Cơ duyên với cây trồng mới
Theo ông Đặng Văn Khánh (sinh năm 1959) ở làng K8 xã vùng cao Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định), trước khi được một chuyên gia người Úc giới thiệu về cây mắc ca, anh không biết cây này là cây gì, "mặt mũi" nó ra sao.
Trước năm 2009, cụ Trình Nghiên khi ấy là Chủ tịch Hội Làm vườn Bình Định có đi thực tế lên Vĩnh Sơn và được chính quyền địa phương giới thiệu những mô hình trồng trọt của ông Đặng Văn Khánh. Thấu được niềm đam mê trồng trọt của ông Khánh, cụ Nghiên đã giới thiệu ông Khánh đi dự lớp tập huấn về cây có múi của 6 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên được tổ chức tại Thừa Thiên - Huế.
Sau mấy chục ngày tập huấn, ông Khánh có dịp ngồi trò chuyện, tâm sự với một chuyên gia người Úc (chuyên gia hướng dẫn lớp tập huấn) về điều kiện, thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất Vĩnh Sơn cũng như thực trạng loay hoay của nông dân chưa biết chọn trồng cây gì cho hiệu quả.
Nghe ông Khánh nói chuyện, vị chuyên gia người Úc ấy mở lòng: “Với thổ nhưỡng, khí hậu ấy thì tôi nghĩ phù hợp với cây mắc ca. Tôi hướng dẫn cậu về cây có múi theo chương trình tập huấn, chứ dân Úc chúng tôi không phải làm giàu với cây có múi mà là với cây mắc ca”.
Mới nghe tên cây mắc ca, ông Khánh cứ tưởng là cây mà ca, loại cây dại cùng họ với cây lộc vừng mọc đầy trong rừng Vĩnh Sơn. Ông Khánh bảo: “Tưởng cây gì chứ cây mà ca trong rừng tự nhiên ở quê em mọc đầy”. Vị thầy người Úc dẫn giải: “Cây mắc ca cũng cùng họ với lộc vừng, nhưng chỉ bên Úc mới có chứ ở Việt Nam chưa có giống cây mắc ca”.
Dự xong lớp tập huấn, về đến nhà, ông Khánh được vị chuyên gia kia gửi sang cho tập tài liệu về cây mắc ca. Có tài liệu trong tay, ông Khánh miệt mài đọc, nghiên cứu. Qua tài liệu, ông thấy cây mắc ca là loài cây khó tính, không phải đất nào trồng cũng được, nhưng đối với nền khí hậu ôn đới của Vĩnh Sơn thì lại phù hợp.
Tìm hiểu thêm, ông Khánh được biết ở Đà Lạt, nơi có khí hậu tương tự Vĩnh Sơn có 2 cây mắc ca được trồng từ thời Pháp, đến giờ vẫn còn sống. Từ đó, ông Khánh mê mẩn cây mắc ca nhưng tìm không ra cơ sở bán cây giống, ông đành dừng “tơ tưởng” đến loài cây này.
Năm 2012, UBND huyện Vĩnh Thạnh tổ chức lớp tập huấn về cây lúa và cây mắc ca, tại buổi tập huấn có giới thiệu cơ sở bán cây giống mắc ca. Niềm đam mê loại cây này bỗng dưng “sống lại” trong ông Khánh. Dự xong lớp tập huấn, hôm sau ông Khánh tự bỏ tiền túi đi lên Đắk Lắk tham quan vườn thực nghiệm cây mắc ca của Viện Eakmat. Khi đi, với quyết tâm mua cây giống về trồng trên diện tích 1ha nên ông Khánh vừa mang theo tiền mặt vừa mượn con gái 1 cây vàng mang theo dự phòng.
Sau khi tham quan vườn thực nghiệm cây mắc ca của Viện Eakmat, niềm đam mê loại cây này trong ông Khánh như được nhân đôi. Ông quyết định bán luôn cây vàng, mua giống về trồng trên diện tích 2ha đất rẫy tại làng K8.
“Lúc ấy cơ sở cung ứng giống cây mắc ca bán 70.000đ/cây giống, tôi mua 700 cây. Thế nhưng do là người đầu tiên ở Bình Định mua cây giống nên cơ sở bán giống bớt cho tôi 5.000đ/cây, tôi còn phải trả 65.000đ/cây giống và còn được hỗ trợ 50% chi phí vận chuyển cây giống về đến Vĩnh Sơn. Do tôi là cựu chiến binh nên tôi quyết định xuống cây giống đúng vào ngày 22/12/2012, ngày kỷ niệm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam để cho dễ nhớ”, ông Đặng Văn Khánh nhớ lại.
Thờ phào khi mắc ca ra quả ổn định
Ngày ông Khánh đưa cây mắc ca về trồng trên đất Vĩnh Sơn, vợ chồng ông chịu không ít áp lực, “lời ong tiếng ve” của người dân địa phương. Nào là “vợ chồng ông Khánh bỏ tiền đống đưa cây mắc ca về trồng đằng nào không khốn khổ vì loại cây này không cho quả”. Nào là “vợ chồng ông Khánh trồng cây mắc ca phải đến 100 năm sau mới thu hoạch quả”. Tự tin về quyết định của mình, vợ chồng ông Khánh cặm cụi với 2ha đất rẫy tại làng K8 để hình thành diện tích mắc ca đầu tiên của xã Vĩnh Sơn.
