| Hotline: 0983.970.780

Chuyển ruộng muối sang nuôi tôm

Thứ Năm 26/03/2020 , 14:10 (GMT+7)

Sản xuất muối không hiệu quả, nhiều hộ gia đình ở Quảng Nam đã chuyển đổi ruộng muối của mình qua nuôi tôm lót bạt. Bước đầu, hướng đi này đã mang lại hiệu quả.

Nhiều hộ gia đình ở xã Tam Hòa chuyển đổi diện tích sản xuất muối sang nuôi tôm lót bạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Lê Khánh.

Nhiều hộ gia đình ở xã Tam Hòa chuyển đổi diện tích sản xuất muối sang nuôi tôm lót bạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Lê Khánh.

Trước đây, xã Tam Hòa (huyện Núi Thành) là một trong những địa phương sản xuất muối với diện tích tương đối lớn ở tỉnh Quảng Nam.

Khi muối còn được giá, nghề này đã mang lại nguồn thu nhập không hề nhỏ cho các hộ gia đình ở ở địa phương này. Do đó mà nghề muối đã tồn tại ở đây một khoảng thời gian rất dài.

Đến khoảng năm 2015 - 2016,  khi giá muối không còn ổn định như trước, khí hậu lại thất thường khiến cho diêm dân gặp vô vàn khó khăn. Có những thời điểm, muối rớt giá thê thảm, dù đã lao động cật lực nhưng thu nhập không đáng bao nhiêu.

Chính vì thế, người dân dần cảm thấy chán nản với công việc này. Trước tình thế đó, một số hộ dân đã quyết định cải tạo ruộng muối của mình và bỏ thêm tiền để đầu tư ao nuôi, máy móc, trang thiết bị về thả nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt.

So với làm muối, số tiền đầu tư cho một ao nuôi tôm cao gấp nhiều lần nhưng hiệu quả từ tôm mang lại cũng tương xứng với số tiền bỏ ra. Nếu gặp điều kiện thuận lợi, sau 3 tháng thả nuôi thì 1 ao nuôi tôm có diện tích 1 sào sẽ mang lại nguồn lãi cả trăm triệu đồng.

Ông Bùi Ngọc Tiên (trú thôn Đông An, xã Tam Hòa) cho biết, gia đình ông trước đây làm muối rất vất vả. Nếu thời tiết thuận lợi thì mỗi ngày cũng thu được từ 200.000 - 300.000 đồng. Tuy nhiên, công việc này phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Chỉ cần xuất hiện một trận mưa giông là toàn bộ ruộng muối bỏ bao công sức đều tiêu tan.

“Cuối năm 2019, tôi bỏ ra 200 triệu đồng để cải tạo ruộng muối có diện tích 1,8 sào thành ao nuôi tôm. Vụ đầu tiên, gia đình tôi thả nuôi 21 vạn con tôm thẻ chân trắng, tôm nuôi phát triển rất tốt. Sau hơn 3 tháng thì tôm đạt đủ kích cỡ để cho thu hoạch và đạt sản lượng trên 3 tấn. Sau khi trừ tất cả chi phí thì nhà tôi cũng lãi được khoảng 130 triệu đồng, gấp nhiều lần so với làm muối”, ông Tiên chia sẻ.

Theo thực tế tại địa phương này, những năm qua các hộ dân chuyển đổi từ làm muối qua nuôi tôm đều có lãi. Thấy vậy nên từ một vài hộ nuôi ban đầu, đến nay thì hầu hết các hộ trước đây làm muối ở xã Tam Hòa đều đã cải tạo ruộng muối của mình để chuyển qua nuôi tôm.

Ông Nguyễn Văn Bình (trú thôn Đông An, Tam Hòa) cho biết: “Gia đình tôi cũng chuyển qua nuôi tôm đến nay là vụ thứ 2. Với diện tích 1,2 sào nuôi, vụ đầu tiên tôi cũng thu lãi được hơn 100 triệu đồng từ con tôm.

Cứ tưởng rằng vùng đất này ngoài làm muối và làm ruộng ra thì không thể nuôi được con gì nhưng bây giờ thấy nuôi tôm hiệu quả như thế chúng tôi cũng rất vui”.

Cũng theo ông Bình, thì với nghề muối nếu thời tiết thuận lợi có thể làm sản xuất được từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch. Khi giá muối ổn định thì không nói, những lúc giá bấp bênh thì cũng chỉ là lấy công bù lỗ.

Chỉ vì không muốn bỏ hoang đồng ruộng và chưa có hướng đi phù hợp nên người dân nơi đây mới chấp nhận tiếp tục làm nghề này. Thấy được hiệu quả từ nuôi tôm nên ở xã Tam Hòa bây giờ không còn ai làm muối nữa.

Trao đổi với PV, ông Trương Công Bình, Phó chủ tịch UBND xã Tam Hòa cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, người dân đã chuyển đổi được khoảng 15ha ruộng sản xuất muối sang nuôi tôm.

Tất cả diện tích chuyển đổi đều nuôi rất hiệu quả, tăng được nguồn thu nhập cho người dân trong vùng, gấp hàng chục lần so với làm muối.

“Về phía chính quyền địa phương thì chúng tôi cũng khuyến khích người dân chuyển đổi sang hướng đi hiệu quả hơn. Dù không có chính sách hỗ trợ về vật chất nhưng xã cũng giúp cho người dân về mặt pháp lý, thực hiện các thủ tục chuyển đổi cũng như hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm. Vấn đề quan trọng nhất là môi trường nên địa phương cũng khuyến cáo người dân xử lý nước thải, ao nuôi, tránh gây ô nhiễm cũng như làm giảm nguy cơ dịch bệnh”, ông Bình nói.

Xem thêm
Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.