| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đổi số giúp ngành chăn nuôi chủ động trong quản lý và dự báo

Thứ Ba 28/06/2022 , 09:43 (GMT+7)

Hệ thống cơ sở dữ liệu chăn nuôi là nền tảng giúp kết nối, chia sẻ thông tin hai chiều giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp và người chăn nuôi.

Các đại biểu bấm nút triển khai Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi. Ảnh: Phạm Hiếu.

Các đại biểu bấm nút triển khai Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi. Ảnh: Phạm Hiếu.

Dữ liệu phải “đúng - đủ - sạch - sống”

Năm 2022, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt với nhiều nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, “thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn" là một trong các giải pháp cốt lõi để thực hiện các nhiệm vụ của ngành.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Huy Dũng, sự ra đời của hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi chính là những viên gạch quan trọng đầu tiên tạo nền móng cho quá trình chuyển đổi số của ngành NN-PTNT.

Lãnh đạo Bộ TT-TT phân tích thêm, nếu phải lựa chọn 1 từ khoá quan trọng nhất để mô tả về chuyển đổi số đó là dữ liệu. Bởi có dữ liệu cơ quan quản lý mới nhìn thấy được các đối tượng quản lý, mô hình tổ chức, tối ưu hoá vận hành, từng bước thông minh hoá trí tuệ nhân tạo. Chính vì vậy, dữ liệu được xác định là quan trọng nhất trong chuyển đổi số. Hạ tầng dữ liệu phải đi nhanh, đi trước một bước để thúc đẩy.

“Dù là cơ sở dữ liệu quốc gia hay cơ sở dữ liệu chuyên ngành thì cũng phải làm theo nguyên tắc "đúng - đủ - sạch - sống". Trong đó, đúng là thông tin chính xác; đủ là đầy đủ thông tin mà chúng ta cần; sạch là không chứa thông tin rác; sống là luôn luôn cập nhật. Trong 4 nguyên tắc này, sống là quan trọng nhất. Bởi nếu không sống thì 3 nguyên tắc còn lại chắc chắn sẽ không làm được”, Thứ trưởng Bộ TT-TT chia sẻ.

Ngoài ra, đối với dữ liệu, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng cần kết nối, liên thông, chia sẻ để tạo ra những giá trị lan tỏa. Thời gian tới, Thứ trưởng mong muốn từng bước triển khai được dữ liệu mở và mở dữ liệu. Từ dữ liệu mở của cơ quan nhà nước sẽ tạo cơ sở cho cộng đồng sáng tạo, đồng thời góp phần phát triển kinh tế số, dữ liệu số.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi là nền tảng quan trọng cho việc nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi là nền tảng quan trọng cho việc nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chăn nuôi, trồng trọt là lĩnh vực tiên phong chuyển đổi số ngành nông nghiệp

Với mục tiêu triển triển khai chuyển đổi số nông nghiệp nhanh, đồng bộ và hiệu quả, Bộ NN-PTNT đã xây dựng Đề án chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 với 3 trụ cột chính: Chính phủ số, kinh tế nông nghiệp số và nông thôn số, nông dân số. 

Trong đó, cơ quan nhà nước đóng vai trò chỉ đạo, định hướng, quản lý và thúc đẩy, doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong chủ lực, mỗi hợp tác xã và mỗi hộ nông dân là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, các đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ và tích cực hơn nữa để triển khai thành công cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi nói riêng và các lĩnh vực khác trong ngành nông nghiệp, nông thôn, góp phần xây dựng Chính phủ số ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế số nông nghiệp và xây dựng nông thôn số, nông dân số.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, kế hoạch chuyển đổi số của Bộ NN-PTNT năm 2022 đã lựa chọn một số lĩnh vực để ưu tiên thực hiện. Trong đó 2 lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt được coi là lĩnh vực tiên phong về chuyển đổi số. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu chăn nuôi là bước đi đầu tiên và là yêu cầu cấp thiết để phục vụ công tác quản lý chăn nuôi theo Luật Chăn nuôi.

