| Hotline: 0983.970.780

Nông dân làm nông nghiệp hiện đại

Chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ

Thứ Hai 04/04/2022 , 07:27 (GMT+7)

THÁI NGUYÊN Ngành nông nghiệp Thái Nguyên có nhiều đổi mới khi thực hiện Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số.

Sản xuất kinh doanh chè đi đầu chuyển đổi số
Ông Dương Sơn Hà, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Nguyên, thông tin, trong thực hiện chuyển đổi số, Sở làm tốt công tác quản lý, nâng cấp và cấu hình thanh toán trực tuyến 88 bộ thủ tục hành chính phục vụ tiếp nhận và trả kết quả trực tuyến. Qua phần mềm quản lý chất lượng nông sản sẽ có giải pháp quản lý chất lượng sản phẩm của gần 400 doanh nghiệp và HTX trên địa bàn. Với sự trợ giúp của công nghệ, những doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm do dịch Covid-19 có thể giải quyết được vấn đề đầu ra cho nông sản.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp nông nghiệp, nông dân ứng dụng chuyển đổi số và đã gặt hái thành công.

Sản xuất kinh doanh chè được coi là ngành hàng đi đầu chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Thái Nguyên. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Sản xuất kinh doanh chè được coi là ngành hàng đi đầu chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Thái Nguyên. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã đem lại hiệu quả tích cực. Tất cả các sản phẩm của HTX Chè Hảo Đạt ( xã Tân Cương, TP Thái Nguyên) đều có mã QR và việc quản lý chất lượng sản phẩm chè cũng được ứng dụng chuyển đổi số. Đặc biệt, việc bán hàng của HTX chủ yếu được giao dịch qua các sàn thương mại điện tử.

Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX, cho hay nhờ sự hỗ trợ rất kịp thời của tỉnh, ngay cả khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, doanh thu của HTX không bị ảnh hưởng gì mà thực tế còn tăng lên nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Là một trong những đơn vị chủ động ứng dụng công nghệ vào quá trình trồng, chăm sóc, chế biến chè; sử dụng ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh QR-Code để tăng tính minh bạch trong truy xuất nguồn gốc, HTX Chè Trung du Tân Cương đã tự động hóa quy trình từ khâu sản xuất đến khâu chào hàng, tiêu thụ sản phẩm, số hóa để theo dõi và giao dịch.

Ông Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc HTX, khẳng định, chuyển đổi công nghệ, người làm chè quản lý sản xuất và tiêu thụ bằng thiết bị, thông qua các số liệu, công việc này rất đơn giản và hiệu quả. Ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm, HTX có nhiều cửa hàng trực tuyến trên các chợ điện tử lớn nhất hiện nay như: shopee, tiki, sendo, Aeon shop với hàng chục loại sản phẩm bán chạy.

Ông Dương cho rằng việc bán sản phẩm trực tuyến không chỉ nhằm tiêu thụ sản phẩm mà còn giúp kết nối người bán và người mua, mỗi sản phẩm giới thiệu ra thị trường đều có đầy đủ thông tin về nguồn gốc, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản…cụ thể, tỉ mỉ và nhận sự phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng. Cùng với sử dụng mã QR-Code, việc có thể liên hệ trực tiếp với cơ sở sản xuất đã tạo thêm niềm tin cho người tiêu dùng. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet, người tiêu dùng có thể tra cứu các thông tin về sản phẩm để chọn lựa những sản phẩm có chất lượng tốt nhất với giá cả phù hợp.

Sản xuất kinh doanh chè được coi là ngành hàng đi đầu chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Thái Nguyên. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Sản xuất kinh doanh chè được coi là ngành hàng đi đầu chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Thái Nguyên. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Tỉnh Thái Nguyên đã cung cấp gần 2 triệu tem truy xuất nguồn gốc nông sản cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Khoảng 80% số hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh đã đầu tư công nghệ đóng gói tự động, sử dụng tem điện tử để truy xuất minh bạch nguồn gốc sản phẩm.

Chăn nuôi hiện đại, liên kết chuỗi

Công nghệ số cũng mang đến bước phát triển mới cho các trại chăn nuôi. Năm 2021, ông Nguyễn Kim Xưa (xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương) đầu tư gần 5 tỷ đồng toàn bộ hệ thống chăn nuôi gà tự động quy mô 4 vạn con. Toàn bộ hệ thống chuồng trại khép kín trong các dãy nhà có lắp máy điều hòa nhiệt độ. Trại luôn giữ nhiệt độ ổn định theo ngày tuổi của gà. Nguồn thức ăn cũng được tự động hóa, chế biến sẵn cho từng tuần tuổi của gà được đưa lên các tháp cao, theo hệ thống dẫn tới tất cả máng ăn theo sự điều khiển của công nhân.

Ông Xưa  cho biết, chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học rất phù hợp với điều kiện của gia đình, đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh hiện nay. Trong chuồng trại có hệ thống phun sương hóa chất để ngăn ngừa dịch bệnh thâm nhập, nền chuồng cao ráo với mức nhiệt độ giữ ổn định 27-30 độ C nhờ hệ thống lò sưởi ấm và máy lạnh, sử dụng các loại men sinh học để bổ sung, tăng sức đề kháng cho gà. Chuồng trại có gắn camera an ninh, máng ăn tự động nên dễ kiểm soát, điều chỉnh lượng thức ăn, nước uống cho phù hợp với đàn gà.

Ứng dụng công nghệ số vào chăn nuôi rất tiện lợi cho quản lý, chỉ cần qua điện thoại là đã theo dõi được tình hình của đàn gà để điều chỉnh cho phù hợp. Hệ thống tự động hóa cũng giúp gia đình ông giảm số lao động thường xuyên từ hơn 10 người trước đây xuống còn 5 người, chi phí cũng giảm đi nhiều.

Ông Nguyễn Kim Xưa đầu tư 5 tỷ đồng xây dựng hệ thống chăn nuôi gà công nghệ cao. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Ông Nguyễn Kim Xưa đầu tư 5 tỷ đồng xây dựng hệ thống chăn nuôi gà công nghệ cao. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Khẳng định ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi không những quản lý hiệu quả, trang trại còn kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, ông Xưa cho rằng ứng dụng chuyển đổi số trong chăn nuôi không chỉ giúp người chăn nuôi nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường mà còn có tính bền vững khi ổn định được đầu ra, cũng như giá cả, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định, đặc biệt là đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.

Thái Nguyên hiện có tổng đàn và sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm lớn thứ 2 trong số các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển nhanh theo hướng quy mô trang trại, an toàn sinh học.

 Ý tưởng “Chăn nuôi trâu thương phẩm theo chuỗi giá trị” của bà Vũ Thị Hương (xóm Đền, xã Quân Chu, huyện Đại Từ) đã xuất sắc dành giải Nhì cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” năm 2021 với chủ đề ”Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP” của Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên. Mô hình nuôi trâu nuôi nhốt của gia đình bà Hương khép kín, quy mô tổng đàn 50 con, gồm 10 trâu mẹ, 2 trâu đực giống Mura, mỗi năm cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương. Chủ động từ nguồn giống, trồng cỏ chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ thịt và sản phẩm giò, thịt sấy … gia đình bà đã sử dụng rất hiệu quả các tiện ích của công nghệ số. Khai thác ý tưởng vào thực tế, bà Hương đã đặt vấn đề liên kết với một số hộ dân trong khu vực cùng đầu tư phát triển mô hình nhằm phát huy được lợi thế của vùng giáp sườn Đông Tam Đảo.

Ông Trần Nho Hưởng, Phó chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên, cho biết, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp có vai trò quan trọng trong tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp, giúp nông sản của người nông dân khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

Bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, khẳng định, quan điểm phát triển nông nghiệp của tỉnh Thái Nguyên đã được xác định là tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường liên kết chuỗi và phát triển bền vững gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm là phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, thế mạnh của tỉnh; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.