| Hotline: 0983.970.780

Chuyển mạnh lúa, ngô kém hiệu quả sang dâu tằm

Thứ Hai 01/11/2021 , 19:00 (GMT+7)

LÂM ĐỒNG Những năm gần đây, người dân huyện Đam Rông (Lâm Đồng) tập trung chuyển đổi diện tích lúa, bắp kém hiệu quả sang sản xuất dâu tằm cho hiệu quả cao.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Đam Rông (Lâm Đồng), khu vực Đầm Ròn thuộc 3 xã gồm Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’Rông là nơi có tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số trên 90%. Đây là khu vực có nhiều diện tích đất ven sông, suối và người dân chủ yếu sản xuất lúa một vụ, trồng bắp…

Những năm gần đây, việc sản xuất lúa, bắp đạt hiệu quả thấp, chỉ thu về khoảng 2 - 3 triệu đồng/1.000m2 mỗi năm nên ngành nông nghiệp địa phương hướng dẫn người dân chuyển đổi mô hình, khuyến khích và hỗ trợ vốn để người dân chuyển diện tích lúa, bắp kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm.

Nhờ phát triển nghề dâu tằm, người dân vùng Đầm Ròn cải thiện nguồn thu nhập, ổn định đời sống. Ảnh: M.H. 

Nhờ phát triển nghề dâu tằm, người dân vùng Đầm Ròn cải thiện nguồn thu nhập, ổn định đời sống. Ảnh: M.H. 

Theo ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đam Rông, cây dâu tằm phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương và đặc biệt vốn đầu tư không quá cao, kỹ thuật canh tác đơn giản, đầu ra ổn định nên địa phương khuyến khích người dân sản xuất. Đến nay, sau 4 năm thực hiện việc chuyển đổi từ đất lúa, bắp kém hiệu quả sang dâu tằm, người dân đã đi vào nề nếp sản xuất, cải thiện nguồn thu nhập và ổn định cuộc sống.

Theo đánh giá, xã Đạ M’Rông hiện có 138 hộ dân trồng dâu nuôi tằm với tổng diện tích ở vào khoảng 50,7ha. Trong số này có 87 hộ dân được nhà nước hỗ trợ nguồn vốn phát triển với diện tích tổng cộng 24,7ha.

Tại xã Đạ M’Rông, quy mô sản xuất dâu tằm hộ gia đình giao động từ 1.000 - 5.000m2. Ông Nguyễn Hoàng Mai, Bí thư Đảng ủy xã Đạ M’Rông cho hay, trong giai đoạn 2018 - 2021, nhờ nghề trồng dâu nuôi tằm mà 10 hộ gia đình đã thoát nghèo.

Về phần người dân, nhận thấy việc phát triển dâu tằm cho kết quả khả quan nên hiện có 32 hộ dân xã Đạ M’Rông đang đăng ký chuyển đổi 5,7ha lúa một vụ, đất trồng bắp kém hiệu quả qua trồng dâu. Dự kiến, trong giai đoạn 2021 - 2022, địa phương này sẽ có thêm 20 ha dâu tằm.

Lâm Đồng hiện có 9.344ha diện tích dâu phục vụ nuôi tằm và dự kiến tăng lên 10.000ha vào năm 2023. Ảnh: M.H.

Lâm Đồng hiện có 9.344ha diện tích dâu phục vụ nuôi tằm và dự kiến tăng lên 10.000ha vào năm 2023. Ảnh: M.H.

Trong khi đó, xã Đạ Tông cũng phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm với quy mô 137 hộ, diện tích khoảng 52,4ha. Trong số này có 105 hộ được nhà nước hỗ trợ sản xuất với tổng diện tích khoảng 31,4ha. Toàn bộ diện tích dâu ở địa phương là chuyển đổi từ đất lúa một vụ kém hiệu quả ở các cánh đồng Đạ Nhinh, Đạ Kao, Păng Út, Chiêng Tor, Buôn Yông, Liêng Trang. Kỹ thuật canh tác đang ngày càng được cải thiện và hiện nay, năng suất dâu của địa phương đạt 3 - 3,5 tạ/1.000m2.

Tại xã Đạ Long, người dân cũng thực hiện chuyển đổi khoảng 6,7ha qua sản xuất dâu tằm và dự kiến tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.

Theo ngành nông nghiệp huyện Đam Rông, nghề trồng dâu nuôi tằm ở 3 xã vùng Đầm Ròn mang lại hiệu quả rõ rệt. Các hộ dân trồng dâu nuôi tằm có nguồn thu nhập trung bình 7 triệu đồng/hộp tằm.

Chính quyền huyện Đam Rông xác định việc phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm là hướng đi quan trọng giúp bà con vùng Đầm Ròn thoát nghèo. Do vậy, địa phương đang tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân tập trung sản xuất, chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm để phát triển kinh tế.

Tại Lâm Đồng, nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển rộng ở 11 huyện, thành phố với tổng diện tích dâu ở vào khoảng 9.344ha, trứng giống tằm khoảng 242.395 hộp, sản lượng kén hiện đạt gần 60.000 tấn. Tỉnh đang đẩy mạnh ngành tơ tằm theo hướng sản xuất hiệu quả, tập trung sản xuất chuyên canh, hình thành vùng nguyên liệu dâu tằm ổn định với diện tích dự kiến 10.000ha vào năm 2023.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.