Chuyển đổi mạnh mẽ
Các huyện vùng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang là địa bàn trọng điểm chuyển đổi sản xuất từ độc canh cây lúa 1 vụ/năm, sang luân canh 1 vụ lúa, 1 vụ tôm (mô hình lúa – tôm). Đến nay, đã có hàng chục ngàn ha được nông dân thực hiện chuyển đổi, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn mà còn thích ứng tốt với điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày càng gia tăng.
An Minh là huyện dẫn đầu toàn vùng về diện tích chuyển đổi theo mô hình này. Vụ lúa trên nên đất nuôi tôm (vụ mùa 2021-2022), toàn huyện đã có gần 24.000 ha được nông dân thu hoạch tôm, tâp trung rửa mặn để gieo cấy lúa. Ông Đặng Hoài Thanh, ấp Mười Chợ, xã Đông Hưng, huyện An Minh, có gần 2 ha đất lúa đã chuyển sang mô hình lúa – tôm khoảng 10 năm nay.
Ông Thanh chia sẻ: “Vụ lúa thường được nông dân gieo cấy trong các tháng mùa mưa (từ tháng 8 đến tháng 1 năm sau), đến đầu năm dương lịch là thu hoạch, đưa nước mặn vào nuôi tôm. Năm nay thời tiết mưa tương đối thuận, nước ngọt nhiều nên lúa phát triển khá tốt. Tuy nhiên, ngay cả khi có lúa, nông dân vẫn có thể nuôi được tôm, cua trong ruộng, nhờ ương vèo con giống khi bắt đầu rửa mặn, cho chúng quen với độ mặn giảm dần. Nhờ đó, khi thu hoạch lúa, bà con cũng có thêm thu nhập từ tôm, cua nữa. Sản xuất theo mô hình này, trung bình mỗi năm gia đình tôi có thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trước đây chỉ làm lúa, thu hoạch cá đồng”.
Tương tự, huyện An Biên cũng là địa phương có tốc độ chuyển đổi mạnh mẽ theo mô hình này. Theo ông Trang Minh Tú, Trưởng phòng NN-PTNT An Biên thì “Từ năm 2015 cho đến nay, huyện đã chuyển đổi 15.000 ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa - tôm, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện nay, toàn huyện An Biên đã có khoảng 20.000 ha được chuyển đổi sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày càng gia tăng”.
Riêng về vụ lúa trên nền đất nuôi tôm (vụ mùa năm 2021-2022), đến nay nông dân huyện An Biên đã gieo cấy được 18.000 ha, năm nay thời tiết thuận lợi, lúa đang phát triển khá tốt. Để thúc đẩy phát triển sản xuất lúa - tôm, nâng cao giá trị, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đã hỗ trơ xây dựng mô hình cánh đồng lớn, sản xuất lúa theo chuẩn VietGAP, lúa hữu cơ…
Ngoài ra, còn có mô hình lúa - tôm quản lý cộng đồng, mô hình chuyển đổi sinh kế cho hợp tác xã sản xuất lúa - tôm nằm trong vùng hưởng lợi từ công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Hiện nông dân đã kết thúc vụ nuôi tôm, với năng suất thu hoạch của các hộ tham gia mô hình đều tăng so với bên ngoài, từ đó tăng thu nhập. Tiếp tục chuyển sang làm vụ lúa, hy vọng sẽ có thêm vụ mùa bội thu sắp tới.
Tại Hậu Giang, tỉnh này cũng đã xây dựng mô hình sản xuất lúa - tôm thuộc dự án sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu và nguồn nước được kiểm soát khi xây dựng cống Cái Lớn - Cái Bé. Mô hình được xây dựng tại xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ. Theo đó, sẽ thành lập mới hoặc củng cố hợp tác xã để tham gia thực hiện, hỗ trợ xây dựng mô hình mẫu, tập huấn và chứng nhận các tiêu chuẩn của Việt Nam (VietGAP), quốc tế (GlobalGAP). Liên kết tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho bà con xã viên.
