| Hotline: 0983.970.780

Cienco 4 đuối vốn, đảo chè ngàn tỷ chết lâm sàng

Thứ Tư 01/07/2020 , 09:04 (GMT+7)

Trong động thái mới nhất, Tập đoàn Cienco 4 đã nói rõ những rào cản xung quanh dự án ngàn tỷ đảo chè Cầu Cau. Nhìn chung, mọi thứ đang lâm vào ngõ cụt.

1.500 tỷ đồng rót vào đảo chè là dự án 'trên giấy' của Cienco 4. Ảnh: Việt Khánh.

1.500 tỷ đồng rót vào đảo chè là dự án "trên giấy" của Cienco 4. Ảnh: Việt Khánh.

Đình trệ kéo dài khiến tất thảy đều mỏi mệt, niềm tin của nhân dân cũng đã rớt xuống tận đáy. Hơn lúc nào hết, thực trạng đáng buồn phải được giải quyết…

Bế tắc cùng cực

Năm 2017 Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco 4 lập kế hoạch “bơm” hơn 1.500 tỷ đồng, quyết tâm biến đảo chè Cầu Cau, nơi được ví von là “Sapa xứ Nghệ” thành một điểm du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp trong tương lai không xa.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc ông lớn trong lĩnh vực bất động sản chấp thuận đầu tư dự án “khủng” được xem là tín hiệu vàng với huyện miền núi Thanh Chương cũng như toàn tỉnh Nghệ An.

Hiểu được vận may trời ban, chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn đã ra sức trải thảm đỏ, tạo điều kiện tối đa nhằm hỗ trợ Cienco 4 sớm hoàn thiện về mặt thủ tục.

Điều này đã được thể hiện rõ qua Quyết định 550/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Nghệ An vào tháng 2/2017, đến cuối năm tỉnh này tiếp tục ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000…

Sau 3 năm mọi thứ vẫn ở tình trạng sơ khai. Ảnh: Việt Khánh.

Sau 3 năm mọi thứ vẫn ở tình trạng sơ khai. Ảnh: Việt Khánh.

Những tưởng đầu xuôi đuôi sẽ lọt, nào ngờ mọi thứ lại đảo chiều chóng vánh, để rồi giờ đây những kỳ vọng lớn lao nhanh chóng biến thành nỗi thất vọng cùng cực. Nói không quá, Cienco 4 đang là “hạt sạn” to đùng mà Nghệ An chưa tài nào xử lý nổi.

Bàn đến những thắc mắc kể trên, lãnh đạo Tập đoàn Cienco 4 giãi bày: “Đành rằng Nhà đầu tư tự thỏa thuận nhưng phải quy định khung cụ thể, ví dụ theo giá nhà nước là 200.000 đồng/m2, nếu vượt không được quá 10%, có như thế mới thu hút được doanh nghiệp vào triển khai.

Tại dự án đảo chè Cầu Cau, khi tiến hành áp giá nhiều trường hợp yêu cầu gấp 3 - 4 lần mức giá nhà nước quy định, có hộ đòi trên 3 tỷ/ha chè, do đó rất khó làm”.

Tình hình kinh doanh những năm qua không thuận lợi, đồng vốn không dư dả như trước, kết hợp với hàng loạt vấn đề trong quá trình thỏa thuận mức giá đền bù khiến Cienco 4 khó bề cáng đáng nổi. Dòm trước ngó sau, doanh nghiệp này đã tính đến phương án dự phòng nhằm hạn chế rủi ro.

Công trình của doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường - ông lớn trong lĩnh vực tâm linh (ảnh) đã nhảy vào tìm hiểu, dù vậy mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ. Ảnh: Viên ngoại.

Công trình của doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường - ông lớn trong lĩnh vực tâm linh (ảnh) đã nhảy vào tìm hiểu, dù vậy mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ. Ảnh: Viên ngoại.

Theo đó, chủ trương của Tập đoàn là tìm kiếm đối tác để cùng phối hợp thực hiện, dù vậy động thái trên chưa mang lại kết quả, chí ít đến thời điểm này: “Không dưới 15 đoàn đã đến khảo sát, tìm hiểu, bao gồm các doanh nghiệp lớn mạnh từ Úc, Nhật, Hàn Quốc cho đến Tân Á Đại Thành, Xuân Trường, Mường Thanh… dù vậy chưa đơn vị nào cam kết tham gia”.

