| Hotline: 0983.970.780

Chuyên nghiệp hóa sản phẩm OCOP

Thứ Tư 08/11/2017 , 08:51 (GMT+7)

Quảng Ninh đang tiến hành chuẩn hóa, nâng tầm các sản phẩm trong chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP). Năm nay là năm thứ 2 địa phương này tổ chức cuộc thi đánh giá và phân hạng sản phẩm.

Năm 2017 này, Ban Tổ chức (BTC) cuộc thi đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP nhận được 78 sản phẩm với 81 hồ sơ của 47 tổ chức kinh tế. Trên cơ sở đó, BTC đã loại 6 sản phẩm do không đủ hồ sơ và chưa đạt yêu cầu.

15-43-45_dsc_54667
Các sản phẩm OCOP Quảng Ninh ngày càng được chú trọng chất lượng

Ngoài ra, 1 sản phẩm xin rút là măng mai khô Ba Chẽ. Số lượng các sản phẩm tham gia cấp tỉnh năm nay giảm so với năm 2016 (giảm 47 sản phẩm), song điều này cho thấy việc tổ chức cuộc thi đã được các địa phương thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, bài bản để lựa chọn ra các sản phẩm thực sự chất lượng.

Không những thế, các sản phẩm tham gia cuộc thi năm nay đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, chủng loại. Trong đó, xuất hiện nhiều sản phẩm mới, như: Bưởi Việt Dân, vải thiều Đông Triều, Cao Lạc Tiên an thần, tranh bột điệp Công Tuyến, bún Hoài Sơn - Ý Dĩ, bánh hạnh nhân Tiên Yên, nước lọc tinh khiết Bình Liêu, mỡ phần thịt lợn...

Tiêu biểu trong số các sản phẩm mới tham gia cuộc thi đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP năm 2017 là Cao Lạc Tiên an thần của Cty TNHH Nam dược Y Võ (TP Uông Bí). Từ bài thuốc cổ truyền với nguyên liệu chính là cây lạc tiên mọc tự nhiên ở khu vực Thượng Yên Công, Điền Công (TP Uông Bí), lương y Nguyễn Văn Mạnh, GĐ Cty đã nghiên cứu SX ra sản phẩm Cao Lạc Tiên an thần.

Theo đó, dây lạc tiên được cắt ra, sơ chế loại tạp chất, cho vào sao rồi mới mang đi rửa. Sau đó, lạc tiên được chuyển vào nồi nấu qua 2 giai đoạn cô thô và tinh. Giai đoạn cô thô trải qua 5 ngày liên tục đun cho tới khi gần cạn nước.

Thuốc được tiếp tục chuyển sang nồi nấu cô tinh, làm bay hơi nước ở nhiệt độ thấp cho tới khi cao Lạc Tiên còn lại với hàm lượng tinh chất vừa đủ. Sản phẩm này có tác dụng an thần, chữa trị bệnh mất ngủ, phù hợp với cả những người bị tim mạch, huyết áp cao, bị nhiệt.

Sản phẩm Cao Lạc Tiên an thần đã được Trung tâm Chứng nhận phù hợp (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ KH- CN) kiểm nghiệm công nhận về thành phần, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận sản phẩm.

Hiện sản phẩm được phân phối trong các đại lý không chỉ trên địa bàn tỉnh, mà còn ở Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Phòng, Nghệ An... với sản lượng tiêu thụ được 3.000 chai (loại 300ml)/năm.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của BTC, chất lượng các sản phẩm tham gia đều tăng. Hầu hết các sản phẩm đều thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn về sản xuất hàng hoá theo quy định của Nhà nước; đặc biệt, có những sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất đã tích cực hoàn thiện quy trình sản xuất, tăng cường đầu tư thiết bị, đẩy mạnh ứng dụng KH- CN.

Điển hình là sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ của Cty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, thời gian qua, Cty đã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Năm 2016, DN đã đầu tư các thiết bị nhằm SX dòng sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ phù hợp với thị hiếu thị trường trong nước, như: Lò nung đốt tốc độ cao 8m3 tự động, máy khắc công nghệ cao, phần mềm thiết kế... Từ đó, tạo ra dòng sản phẩm gốm sứ mang đậm tính thủ công, bền, đẹp, giá cả phải chăng; khắc phục tình trạng nhập ngoại sản phẩm gốm sứ.

Cuộc thi đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP năm 2017 tiếp tục là bước tiến lớn của Quảng Ninh trong thực hiện chương trình OCOP. Với sự đánh giá khắt khe trong từng tiêu chí của cuộc thi, chắc chắn là nền tảng quan trọng để các cơ sở sản xuất đi đúng hướng, chuẩn hoá sản phẩm OCOP theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, nâng cao năng lực hội nhập.

 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.