Sản xuất theo quy chuẩn
Sản xuất theo mô hình lúa - tôm không chỉ thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn thích hợp cho sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, nhất là sản xuất hữu cơ, nâng cao giá trị sản phẩm. Mấy năm qua, Hợp tác xã nông nghiệp Nam Quý, xã Nam Thái, huyện An Biên đã được các doanh nghiệp tìm đến liên kết sản xuất lúa hữu cơ xuất khẩu.
Xã viên Phạm Thành Dân, có hơn 1 ha đất được chuyển đổi qua mô hình sản xuất lúa - tôm từ năm 2017 cho đến nay. Hôm chúng tôi ghé, ông Dân đang bơi xuồng quanh vuông đi thăm lúa, tiện thể dỡ lú bắt tôm còn trong ruộng. Năm nay, các xã viên ở đây làm giống lúa ST 25, lúa đang thì con gái xanh mơn mởn. Ông Dân phấn khởi nói: “Làm theo mô hình liên kết, nông dân an tâm lắm. Vì toàn bộ chi phí đầu tư, từ lúa giống, phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, quy trình sản xuất đã được doanh nghiệp hỗ trợ hết, đến cuối vụ bán lua mới trừ lại. Lúa thương phẩm được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu với giá cố định 9.000 đồng/kg. Nhờ đó mà thu nhập tăng, đảm bảo ổn định cuộc sống”.
Đang cùng các xã viên đi kiểm tra đồng ruộng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Quý Phạm Chí Thương cho biết, hợp tác xã có diện tích 67 ha đất sản xuất. Riêng vụ lúa đã đạt được chuẩn hữu cơ quốc tế từ 3 năm qua. Năm nay, có 30,5 ha sản xuất lúa hữu cơ, còn lại là sản xuất lúa an toàn. Có 2 doanh nghiệp ký kết hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm, gồm: Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (Sóc Trăng) và Công ty TNHH tôm - lúa hữu cơ Nông nghiệp An Giang. Giá lúa bao tiêu khá cao, đối với giống ST tím lá 10.000 đồng/kg, ST 25 là 9.000 đồng/kg.
“Nhờ làm ăn liên kết, lợi nhuận trung bình từ vụ lúa nông dân đạt từ 40-42 triệu đồng/ha. Còn tôm cũng đạt từ 70-90 triệu đồng/ha, ngoài ra còn có thêm thu nhập từ cua nuôi xen canh nữa. Môi trường sản xuất ở đây đã được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ thì con tôm, con cua nuôi cũng rất an toàn. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có đơn vị nào liên kết tìm đầu ra cho con tôm, con cua để nâng cao giá trị. Chúng tôi rất muốn có doanh nghiệp chế biến thủy sản tìm đến để thu mua đúng theo giá trị mà xã viên đã làm ra, để tăng thu nhập”, Giám đốc Phạm Chí Thương trăn trở.
Trưởng phòng NN-PTNT An Biên Trang Minh Tú cho rằng, sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn đang là hướng đi bền vững mà huyện tập trung mở rộng diện tích sản xuất. Đối với cây lúa, khi sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, không chỉ môi trường được bảo vệ mà hiệu quả kinh tế cũng cao hơn hẳn. Sản phẩm làm ra có doanh nghiệp bao tiêu xuất khẩu, tiềm năng phát triển rất tốt. Còn đối với tôm, cua huyện cũng đang xây dựng quy trình sản xuất sạch, cấp mã số vùng nuôi, để tăng tính hiệu quả.
Mô hình lúa - tôm ban đầu đơn thuần nông dân chỉ mở cho nước mặn vào ruộng sau vụ lúa mùa, để bắt tôm, cá tự nhiên từ biển vào. Tuy nhiên, thấy con tôm sú phát triển tốt trong môi trường ruộng lúa, từ đó nông dân chuyển hướng sang nuôi để tăng sản lượng. Đến nay mô hình đã phát triển khá đa dạng. Cây lúa không chỉ gói gọn ở giống lúa mùa, mà còn có cả giống cao sản, chất lượng cao, giống lúa lai, nhất là các giống lúa thơm đặc sản. Về con tôm, bên cạnh con tôm sú truyền thống, nông dân còn nuôi ghép tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng. Ngoài ra, còn thả nuôi thêm cua biển, cá đối, cá nâu…