| Hotline: 0983.970.780

Thuốc độc ở chính trong ta:

Chuyện khó tin ở nơi vẫn còn có chim chóc sinh sôi, tôm cá, ếch nhái nhảy 'đầy đồng'

Thứ Tư 01/08/2018 , 13:05 (GMT+7)

Nơi nào sử dụng nhiều thuốc sâu, nơi nào đau đớn vì bệnh tật, nơi nào hậu họa môi trường hãy trông về những huyện nhiều năm canh tác lúa trên cơ sở hạn chế tối đa việc dùng thuốc BVTV này mà học tập…

Những con số không biết nói

Tôi nhìn vào bảng thống kê số lượng vật tư nông nghiệp đã bán trong vụ xuân năm 2018 của các xã trên địa bàn huyện Phú Xuyên (Hà Nội), ở cột thuốc sâu, thuốc bệnh có rất nhiều con số không. Những con số tưởng vô tri vô giác nhưng nói lên được rất nhiều điều. Huyện có diện tích lúa tương đối lớn với 7.396ha nhưng lượng thuốc sâu sử dụng cho vụ xuân chỉ 825kg, bệnh 728kg mà chủ yếu dùng trên rau, cây ăn quả chứ còn trên lúa dùng cực ít.

Để cho tôi tăng thêm sự tin tưởng, anh Lương Văn Hoan - Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Phú Xuyên còn ghi thêm mấy dòng xác nhận: “Một số xã ít hoặc không sử dụng thuốc thuốc BVTV trên lúa (gần như không có): Quang Trung, Đại Thắng, Vân Từ, Phú Yên. Ngày 26/7/2018, ký tên Lương Văn Hoan”.

Cũng như ở huyện Mỹ Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, bí quyết của việc giảm thiểu thậm chí hầu như không dùng đến thuốc sâu, thuốc bệnh trên lúa của Phú Xuyên chính là nhờ SRI (hệ thống thâm canh lúa cải tiến) với diện tích ứng dụng toàn phần là 3.500ha, còn lại hầu hết là ứng dụng một phần.

17-23-02_dsc04333
Một lớp học đồng ruộng về SRI

Xã Vân Từ có 307ha lúa. Ông Nguyễn Đức Tiến - Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Vân của địa phương này cho hay, năm 2010 trên về mở lớp học SRI, mỗi thôn cử ra 5 - 7 người đi dự rồi tiến hành làm thí nghiệm để rồi từ đó lan rộng. Nếu xét ở phạm vi toàn xã thì 7 năm nay dân Vân Từ hầu như không phải dùng đến thuốc BVTV. Xã không hề có đại lý thuốc nào mà trước đây việc phân phối thuốc đều do HTX đảm trách.

Từ hồi áp dụng SRI lượng thuốc cứ giảm dần. Mấy năm trước HTX chỉ bán được khoảng 3 lạng thuốc Digan một năm vì dân mua về sử dụng cho 5 - 7 mẫu lúa nếp tự để giống phục vụ cho nhu cầu gói bánh chưng vào dịp tết. Đó là loại nếp địa phương tương đối dài ngày và mẫn cảm với sâu bệnh. Nhưng hiện nay dân làng không còn cấy giống nếp này nữa nên từ năm 2017 HTX không bán được thêm một gói thuốc nào.

Thời vụ tập trung, sử dụng giống chống chịu sâu bệnh, dùng mạ non và cấy thưa, rút nước hai thời điểm là những yếu tố quyết định sự thành bại của SRI được người dân Vân Từ thực hiện nhuần nhuyễn. Vừa rồi ông Tiến đi xác minh lý lịch đảng cho một thành viên trong HTX quê ở huyện Ý Yên tỉnh Nam Định và nhận thấy có mấy thứ đang áp dụng sai là thời vụ chậm 1 tháng, là sử dụng nhiều giống nhiễm đạo ôn ở vụ xuân, nhiễm sâu đục thân, rầy ở vụ mùa.

Không chỉ những tỉnh xa mà ngay cả tỉnh giáp ranh như Hà Nam thời vụ vẫn rất muộn so với quê ông (xuân xung quanh đại hàn 20 - 25/1 và vụ mùa quanh mốc 10/6). Bởi thế mà ở đây lúa đang bén rễ hồi xanh, đẻ nhánh xong mà ở đó có chỗ dân vẫn còn đang chổng mông đi cấy.