Chót đâm lao đành phải theo lao, trong thời gian tìm kiếm đối tác để cùng san sẻ gánh nặng phía Tập đoàn Cienco 4 đã có văn bản xin điều chỉnh “giãn” tiến độ thực hiện dự án đảo chè Cầu Cau từ mốc 2019 đến 2021.

Điều này rõ ràng đi ngược lại mong muốn của cấp chính quyền, đặc biệt là hàng trăm hộ dân vùng liên đới thuộc 2 xã Thanh An và Thanh Thịnh sau quãng thời gian dài mòn mỏi chờ đợi.

Hơn lúc nào hết tỉnh Nghệ An phải cho thấy sự dứt khoát, thay vì phụ thuộc hết lần này lượt khác vào quá trình “đếm cua trong lỗ” của Cienco 4.

Không thể trì hoãn

Theo tìm hiểu của PV NNVN, có nhiều nguyên do dẫn đến sự đình trệ liên miên. Về yếu tố khách quan, Công ty CP Tập đoàn Cienco 4 đang có sự biến động lớn về khía cạnh tài chính trong khoảng 3 - 4 năm trở lại đây.

Kế đó là ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19 đến toàn xã hội, riêng lĩnh vực du lịch tại địa bàn Nghệ An gần như đóng băng suốt thời gian dài. Trong bối cảnh này, việc đầu tư chắc hẳn ẩn chứa không ít rủi ro…

Bên cạnh Cầu Cau, Cienco cũng đối diện với muôn vàn khốn khó khi thực hiện dự an Khu đô thị Long Sơn. Ảnh: Việt Khánh.

Bên cạnh Cầu Cau, Cienco cũng đối diện với muôn vàn khốn khó khi thực hiện dự an Khu đô thị Long Sơn. Ảnh: Việt Khánh.

Sâu xa vấn đề, thực chất Cienco 4 tính toán dốc hầu bao đầu tư vào đảo chè Cầu Cau vì chắc mẩm sẽ “đón đầu” thành công đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn (dài 725km, tổng chi phí khoảng 4,5 tỷ USD. Cao tốc chạy qua địa phận cửa khẩu Thanh Thủy, huyện Thanh Chương). Thành thử khi con tính không như mong muốn, nghiễm nhiên mọi thứ đổ vỡ theo.

Không chỉ bế tắc tại đảo chè Cầu Cau, hiện Cienco 4 cũng trầy trật giữa muôn vàn khốn khó khi triển khai xây dựng Khu đô thị cao cấp Long Sơn, dự án quy mô 28ha tại địa bàn thị xã Thái Hòa.

Dựa vào tình hình thực tiễn, việc chủ đầu tư dùng “kế hoãn binh” là điều dễ hiểu. Tuy nhiên cần nhắc lại đây là dự án điểm, có tác động đến đời sống của hàng ngàn con người cũng như hình ảnh bộ mặt đầu tư toàn tỉnh.

Dù viện cớ gì đi chăng nữa, chỉ vì quyền lợi của doanh nghiệp mà gây xáo trộn đến cả cộng đồng là điều tối kỵ.

Đại diện tiếng nói chính quyền, ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho hay: Cienco 4 có đề nghị gia hạn thêm thời gian, tuy nhiên qua ghi nhận thực tế, huyện yêu cầu phải trả lời dứt khoát, không thể để tình trạng này kéo dài mãi được.

Theo lãnh đạo huyện Thanh Chương, việc Cienco 4 viện dẫn các lý do kể trên là không thỏa đáng. Thực tế quá trình GPMB không quá khó khăn, bằng chứng là giai đoạn 1 đã cơ bản thỏa thuận xong phương án đối với phần diện tích hơn 25ha. Chung quy là do chủ đầu tư thiếu tiền đền bù, từ đó không cân đối được nguồn ngân sách.

Liên quan đến nội dung này, UBND tỉnh Nghệ An đã giao cho Sở Kế hoạch - Đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương án tham mưu nhằm sớm thoát khỏi vũng lầy. Dù vậy đến nay vẫn chưa cho thấy tín hiệu khởi sắc, sự việc chậm trễ khiến chính quyền địa phương bất an tột độ:

“Chưa thấy thông tin gì từ Sở Kế hoạch - Đầu tư, Tập đoàn Cienco 4 cũng chẳng có động tĩnh gì mới. Vấn đề này được người dân đặc biệt quan tâm, họ luôn đưa ra bàn bạc tại các cuộc họp hội đồng, rất áp lực”, ông Hiền chia sẻ thêm.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất