| Hotline: 0983.970.780

Chuyện dưới vườn lan tiền tỷ cùng cựu chủ tịch xã từng vướng vòng lao lý

Thứ Hai 11/05/2020 , 08:44 (GMT+7)

Chủ tịch xã đầu tiên làm tờ trình xin công điền chỉ lấy loại xấu nhất, xin chuyển lúa sang cây lâu năm, xin làm đại lý ngân hàng vay vốn cho cả ngàn hộ...

Vui với đóa hoàng lạp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vui với đóa hoàng lạp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh cũng là người xin làm nông thôn mới trước khi có chương trình nông thôn mới quốc gia… Cuối cùng, sau những thứ làm cho tập thể ấy, tội riêng anh gánh nặng nhất. 

Anh là Nguyễn Duy Thiện - cựu Chủ tịch UBND xã Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên).

Tôi biết anh cách đây gần 20 năm hồi về viết xã có 100 gia trại, trang trại rồi xã có gần 1.000 người đi cân dạo để xây nhà gác, nhà tầng. Giờ, biết tin anh đã ra trại, “ở ẩn” trong vườn lan nên tìm đến.

Anh không nhận ra tôi, cũng phải thôi bởi từng tiếp xúc với cả trăm nhà báo nhất là vào cái giai đoạn huy hoàng của xã. Chúng tôi cùng dạo bước dưới vườn lan 2.000 giò cái đang khoe sắc, cái ngan ngát hương đưa.

Giá của lan 5 cánh trắng có khi chỉ là tự "thổi lên" với nhau

Mới ra trại, vốn ở đâu ra mà anh đầu tư được 2.000 giò lan theo ước tính của đã vài tỉ đồng thế này?

Khi tôi trở về, chỗ vườn lan này ngày xưa là nơi làm bánh tẻ của gia đình nhưng tôi thấy nhiều nơi cũng làm nên bỏ. Hầu hết mọi người bây giờ làm vườn bằng trồng những loại cây thông thường như nhãn, bưởi, cam…, mấy năm nay thời tiết thất thường nên hay bị mất mùa, hơn nữa trồng nhiều quá nên giá giảm.

Lan vừa là thú chơi, vừa cho hiệu quả kinh tế vì lắm người còn chưa hiểu thì tội gì không trồng. Đầu tiên tôi mua ít thôi rồi tự nhân giống ra bởi thời điểm đó giá của chúng rất đắt. Vốn thì cứ lấy cái nọ đập cái kia, thu nhãn để dành tiền mua lan.

Cây cũng như con, làm giống luôn là hiệu quả nhất. Nhưng lan rừng nhân giống mất rất nhiều thời gian nên chủ yếu người ta dùng lan nuôi cấy mô mua từ Trung Quốc về, cứ mua vào, bán ra liên tục là cho thu nhập. Tôi thì vẫn kiên trì với cây lan rừng bởi càng để lâu thì chúng lại càng có giá. Vườn lan này một tay tôi gây dựng từ 3 năm nay.  

Sớm chiều bên những giò hoa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sớm chiều bên những giò hoa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hoàng nhạn tháng tám tôi có 400 giò, mỗi giò giá 3 - 4 triệu, đai châu có 200 giò, mỗi giò giá 500 - 700 nghìn đồng, phi điệp hơn 100 giò, mỗi giò giá khoảng 1 triệu.

Anh Nguyễn Duy Thiện

Buổi sáng tưới trước lúc mặt trời mọc còn buổi chiều đợi sau mặt trời lặn. 8 giờ tối lại phải đi bắt sên, nếu không hết 2 giờ sáng dậy bắt tiếp. Mỗi lần mất hơn 1 giờ. Những con sên chỉ nhỏ bằng ngón tay nhưng cắn hỏng mầm, nhớt dính vào làm hư cả rễ. 

Đắt tiền nhất giờ vẫn là lan đột biến 5 cánh trắng nhưng tâm sự thực tôi chưa nói với ai rằng mình có giò 5 cánh trắng này ngoài anh.

Thứ nhất, tôi nghĩ nói ra thì khó trông dù vườn lan của mình để lung tung nhiều loại. Thứ hai, tôi không tin rằng giá nó lại có thể cao đến thế, 500 triệu đến 1 tỷ một cái ki (mầm con). Thậm chí có cái ki dài chỉ 12cm mà định giá hơn 2 tỉ ở thành phố Nam Định khiến cho tôi phải mò xuống xem.