Với mật độ trồng cây cách cây 6m, hàng cách hàng 6m, mỗi ha ông Khánh trồng 310 cây. Trong 2 năm đầu khi cây mắc ca chưa khép tán, ông Khánh trồng xen chanh dây để lấy ngắn nuôi dài.
Về cây chanh dây, ông Khánh cũng đã cất công lên tận Gia Lai tìm hiểu về loại cây này. Cơ sở bán giống chanh dây cho ông Khánh đề nghị khi thu hoạch quả phải bán sản phẩm lại cho cơ sở. Điều ràng buộc này khiến ông Khánh càng thêm yên tâm về đầu ra của chanh dây. Trên diện tích 2ha, ông Khánh trồng 720 cây mắc ca và trồng xen chanh dây vào chỗ trống với diện tích khoảng 1ha.
“Theo lý thuyết, 1ha chanh dây 1 năm thu khoảng 40 tấn sản phẩm, nhưng 1ha chanh dây đầu tiên của tôi cho thu hoạch đến gần 60 tấn/năm. Từ lúc trồng cả mắc ca lẫn chanh dây đến khi thu hoạch tôi không bỏ một hột phân hóa học nào, nhưng nhờ chất đất bazan màu mỡ và khí hậu phù hợp nên chanh dây cho năng suất cao, còn cây mắc ca thì phát triển sởn sơ”, ông Khánh chia sẻ.
Theo ông Khánh, 6 tháng sau khi trồng, cây chanh dây bắt đầu cho thu hoạch. Chanh dây trồng trên đất Vĩnh Sơn quả ra chùm chùm, cứ 3 ngày ông Khánh hái chanh dây 1 lần, mức thu nhập ít nhất là 5 triệu đồng/lần hái quả. Thời gian thu hoạch chanh dây bắt đầu từ tháng 6 hàng năm kéo dài đến tháng 11.
Thu nhập từ cây chanh dây giúp ông Khánh nuôi con ăn học, chi dùng sinh hoạt gia đình, đầu tư chăm sóc cho cây mắc ca. Tính đến nay, diện tích cây mắc ca của ông Khánh đã được nhân rộng đến hơn 6ha, riêng những diện tích cây mắc ca trồng đầu tiên vào cuối năm 2012 giờ đã khép tán nên không còn trồng xen chanh dây, chỉ những diện tích mắc ca trồng sau cây còn nhỏ vẫn còn trồng xen chanh dây vào.
“Hiện nay, chanh dây loại 1 có giá gần 15.000đ/kg, chanh loại 2 khoảng 8.000đ/kg, chanh loại 3 có giá khoảng 5.000 - 6.000đ/kg. Theo như tôi được biết thì trên đất Vĩnh Sơn diện tích mắc ca đã được trồng đến 60 - 70ha, còn chanh dây cũng khoảng 40ha. Cứ 2 - 3 ngày xe tải của đại lý ở Gia Lai chạy sang Vĩnh Sơn thu mua chanh dây 1 lần, người dân địa phương có thêm nguồn thu nhập rất đáng kể”, ông Khánh cho hay.
Trên diện tích 2ha mắc ca trồng vào cuối năm 2012, đến tháng 9/2017, trong một lần đi thăm rẫy, vợ chồng ông Khánh thấy 2 cây đầu tiên ra mấy chùm hoa khiến họ rưng rưng nước mắt vì mừng rỡ. Bởi, dẫu tin tưởng vào vị chuyên gia người Úc và tin vào quyết định của mình, nhưng trong lòng vợ chồng ông Khánh không khỏi lo lắng. Đến khi diện tích 2ha mắc ca ra hoa, đậu quả và cho thu hoạch, vợ chồng ông Khánh mới thở phào nhẹ nhõm.
“Đến năm thứ 5 sau khi trồng, cây mắc ca ra trái chiến. Với hơn 700 cây trồng đầu tiên, tôi thu được chỉ vài ba tạ hạt. Bước sang năm 2018, 2019, năng suất mắc ca tăng dần nhờ tôi bắt đầu đầu tư phân chuồng hàng năm, làm cỏ sạch sẽ để cây phát triển. Những diện tích mắc ca trồng sau, vợ chồng tôi cho 2 đứa con, hướng dẫn chúng chăm sóc để thu quả, 2 vợ chồng chỉ giữ lại 2ha trồng đầu tiên để lấy thu nhập dưỡng già”, ông Đặng Văn Khánh chia sẻ.
Theo ông Bùi Tấn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cây mắc ca phát triển trên địa bàn huyện này mới chỉ hơn 10 năm nay. Đây là cây trồng mới nên trong phát triển ngành chức năng huyện rất thận trọng.
Đất ở xã Vĩnh Sơn có đặc thù riêng là đất bazan, rất phù hợp với loại cây trồng này. Đặc biệt, khí hậu ở Vĩnh Sơn là tiểu vùng khí hậu ôn đới, nhiệt độ trong giai đoạn lúc cây mắc ca ra hoa, đậu quả phù hợp nên cho năng suất khá.
Nhận thấy cây mắc ca trồng trên xã vùng cao Vĩnh Sơn cho hiệu quả, ông Thành đã đích thân đưa giống về trồng tại thị trấn Vĩnh Thạnh và các xã lân cận nhưng không cây nào cho quả. Từ đó, huyện Vĩnh Thạnh xác định cây mắc ca chỉ phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở Vĩnh Sơn chứ các xã khác trong huyện không trồng được.