Nơi nào cuộc sống càng khó khăn và tăm tối thì ma cà rồng xuất hiện càng nhiều để hút máu người sống và cả người chết.
Bắt được một con ma cà rồng thì khó khăn vô cùng, nhiều thầy mo cao tay dùng mọi phép thuật cũng không bắt được. Bởi thế, ma cà rồng ẩn hiện trong tâm thức người dân và tồn tại cho tới tận ngày nay…
Đụng phải ma cà rồng
Nhớ những năm tháng dạy học ở vùng cao tôi thức thâu đêm xem cúng và nghe người dân kể chuyện ma cà rồng. Đêm ở trên núi hoang vắng đến rợn người, khoảng chín giờ tối thì mọi gia đình đã tắt đèn đi ngủ.
Ngồi bên bếp lửa cháy bập bùng khi mờ khi tỏ, nhất là mùa đông gió lạnh mang hơi sương từ ngoài lọt qua kẽ liếp lùa vào nhà càng khiến câu chuyện hãi hùng hơn.
Tôi còn nhớ ông thầy mo Lò Văn Đanh sau khi kể chuyện ma cà rồng rồi khum hai bàn tay lên đầu hất hàm ra ngoài cửa sổ có hai con đom đóm xanh lè to bằng nắm tay trẻ em bay lập lòe.
Ông bảo: Ma cà rồng đấy, chắc nó vừa đứng dưới gầm sàn rình hút máu người bị chó cắn dữ quá nên nó dạt ra ngoài bờ ao kia. Hai tinh mắt của nó xanh lè đang ở trên trán, nó đang nhìn vào ngôi nhà này…
Nói xong ông rút khúc củi đang cháy dở khua loạn xạ rồi nhô đầu ra cửa sổ vừa khua khúc củi thành vòng tròn lửa, miệng thét lớn: "Tai ha! Tai ha!" (chết đi)… khiến mọi người sợ xanh mắt ngồi rúm lại với nhau.
Ma cà rồng thè lưỡi đỏ lòm hơn cả lưỡi ông đang thè ra đây
Theo lời kể của thầy mo và mọi người, ma cà rồng thường hiện hình trong những phụ nữ xinh đẹp, họ cũng lấy chồng sinh con làm ruộng nương như mọi người trong thôn bản không khác gì những phụ nữ bình thường khác.
Tuy nhiên, nếu là ma cà rồng thì trên đầu chỗ nằm của họ giấu một mẩu xương người ngâm trong ống nước vo gạo.
Đêm khuya ma cà rồng mới đi ăn, nơi chúng đến là những gia đình có người ốm sắp chết, những phụ nữ mới sinh, những đứa trẻ con xinh đẹp, hoặc những chỗ người dân vừa mổ gia súc, chúng đến để la liếm hút máu còn đọng lại trên mặt đất và các ngọn cỏ.
Người Khơ Mú Nghĩa Sơn (huyện Văn Chấn, Yên Bái) mấy chục năm trước đây bị coi là dân tộc hạ đẳng, thanh niên trai tráng bị các quan tạo dưới cánh đồng Mường Lò bắt xuống canh quan tài không cho ma cà rồng tới hút máu khi trong nhà của họ có người chết.
Họ để người chết mấy ngày làm ma, nước rỉ qua kẽ quan tài rơi xuống đầu những người đứng canh phía dưới.
Lúc người phụ nữ “hóa” thành ma cà rồng cầm vào tay ai thì người đó sau vài ngày trở nên xanh xao vàng vọt, người khô đét lại rồi chết.
Ông Lò Văn Biến (nghệ nhân sưu tầm, biên dịch chữ Thái cổ, ở TX. Nghĩa Lộ) kể: Hồi trẻ tôi đã vài lần đụng ma cà rồng trên đường đi. Khi thì nó hóa thành con lợn, khi lại hóa thành con trâu lao rầm rầm vào bụi rậm hay lội ùm ùm dưới ao. Khiếp! Lúc ấy mình chỉ có cách chạy thục mạng không để nó tóm được tay mình.
Thầy mo Lò Văn Phong đứng lên lấy một chiếc áo vắt bên cạnh bàn thờ giơ lên cho tôi xem: Đây là áo của cô gái 13 tuổi ở trên xã Nghĩa Phúc sau khi tôi cúng cho cô bé này khỏi bệnh, người nhà của cô bé mới mang áo gửi lại nhà tôi để mình giữ hộ. Giống như chuyện giữ vía, khi nào cô ấy chết thì đến đây lấy lại chiếc áo này mang về để người chết mang theo.
Thầy mo Lò Văn Phong chỉ những bộ quần áo của người bệnh mà ông cúng khỏi gửi tại nhà ông
Tôi hỏi ông có bao nhiêu người mà ông đã cúng khỏi bệnh gửi lại quần áo ở gia đình ông?