Chủ vườn bảo là khách sợ cái cây chết nên vẫn còn gửi lại. Tôi mới hỏi nếu bác là người mua, bỏ ra 2 tỷ thì có dám gửi không? Nhỡ tối trộm mất thì sao? Ông ấy trả lời rằng thực tế là bán như thế, thích thì người ta mua thôi. Thế người mua ở đâu hả bác? Tôi hỏi tiếp nhưng ông ấy không nói nên càng thấy vô lý.

Chăm sóc giò 5 cánh trắng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chăm sóc giò 5 cánh trắng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hơn nữa lan 5 cánh trắng là dòng phi điệp có tốc độ phát triển khá nhanh. Phàm những thứ lớn nhanh và dễ chăm như thế thường không quá quý. Người làm ra đồng tiền bằng mồ hôi, nước mắt mà bỏ ra một vài tỉ để mua một giò lan là khó. Những cuộc mua bán được quay cả lên mạng tôi nghĩ là tự lên giá với nhau thôi, có khi các xấp tiền chỉ có vài tờ bên ngoài là thật còn bên trong là tiền âm phủ. (Cười).

Nếu có người bỏ tiền ra để mua một giò lan đắt bằng vài cái nhà của nông dân ấy theo tôi chỉ biếu sếp để lên ghế hoặc để lấy cái danh tiếng cho mình. Những dạng đó thừa tiền nhưng chưa chắc đã hiểu biết về thú chơi này.

Giò 5 cánh trắng của tôi ban đầu chỉ là một cái ki dài cỡ 2cm được mua với giá rất rẻ chỉ 50 - 70 nghìn đồng cùng 1.500 giò khác ở trong Gia Lai về, cả chủ vườn lẫn tôi đều không biết là giống lan quý. May mắn là năm ngoái nó đã nở hoa, 5 cánh trắng muốt.  

Cận cảnh giò lan 5 cánh trắng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cận cảnh giò lan 5 cánh trắng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trước đây anh là người dẫn dắt xã đi tiên phong trong việc phát triển trang trại của tỉnh, nghe nói cũng gian truân lắm?

Tôi làm Chủ tịch xã năm 1991, khi có Nghị định 64 năm 1993 về giao đất lâu dài cho dân, Dạ Trạch là đơn vị làm điểm. Xã có 527 mẫu đất, theo Nghị quyết của tỉnh phải dành ra 4 - 6% đất hạng 1 (loại tốt) để làm công điền, đem đấu thầu, tăng nguồn thu. Tôi bàn với anh em đất tốt để chia cho dân còn loại xấu nhất để làm công điền.

Tại sao? Bởi nếu lấy đất đẹp thì mỗi xóm chỗ này bỏ ra một sào, chỗ kia bỏ ra vài ba sào, rất manh mún khó có thể cho ai thầu được. Chỉ có lấy đất xấu mới liền vùng, liền thửa.

Ban chỉ đạo xã nghe bàn sợ, Ban chỉ đạo huyện cũng sợ, tôi trực tiếp lên báo cáo Ban chỉ đạo tỉnh.

Anh Nguyễn Đoài - một người dân trong xã nhận xét về con người của cựu Chủ tịch UBND xã Dạ Trạch, Nguyễn Duy Thiện: “Với dân Dạ Trạch, các đời chủ tịch xã thì ông Thiện là người có công lớn nhất vì rất nhạy bén với thời cuộc, luôn đi đầu trong những cái mới. Làm cái mới thì thỉnh thoảng cũng có thiếu sót về luật pháp, về quy định của huyện, tỉnh chẳng hạn nên thiệt thòi cho chính ông ấy chứ dân lại được hưởng lợi nên nhiều người quý. Ông ấy có tham ô, tham nhũng cho cá nhân mình đâu? Tôi vẫn từng bảo với mọi người rằng nếu không có ông Thiện thì bao giờ có được những trang trại ở ngoài đồng như thế, đường xá rộng như thế?”

