Cơ sở trung ương Đảng thành di tích nhà in Tiến Bộ
Đó là Cơ sở của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (từ năm 1941 – 1945) tại thôn Tráng Việt, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội, được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia từ năm 1986. Nhưng sau khi trùng tu, xây dựng đã thành di tích nhà in Tiến Bộ (?) huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.
Di tích Cơ sở của Trung ương Đảng tại Tráng Việt “rỗng ruột” và nhiều sai sót |
Điều đầu tiên khi đến di tích quốc gia này làm chúng tôi hết sức ngạc nhiên đó là trừ vài gian nhà tranh phục dựng, bên trong hoàn toàn trống rỗng, chẳng có bất cứ hiện vật nào mang thông tin giới thiệu di tích. Bàn thờ được lập mới, cũng không thấy có di ảnh. Một chiếc giường ọp ẹp bên góc nhà, trơ cả dát được phủ một lớp bụi dày.
Tên gọi của di tích này là gì? Cổng thông tin điện tử huyện Mê Linh, khi giới thiệu Tổng quan về lịch sử - văn hoá huyện Mê Linh viết: “Cũng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, Trung ương Đảng đã chọn xã Tráng Việt làm địa điểm xây xưởng in Tiến Bộ”. Nhiều cán bộ địa phương gọi đây là di tích nhà in Tiến Bộ. Ngay đến ông Nguyễn Mạnh Xuyên - Bí thư Đảng ủy Tráng Việt khi PV nêu câu hỏi: “Tên chính xác của di tích là gì?” cũng rất lúng túng. “Nhà in Tiến Bộ mà. Nó gọi là di tích lịch sử cách mạng”. Nghe ông Xuyên trả lời như vậy, PV hỏi lại: “Trong các tài liệu lịch sử đáng tin cậy thì tên cũ của di tích không phải như thế, thưa ông?” Ông Bí thư Đảng ủy xã Tráng Việt lại nói vòng: “Gọi là di tích lịch sử cách mạng thôi mà”.
Về tên gọi “di tích nhà in Tiến Bộ” hay “xưởng in Tiến Bộ”, bà Ngô Thị Canh, con gái hai cụ Ngô Văn Mạo và Hoàng Thị Long, đồng thời là cán bộ hưu trí nhà in Tiến Bộ (hiện sinh sống tại quận Đống Đa – Hà Nội) bác bỏ. Bà Canh cho biết, khi không quân Mỹ ném bom Hà Nội (1965), nhà máy in Tiến Bộ phải sơ tán khỏi Thủ đô nhưng về đóng ở làng Đông Cao chứ không hề đóng ở làng Tráng Việt. Đồng thời, theo các tư liệu lịch sử để lại, các đơn vị cơ sở tiền thân của nhà máy in Tiến Bộ (nay là Công ty in Tiến Bộ, tru sở tại 175 Nguyễn Thái Học – Ba Đình – Hà Nội) cũng không hề liên quan đến di tích lịch sử ở Tráng Việt.
Râu ông cắm cằm bà
Bên ngoài, biển giới thiệu di tích có những dòng chữ như sau: “Trong những năm 1941-1944, gia đình ông Ngô Văn Suổi là cơ sở cách mạng của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ. Nơi đây là địa điểm hoạt động của các đồng chí Trường Chinh, Lê Quang Đạo, Nguyễn Lam… về chỉ đạo phong trào cách mạng tại huyện Mê Linh và là trụ sở in ấn tài liệu như báo và truyền đơn cách mạng cho Văn phòng Trung ương Đảng; là địa điểm in lệnh Tổng khởi nghĩa tháng 08 năm 1945”.
Ngay các nội dung trên biển giới thiệu di tích này cũng đã nhiều điều viết sai, viết thiếu về lịch sử.
Ảnh: Kiều Khải |
Đầu tiên, theo Bằng công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa, do Bộ trưởng Trần Hoàn ký ngày 8/4/1991 ghi rõ: “Cơ sở của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (từ năm 1941 đến năm 1945) thôn Tráng Việt, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội”. Như vậy, không thể như biển giới thiệu di tích viết là trong những năm 1941-1944, mà phải đến năm 1945 – thời điểm đánh dấu nhiều đóng góp quan trọng của di tích.
Thứ hai, cần chứng minh tư liệu nào, của ai cho biết đây “là địa điểm in lệnh Tổng khởi nghĩa tháng 08 năm 1945”? Còn trong tay chúng tôi thu thập được những tư liệu từ hồi ký các nhân chứng lịch sử (đồng chí Xuân Thuỷ - nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Trần Quốc Hương (Mười Hương) – nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; ông Nguyễn Lương Hoàng – nguyên Cục phó Cục Xuất bản, ông Ngô Văn Trường – tức Đại tá Ngô Thành Vân...) thì không có bất cứ tài liệu nào nhắc đến ở Tráng Việt in Lệnh tổng khởi nghĩa. Biển giới thiệu di tích đã đem râu ông nọ cắm cằm bà kia.
Thứ ba, biển giới thiệu di tích viết: “Trong những năm 1941-1944, gia đình ông Ngô Văn Suổi là cơ sở cách mạng của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ”. Viết “gia đình ông Ngô Văn Suổi là thiếu chính xác. Điều này cũng được ông Nguyễn Mạnh Xuyên - Bí thư Đảng ủy xã Tráng Việt xác nhận: “Các con ông bà Ngô Văn Mạo – Hoàng Thị Long không đồng ý viết giới thiệu di tích như vậy”.
Viết về di tích cần phải chính xác
Trao đổi với chúng tôi, TS Lưu Minh Trị - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long – Hà Nội cho rằng: “Đối với di tích lịch sử cách mạng quốc gia ngành văn hóa phải có trách nhiệm sưu tầm hiện vật. Đối với di tích cách mạng kháng chiến do Đảng lãnh đạo, tùy theo phân cấp quản lý, quận hay huyện phải cố gắng tìm được hiện vật thì mới sinh động”.
Ảnh: Kiều Khải |
Theo Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long – Hà Nội, di tích cách mạng kháng chiến vốn đã khô khan rồi, nếu không có hiện vật, không có chứng cứ thì khi du khách đến tham quan người ta không hiểu được.
“Còn việc làm sai hồ sơ tích, nếu có ý kiến của các nhân chứng hay thân nhân của họ phát hiện ra việc làm sai lệch di tích thì nguyên tắc chung là cấp quản lý di tích đó phải sửa lại và viết lại cho cẩn thận về di tích. Trách nhiệm quản lý Nhà nước về văn hóa đã phân cấp, cấp nào quản lý di tích thì cấp đó phải chịu trách nhiệm”, TS Lưu Minh Trị nói.
Thất lạc hồ sơ di tích Trao đổi với PV, ông Đặng Văn Cường – Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Mê Linh, cho biết: Phòng không tìm thấy hồ sơ di tích, không rõ đã thất lạc ở đâu. Điều này rất ngạc nhiên vì ngày 22/8/2017, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội do ông Trần Thế Cương làm Trưởng đoàn đã về làm việc tại huyện Mê Linh về công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn còn nhắc đến việc gắn biển lưu niệm di tích cách mạng kháng chiến Nhà máy in Tiến Bộ - xã Tráng Việt. Vậy mà khi chúng tôi nêu thông tin đây không phải di tích nhà in Tiến Bộ thì hồ sơ di tích lại thất lạc nhanh như vậy? |