Ngày 7/4, Báo Nhân Dân phối hơp cùng UBND tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan chức năng tổ chức tọa đàm với chuyên đề Chuyển đổi số để phát triển bền vững vùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Tại tọa đàm, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu vấn đề: Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, ngành nông nghiệp đã thể hiện được vai trò làm bệ đỡ của nền kinh tế và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Để đạt được kết quả thuyết phục đó, phải kể đến yếu tố chuyển đổi số.
Đây được đánh giá là xu thế tất yếu, là “chìa khoá” để ngành nông nghiệp và các địa phương vừa tận dụng được những cơ hội mới sau đại dịch, vừa hướng đến sự phát triển một cách bền vững.
Đối với ngành nông nghiệp, chuyển đổi số tạo ra ba xu thế mới. Một là, xây dựng nên những sàn thương mại điện tử nông nghiệp lớn, giúp bỏ qua trung gian trong tiêu thụ hàng hóa. Thêm nữa, các hộ nông dân được hỗ trợ các giải pháp đồng bộ từ tiếp thị, truyền thông, đóng gói, vận chuyển, thanh toán.
Hai là, chuyển đổi số tạo ra xu thế phi tập trung hóa, giúp nông dân tiếp cận thông tin, công nghệ như một doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu đến hộ nông dân, thậm chí đến từng cây, con với mức giá phù hợp. Cuối cùng, chuyển đổi số sẽ tạo ra xu thế phi vật thể hóa như số hóa đất đai, môi trường, cây trồng, vật nuôi… Các hoạt động quy hoạch, mô phỏng, đánh giá, phân định sẽ được thực hiện trên thế giới ảo một cách nhanh nhất, nhờ đó, tác động trở lại một cách thực chất, hiệu quả và tối ưu.
Cũng theo ông Lê Quốc Minh, trong số 34 nền tảng số quốc gia vừa được Chính phủ giao phát triển trong năm 2022 để hoàn thiện hạ tầng xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, có tới 9 nền tảng phục vụ cho ngành nông nghiệp như: Nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc nông sản, sàn thương mại điện tử nông nghiệp, nền tảng tối ưu hóa chuỗi cung ứng…
Điều này cho thấy quyết tâm lớn từ Chính phủ, cũng như các bộ ngành và địa phương trong việc thúc đẩy chuyển đổi số một cách mạnh mẽ hơn nữa. Và việc thực hiện chuyển đổi số đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và sự đồng hành của nhiều chủ thể khác.
Ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng cho rằng năm 2020, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số Việt Nam. Trên cơ sở đó, Lâm Đồng đã tập trung nguồn lực để triển khai hoạt động này.
"Hiện nay địa phương có 21 doanh nghiệp và nhiều nhà nông ứng dụng nông nghiệp thông minh, nhưng mới chỉ một phần. Tỉnh đang nghiên cứu để ban hành nghị quyết về chuyển đổi số trong nông nghiệp tại địa bàn", ông Trần Đức Quận nêu và cho biết thêm, vùng Tây Nguyên rất cần các chuyên gia, nhà khoa học có những phân tích, làm rõ thực trạng và đưa ra các giải pháp, giúp các địa phương vùng này triển khai tốt chuyển đổi số trong nông nghiệp, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại cuộc tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho hay, chuyển đổi số là vấn đề quan trọng để phát triển vùng Tây Nguyên. Do vậy, hiện nay các tỉnh vùng này đã có sự chuẩn bị để chuyển đổi số, một số tỉnh đã quyết tâm vào cuộc trên các phương diện, chuẩn bị các đề án, hướng dẫn chỉ đạo thực hiện, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu số về nông nghiệp, thực hiện giao dịch thương mại điện tử...
Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, thời gian qua, vùng Tây Nguyên đã có rất nhiều chương trình, đề án khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp được các địa phương triển khai. Từ những mô hình hiệu quả ban đầu, việc số hóa trong nông nghiệp đang dần lan tỏa đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này góp phần đưa nền nông nghiệp phát triển nhanh, hiện đại và bền vững.