Bà Bùi Thu Hảo - Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Vân tiếp lời, sau vụ mùa, dân quê mình thường để ải khoảng 1,5 tháng cho đất thật nỏ rồi cày lật diệt sâu trừ bọ. Thời vụ gieo mạ toàn xã chỉ trong 1 ngày, thời vụ cấy chỉ trong 3 ngày. Gia đình nào cố tình cấy muộn, khi đã hết nước là lúa kém phát triển ngay nên họ càng thấm thía chuyện phải tuân thủ theo lịch của cộng đồng. Gia đình nào cũng chỉ bón phân thành đợt, không lai rai và sử dụng rất hạn chế đạm.

Cán bộ BVTV thường xuyên thông báo mật độ sâu bệnh cho nông dân để mà kịp thời áp dụng các biện pháp bón phân cân đối, chăm sóc thích hợp. Không chỉ bảo vệ cây lúa mà dân làng còn bảo vệ luôn cả các thiên địch như bọ rùa đỏ, kiến ba khoang, ong mắt đỏ vì họ biết chính chúng góp phần tiêu diệt sâu bọ.
 

Người dân tự quyết trên đồng

Nhiều người dân ở Vân Từ quả quyết với tôi rằng: “Giờ dù có kề dao vào cổ bắt dân tôi phun thuốc họ cũng không phun nữa vì sợ độc hại, vì sợ vất vả”. Không phun nhưng năng suất lúa vẫn khá, thậm chí còn cao hơn cả trước đây khi đồng ruộng đẫm thuốc sâu, thuốc bệnh. Sản lượng thóc hàng năm của Vân Từ khoảng 3.000 tấn chủ yếu tự sản tự tiêu theo hướng thóc sạch và dùng để chăn nuôi… lợn, gà, cá, vịt.

17-23-02_dsc_1653
Xác nhận của Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Phú Xuyên về nhiều xã gần như không phải dùng thuốc BVTV trên cây lúa

Không phun thuốc trong gần 10 năm nhưng chỉ duy nhất vụ mùa năm 2017 là năng suất lúa của Vân Từ bị sụt giảm từ hơn 5 tấn/ha xuống 2,7 tấn/ha. Nhưng so với những xã khác gần đó vẫn phun thì cũng cho năng suất tương tự bởi bệnh đốm sọc vi khuẩn, vàng lá gần như là vô phương cứu chữa, phun chẳng mấy tác dụng. Ông Nguyễn Đức Tiến - Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Vân đúc kết: “Càng phun nhiều lại càng lắm sâu vì thiên địch đã bị diệt hết. Bằng chứng là năm 2008 trước khi áp dụng SRI các xã trong vùng đua nhau phun trừ sâu cuốn lá để cuối vụ đều bị rầy phá sạch mùa màng…”.

Đã quen với chuyện làm lúa một cách ăn chắc mà không dùng thuốc nên đợt nọ ông sang chơi nhà người quen ở huyện Ninh Giang tỉnh Hải Dương và tròn mắt khi nghe kể chỉ 1 mẫu ruộng của gia đình này mà mỗi vụ phải phun tới 100 bình thuốc. Cánh đồng đủ thứ vỏ thuốc, lọ thuốc vứt bừa bãi. Ở đây có lệ cứ 7 - 10 ngày dân lại phun thuốc dự phòng một lần bất kể có dấu hiệu của sâu bệnh hay không.

Hỏi ra mới biết cũng có HTX, cũng có nhân viên BVTV cơ sở đấy nhưng cán bộ thông báo dân không mấy ai nghe, thuốc cứ phun tràn. Bận rộn đến mấy họ cũng cứ mỗi tuần phải đeo bình ra đồng một lần rồi mới yên tâm làm việc khác. Thiếu sự chỉ đạo về thời vụ từ tỉnh xuống huyện đến xã nên trà lúa rất lộn xộn, chỗ sớm, chỗ muộn. Hơn thế lại cấy dày, sử dụng nhiều giống hay nhiễm bệnh, chăm bón thừa đạm nên cánh đồng trở thành miếng mồi ngon dẫn dụ sâu bệnh tới. Khi cả làng phun thuốc mà nhà mình không phun thì cầm chắc là mất mùa.

