, Dự án VnSAT Kon Tum đã hợp đồng với các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện các hoạt động như: Giám sát, đánh giá nhu cầu đào tạo, quản lý sâu bệnh, phân tích đất và chuẩn đoán dinh dưỡng hỗ trợ cho nông dân sản xuất và tái canh bền vững.
Đột phá tái canh cà phê giai đoạn 2021 - 2025
Sau 5 năm thực hiện đề án tái canh, nhiều vườn cà phê ở tỉnh Gia Lai đã bước vào chu kỳ kinh doanh với năng suất và chất lượng cao hơn hẳn so với những diện tích cây già cỗi. Trên cơ sở đó, Gia Lai đang tiếp tục đẩy mạnh tái canh cà phê trong giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu đưa ngành hàng này phát triển bền vững hơn.
Theo đó, Gia Lai đang tập trung quản lý nguồn cây giống, đồng thời khuyến cáo người dân sử dụng cây giống chất lượng từ các đơn vị cung ứng uy tín như giống TRS1, TRS4, TRS9… Bên cạnh đó, các địa phương cũng tổ chức tập huấn về quy trình kỹ thuật tái canh, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất cà phê bền vững.
Ghi nhận tại xã Đăk Krong, huyện Đăk Đoa, rất nhiều vườn cà phê đã thực hiện tái canh được 2 - 3 năm. Nhiều vườn cà phê đã được “trẻ hóa” bằng các giống cà phê mới như TRS1, TRS4 cho năng suất 20 tấn quả tươi/ha, cá biệt có những vườn đạt 30 tấn quả tươi/ha.
Gia đình ông Dương Thanh Biên (thôn 4, xã Đăk Krong) có 1,5 ha cà phê trồng từ những năm 1990 đã già cỗi, chất lượng kém. Đến năm 2018, gia đình biết được Dự án VnSAT về hỗ trợ người dân tập huấn tái canh cà phê cũng như hỗ trợ giống và phân bón. Từ đó, gia đình mạnh dạn phá bỏ vườn cà phê già cỗi để thực thiện tái canh.
Chỉ sau 3 năm tái canh, cây cà phê đã cho thu bói với năng suất trên 3 tấn nhân/ha, trong khi trước đó chỉ đạt khoảng 2 tấn nhân. Qua vụ năm nay, thời tiết thuận lợi, vườn cà phê dự kiến cho năng suất hơn 4 tấn nhân/ha.
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, chương trình sản xuất và tái canh cà phê bền vững những năm qua đã có những dấu hiệu tích cực. Nhờ hỗ trợ từ Dự án VnSAT, người dân đã chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng cà phê. Theo đó, 70% nông dân đã áp dụng thành công tiêu chí kỹ thuật tái canh cà phê bền vững vào thực tiễn sản xuất.
Mặt khác, các địa phương trong tỉnh cũng đã quan tâm, kiểm soát chặt chẽ chất lượng cây giống nên việc tái canh mang lại hiệu quả cao.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã tái canh hơn 12,5 ngàn ha cà phê, đạt 91,9% kế hoạch. Trong đó, hộ gia đình tái canh hơn 11,5 ngàn ha, các doanh nghiệp gần 1 ngàn ha.
Ông Có cho biết, Bộ NN-PTNT hiện đang điều tra, khảo sát, thu thập thông tin về nhu cầu tái canh cà phê giai đoạn 2021 - 2025 tại các tỉnh Tây Nguyên. Vì vậy, các địa phương tiếp tục khuyến khích người dân tái canh bằng giống mới chất lượng cao, xen canh với loại cây khác vừa chắn gió, vừa đa dạng hóa cây trồng tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập.
Đến nay, Dự án VnSAT Kon Tum đã thực hiện được 35 lớp tập huấn về tái canh cà phê bền vững cho 1.411 người (50% phụ nữ và 60% dân tộc thiểu số) và 81 lớp sản xuất cà phê bền vững cho 3.179 nông dân (nữ chiếm 44 %, dân tộc 56,7 %). Sau các khóa đào tạo, có phiếu đánh giá của học viên về chất lượng, nội dung và hình thức tổ chức. Kết quả các lớp học được đánh giá là tốt, đạt yêu cầu.
Nhằm phục vụ các lớp tập huấn, Dự án VnSAT đã triển khai mô hình trình diễn tái canh cà phê với diện tích 19,1 ha cho 31 hộ tham gia, mô hình trình diễn sản xuất bền vững với diện tích 22,5 ha cho 42 hộ tham gia.
Các hộ tham gia mô hình trình diễn đảm bảo theo tiêu chí: Hộ gia đình tiên tiến, chịu khó làm ăn, nằm trong vùng quy hoạch sản xuất cà phê và vùng Dự án. Ngoài ra, các vườn cà phê của người dân phải thuận tiện đường giao thông, đủ điều kiện về nhân lực và vật lực sẵn sàng tham gia và chia sẻ kinh nghiệm cho các nông dân khác...
Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT