| Hotline: 0983.970.780

Chuyện 'bó đũa' liên kết sản xuất cà phê của HTX Ia Mơ Nông

Thứ Ba 10/05/2022 , 09:07 (GMT+7)

GIA LAI Nhờ sự hỗ trợ đúng lúc của Dự án VnSAT, HTX Ia Mơ Nông được tiếp thêm nguồn lực, tiên phong trong liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê, hướng tới xuất khẩu.

Liên kết để vươn ra biển lớn

Đến bây giờ, khi nhắc về câu chuyện được Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cùng lãnh đạo tỉnh Gia Lai đến thăm vườn cà phê của gia đình, ông Nguyễn Ngọc Bích (thôn Ia Lôk, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) vẫn cảm thấy tự hào, hãnh diện.

Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX Ia Mơ Nông luôn ấp ủ ý tưởng về sản xuất cà phê bền vững, và đã được Dự án VnSAT kịp thời hỗ trợ. Ảnh: Đăng Lâm. 

Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX Ia Mơ Nông luôn ấp ủ ý tưởng về sản xuất cà phê bền vững, và đã được Dự án VnSAT kịp thời hỗ trợ. Ảnh: Đăng Lâm. 

Đó là thời điểm của hơn 1 năm về trước, khi ông Bích đang loay hoay chăm sóc vườn cà phê thì bất ngờ có đoàn công tác của Bộ NN-PTNT và lãnh đạo tỉnh Gia Lai đến thăm. Tại đây, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã chia sẻ rất nhiều về câu chuyện sản xuất, tái canh cà phê, từ việc chọn giống, quy trình chăm sóc cho đến việc liên kết sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị bền vững...

Sự thay đổi vượt bậc trong sản xuất cà phê của gia đình ông Bích, chính là từ khi gia đình ông tham gia vào HTX Sản xuất - Thương Mại - Dịch vụ - Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (HTX Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh). Gia đình ông là thành viên của HTX từ khi mới thành lập, lúc bấy giờ mọi thứ phải xây dựng từ viên gạch đầu tiên.

Dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng HTX vẫn hỗ trợ gia đình ông rất nhiều để định hướng phát triển cà phê theo hướng bền vững. Đầu tiên, HTX hỗ trợ cho gia đình tiếp cận với hệ thống tưới tiết kiệm do Dự án VnSAT đầu tư theo hình thức đối ứng 50/50. Ngoài ra, gia đình còn được tập huấn về sản xuất và tái canh cà phê bền vững, hỗ trợ đầu tư phân bón cho đến việc liên kết bao tiêu sản phẩm.

HTX Ia Mơ Nông được xem là một trong những mô hình tiên phong về liên kết sản xuất cà phê gắn với tiêu thụ sản phẩm của tỉnh Gia Lai. HTX hiện có 369 thành viên liên kết và 100 thành viên ngoài liên kết, sản xuất trên diện tích hơn 500ha cà phê.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (thứ 6 từ trái sang) và lãnh đạo tỉnh Gia Lai đến thăm HTX Ia Mơ Nông năm 2021. Ảnh. Tuấn Anh. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (thứ 6 từ trái sang) và lãnh đạo tỉnh Gia Lai đến thăm HTX Ia Mơ Nông năm 2021. Ảnh. Tuấn Anh. 

Nhớ lại việc từ khi mới thành lập HTX vào năm 2018, ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX Ia Mơ Nông cho biết, trước năm 2018, ông đã thành lập công ty về dịch vụ nông nghiệp nhưng rồi thấy không hiệu quả, nhất là khi quỹ đất của Tây Nguyên rộng lớn nhưng lại không tập hợp được người dân để cùng nhau phát triển các mặt hàng nông sản. Thấy vậy, ông đã đi nhiều nơi để nghiên cứu một số mô hình HTX phát triển hiệu quả.

Sau khi đúc kết được nhiều kinh nghiệm và biết được thời điểm này Dự án VnSAT cũng đang hỗ trợ cho các HTX sản xuất và tái canh cà phê rất hiệu quả, ông Thanh đã quyết tâm kêu gọi các thành viên cùng chung tay thành lập nên HTX Ia Mơ Nông.

“HTX được thành lập nhằm kêu gọi tất cả các hộ dân góp vốn để cùng nhau sản xuất cà phê số lượng lớn, chất lượng nhằm hướng đến xuất khẩu”, ông Thanh nói và ví von việc thành lập HTX cũng như câu chuyện về “bó đũa”, nếu mọi người cùng nhau liên kết lại sẽ khó bị đánh bại.

Điều quan trọng nhất khi mới thành lập HTX chính là nguồn vốn để duy trì hoạt động. Lúc bấy giờ đã có hàng trăm thành viên chung tay góp vốn nhưng theo kiểu nhỏ lẻ, không hiệu quả. Thấy vậy, ông Thanh kêu gọi một số thành viên có tiềm lực tài chính góp vốn nhằm xây dựng HTX vững mạnh.

Sau thời gian sàng lọc, đến nay, HTX Ia Mơ Nông đã tập hợp được 9 thành viên chủ lực với vốn điều lệ hơn 7 tỷ đồng.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (bìa trái) đánh giá cao việc liên kết phát triển cà phê bền vững của HTX Ia Mơ Nông. Ảnh: Tuấn Anh.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (bìa trái) đánh giá cao việc liên kết phát triển cà phê bền vững của HTX Ia Mơ Nông. Ảnh: Tuấn Anh.

Mục tiêu của HTX ngay khi thành lập nhằm tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cà phê theo hướng bền vững. Theo đó, HTX tổ chức triển khai xuống cho các thành viên về mô hình sản xuất cà phê theo chuỗi liên kết. Cụ thể, người dân sẽ được hỗ trợ phân bón, hướng dẫn quy trình chăm sóc cho đến thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.

Nhờ sản xuất theo chuỗi liên kết, chăm sóc đúng quy trình nên năng suất, chất lượng cà phê của các thành viên trong HTX Ia Mơ Nông tăng cao rõ rệt trong những năm qua. Mùa vụ năm 2021, năng suất cà phê của HTX đạt khoảng hơn 4 tấn nhân/ha, tổng sản lượng đạt khoảng gần 2.000 tấn, giá cà phê khoảng 41.000 – 42.000 đồng/kg. Về thị trường, HTX đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp để tiêu thụ khoảng 1.000 tấn nhân và 800 tấn cà phê tươi. Như vậy, các thành viên của HTX không còn lo vấn đề tiêu thụ mà chỉ tập trung vào sản xuất đảm bảo chất lượng sản phẩm cà phê.

Bằng mọi cách tiếp cận Dự án VnSAT

Ông Thanh cho biết, khi biết có Dự án VnSAT hỗ trợ sản xuất và tái canh cà phê bền vững, ông càng quyết tâm thành lập HTX. Chính vì vậy, thành quả có được cho đến hôm nay chính là nhờ sự hỗ trợ đầu tư rất lớn từ Dự án VnSAT.

Tây Nguyên có rất nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp nhưng có nhiều lý do khiến vùng đất này chưa thể cất cách, nhất là đối với mặt hàng cà phê. Thấy vậy, ông Thanh đã quyết định đi nhiều nơi để “tầm sư học đạo” với mong muốn làm sao để cây cà phê của tỉnh nhà phát triển bền vững hơn. Tình cờ có dịp qua Đăk Lăk, ông mới biết được Dự án VnSAT đang hỗ trợ người dân trồng cà phê rất hiệu quả.

Lúc đó, ông Thanh đã nhen nhóm thành lập HTX để tiếp cận Dự án VnSAT nhằm được hỗ trợ, phát triển. Sau đó, ông đã làm đơn gửi Ban quản lý Dự án VnSAT Trung ương để được hỗ trợ. Tuy nhiên, thời điểm bấy giờ, xã Ia Mơ Nông lại không nằm trong vùng Dự án. Nhưng rồi với quyết tâm đem lại quyền lợi cho các thành viên trong HTX, ông Thanh tiếp tục làm tờ trình gửi ra Bộ NN-PTNT, Ban quản lý Dự án VnSAT Trung ương để được tham gia Dự án.

