| Hotline: 0983.970.780

Chuyển giao và tái thả voọc Mông Trắng về Tràng An

Thứ Sáu 28/08/2020 , 07:33 (GMT+7)

Ba cá thể voọc Mông Trắng – một loài đặc hữu của Việt Nam được Vườn Quốc gia Cúc Phương thả về với tự nhiên, ngày 27/8.

Được sự đồng ý của Sở NN-PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Bình, ngày 27/8, Vườn Quốc gia Cúc Phương (Tổng cục Lâm nghiệp) phối hợp với Ban quản lý Quần thể Danh thắng Tràng An, Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã Nước Việt (FOUR PAWS Việt) tổ chức chuyển giao và tái thả ba cá thể voọc Mông Trắng – một loài đặc hữu của Việt Nam - về với tự nhiên tại khu Đảo Ngọc, thuộc Quần thể Danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình.

Theo ông Đỗ Văn Lập (Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương, Giám đốc Dự án Bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam), đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục khẳng định những nỗ lực và thành quả trong công tác cứu hộ, bảo tồn, nhân nuôi sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt về loài voọc quý hiếm này tại Việt Nam.

Chuyển voọc Mông Trắng lên đảo Ngọc - Tràng An.

Chuyển voọc Mông Trắng lên đảo Ngọc - Tràng An.

Từ chiếc tem có hình voọc Mông Trắng do Bưu chính Việt Nam phát hành năm 1959 được lưu giữ tại Đức, cách đây hơn 30 năm, một số nhà khoa học ở đây đã có sáng kiến đến Việt Nam tìm kiếm lại loài voọc quý hiếm đang được coi là đã tuyệt chủng. Đầu những năm 1990, nhóm chuyên gia quốc tế cùng với Vườn Quốc gia Cúc Phương đã khảo sát, phát hiện và khẳng định: voọc Mông Trắng vẫn còn phân bố tự nhiên tại Cúc Phương.

Dự án  “Bảo tồn các loài Linh trưởng quý hiếm của Việt Nam” tại Vườn Quốc gia Cúc Phương được triển khai sau đó với sự hợp tác giữa Hội động vật Frankfurt, Vườn thú Leipzig và Vườn Quốc gia Cúc Phương. Trung tâm Cứu hộ và Bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam là một thành quả quan trọng của Dự án. Hiện tại đây đang cứu hộ và bảo tồn gần 200 cá thể của 16 loài và phân loài linh trưởng quí hiếm. Có 10 loài đã cho sinh sản thành công, trong đó có 3 loài lần đầu tiên được sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt trên thế giới, gồm voọc Mông Trắng, voọc Hà Tĩnh và voọc Chà Vá Chân Xám.

Các cá thể voọc Mông Trắng tại Vườn Quốc gia Cúc Phương trước khi được chuyển giao.

Các cá thể voọc Mông Trắng tại Vườn Quốc gia Cúc Phương trước khi được chuyển giao.

Đánh giá về sự kiện, ông Phạm Sỹ Khánh (Phó Giám đốc BQL Quần thể Danh thắng Tràng An) cho biết: Sự kiện này khẳng định nỗ lực của tỉnh Ninh Bình nói riêng và Việt Nam nói chung trong thực hiện tốt các quy định trong Công ước của Unesco, nhất là những ứng xử tôn trọng, bảo tồn thiên nhiên tại Di sản thế giới này.

Ba cá thể voọc Mông Trắng này sẽ được đội ngũ chuyên gia theo dõi, chăm sóc đặc biệt để đảm bảo tốt nhất quá trình hòa nhập cũng như sinh trưởng tại đây – nơi theo ghi nhận, chúng đã từng có phân bố tự nhiên. 

Được biết, trong những năm tới Dự án tiếp tục tái thả khoảng trên 30 cá thể các loài: Voọc Mông Trắng, voọc Hà Tĩnh, Chà Vá Chân Đỏ về với môi trường tự nhiên.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.