| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đổi đất lúa thiếu nước để trồng dưa hấu cho thu nhập cao

Chủ Nhật 07/11/2021 , 09:34 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Hệ thống kênh mương nội đồng chỉ đầu tư kiên cố khoảng 50%, còn lại là đắp đất, làm tăng tỷ lệ hao hụt nước, nhất là ở những khu vực nằm ở cuối nguồn.

Những chân ruộng cao, nằm cuối nguồn nước thủy lợi nên thường xuyên bị khô hạn được nông dân chuyển đổi sang trồng dưa hấu. Ảnh: CĐ.

Những chân ruộng cao, nằm cuối nguồn nước thủy lợi nên thường xuyên bị khô hạn được nông dân chuyển đổi sang trồng dưa hấu. Ảnh: CĐ.

Trồng dưa hấu trên đất lúa thiếu nước

Vụ Hè Thu năm 2019, một số hộ dân tại thôn Lễ Môn, xã Phong Bình, huyện Gio Linh (Quảng Trị) thí điểm chuyển đổi 5 ha đất trồng lúa thiếu nước sang trồng dưa hấu. Đây là những diện tích đất lúa nằm cuối nguồn của hệ thống thủy lợi Kinh Môn, nơi cung cung nước tưới cho toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp xã Phong Bình.

Sau 2 năm, với những kết quả vượt trội, đến vụ Hè Thu năm nay, diện tích trồng dưa hấu của toàn xã Phong Bình đã mở rộng lên gần 80 ha. Ông Đoàn Văn Phúc, nông dân ở thôn Lễ Môn, xã Phong Bình, huyện Gio Linh cho biết, đây là vụ Hè Thu 2021 là vụ mùa thứ ba gia đình ông chuyển đổi diện tích 4 sào đất trồng lúa sang trồng dưa hấu trong vụ hè thu. Chỉ sau 55 ngày xuống giống, cây dưa hấu đã bắt đầu cho thu hoạch, năng suất ước đạt khoảng 8 tạ/sào. Với giá bán trong vụ này từ 6.000 - 7.000 đồng/kg, dự kiến sau khi trừ chi phí ông thu lãi khoảng 4 triệu đồng/sào.

Theo ông Phúc, do là chân ruộng cao, lại nằm cuối nguồn nước thủy lợi, trong khi hệ thống kênh mương dẫn nước chưa được đầu tư kiên cố hóa nên trong vụ Hè Thu diện tích trồng lúa của gia đình ông thường xuyên bị thiếu nước, khô hạn.

“Năm nào chăm sóc tốt thì cũng chỉ thu được khoảng 2 tạ/sào, trừ chi phí thì chỉ còn được khoảng 200 - 300 ngàn đồng. Trong khi với cây dưa hấu thời gian trồng một vụ chỉ khoảng 2 tháng, các chi phí khác như làm đất, giống, phân bón… cũng ít hơn nhưng lợi nhuận lại cao hơn hẳn”, ông Phúc nói.

Dưa hấu có ưu điểm là cây màu ngắn ngày, không sử dụng nhiều nước như lúa nên rất phù hợp sản xuất vào vụ Hè Thu. Ảnh: CĐ.

Dưa hấu có ưu điểm là cây màu ngắn ngày, không sử dụng nhiều nước như lúa nên rất phù hợp sản xuất vào vụ Hè Thu. Ảnh: CĐ.

Ông Lê Văn Sửu, một trong những hộ có diện tích trồng dưa hấu lớn nhất xã Phong Bình với hơn 0,6 ha cho hay, dưa hấu có ưu điểm là cây màu ngắn ngày, không sử dụng nhiều nước như lúa nên rất phù hợp sản xuất vào vụ Hè Thu; còn nếu so sánh lợi nhuận kinh tế thì cây dưa hấu cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Cụ thể, trên cùng diện tích này trước đây nếu trồng lúa thì năng suất đạt rất thấp, chỉ từ 1,8 - tạ/sào. Nhưng từ khi chuyển sang trồng dưa hấu thì bình quân mỗi sào cho thu hoạch từ 0,8 - 1 tấn/ sào, cùng với giá bán hiện tại khoảng trên 6.000 đồng/kg thì trong vụ dưa hấu năm nay, gia đình ông dự kiến sẽ thu được khoảng 50 triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí, cao gấp 5 - 7 lần so với trồng lúa.

Theo ông Sửu, trồng dưa hấu rất đơn giản, sau khi hoàn thành thu hoạch lúa vụ Hè Thu, cần tranh thủ làm đất lúc đất ruộng còn độ ẩm. Sau đó lên luống, đào hố, bón phân rồi gieo hạt. Nếu có điều kiện thì nên phủ luống bằng bạt nilon để giữ ẩm, giữ phân bón không bị bay hơi và đỡ công làm cỏ.

Trong quá trình chăm sóc thì chỉ cần bỏ công cố định vị trí các dây dưa để không bò đè lên nhau, tưới nước đầy đủ để dưa hấu phát triển tốt. Giống dưa hấu được ông Sửu lựa chọn là các giống Vinh Nông, Đại Địa. Đây là các giống dưa có ưu điểm nhanh to, dễ đậu quả, ruột đỏ, vị ngọt dịu, trọng lượng quả từ 3 - 5 kg/quả.

Trồng dưa hấu lãi hơn trồng lúa

Ông Nguyễn Văn Út, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Bình cho biết, toàn xã có gần 120 ha diện tích sản xuất lúa bị thiếu nước tưới, năng suất thu hoạch thấp, thậm chí một số diện tích phải bỏ hoang. Nguyên nhân là phần lớn diện tích sản xuất nông nghiệp của xã lấy nước từ hệ thống thủy lợi Kinh Môn, tuy nhiên vì biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng xuống cấp do được đầu tư đã lâu, những năm gần đây lượng nước ở hồ chứa thủy lợi này thường xuyên thiếu hụt, nhất là trong vụ Hè Thu.

Mặt khác, hệ thống kênh mương nội đồng trên địa bàn chỉ mới được đầu tư kiên cố hóa khoảng 50%, còn lại là đắp đất cũng làm tăng tỷ lệ hao hụt nước, nhất là ở những khu vực nằm ở cuối nguồn. Điều này dẫn đến nhiều diện tích đất sản xuất lúa thường xuyên bị thiếu nước trong vụ Hè Thu, phải bỏ hoang gây lãng phí.

Trồng dưa hấu trên đất lúa thiếu nước giúp nông dân có thu nhập cao. Ảnh: CĐ.

Trồng dưa hấu trên đất lúa thiếu nước giúp nông dân có thu nhập cao. Ảnh: CĐ.

Để tránh gây lãng phí diện tích đất nông nghiệp và nâng cao hiệu quả kinh tế, bắt đầu từ vụ Hè Thu năm 2019, chính quyền xã đã vận động người dân chuyển đổi được gần 5 ha sang trồng cây dưa hấu. Đến vụ Hè Thu năm 2020, diện tích trồng dưa hấu được mở rộng lên gần 20 ha. Riêng vụ Hè Thu năm nay, diện tích trồng dưa hấu toàn xã đã đạt gần 80 ha.

Theo ông Út, mô hình trồng dưa hấu trên đất lúa thiếu nước đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. "Thay vì phải bỏ hoang vì hệ thống thủy lợi chưa đảm bảo nguồn nước tưới, nay nông dân có thể thu nhập hàng chục triệu đông/vụ từ phần diện tích đất bỏ hoang", ông Út nói.

Cũng theo lãnh đạo xã Phong Bình, các giống dưa hấu được người dân trồng chủ yếu là Vinh Nông, Đại Địa, Trang Nông. Năm nay mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng do người dân áp dụng tốt tiến bộ kỹ thuật như phủ bạt nilon... nên dưa hấu vẫn phát triển tốt, quả to đều, màu sắc đẹp, ít sâu bệnh.

Thương lái đang đến tận ruộng thu mua với mức giá từ 6.000 - 7.000 đồng/kg, nếu theo mức giá này trừ chi phí mỗi sào trồng dưa hấu người dân thu lãi từ 4 - 5 triệu đồng trong khi nếu trồng lúa thì chỉ lãi từ 500 - 700 ngàn đồng.

Để giúp nông dân trồng dưa hấu có đầu ra ổn định, chính quyền xã đã hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu “Dưa hấu Phong Bình”, dán tem truy xuất nguồn gốc, cũng như đang kết nối với các cửa hàng nông sản, siêu thị… trên địa bàn tỉnh để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm dưa hấu.

Ông Lê Văn Viễn, Trưởng Phòng NN- PTNT huyện Gio Linh khẳng định tính hiệu quả của chủ trương chuyển đổi diện tích đất lúa thiếu nước sang trồng các loại cây trồng cạn, đặc biệt là dưa hấu trên địa bàn xã Phong Bình. Theo ông Viễn, diện tích đất ruộng chuyển đổi này đều là các chân ruộng cao, thường xuyên thiếu nước nằm trong hệ thống thủy lợi Kinh Môn. Do không đảm bảo đủ nguồn nước tưới,  những năm trước người dân thường bỏ hoang hoặc có trồng lúa thì năng suất thu được cũng không cao.

Để ứng phó với hạn hán, việc lựa chọn giống cây trồng cạn phù hợp để chuyển đổi là rất cần thiết. Để hướng đi này thực sự hiệu quả, không chỉ các ngành chuyên môn mà cả chính quyền cơ sở cũng tích cực tập trung vận động, tuyên truyền giúp người dân thấy rõ lợi ích của việc làm này để linh hoạt trong chuyển đổi.

“Trong thời gian tới, Phòng NN- PTNT huyện sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn như Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông và chính quyền địa phương trong việc hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng mô hình trồng dưa hấu theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… Tham mưu với UBND huyện có các chính sách hỗ trợ trong việc xây dựng thương hiệu; nhân rộng mô hình trồng dưa hấu này ra các địa phương khác, đặc biệt là các chân ruộng thiếu nước trong vụ Hè Thu tiếp theo", ông Viễn cho biết

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.