| Hotline: 0983.970.780

Chuyến cá ngừ đầu năm đi Nhật

Thứ Hai 02/02/2015 , 06:15 (GMT+7)

Sáng 31/1, 4 trong 5 chiếc tàu của ngư dân xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn-Bình Định) tham gia mô hình khai thác và xuất khẩu cá ngừ đại dương sang Nhật lần lượt cập bờ tại Cảng cá Quy Nhơn./ Quy trình nghiêm ngặt đưa cá ngừ đại dương đi Nhật Bản

Niềm vui rạng rỡ trên gương mặt những ngư dân sạm đen vì nắng gió, bởi đây là chuyến biển trúng cá.

Niềm vui nhân đôi khi những con cá được đánh bắt trong chuyến biển này sẽ được Cty Kato Hitoshi General Office lựa chọn xuất khẩu sang Nhật Bản trong đợt đầu năm 2015.

Chuyến biển bội thu

Vừa hô hoán chỉ đạo anh em thuyền viên thận trọng đưa những con cá ngừ từ hầm bảo quản lên boong tàu tránh va chạm làm mất chất lượng, ngư dân Nguyễn Quê ở xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn-Bình Định), chủ nhân tàu cá BĐ-96776 TS (420CV), vừa vui vẻ cho biết: “Chiếc tàu của tui mở cửa biển vào ngày mùng 7 tháng 11 âm lịch, tính đến khi cập bờ là 21 ngày.

Trừ mất 6 ngày đêm ra vào, thời gian đánh bắt chỉ 15 ngày nhưng chuyến biển này tàu của tui câu được 21 con. Do phải về để kịp đợt xuất khẩu đi Nhật chứ nếu làm thêm sẽ còn đánh bắt được nhiều nữa.

Hiện nay trên thị trường, cá ngừ đại dương đang được thu mua với giá 102.000đ/kg, nhưng đối với tàu trong mô hình, ngoài những con cá được chọn xuất khẩu đi Nhật, những con khác vẫn được Cty CP thủy sản Bình Định (BIDIFISCO) thu mua 105.000đ/kg.

Đánh bắt được nhiều cá, bán giá cao, anh em thuyền viên ai nấy đều mừng vì thu nhập của chuyến biển này sẽ lo cho gia đình có được cái Tết vui vẻ”.

Tương tự, 3 chiếc tàu còn lại của ngư dân La Tình, La Bươn, cùng ở xã Tam Quan Bắc, làm chủ tàu cũng được bội thu. Chiếc tàu mang biển số BĐ-95648 TS đánh bắt được 28 con, chiếc BĐ-96225 TS được 24 con và chiếc BĐ-95725 TS đánh bắt được 27 con.

Tiếc là tàu BĐ-96197 TS của ngư dân La Bươn đã đánh bắt được 40 con nhưng về không kịp chuyến này.

“Tui đi biển làm nghề câu cá ngừ đại dương đã hơn 20 năm, bây giờ được tham gia vào mô hình đánh bắt bằng công nghệ Nhật Bản mới thấu được việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất lợi ích thế nào.

Mỗi tàu cũng đi có 7 thuyền viên như trước, nhưng nếu gặp luồng cá lớn, nhờ máy câu trợ giúp nên đánh bắt rất đạt, không bao giờ bỏ sót con nào. Tui bố trí cho những thuyền viên mỗi người mỗi khâu nên việc đánh bắt được thực hiện gọn trơn”.

Quy trình lựa chọn nghiêm ngặt

Đại diện cho Cty Kato Hitoshi General Office là ông Hirosuke Kato, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật - Việt tại Sakai, kiêm Chủ tịch Cty Kato Hitoshi General Office và ông Masakazu Shoga chuyên gia thủy sản của công ty này đã có mặt tại Cảng cá Quy Nhơn vào lúc 6g sáng 31/1.

Theo quan sát của chúng tôi, những chuyên gia Nhật Bản kiểm soát gắt gao công đoạn ngư dân đưa cá lên khỏi hầm bảo quản nhằm tránh va đập mạnh làm ảnh hưởng đến chất lượng thịt. Từng con cá sau khi đưa lên boong tàu được các chuyên gia người Nhật “soi” rất kỹ, sau đó ghi chép tỉ mỉ những thông số vào sổ tay.

Sau khi cá được đưa về Cty BIDIFISCO, các chuyên gia Nhật Bản cùng cán bộ kỹ thuật của BIDIFISCO tiến hành ngay việc mổ lấy thịt phần đuôi từng con cá để kiểm tra chất lượng, chọn cá đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật.

