Chuyện tình khó quên của họa sĩ Nguyễn Cát Tường gắn liền với sự hình thành của chiếc áo dài Việt Nam. Từ chuyện tình khó quên giữa họa sĩ Nguyễn Cát Tường và bà Nguyễn Thị Nội mà hôm nay người Việt tự hào “đẹp biết bao quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu, dù ở đâu Paris, Luân Đôn hay những miền xa, thoáng thấy áo dài bay trên đường phố sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó”.
Họa sĩ Nguyễn Cát Tường (sinh năm 1912, mất năm 1946) chính là cha đẻ của chiếc áo dài Việt Nam. Từ kiểu áo Lemur của Nguyễn Cát Tường, chiếc áo dài tiếp tục được cải tiến và dần dần trở thành trang phục tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ nước ta, như nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên xao xuyến: “Tháng giêng em áo dài trang nhã/ Tỉnh lỵ còn nguyên nét Việt Nam/ Đài các chân ngà ai bước khẽ/ Quyện theo tà lụa cả phương Đông”.
Thế nhưng, ít ai biết rằng, một trong những người góp công phô diễn chiếc áo dài của họa sĩ Nguyễn Cát Tường ra với đại chúng, chính là vợ ông - bà Nguyễn Thị Nội!
Họa sĩ Nguyễn Cát Tường sinh ra và lớn lên ở Sơn Tây, Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, họa sĩ Nguyễn Cát Tường cộng tác với báo Phong Hóa do nhà văn Nhất Linh làm chủ biên. Bằng con mắt liên tài, nhà văn Nhất Linh nhận ra chàng họa sĩ trẻ Nguyễn Cát Tường ngoài sở trường vẽ tranh minh họa còn có khả năng đưa ra những ý kiến bổ ích để tư vấn làm đẹp cho phái nữ.
Vì vậy, trên Báo Phong Hóa số 85 ra ngày 11/2/1934, nhà văn Nhất Linh mở chuyên mục “Vẻ đẹp riêng tặng các bà, các cô” và giao cho họa sĩ Nguyễn Cát Tường phụ trách. Và trên Báo Phong Hóa số 90 ra ngày 23/3/1934, họa sĩ Nguyễn Cát Tường đã công bố bản vẽ chiếc áo dài đầu tiên, đặt tên là áo dài Lemur.
Để chiếc áo dài Lemur bước từ trang báo ra cuộc đời, họa sĩ Nguyễn Cát Tường đã hợp tác với hiệu may Cử Chung ở số 100 phố Hàng Bông - Hà Nội và hiệu may Phạm Tá ở số 23 phố Bờ Hồ - Hà Nội để khuyến khích phụ nữ trưng diện trang phục này.
Đích thân họa sĩ Nguyễn Cát Tường đã đi tìm những phụ liệu nhằm làm tăng thêm sức hấp dẫn cho chiếc áo dài, mà một đầu mối quan trọng là xưởng dệt ren ở Bắc Ninh.
Khi đang thương thảo với họa sĩ Nguyễn Cát Tường về mẫu mã, thì ông chủ xưởng dệt ren qua đời. Người con gái Nguyễn Thị Nội đã thay cha mang hàng lên Hà Nội để giao cho họa sĩ Nguyễn Cát Tường. Sân ga Hàng Cỏ chính là khởi điểm “chuyện tình khó quên” giữa Nguyễn Cát Tường và Nguyễn Thị Nội.
Cuối năm 1936, sau khi mãn tang thân phụ, Nguyễn Thị Nội xuất giá. Đám cưới được tổ chức tưng bừng ở Bắc Ninh. Trong ngày vu quy, cô dâu Nguyễn Thị Nội mặc chiếc áo dài do tân lang Nguyễn Cát Tường thiết kế.
Vốn có gien kinh doanh của gia tộc, Nguyễn Thị Nội từ ngày làm vợ họa sĩ Nguyễn Cát Tường, đã giúp chồng phát triển thương hiệu áo dài Lemur rất thịnh vượng tại Hà Nội. Hiệu may Lemur với đặc sản áo dài được mở tại số 16 phố Lê Lợi, trở thành địa chỉ nổi tiếng nhất về y phục phụ nữ.
Bà chủ Nguyễn Thị Nội không chỉ khéo léo chiều chuộng khách hàng, mà còn là người mẫu thuyết phục nhất để người ta yêu thích chiếc áo dài. Cũng nhờ người mẫu Nguyễn Thị Nội, họa sĩ Nguyễn Cát Tường có cảm hứng sáng tạo rất nhiều mẫu áo dài, để in thành cuốn sách “50 mẫu y phục phụ nữ Lemur” do Nhà xuất bản Đời Nay ấn hành.
Năm 1939, hiệu may Lemur chuyển về số 14 phố Hàng Da. Và tại địa chỉ này, bà Nguyễn Thị Nội đã mở phòng trà Thiên Hương quy tụ những nghệ sĩ lừng lẫy nhất thủ đô hội ngộ hàng đêm.
Bà Nguyễn Thị Nội sinh cho họa sĩ Nguyễn Cát Tường cả thảy 5 người con, 3 trai 2 gái. Ngày 17/12/1946, họa sĩ Nguyễn Cát Tường qua đời, hiệu may Lemur cũng đóng cửa. Sau năm 1954, bà Nguyễn Thị Nội đưa gia đình vào Sài Gòn, và một mình làm lụng nuôi các con khôn lớn.
Bây giờ bà Nguyễn Thị Nội cũng đã thành người thiên cổ, nhưng những ngày bà cùng chồng mình - họa sĩ Nguyễn Cát Tường quảng bá chiếc áo dài, xứng đáng được thế hệ sau truyền tụng. Bởi lẽ, tình yêu của họ đã giúp người Việt Nam có được một trang phục truyền thống mang vẻ đẹp quyến rũ, như nhà thơ Nguyên Sa bồi hồi: “Có phải em mang trên áo bay/ Hai phần gió nổi một phần mây/ Hay là em gói mây trong áo/ Rồi thở cho làn áo trắng bay”.
Nhân kỷ niệm 77 năm họa sĩ Nguyễn Cát Tường qua đời và đánh dấu 90 năm mẫu áo dài Việt Nam được họa sĩ Nguyễn Cát Tường đưa đến công chúng, chuyên mục “Chuyện tình khó quên” trên Nông nghiệp Radio lúc 20h ngày 16/12 giới thiệu câu chuyện “Họa sĩ Nguyễn Cát Tường hạnh ngộ người mẫu áo dài đầu tiên”.