| Hotline: 0983.970.780

Chuyển Tết ra đồng

Thứ Sáu 11/02/2011 , 10:13 (GMT+7)

Từ mùng 4 Tết, khắp mọi cánh đồng, đi đâu chúng tôi cũng nhìn thấy nét mặt rạng rỡ của người dân đang tranh thủ xuống đồng.

Những ngày trước và sau Tết Nguyên đán Tân Mão, thời tiết trở lại ấm ấp khiến bài con nông dân các địa phương thở phào và sung sướng khi thấy trời hửng nắng và ấm áp trở lại.

Từ mùng 4 Tết, khắp mọi cánh đồng, đi đâu chúng tôi cũng nhìn thấy nét mặt rạng rỡ của người dân đang tranh thủ xuống đồng. Họ vừa hỏi thăm sức khỏe vừa tranh thủ thúc trâu đi cày để kịp gieo cấy vụ xuân 2011.

 Gác lại chuyện Tết nhất, từ chiều mồng 3 Tết, anh Nguyễn Văn Hoán, ở xóm 10, xã Thanh Nam (Thanh Chương, Nghệ An) đã dắt bò đi cày. Gặp chúng tôi, anh cho biết: Phải cày đất bãi và bừa xáo lại 4 sào ruộng để chuẩn bị đưa mạ xuân xuống cấy và kịp gieo trỉa lạc gần 1 sào đất bãi. Năm nay anh làm 3 sào lúa thuần AC5 và 1 sào lúa TL6, hiện mạ đã được 2 lá rưỡi. Trời tiếp tục nắng ấm thế này thì vài ngày nữa sẽ bắt đầu cấy. Trong khi chờ mạ đủ 3 lá, nhà anh đang lo gieo lạc xuân, ngô xuân.

Năm nay người dân Nghệ An ra đồng sớm hơn mọi năm là do từ trước Tết hơn 1 tháng, trời rét đậm, rét hại kéo dài khiến mùa vụ bị chậm trễ, mạ nhiều nơi bị chết rét. Số diện tích lúa gieo thẳng ở các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Quỳnh Lưu gần như bị xóa sổ. Nhiều người lo ngại sẽ bị mất mùa, nên khi trời ấm trở lại làm bà con rất phấn khởi đã nhanh chóng xuống đồng.

 Gặp chúng tôi, ông Phan Đình Hạnh, Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên cho biết: “Vụ hè thu và vụ mùa năm 2010, hạn hán, rồi lụt lịch sử đã khiến bà con trong xã coi như trắng tay. Những ngày cuối năm bà con bắt tay vào làm vụ đông xuân lại bị rét đậm, rét hại làm mạ chết rét mất khá nhiều. Trời rét khiến bà con không cày cấy được nên giờ trời chuyển sang ấm là ai nấy phải tranh thủ để ra đồng. Diện tích gieo thẳng làm trước Tết bị chết rét nhiều rồi, nay vừa phải gieo lại từ đầu".

Ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT Nghệ An cho biết: Do rét đậm, rét hại kéo dài nên những địa phương như Yên Thành, Quỳnh Lưu gieo mạ phủ ni lon trước lịch thời vụ của tỉnh đã phải tổ chức cấy từ mồng 2, mồng 3 Tết để tránh mạ bị già. Nhìn chung hầu hết các địa phương đều thiếu mạ. Nhất là huyện Đô Lương và Hưng Nguyên. Đứng trước tình hình trên, tại Hội nghị bổ cứu vụ xuân 2011, Sở NN- PTNT Nghệ An đã điều chỉnh lại lịch thời vụ làm sao để các địa phương cấy xong trước 15/2/2011. Sở không khuyến khích nhưng cũng không cấm các địa phương triển khai gieo thẳng như các năm trước để kịp thời vụ.

Theo thống kê sơ bộ của Sở NN- PTNT Nghệ An, trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, Nghệ An có trên 4.600 ha lúa gieo thẳng, gần 500 ha lúa cấy và 430 ha mạ bị chết rét (khoảng trên 10.000 ha lúa sẽ phải gieo cấy lại). Hai địa phương có diện tích lúa gieo thẳng và diện tích mạ bị thiệt hại nhiều nhất là huyện Đô Lương và Hưng Nguyên. Người dân ở đây đang phải tích cực sử dụng các biện pháp như bắc mạ sân, mạ khay, mạ che nylon ngay trong những ngày cận Tết để kịp lịch thời vụ.

Chị Nguyễn Thị Chiên, trú tại xã Thanh Thủy, Thanh Chương nói với PV: “Cái khó nhất bây giờ là giống lúa và phân bón. Giá cả thì lên từng ngày, diện tích lúa N.ưu 69 sức nảy mầm kém, sàng sảy mãi mới đưa ra gieo mạ lại bị trời rét nên chết gần hết nay phải làm lại từ đầu vừa tốn công, vừa mất của, chi phí đầu tư tăng lên gấp bội". Cùng với việc gieo lại diện tích lúa đã chết, những ngày đầu năm mới, nông dân các huyện ở Nghệ An đang hối hả ra đồng để tiếp tục gieo mới những diện tích lúa, lạc xuân, vừng, ngô xuân cho kịp thời vụ. Không khí Tết đang được người dân chuyển dần từ trong nhà ra ngoài đồng, ai cũng cầu mong cho một năm mới chân cứng đá mềm, mùa màng bội thu.

Xem thêm
Bảo toàn đàn vật nuôi giữa nắng nóng kỷ lục

BÌNH ĐỊNH Đang trong giai đoạn nắng nóng cao độ kỷ lục, người chăn nuôi tại Bình Định áp dụng nhiều biện pháp nhằm bảo toàn sức khỏe đàn vật nuôi.

Chó, mèo thả rông lông nhông khắp phố

BÌNH DƯƠNG Có rất nhiều người tại Bình Dương bị chó thả rông cắn phải đi tiêm phòng dại khiến người dân rất bức xúc vì nạn chó lông nhông khắp phố.

Lấy doanh nghiệp là đầu tàu để phát triển bền vững ngành mía đường

Cơ quan chức năng cần có giải pháp nhằm củng cố và phát triển chuỗi liên kết sản xuất trong bối cảnh cây mía đang dần mất vị thế.

'Bắt bệnh, bốc thuốc' cho vườn cam thoái hóa

HÀ TĨNH Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, những vườn cam có 30 - 50% số cây 'ốm yếu', suy kiệt, có nguy cơ phải phá bỏ đã được giữ lại.