Ông chỉ vào mấy bao tải đặt phía sau bàn thờ: Úi, không nhớ hết đâu, vài chục hay cả trăm cái đấy, đủ loại quần áo của người già, trẻ em và các dân tộc Thái, Mường, Dao, Mông… Mình phải giữ cho họ, khi nào họ chết thì tới đây tìm lại, nếu không thấy thì họ bắt đền mình đấy, không được để mất cái nào đâu.
Ông Phong giơ chiếc áo của cô bé 13 tuổi ông vừa cúng khỏi gửi lại
"Mỗi năm tôi cho vào một chiếc bao tải để phía sau bàn thờ, nếu phải chuyển nhà thì cũng phải mang số quần áo đó đi. Đó là cái vía họ nhờ mình giữ hộ để ma tà không quấy nhiễu, làm họ ốm đau", thầy mo kể tiếp.
Thực và hư
Trở lại câu chuyện bắt ma cà rồng, thầy mo Lò Văn Phong trầm ngâm một lúc quay sang nghệ nhân Lò Văn Biến: Nói thật với ông Biến và nhà báo nhé, suốt mấy chục năm đi cúng tôi bắt được rất nhiều ma, từ Phi Nọi đến Phi Luông, Phi Bá, Phi Nà… (ma lớn, ma bé, ma rừng, ma ruộng) tôi đều bắt được nhưng Phi Phông (ma cà rồng) thì chịu không thể nào bắt nổi.
Chiếc áo ông chỉ mặc khi cúng Phi Luông (ma to)
Tôi hỏi ông mo Phong: Đã khi nào ông nhìn thấy ma cà rồng chưa? Ông khoát tay: Nhìn thấy chứ, ở cánh đồng Mường Lò này khối ma cà rồng. Mình biết là ma cà rồng đấy, nhưng không dám nói ra, vì mình không bắt được thì im lặng thôi. Nếu nói ra gây mất đoàn kết, sinh thù oán cho họ hàng, con cháu.
Đã bao giờ ông nhìn thấy ông mo bắt được ma cà rồng chưa? Ông Phong bất chợt trở lên hào hứng quay sang phía nghệ nhân Lò Văn Biến: Năm ấy là năm nào nhỉ, khi tôi và ông mới chín mười tuổi thôi, ông mo bản tôi đào một cái hố sâu đến đầu gối, xung quanh đóng cọc, rào bằng chỉ trắng như kết mạng nhện. Nơi đây để nhốt con ma cà rồng sau khi bắt được nó.
Hóa ra ma cà rồng chỉ xuất hiện khi cuộc sống đói kém ở cái thời mông muội xa xưa còn rất nhiều khó khăn và người dân ít hiểu biết. Còn bây giờ ma cà rồng ít xuất hiện, nó chỉ còn là những câu chuyện truyền lại trong dân gian với rất nhiều điều kỳ bí đến nỗi không ít ông mo có nhiều phép thuật cũng bó tay. |
Đêm ấy ông mo làm cúng ở nhà mình xong mới gọi quan tạo trong thôn bản tới cùng đến nhà con ma cà rồng kia. Khi tới nơi con ma cà rồng bật dậy, nó đốt một ngọn đèn sáng choang ở trên xà nhà. Ngọn đèn sáng đến nỗi lóa hết cả mắt không nhận ra ai với ai. Đó là con ma cà rồng muốn trốn thoát khỏi bàn tay của ông mo kia.
Ông mo mới phẩy tay ra lệnh cho Quân cả tạo han hóa thành con bướm lớn bay vào làm tắt ngọn đèn đang cháy. Con ma cà rồng mới thắp trên đầu hai ngọn đèn xanh lét rồi thè chiếc lưỡi đỏ lòm ra để uy hiếp thầy mo và quan tạo. Thầy mo vừa hoa hoa bó hương bắt quyết, tung ra các phép thuật dụi tắt hai ngọn đèn trên đầu con ma cà rồng, khi đó nó mới chịu ngồi xuống.
Thầy mo lôi chiếc bem trên đầu giường chỗ nằm của nó xuống mở tung ra thu hết số tiền bạc, vòng tay, vòng cổ, xà tích… rồi dẫn nó ra nhốt ở hố đất đã đóng cọc rào bằng chỉ trắng.
Tại đây ông mo dùng các phép thuật đuổi con ma cà rồng ra khỏi người phụ nữ cho đến khi người ấy gục xuống mới mang về nhà. Sau hôm đó người phụ nữ kia mới trở lại bình thường không đi làm hại những người trong thôn bản…
Thầy mo (mặc áo đỏ) trong một lần cúng ma ngoài đồng
Trên đường trở về, một lần nữa tôi hỏi ông Lò Văn Biến thực hư câu chuyện ma cà rồng, ông Biến khẳng định: Có ma cà rồng thật đấy, chứ không phải nói chơi đâu. Ngày trước đói kém ma cà rồng đi ăn nhiều, bây giờ no đủ rồi ma cà rồng không mấy khi xuất hiện hại người như xưa nữa.