Song, nếu việc chuyển đổi này mang tính tự phát, không được quy hoạch chặt chẽ, khoa học, lựa chọn cây trồng không phù hợp sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực đối với kinh tế nông nghiệp nói riêng, tình hình kinh tế - xã hội nói chung.
Đất nông nghiệp “khóc ròng” vì cây mì
Sau niên vụ 2017 - 2018, theo xu hướng giảm giá đường trên thế giới, giá thu mua mía giảm mạnh, hàng tồn kho liên tục tăng, cộng thêm đường lậu hoành hành khiến nông dân và các nhà máy đường trong nước lao đao.
Việc trồng mì gây ảnh hưởng rất lớn đến đất, dẫn đến tình trạng sa mạc hóa |
Trước những khó khăn mang tính chu kỳ của ngành đường, nhiều hộ nông dân tại một số vùng nguyên liệu mía lớn, như: Gia Lai, Tây Ninh, Phú Yên… đã ồ ạt phá mía trồng mì (sắn) bất chấp khuyến cáo của các cơ quan, ban ngành chức năng.
Ông Đào Văn Mang - một hộ nông dân trồng mía ở ấp Gò Đá, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh chia sẻ: “Cũng từng trồng mì nên tôi biết cây này phá đất dữ lắm, đã trồng mì mà muốn chuyển qua cây trồng khác thì phải mất vài năm để đất phục hồi độ phì nhiêu, trong khi năng suất không đạt như mong muốn”.
Mì được mệnh danh là “cây phàm ăn”, nếu việc trồng mì kéo dài trong nhiều năm sẽ đe dọa, làm đất suy kiệt dinh dưỡng, giảm nhanh các chất hữu cơ, ảnh hưởng đến khả năng giữ nước, giữ phân, thay đổi hệ sinh thái tự nhiên do cây mì sản sinh nhiều độc tố Cyanua (hydrogen cyanide - HCN). Từ đó, tình trạng sa mạc hóa là điều khó tránh khỏi.
Thực trạng này không chỉ diễn ra tại Việt Nam, mà từ lâu tại các cường quốc nông nghiệp trên thế giới cũng đã liên tục khuyến cáo về những tác hại của việc trồng mì. Cụ thể, Trung Quốc và Thái Lan là hai nước có diện tích trồng mì lớn nhất châu Á, cung cấp phần lớn bột mì cho thế giới. Tuy nhiên, sau nhiều năm canh tác, để bảo vệ tài nguyên đất, Chính phủ hai nước này đã đưa ra hàng loạt biện pháp khuyến cáo và cấm người dân không được tiếp tục trồng loại cây này.
Tưởng lời hóa... lỗ
Không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất nông nghiệp, việc phát triển diện tích mì rầm rộ, tự phát còn dẫn đến thực trạng người nông dân không chuẩn bị sẵn nguồn giống chất lượng tốt, sạch mà phải sử dụng giống trôi nổi, nguy hiểm nhất là những giống dính các bệnh truyền nhiễm như khảm lá... Đồng thời, tình trạng trồng ồ ạt sẽ dẫn đến cung vượt cầu khiến giá mì giảm, vấn nạn “được mùa mất giá” hoàn toàn có thể xảy ra và những cuộc giải cứu nông sản sẽ tiếp tục tái diễn.
Mặt khác, hiện nay, chi phí trồng mì và thu hoạch nằm trong khoảng 30 triệu đồng/năm. Trong khi đó, giá mì các nhà máy thu mua đang ở mức 3.200 Vnđ/kg tương đương 30 chữ bột. Tuy nhiên, thực tế cây mì nông dân trồng chỉ đạt tối đa 22 chữ bột bán với giá 2.300 Vnđ/kg. Do mắc bệnh khảm lá, năng suất trung bình chỉ khoảng 15 tấn/ha. Tính ra, nông dân bán chỉ lãi khoảng 3 - 4 triệu đồng/ha. Nếu trừ các chi phí chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển… người trồng thậm chí lỗ vốn.
So với việc trồng mía, trung bình 1 ha mía trồng mới, nông dân đầu tư hết khoảng 30 triệu đồng và được lưu gốc từ 1 - 2 năm sau khi thu hoạch lần đầu. Đây cũng là thời điểm mía đạt năng suất, ít tốn đầu tư, công chăm sóc.
Do vậy, việc phá bỏ mía trồng mì một cách tự phát khiến nông dân không chỉ mất vốn đầu tư, mà còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về giá và dịch bệnh cây trồng. Quan ngại nhất vẫn là “tính mạng” của các vùng đất nông nghiệp, tài nguyên môi trường và đời sống của nông dân.
“Cùng chiến tuyến” với nông dân
“Hiện nay, đa số các hộ nông dân xung quanh đã có suy nghĩ bỏ cây mía để trồng mì. Riêng gia đình tôi, nhiều năm gắn bó với nghề trồng trọt và cây mía, quá quen thuộc với tình cảnh dư thừa phải bán tháo bán lỗ nên quyết định trung thành với cây mía. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã thỏa thuận và ký hợp đồng để nhận được sự hỗ trợ của nhà máy đường từ kỹ thuật canh tác, bao tiêu đầu ra…” - Ông Đào Văn Mang cho biết.
Chính quyền địa phương, cơ quan ban ngành chức năng và các doanh nghiệp cần đưa ra những chính sách phù hợp để “cùng chiến tuyến” với người dân |
Mặt khác, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang nóng dần lên. Cuộc chiến này dự báo sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế thế giới. Theo Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: “Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn của hầu hết các sản phẩm nông - thủy sản của Việt Nam. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc giảm đi và Trung Quốc sẽ phải điều chỉnh chính sách có thể sẽ giảm nhập khẩu. Điều này ảnh hưởng tới nông sản Việt Nam” - (Nguồn: VOV.VN, tháng 7.2018)
Trước tình hình đó, việc tiêu thụ mì và các sản phẩm từ mì của Việt Nam cho thị trường Trung Quốc trong thời gian tới dự báo sẽ rơi vào tình trạng điêu đứng khi người dân tiếp tục ồ ạt trồng mì như hiện nay.
Để có thể “cùng chiến tuyến” với người nông dân, chính quyền địa phương cùng các cơ quan ban ngành chức năng cần tăng cường chỉ đạo chuyên môn và vận động cũng như tuyên truyền đến người nông dân về những mối nguy hại từ cây mì, hệ lụy khôn lường trong việc phá mía trồng mì một cách ào ạt, tự phát. Đồng thời, các nhà máy đường cần có những chính sách nông nghiệp căn cơ, dài hơi nhằm giúp nông dân ổn định sản xuất, đảm bảo đầu ra cho nông sản, hướng đến một nền sản xuất bền vững.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là vấn đề thời sự của nhiều địa phương nói chung và các gia đình nông dân nói riêng. Thực tiễn cho thấy, hầu hết những trường hợp “vượt rào quy hoạch” trong lĩnh vực nông nghiệp, đều chỉ đem lại “trái ngọt” cho những người đầu tiên khi may mắn được giá, còn sau đó chỉ là “trái đắng”. Và không ai khác, nông dân chính là những người nếm “trái đắng” ấy.
Theo GS.TS Võ Tòng Xuân: “Mấu chốt hiện nay là các nhà máy đường cần phải cải thiện nội lực, kỹ thuật canh tác, cơ giới hóa để giảm giá thành, làm sao cho nông dân thấy được nguồn lợi lâu dài và bền vững từ việc trồng mía so với các loại cây trồng khác. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần đưa ra giải pháp, đồng hành cùng nông dân tháo gỡ khó khăn, lựa chọn cây trồng phù hợp, xây dựng các hợp tác xã kiểu mới, quy hoạch những cánh đồng mía lớn, đầu tư cơ giới hóa, từ đó tiết kiệm sức lao động, nâng cao năng suất, đảm bảo quyền lợi các bên”. |