Ngoài thuốc sâu, thuốc bệnh không dùng, ở Vân Từ hầu như cũng rất ít người phải sử dụng đến thuốc trừ cỏ, trừ ốc. Đặc thù xứ đồng chiêm trũng, ốc bươu vàng sinh sôi nhiều đến mức cứ đến vụ nông dân lại lũ lượt kéo bạt đi bắt bởi không có giỏ nào, bao tải nào có thể chứa xuể đám động vật ngoại lai này. Ngược lại, thường xuyên bị ngập nước cũng ban cho xã một đặc ân là có ít cỏ, hầu như không phải sử dụng đến thuốc hóa học để loại trừ.
 

Vị ngọt hậu

Ngừng phun thuốc BVTV 1 vụ là thiên địch đã kịp sinh sôi. Nhà sát bên không phun nhà mình phun mà cuối vụ năng suất như nhau là vụ sau sẽ tự động bỏ.

Môi trường sạch, bầu trời chim chóc sinh sôi, mặt đất ếch nhái nảy nở, dưới nước cá tôm tụ hội.

Tôi gặp Nguyễn Xuân Sinh người ở thôn Vực khi anh đang ngâm mình dưới nước vớt đám lưới chặn giăng ngay chỗ máng tưới tiêu, 1 bắt cá xuôi, 1 đón cá ngược.

Nước chảy ròng ròng từ đáy cái lưới chặng, lũ rô đồng lao xao nhảy, lũ rắn mòng béo nục nịch cuộn tròn nằm im.

Hôm nào ít anh cũng thu được 5 - 7kg còn hôm nhiều phải đến 20 - 30kg đủ để mỗi phiên chợ vợ đút túi gọn gàng 100.000 - 300.000 đồng.

17-23-02_dsc_1641
Anh Sinh đang đánh cá

Chợ Vực của làng lúc nào cũng thường trực 15 - 20 hàng cá đồng như vậy. Nhiều hôm mưa gió, đông người đi kiếm, chợ chật chỗ kẻ bán người mua còn tràn cả ra đường. Tiếng cười, tiếng nói lao xao. Không chỉ cá, tôm, cua, ếch, ốc nhồi mà dân Vân Từ còn ăn cả ốc bươu vàng bởi họ lý luận rằng trên ruộng sạch thì không một động vật nào đáng bị bỏ phí, càng ăn càng giúp cho mùa màng phát triển.

Anh Sinh bảo, lều trông cá của mình nằm sát đồng. Xưa mỗi đợt phun thuốc sâu, thuốc bệnh dù đã đóng kín cửa nhưng giấc ngủ cứ mỏng tang, chập chờn, thức giấc mà đầu nặng như chì, toàn thân rệu rã. Nay những giấc ngủ sâu lại trở về. Cũng như dân làng, 6 năm rồi anh cấy lúa mà không hề phun thuốc. 9 mẫu ao cá của nhà cũng chỉ cho ăn thóc, ăn ngô, ăn cỏ. Nước sạch, cá sạch, rau sạch đã giúp cho gia đình anh không chỉ có bát ăn, bát để mà sức khỏe đi lên thấy rõ.

Sau khi chọn riêng đám rô đồng vàng ươm dành để đãi vị khách phương xa là tôi anh Sinh xăm xăm ra chái nhà hái rau mộng cách - loại rau dại mọc ngay bên tường rào. Trong một buổi chiều mưa sụt sùi tháng 7, tôi lặng ngồi thưởng thức bát canh cá rô đồng hương thơm lừng vị nhân nhẫn đắng nhưng lại ngọt hậu. Nó ngọt ngào như chính thành quả mà người dân Vân Từ đạt được từ lúc bỏ thuốc BVTV.

17-23-02_dsc_1651
Nụ cười của anh Sinh khi trúng mẻ cá đồng
Rất nhiều địa phương từng tìm đến Hà Nội học tập mô hình SRI nhưng khi về không thể nhân rộng. Có lẽ là bởi cơ quan pháp luật lỏng lẻo, cơ quan quản lý ít quan tâm còn người dân thì đã “nghiện” sử dụng hóa chất mất rồi.

 

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.