| Hotline: 0983.970.780

Cục Lâm nghiệp: 'Chỉ trồng mắc ca nơi đã có đánh giá phù hợp, hiệu quả'

Thứ Sáu 28/07/2023 , 16:20 (GMT+7)

Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp khuyến cáo và đề nghị chỉ trồng cây mắc ca ở những nơi thích hợp, đã có mô hình được đánh giá là hiệu quả.

Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT. Ảnh: Trung Quân.

Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT. Ảnh: Trung Quân.

Mắc ca có thị trường tiêu thụ lớn

Bài liên quan

Báo Nông nghiệp Việt Nam từ ngày 18 - 24/7/2023 có loạt bài "Thận trọng với mắc ca" phản ánh tình trạng một số nơi dù chưa có đánh giá, khảo nghiệm kỹ nhưng nông dân vẫn mở rộng trồng cây mắc ca.

Theo dõi loạt bài này, ông Triệu Văn Lực chia sẻ: Việt Nam có tiềm năng lớn về đất đai và khí hậu thích hợp với điều kiện sinh trưởng và phát triển của cây mắc ca. Tổng diện tích tiềm năng phát triển cây mắc ca ở 2 vùng Tây Bắc và Tây Nguyên là khoảng 453.000ha. Ngoài ra còn một số tỉnh khác như Lạng Sơn, Yên Bái, Thanh Hóa, Quảng Trị… cũng có những tiểu vùng sinh thái thích hợp trồng loại cây này.

Những năm qua, công tác nghiên cứu, chọn tạo và sản xuất giống mắc ca ngày càng phát triển, đến nay đã công nhận được 13 giống có năng suất, chất lượng cao cho các vùng sinh thái. Năng lực sản xuất giống tiếp tục được nâng cao, hàng năm sản xuất được khoảng gần 2 triệu cây ghép, đáp ứng được nhu cầu của nông dân các địa phương.

Bài liên quan

Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho rằng, về kỹ thuật, cây mắc ca có thời gian cho thu hoạch dài từ 50 - 60 năm, ít bị sâu bệnh, sử dụng lao động và lượng nước tưới ít so với một số cây trồng khác. Kết quả trồng mắc ca một số nơi ở nước ta thời gian qua đã khẳng định sự thích hợp và đem lại hiệu quả. Cụ thể, năng suất trung bình trồng thuần đạt khoảng 3 tấn hạt tươi/ha, năng suất trồng xen đạt 1,5 – 2 tấn hạt tươi/ha, giá bán dao động từ 70.000 - 100.000 đồng/kg hạt tươi… Đã có nhiều mô hình hộ gia đình và doanh nghiệp trồng mắc ca hiệu quả, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm mắc ca của thế giới ngày càng tăng. Ảnh: Hoàng Anh.

Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm mắc ca của thế giới ngày càng tăng. Ảnh: Hoàng Anh.

Bài liên quan

Về thị trường, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm mắc ca của thế giới ngày càng tăng, dự báo đến năm 2025 cần khoảng 220.000 tấn nhân, tương đương khoảng 850.000 tấn hạt tươi và hiện nay theo tính toán nhu cầu mắc ca thế giới hiện đang cao gấp 4 lần tổng sản lượng sản xuất hàng năm.

Một lợi thế nữa đối với phát triển cây mắc ca ở Việt Nam là nguồn lao động khá dồi dào, giá nhân công rẻ hơn so với nhiều nước trên thế giới, công tác tổ chức sản xuất mắc ca theo chuỗi đã được hình thành. Đặc biệt, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam được thành lập đã trở thành cầu nối gắn kết chặt chẽ giữa các hộ dân và doanh nghiệp trong phát triển sản xuất cây mắc ca.

