Đại dịch Covid-19 đã gây ra những hệ quả nặng nề với nền kinh tế toàn cầu, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, mất cân bằng cung cầu toàn diện, đình trệ các kênh phân phối… Tuy nhiên, điều đó lại thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra một cách nhanh chóng và quyết liệt hơn để phù hợp với bối cảnh và xu hướng của thị trường.
Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng diễn ra mạnh mẽ trong thời gian qua. Tất cả doanh nghiệp đều vận hành website riêng và ứng dụng cho các quy trình kinh doanh như mua bảo hiểm trực tuyến, giải quyết yêu cầu bồi thường, chăm sóc khách hàng...; phát triển các ứng dụng hỗ trợ đại lý nâng cao năng suất làm việc. Nhiều doanh nghiệp cũng hợp tác với bên thứ 3 để bán sản phẩm như ngân hàng số, các sàn giao dịch điện tử; bước đầu hình thành hệ sinh thái số khép kín phục vụ khách hàng.
Bên cạnh đó, các sản phẩm bảo hiểm cũng được cá thể hóa và mang đến các sản phẩm bảo hiểm tích cực dựa vào các dữ liệu về sức khỏe, thói quen. Một số doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng quản trị, số hóa các quy trình nghiệp vụ, tiến tới giao dịch không giấy tờ, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng tương tác với khách hàng.
Công nghệ cũng mang đến các kênh phân phối và mô hình bảo hiểm mới tăng sự công khai minh bạch, tăng lợi ích cho khách hàng. Với doanh nghiệp bảo hiểm, chuyển đổi số không thể không làm, bởi khi chuyển đổi thành công, sẽ giải quyết được nhiều bài toán về đào tạo và quản lý đại lý, chăm sóc khách hàng, quản trị rủi ro hoạt động, nâng cao năng suất lao động.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực bảo hiểm, để tiến tới kỷ nguyên số, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn. Theo số liệu thống kê, doanh thu của kênh bảo hiểm trực tuyến trong tổng doanh thu của thị trường vẫn còn thấp, bảo hiểm nhân thọ chiếm chưa đến 1% còn bảo hiểm phi nhân thọ chiếm chưa đến 5%.
Một số doanh nghiệp bảo hiểm có tiềm lực tài chính chưa đủ mạnh trong đầu tư công nghệ để tập trung vào các mục tiêu dài hạn. Mức độ kết nối hệ sinh thái số của doanh nghiệp bảo hiểm với dữ liệu của cơ quan quản lý và đối tác còn hạn chế nên kết quả chuyển đổi số của doanh nghiệp bảo hiểm mới chỉ dừng lại ở các dịch vụ khách hàng.
Khu vực nông thôn là thị trường bảo hiểm đầy hứa hẹn. Theo Tổng cục Thống kê, trong số 98 triệu người dân, có 62 triệu người đang sống ở nông thôn, và chi tiêu của họ sẽ tăng nhanh hơn so với những người ở thành thị.
Dự báo, chi tiêu ở nông thôn Việt Nam cho hàng tiêu dùng nhanh sẽ tăng 7% hàng năm từ 2020 đến 2025, so với mức tăng trưởng 2% ở các thành phố. Tuy nhiên để xây dựng cơ sở hạ tầng, như hệ thống đại lý, văn phòng… cho hoạt động kinh doanh ở khu vực này đòi hỏi chi phí cao, khiến các doanh nghiệp e dè. Chính vì thế, chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm ở nông thôn đang là xu hướng tất yếu.
Việc smartphone đang ngày càng trở nên phổ biến với khu vực nông thôn Việt Nam, với số người xem video trực tuyến tại nông thôn cũng lần đầu tiên vượt tivi. Khảo sát với 4.500 người ở khu vực nông thôn từ công ty truyền thông GroupM cho thấy, trong khi tivi là hình thức truyền thông chính tại nông thôn vào năm 2018 thì đến năm 2020, con số này giảm xuống còn 86%, trong khi tỷ lệ thâm nhập internet đạt 91%. Đây được đánh giá là cơ hội cho các dịch vụ trực tuyến hướng đến trong thời gian tới, trong đó có hoạt động bán bảo hiểm.
Bắt nhịp với xu hướng đó, Bảo hiểm Agribank với sứ mệnh đồng hành với nông dân đã triển khai nhiều chương trình số hóa trong hoạt động của mình thông qua việc thiết kế, phát triển sản phẩm dịch vụ trên nền tảng trực tuyến nhằm mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mới. Đặc biệt, việc triển khai bán hàng trên các nền tảng trực tuyến giúp doanh nghiệp tương tác trực tiếp với khách hàng nhanh hơn, tiếp nhận thông tin phản hồi đầy đủ hơn, từ đó cải thiện chất lượng sản phẩm dịch vụ, mang lại nhiều lợi ích gia tăng cho khách hàng và doanh nghiệp.
Dự kiến trong quý 4 năm 2022, Bảo hiểm Agribank sẽ ra mắt website bán hàng trực tuyến với các sản phẩm thân thiện, các tiện ích và các trải nghiệm mới cho khách hàng, như việc mua bảo hiểm trực tuyến đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng. Khách hàng có thể mua bảo hiểm ở bất cứ nơi đâu chỉ với các thiết bị có kết nối internet như điện thoại, máy tính..., đặc biệt là với khách hàng ở khu vực nông thôn - nơi mà khoảng cách và thời gian để đến với các điểm bán bảo hiểm hay đại lý lớn hơn rất nhiều so với khu vực thành thị.
Thời gian trả kết quả nhanh chóng, tự động: Ngay sau khi mua bảo hiểm thành công, khách hàng nhận được link tra cứu Giấy chứng nhận điện tử. Giấy chứng nhận điện tử tiện dụng, không sợ thất lạc, dễ dàng tải về máy và sử dụng khi cần, có tính pháp lý giống hệt như Giấy chứng nhận bản giấy. Ngoài ra là bộ phận chăm sóc khách hàng trực tuyến cũng nâng cao khả năng hỗ trợ, giải đáp các vấn đề về nghiệp vụ, quyền lợi bảo hiểm của khách hàng, ghi nhận phản hồi của khách hàng công khai minh bạch và chính xác hơn.
Trong định hướng tương lai, Bảo hiểm Agribank vẫn định hướng chuyển đổi số là xu hướng cốt lõi để nâng cao tính minh bạch, quản trị rủi ro, hiệu quả hoạt động, đồng thời phục vụ tốt hơn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.