Ông Nguyễn Du - Chủ tịch UBND tỉnh lúc đó ngạc nhiên hỏi: "Lý do gì mà chú lại lấy đất xấu nhất?". Tôi trả lời: "Báo cáo bác vì đất là một yếu tố, thời tiết thiên nhiên là một yếu tố còn quyết định thắng lợi trên mảnh đất ấy phải do con người.

Ví dụ ruộng nhà em ngay cạnh ruộng nhà bác nhưng 1 sào bác thu 3 tạ thóc còn em chỉ 50kg thì có phải là do đất không?". 

Ông đồng ý cho chúng tôi lấy đất xấu nhất làm công điền, được 35 mẫu 8 sào, mảnh nhỏ nhất cũng 1 mẫu, còn lại 3, 4, 5 mẫu.

'Tôi bảo 1 sào đất khi chuyển đổi sẽ đánh ngã 3 mẫu lúa', anh Thiện nhớ lại. Ảnh: Dương Đình Tường.

"Tôi bảo 1 sào đất khi chuyển đổi sẽ đánh ngã 3 mẫu lúa", anh Thiện nhớ lại. Ảnh: Dương Đình Tường.

Năm 1994 khi chia xong ruộng tôi làm tờ trình huyện, tỉnh xin chuyển đổi từ trồng cây hàng năm sang lâu năm.

Ông Chủ tịch tỉnh hỏi: "Thế bây giờ chú định làm cái gì?". Tôi trả lời: "Nếu như đất này bác cho phép em chuyển đổi, 1 sào sẽ đánh ngã 3 mẫu lúa bằng cách đào lên đánh luống rồi trồng 75 - 80 cây chuối tây. Cấy 1 sào bán chỉ được 100.000 đồng còn 75 - 80 buồng chuối tây mỗi buồng 80 - 120 nghìn đồng”. Ông Du bảo một câu rằng: "Ờ hay. Để mai họp hội đồng tôi báo cáo".

Sau 8 lần xuống tỉnh thuyết phục, cuối cùng trên cũng cho phép Dạ Trạch là xã đầu tiên của Hưng Yên chuyển 110ha từ trồng cây ngắn ngày sang cây ăn quả, đào ao nuôi cá (15,9ha) đồng thời tận dụng nguồn đất quật lên để sản xuất vật liệu.

Nhờ đó mà có 18 cái trang trại tầm quốc gia (2,5 mẫu trở lên), 25 cái trang trại tầm tỉnh, trên 30 cái trang trại tầm huyện. 5 năm đầu chúng tôi thu sản bằng thóc, từ năm thứ sáu mới thu bằng quả với tỷ lệ tập thể - chủ thầu 50 - 50%. Văn bản là thế nhưng chỉ thu của dân 30% đã là được rồi.

Người dân còn dồn đổi ruộng cho nhau để tạo ra các ô thửa lớn nên cách đây 20 năm 100% đất của xã đã thành vườn cây, ao cá.

Tôi trực tiếp lên Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xin tiền hỗ trợ giống về cho dân, lúc 50 triệu, lúc 100 - 200 triệu. Nếu so với cấy lúa thì trang trại cho giá trị gấp mấy chục lần.

Dạ Trạch khi ấy tiếp khoảng hơn 200 đoàn các tỉnh, hơn 100 đoàn các huyện, có đoàn đông tới 200 người phải bố trí ngoài hội trường lớn ở khu di tích mới xuể. Trà nước xã mời còn ăn họ tự lo.

Chúng tôi thu sản theo tỷ lệ tập thể 50%, chủ thầu 50%. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chúng tôi thu sản theo tỷ lệ tập thể 50%, chủ thầu 50%. Ảnh: Dương Đình Tường.

Rút bớt lao động ra khỏi ruộng đồng để có nhà gác

Họp Ban chấp hành Đảng ủy xã nhiều người than khó bởi mở rộng thì toàn bộ tường rào cũng như cây của dân phải chặt bỏ. Tôi bảo không có gì khó cả, các đồng chí trong Ban chấp hành cùng trưởng các ngành về trong phạm vi ảnh hưởng của đường phải tự giải toả bằng hết. Cán bộ đi trước, dân theo sau, không phải hô hào, không phải cưỡng chế gì cả.

Ngày xưa Khoái Châu nổi tiếng với câu “Oai oái như phủ Khoái xin tương”, từ vùng đất đầm lầy nước đọng đói nghèo quanh năm, cơ sở hạ tầng của xã anh đã đi lên như thế nào?

Trước đây làm lúa tất cả lao động đều hút hết vào ruộng mà chỉ đủ ăn nhưng từ khi mở trang trại thì có nhiều thứ thay đổi.

Thứ nhất là có thời gian hơn, các gia đình đã phân bổ lại lao động, vợ ở nhà làm ruộng thì chồng đi làm nghề khác mà nhiều nhất là đi cân dạo.

Những năm 90 của thế kỷ trước, cái cân “biết nói” tới 35.000.000 đồng còn cái cân “câm” cũng 12 - 15 triệu đồng. Dân thiếu vốn thậm chí đi vay lãi cũng không được, quỹ tín dụng nhân dân chưa có, chỉ trông vào mỗi Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT.  

Mà lúc bấy giờ lại không cho vay một chủ hộ quá 10.000.000 đồng, thủ tục thì nhiêu khê.

Thấy thế, tôi đặt vấn đề với ông Hoàng Văn Thịnh - Chủ tịch huyện cho xã làm đại lý vay tiền từ ngân hàng rồi cho bà con vay lại, thế chấp bằng đất công, hàng tháng thay mặt họ nộp lãi. Chuyện này chưa từng có tiền lệ.  

Xã làm đại lý để ngân hàng cho ngàn hộ dân vay sản xuất là chuyện chưa từng có tiền lệ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Xã làm đại lý để ngân hàng cho ngàn hộ dân vay sản xuất là chuyện chưa từng có tiền lệ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tờ trình gửi lên được duyệt. Căn cứ vào sổ đăng ký vốn của dân tôi lập danh sách, tổng tiền vay cho từng đợt. Xã chi 2.500 đồng/sổ vay rồi gọi dân đến, viết sẵn vào cho họ chỉ việc ký, lấy tiền mà không thu phí kể cả tiền mua sổ. Hơn 1.000 hộ dân, mấy ngàn lượt vay như thế với tổng vốn 19 tỷ.

Kinh tế đi lên. Nhà tranh vách đất chuyển sang mái bằng rồi nhà gác, xã nhỏ mà có năm xây dựng tới 70 cái.

Bấy giờ toàn bộ ngân sách xã tập trung vào xây các công trình công cộng nhờ phần thu sản của 110ha đất chuyển đổi mà nhiều tiền nhất là 15,9ha sang đào ao, làm gạch. Không phải thu của dân một đồng nào. Chưa có chương trình nông thôn mới nhưng trạm, trường, điện đều khang trang, đường tuy không đổ được bê tông nhưng cũng rộng như bây giờ, to nhất 5m còn bé nhất 3,5m.

Tưới tắm cho lan. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tưới tắm cho lan. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nói chuyện mở đường, nhiều đảng viên chất vấn để làm gì? Tôi trả lời: “Nay con bác làm nhà mái bằng nhưng mai cháu bác sẽ làm nhà gác.

Bây giờ một chuyến vật liệu từ bờ sông về đường trục xã dài cả km chỉ 50.000 đồng nhưng thuê kéo từ xe vào trong nhà qua cái ngõ hẹp dài có 15 - 20m đã mất 100 - 200 nghìn đồng. Tiền chở bằng với tiền vật liệu. Mở đường giải phóng đôi vai cho mọi người hôm nay và mai sau còn đi được cả ô tô nữa”.

Được và mất của cuộc đời

Một giò hạc vĩ đang độ rực rỡ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một giò hạc vĩ đang độ rực rỡ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những việc anh làm toàn vì cái chung mà sao lại dính vào vòng lao lý? Anh có thể cởi mở về chuyện này được không vì dù sao nó đã qua khá lâu rồi?

Tôi là người đứng đầu nên bị xử nặng nhất, 9 năm nhưng đi 2 năm là về. Hồi đó, nếu tôi cứ giằng co thì chắc chắn họ đã làm gì được mình nhưng mấy ông trên tỉnh lại nói với người thân để động viên tôi phải chấp nhận bản án. Danh dự, uy tín mất hết khiến cho tôi thật sự quá căng thẳng vì thời gian và công sức bỏ ra cho việc công hết mà vẫn có người hiểu lầm mình.

