Năm 2016, việc chuyển đổi càng tăng tốc nhờ triển khai chính sách hỗ trợ...
Chính sách hợp lòng dân
Cuối năm 2015, UBND tỉnh Bình Định ban hành chính sách hỗ trợ giá giống cây trồng cạn trồng trên đất chuyên trồng lúa nhằm khuyến khích nông dân chuyển đổi.
Nông dân huyện Phù Cát thu nhập cao nhờ trồng lạc xen ớt trên đất lúa
“Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, đa dạng hóa cây trồng trên đất SX lúa kém hiệu quả là một trong những nội dung quan trọng để tái cơ cấu trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Chính sách hỗ trợ của tỉnh đã kịp thời giúp cho ngành nông nghiệp thực hiện thành công nhiệm vụ này”, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định khẳng định.
Theo ông Hổ, những loại cây trồng cạn được chuyển đổi trên đất chuyên trồng lúa trong các vụ trong năm theo kế hoạch SX của các địa phương được hỗ trợ là: Ngô, vừng, lạc, rau màu, đậu đỗ các loại. Chính sách này sẽ hỗ trợ cả 3 vụ thực hiện chuyển đổi SX cây trồng cạn trên cùng một diện tích trong suốt thời gian thực hiện, từ năm 2016 - 2020.
Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% giá giống cây trồng cạn cho đồng bào dân tộc thiểu số; đối với các hộ còn lại sẽ được hỗ trợ 50%. Ngoài mức hỗ trợ của tỉnh, ngân sách các địa phương phố tùy vào “nội lực” mà hỗ trợ thêm cho nông dân với mức tối thiểu là 10%.
“Định mức hỗ trợ giống ngô lai là 15 - 20 kg/ha, tùy theo giống ngô; giống lạc 200 kg/ha; giống vừng 6 kg/ha; các giống đậu đỗ 20 kg/ha; giống rau màu các loại 4 triệu đồng/ha được tính theo giá thời điểm”, ông Hổ cho biết thêm.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xác định các loại cây trồng cạn là thế mạnh của từng vùng, có triển vọng về thị trường để bố trí chuyển đổi, đẩy mạnh SX theo hướng thâm canh, tiến tới SX theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, ông Phan Trọng Hổ. |
Có thể nói, nhờ chính sách hỗ trợ giá giống, nông dân nhiều địa phương đã mạnh dạn đồng hành cùng ngành nông nghiệp tỉnh thực hiện mạnh công tác chuyển đổi.
Lợi ích nhiều mặt
Theo Sở NN-PTNT Bình Định, trong năm 2016, diện tích chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa tại tỉnh này là 3.623ha; trong đó chuyển sang cây ngô là 887ha, cây lạc 1.254ha, vừng 530ha, rau dưa các loại 727ha, ớt 76ha, đậu đỗ các loại 30ha. Các địa phương thực hiện chuyển đổi mạnh là các huyện Phù Cát, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, An Lão…
Theo đánh giá của ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, thực tiễn SX cho thấy nhiều địa phương đã thực hiện chuyển đổi thành công, nhiều công thức luân canh có giá trị thu nhập cao đã được áp dụng hiệu quả.
Ông Châu đưa ra một số minh chứng: Tại xã Cát Hải (huyện Phù Cát) chuyển đổi 340ha từ SX 1 vụ lúa bấp bênh sang làm 1 vụ lạc - 2 vụ hành/năm cho thu nhập 150 - 180 triệu đồng/ha/năm; xã Cát Tài (huyện Phù Cát) chuyển 874ha áp dụng công thức: Lạc xen ớt - ngô lai hoặc mè - rau xanh cho thu nhập 120 - 150 triệu đồng/ha/năm; xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước) chuyển làm 1 vụ lúa xong trồng hoa huệ cho thu nhập 120 triệu đồng/ha/năm; các xã Mỹ Trinh và Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ) áp dụng công thức luân canh: Lúa - mè - ngô lai hoặc đậu phộng - mè hoặc ngô lai - kiệu cho thu nhập 76 - 96 triệu đồng/ha/năm; chuyển đổi cây mè tại huyện Vân Canh và Phù Cát cho lợi nhuận bình quân trên 14 triệu đồng/ha, cao hơn gần 10 triệu đồng so SX lúa trên cùng chân ruộng; chuyển đổi cây lạc tại 4 huyện An Lão, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tây Sơn cho lợi nhuận bình quân trên 19 triệu đồng/ha; chuyển đổi cây ngô lai tại các huyện An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tây Sơn và TX An Nhơn cho lợi nhuận bình quân cao hơn trên 4 triệu đồng/ha so trồng lúa.
Mô hình chuyển trồng ngô trên đất lúa tại huyện Hoài Ân