Bài liên quan

Về chiến lược phát triển, theo ông Triệu Văn Lực, ngày 15/3/2022, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án Phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, định hướng phát triển mắc ca cả nước sẽ đạt từ 130.000 - 150.000ha vào năm 2030. Diện tích trồng mắc ca sẽ tập trung tại các tỉnh vùng Tây Bắc (khoảng 75.000 - 95.000ha, chủ yếu ở Điện Biên, Lai Châu); vùng Tây Nguyên (khoảng 45.000ha, chủ yếu ở Lâm Đồng, Đắk Nông, Kon Tum) và một số địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với yêu cầu sinh thái của cây mắc ca (khoảng 10.000ha).

Đề án cũng nêu rõ các địa phương phải xác định quy mô và địa điểm cụ thể trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng tiềm năng, năng lực đầu tư, quỹ đất, hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường và nhu cầu thị trường để triển khai thực hiện.

Hiện nay, nhiều nơi ở Tây Nguyên có điều kiện sinh thái phù hợp, giống và đầu tư chăm sóc tốt, cây mắc ca cho hiệu quả kinh tế khá cao. Ảnh: Kiên Trung.

Hiện nay, nhiều nơi ở Tây Nguyên có điều kiện sinh thái phù hợp, giống và đầu tư chăm sóc tốt, cây mắc ca cho hiệu quả kinh tế khá cao. Ảnh: Kiên Trung.

Tổng kim ngạch xuất khẩu mắc ca của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đạt gần 60 triệu USD, với khối lượng trên 3.000 tấn nhân và 390 tấn mắc ca nguyên vỏ. Nhân mắc ca của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngoài ra, so với nhiều nước xuất khẩu hạt mắc ca lớn, Việt Nam có lợi thế là đã tham gia vào các hiệp định thương mại tự do với hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn trên thế giới.

Chỉ trồng nơi đã có đánh giá phù hợp

Bài liên quan

Mặc dù vậy theo ông Triệu Văn Lực, thời gian qua, một số địa phương còn tình trạng phát triển sản xuất mắc ca giữa doanh nghiệp liên kết với người dân theo kiểu tự phát. Chính vì vậy, theo ông Lực, để tổ chức liên kết sản xuất mắc ca đạt hiệu quả và bền vững, các doanh nghiệp và người dân cần lưu ý, cây mắc ca có yêu cầu chặt chẽ về khí hậu, nhất là khi ra hoa, đậu quả. Vì vậy, chỉ được trồng ở những nơi được đánh giá là thích hợp với cây mắc ca và đã có mô hình triển khai được đánh giá là hiệu quả.

Phải sử dụng cây ghép, tuyệt đối không được trồng cây thực sinh. Chỉ sử dụng

Bài liên quan

giống đã được Bộ NN-PTNT công nhận. Mỗi mô hình cần trồng ít nhất 3 dòng vô tính để tăng tính đậu quả cho cây mắc ca, quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc mắc ca phải thực hiện theo đúng hướng dẫn kỹ thuật của Bộ NN-PTNT đã ban hành.

Các hợp đồng liên doanh liên kết phải quy định trách nhiệm và quyền hạn rõ ràng giữa các bên và phải được xác nhận của chính quyền địa phương, tốt nhất là doanh nghiệp liên kết với các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã. Hợp đồng phải rõ ràng về cung cấp cây giống, vật tư phân bón, lao động, đất đai, thu hoạch, chế biến, thị trường, giá cả và tỷ lệ thụ hưởng....

Cây mắc ca có yêu cầu chặt chẽ về khí hậu, nhất là khi ra hoa, đậu quả, vì vậy không phải nơi nào cũng có thể thích hợp để trồng mắc ca. Ảnh: Hoàng Anh.

Cây mắc ca có yêu cầu chặt chẽ về khí hậu, nhất là khi ra hoa, đậu quả, vì vậy không phải nơi nào cũng có thể thích hợp để trồng mắc ca. Ảnh: Hoàng Anh.

6 giải pháp phát triển cây mắc ca bền vững

Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Triệu Văn Lực cho rằng, để chiến lược phát triển mắc ca thực sự bền vững, cần tuân thủ thực hiện 6 giải pháp. 