À, lúc đó xã có cái dự án 151.000m2 của một công ty làm du lịch. Quyết định cấp đất của Nhà nước hoàn toàn đủ điều kiện nhưng mà có người nghĩ rằng tôi kiếm được từ dự án đó nên xúi giục kiện tụng.

Công an điều tra, tôi không liên quan gì đến kinh tế nên không phải bồi thường nhưng vẫn bị quy trách nhiệm.

Thứ nhất để làm mất lòng tin của dân. Thứ hai là cấp bán 4 đợt đất thổ cư, nếu theo tỷ lệ xã chỉ được giữ 40% còn 60% nộp về cho huyện, tỉnh nhưng tôi nghĩ đất là của dân, xã bán đi lại nộp về tỉnh, huyện thì vô lý quá nên giữ lại để xây các công trình công cộng.

Ngân sách xã 500 triệu thì lúc đó Nhà nước chỉ cấp 250 triệu còn 250 triệu bắt phải thu lệ phí hàng quán, từ các bà bán hàng rong đến bến bãi.

Tôi làm tờ trình với tỉnh, huyện xin giữ lại 60% số tiền bán đất và được đồng ý.

Anh em bàn xây dựng lại Ủy ban nhưng tôi gạt đi: “Chúng ta ngồi trong cái nhà xây từ thời hợp tác xã mấy chục năm về trước nhưng vẫn còn tạm được, các cháu ngồi trong trường dột nát, lụp xụp thì không được”.

Xã còn làm nghĩa trang liệt sĩ, đường điện. Tất cả những ông chủ thầu công trình đều bảo chưa thấy ai như tôi, không thèm tiền phần trăm, không để dây dưa nợ nần.

Ngoài phần đó tôi lại còn xin thêm được 19 tỷ nữa của Nhà nước để làm đường phục vụ cho du lịch và 19 tỷ 500 triệu để đại trùng tu ngôi đền cổ. Tuy nhiên, khi tôi nghỉ Chủ tịch (18 năm làm Chủ tịch xã) sang làm Bí thư, người kế nhiệm đã không lấy được số tiền này.

Trước toà họ hỏi toàn bộ các nguồn thu, chi của xã, tôi đọc từng số liệu một nhưng vẫn bị quy trách nhiệm. Năm 2008 khi làm Bí thư được 2 năm thì họ bắt tôi cùng với 3 cán bộ nữa của xã.

Tôi không tơ hào một đồng nhưng vẫn bị quy trách nhiệm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tôi không tơ hào một đồng nhưng vẫn bị quy trách nhiệm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thế còn cái trang trại rộng 30.000m2 của anh đây hình thành như thế nào?

Từ năm 1993, diện tích này khi ấy là đất công cùng với nhiều chỗ khác cho thầu 20 kg/ sào nhưng 6 tháng sau không có người nhận vì toàn thùng vũng. Tôi làm tờ trình với huyện, tỉnh cho phép cán bộ, đảng viên vào thầu nhưng chẳng ai tham gia cả.

Tôi lại làm tờ trình đề nghị cho Ban chấp hành Đảng ủy được thầu. Người ta mở giá 20 kg/sào/năm, tôi bỏ 120kg, mấy anh em bảo ông hâm à?  Tôi trả lời, vì 35 mẫu 8 sào đất công nên phải thu hút những hộ khác tham gia cùng.

Tôi trúng thầu đầu tiên với mức 120 kg/sào nhưng người cuối cùng trúng thầu lên tới 410 kg/sào/năm. Kể cả nhà bác học nông nghiệp Lương Định Của cũng chưa bao giờ hình dung có thể làm ra 4 tạ lúa/sào được. Đất ấy, hết 20 năm rồi lại gia hạn thành 50 năm, giờ là 99 năm.

Tôi chỉ tiếc là ước muốn của mình đã ở trong tầm tay rồi còn không có cơ hội thực hiện. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tôi chỉ tiếc là ước muốn của mình đã ở trong tầm tay rồi còn không có cơ hội thực hiện. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những năm đầu thập niên 90, trên điều tôi lên làm Phó Chủ tịch huyện, năm 2007 điều lên làm Phó Giám đốc Sở Thương mại, có quyết định rồi nhưng tôi đều lắc đầu bởi xác định ở xã làm vài năm nữa bao giờ bê tông hoá hết các tuyến đường mới thôi. Có ông lãnh đạo còn bảo: “Người ta mất tiền còn không được đằng này đến tận nhà mời sao chú không làm?”.