09-56-22_3
Cá được đóng thùng đi Nhật

Trong 100 con cá đánh bắt được, các chuyên gia Nhật Bản đã lựa chọn được 7 con (320kg) có chất lượng thịt đủ tiêu chuẩn ăn sống đưa vào đóng thùng để xuất khẩu. Chuyến biển này, các chuyên gia Nhật Bản ghi nhận sự cố gắng của ngư dân, nhưng vẫn cho rằng tỷ lệ cá được chọn còn quá thấp.

“Chất lượng cá ngừ tùy thuộc lớn vào phương cách bảo quản, trong khi tàu cá của ngư dân còn quá thô sơ nên chưa thể làm tốt khâu này. Chúng tôi đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ cho ngư dân Bình Định về kỹ thuật, đồng thời chuyển giao công nghệ đóng tàu theo mô hình Nhật để từng bước hoàn thiện chuỗi đánh bắt, bảo quản, xuất khẩu cá ngừ sang Nhật”, ông Phạm Ngọc Tuấn, nói.

Ông Phạm Văn Tần, cán bộ kỹ thuật của Cty BIDIFISCO, cho biết: “Những con cá bị loại do thịt không đủ độ đàn hồi, thịt không cùng 1 màu, chỗ đỏ chỗ trắng. Nguyên nhân do ngư dân không tuân thủ đúng quy trình xử lý và bảo quản, cá được đánh được đánh bắt tại vùng biển nước có nhiệt độ cao hoặc bị ký sinh trùng bám vào hủy hoại thịt”.

Ngay chiều 31/1, các chuyên gia Nhật Bản đã có buổi gặp gỡ ngư dân tại Cảng cá Quy Nhơn để trao đổi thêm về kỹ thuật đánh bắt, xử lý và bảo quản cá, những yếu tố tiên quyết để cá được chọn đi Nhật.

Tại buổi gặp gỡ, ông Masakazu Shoga, chuyên gia thủy sản của Cty Kato Hitoshi General Office nhìn nhận, đây vẫn còn đang trong thời gian làm thí điểm nên những gì ngư dân đã làm được là đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, qua kiểm tra lô cá ngừ vừa qua, ông Masakazu Shoga “bắt thóp” là ngư dân vẫn chưa tuân thủ triệt để những kỹ thuật về đánh bắt, xử lý và bảo quản cá mà các chuyên gia Nhật đã chuyển giao, nên tỷ lệ cá đạt tiêu chuẩn đi Nhật còn thấp.

Ngư dân hoạt động trên 4 tàu tham gia mô hình cũng thừa nhận, do không thể thực hiện chuyến biển ngắn ngày như quy định (dưới 10 ngày) vì sẽ không đảm bảo thu nhập cho chuyến biển, nên trong 10 ngày đầu đánh bắt họ không tuân thủ quy trình kỹ thuật, chấp nhận số cá này không có đường đi Nhật. Chỉ những ngày cuối chuyến biển mới làm theo quy trình nên tỷ lệ cá đủ tiêu chuẩn đạt ít.

Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho rằng: Mặc dù tỷ lệ đạt chưa cao nhưng đã cho thấy ngư dân từng bước có những tiến bộ.

“Tham gia mô hình là những hộ ngư dân cá thể, nên việc chuyển giao công nghệ mới trong đánh bắt gặp nhiều khó khăn. Cách làm truyền thống ăn sâu trong máu họ rồi, giờ khiến họ thay đổi cách làm cũng giống như “thay máu”, cần phải có quá trình. Dù khó mấy chúng tôi cũng quyết tâm đi đến thành công”, bà Hà cả quyết.

Trong chuyến biển này, bà Hà đánh giá cao ngư dân Nguyễn Quê, dù chỉ có 1 tàu, đánh bắt được chỉ 21 con trong tổng số 100 con nhưng có đến 4 con được chọn đi Nhật.

Ngư dân Nguyễn Quê chia sẻ: “Tui động viên anh em thuyền viên từ bỏ thói quen, thực hiện việc đánh bắt, xử lý và bảo quản cá đúng quy trình để sản phẩm của mình từng bước gia nhập thị trường quốc tế, có như vậy chuyện làm ăn của mình mới được bền vững và có hướng mở”.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Vụ phó Vụ Khai thác thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) đánh giá cao những thành công bước đầu của ngư dân Bình Định, bởi để sản phẩm “lọt” được vào thị trường Nhật Bản là không dễ. Tuy nhiên, ông Tuấn nhấn mạnh, ngư dân phải tuyệt đối tuân thủ quy trình thì sản phẩm cá ngừ của Bình Định mới có thể gắn kết lâu dài với thị trường Nhật Bản.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.