| Hotline: 0983.970.780

Chuyển dịch mùa vụ cho cả khu vực và từng vùng

Thứ Sáu 11/11/2022 , 11:31 (GMT+7)

Nếu thực hiện chuyển dịch mùa vụ sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài tính toán chung cho cả khu vực, cần phải có những tính toán riêng cho từng vùng.

Thu hoạch lúa ở vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Sơn Trang.

Thu hoạch lúa ở vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Sơn Trang.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, việc chuyển dịch mùa vụ ở Đồng bằng sông Cửu Long cần được xem xét, tính toán trên cả khu vực, đồng thời cũng phải tính đến đặc thù sản xuất ở từng vùng cụ thể.

Chẳng hạn, đối với vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, vụ đông xuân có thể gặp bất lợi vào cuối vụ. Cụ thể, vào khoảng tháng 12, tháng 1, tháng 2, là những tháng nước mặn xâm nhập. Khi ấy, sẽ phải đóng cửa cống của các hệ thống công trình thủy lợi thì mới có thể giúp cho cây lúa không bị chết bởi xâm nhập mặn.

Mà muốn chuyển dịch thời vụ cho vụ đông xuân ở ven biển nhằm tránh bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn cuối vụ, thì phải tính cả vụ hè thu và thu đông để sắp xếp lại các mùa vụ trong năm sao cho đạt lợi ích nhiều nhất.

Với cơ cấu mùa vụ hiện nay, vụ hè thu ở ven biển thường phải chờ khi có mưa thì mới gieo sạ. Việc chờ đợi này khiến cho quỹ thời gian để sản xuất 3 vụ hè thu, thu đông và đông xuân đảm bảo an toàn chỉ còn dưới 8 tháng. Trong khi đó, mỗi vụ lúa cần khoảng thời gian là 3 tháng 10 ngày, 3 vụ cần tới 10 tháng.

Do đó, nếu vẫn giữ cơ cấu 3 vụ như hiện nay, sản xuất lúa ở vùng ven biển chắc chắn sẽ luôn có một vụ gặp những bất lợi về thời tiết, thủy văn ... Vì vậy, nếu chuyển dịch mùa vụ, các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long phải chọn lựa nghiêm ngặt giữa vụ hè thu và thu đông, chấp nhận bỏ một trong hai vụ.

Đối với vùng có hệ thống đê bao, nếu khống chế được nước thì sẽ chủ động sản xuất lúa trong suốt 12 tháng, nhưng làm như vậy thì lại không đưa được nước vào để mang phù sa và rửa độc tố trên đồng ruộng. Do đó, nếu chuyển dịch mùa vụ ở những vùng có hệ thống đê bao, cần phải cân đối mùa vụ như thế nào để có thời gian đưa nước vào để giải độc cho đồng ruộng và bổ sung phù sa.

Một cánh đồng lúa ở Long An. Ảnh: Sơn Trang.

Một cánh đồng lúa ở Long An. Ảnh: Sơn Trang.

Với giải pháp này, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang có thể làm được vì có hệ thống đê bao khép kín với khoảng 2.000 ô bao mỗi tỉnh để sản xuất lúa. Nhưng tỉnh Long An thì khó làm vì tỉnh này chỉ có đê bao lửng.

Vùng giữa Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có thể không bị ảnh hưởng quá nặng bởi lũ cũng như xâm nhập mặn. Tuy nhiên vùng này không có đê bao cho sản xuất lúa. Vì thế, ông Lê Thanh Tùng cho rằng, ở vùng giữa cần cơ cấu 2 vụ ăn chắc, qua đó có quãng thời gian cần thiết để có thể đưa nước lũ tràn đồng nhằm rửa độc tố, bồi đắp phù sa và đẩy hạn, mặn cuối vụ.

Chính vì vậy, GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ), cho rằng việc dịch chuyển vụ hè thu sang vụ thu đông là một vấn đề quan trọng cần được nghiên cứu, xem xét. Bởi chỉ cần làm sao cho đầu vụ hè thu, cây lúa tránh được độc tố trong đất và cuối vụ tránh được mưa gió như hiện nay, thì sẽ cải thiện được đáng kể năng suất vụ hè thu.

GS.TS Nguyễn Bảo Vệ khẳng định, nếu lui thời vụ của vụ hè thu thành vụ hè thu muộn hay thu đông thì sẽ lợi hơn rất nhiều. Bởi khi khoảng thời gian từ sau khi thu hoạch vụ đông xuân đến khi xuống giống vụ hè thu được kéo dài trên 1 tháng cho tới 40 ngày thì năng suất lúa vụ hè thu sẽ tăng lên. Xuống giống khi trên đồng có nước vì đã vào mùa mưa thì cây lúa sẽ phát triển thuận lợi.

Như vậy, sau vụ đông xuân, chúng ta phải tính toán để lui thời điểm xuống giống vụ tiếp theo (hè thu muộn hay thu đông) như thế nào để vừa có lợi nhất cho sản xuất mà lại không ảnh hưởng tới vụ đông xuân sau.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Xã viên sẽ hưởng lợi lớn khi canh tác lúa giảm phát thải

ĐBSCL Theo dự thảo chi trả kết quả giảm phát thải trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nông dân trong các HTX, tổ hợp tác là đối tượng hưởng lợi cao nhất.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.