Bây giờ mà nếu có một điều ước thì anh muốn thay đổi gì trong quá khứ? Có điều gì ân hận không?

Tôi vẫn thường nghĩ đi xin 1 tỉ của Nhà nước để làm đường thì dễ nhưng thu 1 hào của dân khi họ còn đang khó khăn thì không nỡ chút nào. Khi mình làm được đường tốt, dân phát triển kinh tế rồi muốn thu cái gì cũng dễ.  

Lúc chuyển đổi 110ha đất lúa mà nhất là phần sang làm gạch dự kiến phải thu được vài chục tỷ.

Tôi bảo với anh em trong Thường vụ rằng mình sẽ không tiêu hết tiền vì đã xây trường học, trạm xá, nghĩa trang rồi nên xây cái nhà cho các cụ già không nương tựa ở trong khuôn viên trạm xá.  

Riêng tôi 1 năm bỏ ra 1 tháng lương giúp mỗi cụ 2 bộ quần áo, cán bộ các đoàn thể cũng góp tiền vào.

Xã trích quỹ ra giao cho Hội phụ nữ nấu cơm cho các cụ, trạm xá khám bệnh cho các cụ, khi mất lại đứng ra làm mai táng cẩn thận.

Hai cụ giờ mất hết nhưng sau đó có những hoàn cảnh tương tự mà không ai duy trì để nhận vào nuôi cả vì tôi đã nghỉ.

Tôi chỉ tiếc là không làm được hoàn chỉnh ý tưởng trong tầm tay của mình là toàn bộ hệ thống đường được bê tông hoá. Trong tầm tay là vì sao? Tôi đã tính tới chuyện các lò gạch khi khai thác hết đất nên đã xin một quyết định của Bộ Thuỷ lợi (này là Bộ NN-PTNT) cho phép xã được phép hút cát, cải tạo lòng sông, khơi thông dòng chảy để phục vụ cho các dự án san lấp mặt bằng, không giới hạn về thời gian. 

Niềm vui khi có một đóa lan như ý. Ảnh: Dương Đình Tường.

Niềm vui khi có một đóa lan như ý. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tôi nói với Chủ tịch tỉnh rằng anh không bao giờ có quyền lấy 1m đất của dân ra để san lấp mặt bằng mà chỉ bằng cát lấy ở dưới sông: “Em đã có quyết định của Bộ Thuỷ lợi rồi. Tiền hút cát ấy làm đường nhựa phục vụ cho du lịch, xây cho mỗi thôn một nhà văn hoá vẫn chưa hết đâu…”.

Ra trại, tôi về, chọn làm vườn để cho dân nhìn vào biết mình là người như thế nào, không lại nghĩ cả đời ông làm cán bộ làm gì chẳng sướng? Thực tế tôi còn lăn lộn hơn cả nông dân, làm bằng cái tâm và ý chí. Thôi thì con người ta chẳng thể có được tất cả.

Bù lại, con cái tôi thi trường nào đỗ trường ấy, công ăn việc làm ổn định, một là bác sĩ, một là cán bộ ngân hàng, một là giáo viên. Bây giờ từ cán bộ đến dân ai cũng chỉ nói một điều vô cùng tiếc cho anh Thiện.

Ngay cả lãnh đạo ở Trung ương hay ông Nguyễn Du - cựu Chủ tịch tỉnh đã 90 tuổi rồi vẫn “bắt” con cháu mỗi năm chở về tôi chơi một lần và cười bảo: "Tao quý nhất mày". Đó là những cái sướng.

 Xin cảm ơn anh!

  • Mua bán rùa quý tràn lan từ 'chợ ảo' đến đời thực
    Phóng sự 27/03/2024 - 08:15

    Thời gian qua, hoạt động mua bán rùa diễn ra công khai tại các cửa hàng thú cưng trên địa bàn thành phố Hà Nội, thách thức các cơ quan chức năng.