HTX Ia Mơ Nông đang đăng ký mã vùng trồng, cải thiện hơn nữa chất lượng sản phẩm để hướng đến xuất khẩu. Ảnh: Đăng Lâm.

HTX Ia Mơ Nông đang đăng ký mã vùng trồng, cải thiện hơn nữa chất lượng sản phẩm để hướng đến xuất khẩu. Ảnh: Đăng Lâm.

Sau thời gian vất vả ngược xuôi, HTX Ia Mơ Nông cũng được Dự án VnSAT đồng ý hỗ trợ đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình Dự án VnSAT đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm lại gặp vướng mắc dẫn đến không thể thực hiện được.

Cụ thể, Dự án VnSAT hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, điều này không mang lại hiệu quả cho cây cà phê. Để thuyết phục bằng hệ thống tưới phun mưa tận gốc, ông Thanh đã chấp nhận làm thử nghiệm trước 1ha và thấy hiệu quả nên sau đó Dự án VnSAT đã quyết định đầu tư. Đến nay, Dự án đã hỗ trợ đầu tư cho HTX được 62 ha hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa tận gốc.

Cùng thời điểm đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, Dự án VnSAT còn hỗ trợ đầu tư cho HTX các trang thiết bị máy móc sơ chế và chế biến cà phê chất lượng cao. Đặc biệt, mới đây, Dự án đã đầu tư cho HTX hơn 6 km đường bê tông đi vào khu sản xuất cà phê của các thành viên với tổng kinh phí hơn 11 tỷ đồng.

Theo ông Thanh, từ đòn bẩy Dự án VnSAT, thời gian tới, HTX sẽ tiến hành quy hoạch lại vùng sản xuất, đăng ký mã vùng, chứng nhận cho các sản phẩm chủ lực như cà phê, sầu riêng, chanh dây

“Hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước muốn hợp tác với HTX để xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu. Muốn vậy, HTX bắt buộc phải hoàn thiện các thủ tục đăng ký mã vùng trồng, chứng nhận chất lượng sản phẩm mới nghĩ đến chuyện xuất khẩu nông sản nói chung và cà phê nói riêng”, ông Thanh chia sẻ.

Đánh giá về HTX Ia Mơ Nông, ông Lê Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án VnSAT tỉnh Gia Lai cho biết, đây là HTX năng động nhất trong câu chuyện liên kết phát triển cà phê bền vững. Nếu như nhiều HTX trên địa bàn tỉnh còn khó khăn về việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho người dân thì HTX Ia Mơ Nông gần như ít bị phụ thuộc vào thị trường.

Ngoài ra, HTX Ia Mơ Nông còn đa dạng hoá sản phẩm thông qua việc trồng xen canh cà phê với các loại cây ăn trái, qua đó mang lại lợi nhuận cao cho các thành viên.

Ông Nguyễn Văn Hiệu, Chủ tịch HTX Ia Mơ Nông cho biết, thời gian qua, HTX Ia Mơ Nông đã xây dựng mô hình liên kết, bao tiêu sản phẩm cho người dân rất tốt. Theo đó, giá cà phê cũng được HTX thu mua cao hơn thị trường, khiến người dân rất vui mừng. Ngoài ra, HTX còn tạo điều kiện cho người dân mua được các loại phân bón chất lượng. Đặc biệt, người dân được hỗ trợ sử dụng phân bón đến khi thu hoạch mới phải thanh toán, điều này đã giúp bà con không còn bị áp lực về chi phí đầu tư.

Thời gian tới, UBND xã  Ia Mơ Nông sẽ tiếp tục đề xuất với Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai để hỗ trợ đầu tư thêm hệ thống tưới tiết kiệm cũng như mở các lớp tập huấn về sản xuất và tái canh cà phê bền vững để tất cả người dân có thể tiếp cận được.

Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.