- Về khoa học công nghệ, cần tiếp tục nghiên cứu chọn tạo, nhập nội, khảo nghiệm làm đa dạng bộ giống mắc ca theo hướng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, chống chịu sâu bệnh hại, thích nghi với các tiểu vùng sinh thái.

Xây dựng hệ thống vườn cây đầu dòng, hoàn thiện và làm chủ công nghệ nhân giống vô tính ở quy mô công nghiệp, nâng cao năng lực hệ thống sản xuất giống nhằm cung cấp đủ giống, đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn. Xây dựng và chuyển giao quy trình sản xuất mắc ca theo hướng công nghệ cao, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP...), nông nghiệp hữu cơ nhằm tạo sản phẩm mắc ca chất lượng, an toàn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hoặc mua công nghệ, thiết bị cơ giới hóa các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hoạch đến bảo quản, chế biến các sản phẩm mắc ca.

- Về tổ chức sản xuất, các địa phương căn cứ điều kiện thực tiễn, phối hợp với các đơn vị khoa học rà soát quỹ đất thuộc quy hoạch rừng sản xuất để phát triển mắc ca theo phương thức trồng thuần loài; trồng xen mắc ca trên đất trồng cây công nghiệp và đất trống thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, phù hợp với quy hoạch của tỉnh và kế hoạch sử dụng đất theo từng giai đoạn.

Thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thiết bị, bước đầu phục vụ nhu cầu chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu mắc ca. Ảnh: Hoàng Anh.

Thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thiết bị, bước đầu phục vụ nhu cầu chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu mắc ca. Ảnh: Hoàng Anh.

Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất mắc ca thông qua cầu nối hợp tác xã và tổ hợp tác để xây dựng vùng trồng mắc ca tập trung, hình thành chuỗi ngành hàng mắc ca từ trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất mắc ca cả về chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động và tăng cường năng lực cho hợp tác xã. Xây dựng vùng trồng mắc ca tập trung, thiết lập mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm.

Phát huy vai trò của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam là cầu nối gắn kết chặt chẽ giữa các hộ dân và doanh nghiệp trong phát triển sản xuất cây mắc ca theo chuỗi, hỗ trợ vay vốn, cung ứng dịch vụ giống và phân bón, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mắc ca hiệu quả, bền vững...

- Về thị trường tiêu thụ, cần phải hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm mắc ca, gắn với chỉ dẫn địa lý, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền, giới thiệu để người tiêu dùng trong nước có đủ thông tin về sản phẩm mắc ca. Thực hiện các biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu, tháo gỡ rào cản thương mại. Tập trung thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nhân và hạt mắc ca nguyên vỏ, các sản phẩm mắc ca chế biến sâu vào thị trường các nước.

Mắc ca là cây có thị trường, có triển vọng, tuy nhiên nông dân không nên tự phát trồng mắc ca khi chưa có đánh giá sinh thái phù hợp và chưa có cơ sở khẳng định hiệu quả. Ảnh: Kiên Trung.

Mắc ca là cây có thị trường, có triển vọng, tuy nhiên nông dân không nên tự phát trồng mắc ca khi chưa có đánh giá sinh thái phù hợp và chưa có cơ sở khẳng định hiệu quả. Ảnh: Kiên Trung.

- Về cơ chế chính sách, cần tổ chức triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đã ban hành để phát triển mắc ca như: Chương trình Phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030... Tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung và ban hành cơ chế, chính sách mới.

- Về nguồn vốn đầu tư, phải thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư phát triển bền vững mắc ca theo hướng xã hội hóa, chủ yếu là vốn của doanh nghiệp, người dân và các nguồn vốn hợp pháp khác. Tập trung đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng cở sở sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm mắc ca...

- Về hợp tác quốc tế, tiếp tục mở rộng hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế nhằm tháo gỡ rào cản thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm mắc ca, tăng cường hợp tác chuyển giao khoa học công nghệ về giống, quy trình canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm mắc ca.

(ghi)

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.