  • [Bài 3] Bài toán hóc búa ở tỉnh Khánh Hòa
    Phóng sự 27/03/2024 - 06:02

    Tính toán sơ bộ, muốn ra được Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao ở Khánh Hòa phải “vượt ải” tới... 9 bộ, ngành trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

  • [Bài 2] 'Cuộc cách mạng' giữa trùng khơi ở Vân Đồn
    Phóng sự 26/03/2024 - 06:00

    Phong trào thành lập hợp tác xã nuôi trồng thủy sản đang là trào lưu ở Quảng Ninh để đón nhận chính sách giao biển lâu dài, từ đó ổn định kế sách nuôi biển.

  • Nan giải vấn nạn mua, bán rùa trên Internet
    Phóng sự 25/03/2024 - 13:15

    Năm 2023 ghi nhận gia tăng các vụ liên quan đến mua, bán rùa qua mạng xã hội. Do vậy các cơ quan chức năng cần mạnh tay trong việc xử lý vi phạm.

  • [Bài 1] 7 năm trời vật vã xin giấy phép nuôi biển
    Phóng sự 25/03/2024 - 07:30

    'Khát vọng lớn, quyết tâm cao, tuy nhiên những rào cản cơ chế chính sách đang giống như chiếc vòng kim cô siết chặt giấc mơ nuôi biển của chúng tôi vậy', Hải Bình nói.

  • Chuyện ở 'thiên đường đá cỏ' Tân Lập
    Phóng sự 24/03/2024 - 16:40

    Nhắc đến thầy cúng Vàng A Chứ (còn gọi là ông Chứ cúng) thì không chỉ ở Sơn La và một số tỉnh Tây Bắc mà mãi tận bên Lào cũng có người biết.

  • Tinh hoa nghề đậu bạc Định Công
    Phóng sự 22/03/2024 - 11:09

    Sau khoảng thời gian tưởng chừng như thất truyền, đến nay làng nghề đậu bạc Định Công đang chuyển mình nhằm níu giữ lại cái hồn cốt của nghề tinh hoa truyền thống.

  • Rủ nhau đi hái lộc rừng
    Phóng sự 18/03/2024 - 06:00

    Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.

  • Mùa hoa mộc miên
    Phóng sự 15/03/2024 - 06:00

    Mộc miên, loài cây chung thủy với tháng Ba, cứ độ sau xuân lại rạo rực tự đốt cháy mình thắp lửa những góc trời, từ vùng đồng rừng đến những miền quê yên ả…

  • Hang Táu - miền cổ tích còn phong kín
    Phóng sự 12/03/2024 - 06:05

    Hang Táu là một thung lũng được giấu kín giữa bốn bề núi. Trời đất như chừa ra một khoảng đất tương đối bằng phẳng chỉ để cỏ cây khoe sắc...

  • Chuyện giữ rừng giữa biển
    Phóng sự 11/03/2024 - 06:15

    Qua Tết Nguyên đán, vùng đảo Tây Nam Tổ quốc bước vào cao điểm mùa khô, lực lượng chức năng bắt đầu ‘mướt mồ hôi’ với công tác giữ rừng trên các hòn đảo…

  • Bà Xuân 'hủi'
    Phóng sự 08/03/2024 - 08:45

    Từng là giáo viên mầm non nhưng đến nay nữ y tá Nguyễn Thị Xuân đã có gần 40 năm đồng hành cùng những bệnh nhân tại trại phong Quả Cảm - Bắc Ninh.

Xem thêm
Phát triển Tiền Giang với '1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh'

TIỀN GIANG Theo Thủ tướng, tinh thần 'ba cùng' là 'cùng lắng nghe, thấu hiểu', 'cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động', 'cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển'.

Những công trình vá 'lỗ hổng' hệ thống thủy lợi bờ Nam Sông Hậu

Đồng bào bờ Nam Sông Hậu mong chờ âu thuyền Rạch Mọp vận hành ngăn mặn vào cuối 2024, cùng với những công trình đã được đầu tư để khép kín hệ thống thủy lợi.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái sắp có đô thị mới hơn 2.400ha ở huyện Yên bình

UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Quyết định số 185 phê duyệt đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cảm Ân, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đến năm 2045.

Bình luận mới nhất