“Đây sẽ là nền tảng quan trọng cho việc nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, tổ chức phát triển chăn nuôi theo định hướng, tín hiệu, nhu cầu của thị trường, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, an toàn thực phẩm nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh trạnh của sản phẩm chăn nuôi Việt Nam”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.

Đồng thời, Thứ trưởng cho rằng, hệ thống cơ sở dữ liệu chăn nuôi sẽ là nền tảng giúp kết nối, chia sẻ thông tin chủ động hai chiều giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp và người chăn nuôi. Hệ thống sẽ giúp cập nhật chính xác, kịp thời thông tin về cơ sở chăn nuôi, tổng đàn, sản lượng, sản phẩm, thức ăn chăn nuôi và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Cơ sở dữ liệu chăn nuôi là nền tảng để tổ chức phát triển chăn nuôi theo định hướng, tín hiệu, nhu cầu của thị trường. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cơ sở dữ liệu chăn nuôi là nền tảng để tổ chức phát triển chăn nuôi theo định hướng, tín hiệu, nhu cầu của thị trường. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chiến lược phát triển chăn nuôi đặt ra mục tiêu: Trong giai đoạn 2021 - 2025, mức tăng trưởng giá trị sản xuất trung bình từ 4 đến 5%/năm. Sản lượng thịt xẻ các loại đạt từ 5,0 đến 5,5 triệu tấn, trong đó: thịt lợn từ 63 đến 65%, thịt gia cầm từ 26 đến 28%, thịt gia súc ăn cỏ từ 8 đến 10%. Sản lượng trứng đạt từ 18 đến 19 tỷ quả, sữa: từ 1,7 đến 1,8 triệu tấn….

Từ việc chuyển đổi số ngành chăn nuôi sẽ góp phần nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển chăn nuôi một cách toàn diện, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển các chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh, môi trường.

Đồng thời, giúp các trang trại, hộ chăn nuôi theo hướng chuyên nghiệp; các sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm của tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

 

Chuyển đổi số đưa người nông dân đến gần hơn với thị trường

Để triển khai thực hiện cơ sở dữ liệu chăn nuôi, thời gian qua, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đã phối hợp với Tập đoàn VNPT xây dựng, triển khai thí điểm phần mềm làm công cụ thu thập, cập nhật, khai báo, hình thành nên cơ sở dữ liệu chăn nuôi về thức ăn chăn nuôi và cơ sở dữ liệu chăn nuôi về cơ sở chăn nuôi.

Đến nay, phần mềm đã được triển khai thí điểm tại 7 tỉnh, thành và 269 nhà máy thức ăn chăn nuôi trên cả nước; đã cấp 600 tài khoản để cập nhật cơ sở dữ liệu đến các nhà máy, cán bộ chăn nuôi thú y cấp xã và các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn…

Hệ thống sẽ giúp cập nhật chính xác, kịp thời thông tin về cơ sở chăn nuôi, tổng đàn vật nuôi, sản lượng sản phẩm chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đối với các doanh nghiệp, đây chính là cơ hội để cập nhật thông tin thị trường và giới thiệu sản phẩm, kết nối, hợp tác với khách hàng. Với người chăn nuôi sẽ có cơ hội nắm bắt thông tin thị trường đầu ra, thông tin về chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi, giá bán, dịch vụ cung ứng vật tư, thông tin về dịch bệnh để đưa ra quyết định phù hợp. Ngoài ra, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi cũng sẽ tích hợp các sàn thương mại điện tử Voso, Postmart…

Phát biểu tại Lễ Triển khai Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi vừa qua, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT, ông Tô Dũng Thái (ảnh) đã thay mặt VNPT bày tỏ niềm tự hào khi là đơn vị đồng hành cùng Bộ NN-PTNT và Cục Chăn nuôi trong công cuộc chuyển đổi số.

“Thời gian tới, với sự phối hợp nhịp nhàng giữa chỉ đạo của Bộ và nỗ lực của VNPT, hi vọng chúng ta sẽ có được nhiều cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực khác để ngành nông nghiệp có thể cất cánh”, ông Tô Dũng Thái chia sẻ.

Phạm Hiếu

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất