| Hotline: 0983.970.780

Cơ cấu giống lúa IR50404 bao nhiêu là hợp lý?

Thứ Sáu 09/04/2021 , 12:07 (GMT+7)

Tiếp đà thắng lợi vụ đông xuân, ĐBSCL đang vào vụ hè thu 2021, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt có những khuyến cáo lưu ý về cơ cấu giống.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Hữu Đức.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Hữu Đức.

Linh hoạt thời vụ thích ứng hạn, mặn

Thưa ông, kinh nghiệm từ vụ đông xuân cho những vụ lúa sắp tới như thế nào, đặc biệt trong tình hình ĐBSCL đang phải đối mặt khó khăn do suy giảm nguồn nước sông Mekong và biến đổi khí hậu?

Do nhận định tình hình ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khô hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt cho sản xuất vụ đông xuân 2020-2021 nên trong công tác điều hành, chỉ đạo sản xuất có sự chuẩn bị ngay từ đầu vụ rất quan trọng.

Bộ NN-PTNT chỉ đạo Cục Trồng trọt, Tổng cục Thủy lợi và các đơn vị trược thuộc Bộ phối hợp cùng các địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết, sắp xếp bố trí thời vụ, mùa vụ kịp thời, hợp lý cho những vùng có nguy cơ hạn, mặn và đề ra các biện pháp khắc phục cụ thể trước và trong thời điểm xuống giống đồng thời điều chỉnh kế hoạch, lịch thời vụ gieo trồng lúa linh hoạt cho từng khu vực trong từng tỉnh.

Bên cạnh đó, các công trình thủy lợi trong phòng chống hạn, xâm nhập mặn được quan tâm đầu tư, đẩy nhanh tiến độ, xây dựng và vận hành phù hợp, phát huy hiệu quả trong thực tế sản xuất.

Chủ động, chắc chắn trong xây dựng các kịch bản cụ thể, chi tiết, phù hợp thực tiễn cho từng địa bàn sản xuất bao gồm cây ăn trái, cây lúa và hoa màu: bố trí diện tích sản xuất linh hoạt theo dự báo nguồn nước, chuyển đổi cây trồng phù hợp, xuống giống sớm hơn 20-30 ngày, sử dụng giống lúa ngắn ngày, cực ngắn ngày và một số giống chịu hạn, mặn là những kinh nghiệm và bài học quý giá trong những năm qua.

Hiện ĐBSCL đang ước tiếp vào vụ hè thu 2021, ông cho biết quan điểm chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Cục trồng trọt?

Cần căn cứ vào dự báo tình hình khí hậu thời tiết, mưa, lũ… để có bước chuẩn bị phù hợp cho vụ hè thu 2021 và những vụ mùa còn lại trong năm. Theo chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, Cục Trồng trọt có kế hoạch giữ vững diện tích, năng suất, sản lượng đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của từng tỉnh và toàn vùng về lương thực, đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống thiên tai, bất lợi diễn ra trong và ngoài nước.

Vụ hè thu 2021, vùng ĐBSCL kế hoạch gieo sạ trên 1,5 triệu ha, dự kiến năng suất 56,28 tạ/ha, sản lượng trên 8,5 triệu tấn. Đến ngày 20/3, tiến độ xuống giống ước đạt 305.000ha, đạt 20% kế hoạch. Trong đó, tiến độ xuống giống trong tháng 2 sớm hơn cùng kỳ 40.000ha do lúa đông xuân gieo sớm thu hoạch xong xuống lại vụ hè thu.

Các địa phương tiếp tục cập nhật cụ thể trên bản đồ sản xuất các vùng có khả năng chịu ảnh hưởng của hạn đầu vụ, mưa, gió, lốc cuối vụ hè thu, ngập úng trong vụ thu đông. Cần lưu ý thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, khí tượng, thủy văn để có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, kiểm tra hệ thống thủy lợi, củng cố, cải tạo thủy lợi nội đồng, đê bao, bờ bao, công tác chuẩn bị ứng phó với mưa, lũ bất thường.

Khuyến cáo nông dân tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giảm giống gieo sạ, sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm với mục tiêu giảm giá thành và nâng cao vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng trừ dịch hại, giảm chi phí sản xuất vừa chủ động đối phó với diển biến giá cả thị trường trong nước và xuất khẩu vừa đáp ứng yêu cầu mở rộng thị trường khó tính, gia tăng lợi nhuận cho ngành lúa gạo.

Hiện người sản xuất được quyền chủ động giống trên ruộng lúa của mình mà không bị ràng buộc bởi một quy định nào, do đó nếu IR50404 có ký kết bao tiêu đầu ra bà con nông dân có quyền gieo cấy. Ảnh: Hữu Đức.

Hiện người sản xuất được quyền chủ động giống trên ruộng lúa của mình mà không bị ràng buộc bởi một quy định nào, do đó nếu IR50404 có ký kết bao tiêu đầu ra bà con nông dân có quyền gieo cấy. Ảnh: Hữu Đức.

Vậy về nguồn nước, cơ cấu sản xuất lúa ở ĐBSCL vụ hè thu và thu đông này cụ thể thế nào thưa ông?

Vụ hè thu 2021 cần khoanh vùng cụ thể theo nguồn nước cung cấp cho sản xuất, xuống giống sớm và tập trung, kiểm tra kỹ nồng độ mặn nguồn nước trước khi xuống giống. Cơ cấu giống tập trung giống lúa thơm, đặc sản và chất lượng cao, với giống lúa nếp cần tính toán kỹ đầu ra cho tiêu thụ sản phẩm.

Vụ thu đông cần bố trí diện tích linh hoạt trong toàn vùng ĐBSCL từ 700.000  -730.000 ha, thời vụ gieo phải tính toán với phương châm tránh, né hạn, mặn vào cuối vụ đông xuân 2021 - 2022. Lưu ý tăng cường sử dụng giống chất lượng cao, hạn chế giống lúa nếp và lúa chất lượng trung bình, củng cố hệ thống đê bao, bờ bao để hạn chế ảnh hưởng do lũ đến sản xuất vụ thu đông.

IR50404 bình đẳng như các giống lúa khác

Trong vụ hè thu vừa qua, một vài địa phương vẫn chuộng sản xuất giống lúa IR50404, vì cho rằng thích nghi, ít sâu bệnh, năng suất cao... hơn nữa giống lúa này đang có giá cao, ông có khuyến cáo gì về việc này?

Giống lúa IR50404 là một trong số rất ít giống lúa tồn tại trong sản xuất hơn 20 năm. Sức sống và sự tồn tại của giống lúa này cho thấy tính thích nghi và sự chấp nhận của người dân, dễ canh tác, chịu được điều kiện thâm canh cao. Đây là những đặc tính mà có rất ít giống có thể đạt được.

Tuy nhiên, giống lúa này có hàm lượng amylose cao trên 26-27% do vậy thuộc nhóm gạo cứng cơm không thích hợp cho việc nấu ăn của đại đa số người tiêu dùng trong giai đoạn hiện nay, chỉ phù hợp cho việc làm nguyên liệu chế biến các thực phẩm như bột gạo như bún, bánh canh, bánh tráng, hủ tiếu…

Do đó, nếu sản lượng trong năm quá nhiều việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, một tỉ lệ trồng vừa phải khoảng 10-15% với diện tích khoảng 300.000ha, sản lượng khoảng 2 triệu tấn lúa ở một số vùng trồng lúa IR50404 để làm thực phẩm chế biến, thu mua là hợp lí.

Vì vậy, để đảm bảo lợi ích cho nông dân cơ quan chuyên môn luôn luôn khuyến cáo sản xuất giống IR50404 với tỉ lệ không quá 15% diện tích trong vụ đông xuân và hạn chế đến mức tối đa trong vụ hè thu trong canh tác lúa hàng năm. Có những vụ lúa sản xuất với tỉ lệ vượt quá mức khuyến cáo sẽ khó bán, thậm chí không có doanh nghiệp nào mua.

Giống IR50404 cũng bình đẳng về mặt thương mại như những giống lúa khác, nhưng vì thị trường tiêu thụ lúc có tốt lúc không. Nông dân thấy doanh nghiệp mua trồng lúc trồng xong doanh nghiệp không có nhu cầu nữa lúa bị ế ẩm. Sự lệch pha diễn ra như một vòng lẩn quẩn.

Hiện nay, người nông dân được quyền sử dụng giống trên ruộng sản xuất của mình mà không bị ràng buộc bởi một quy định nào nên các vùng sản xuất tập trung và sản xuất theo đơn đặt hàng IR50404 là rất cần thiết.

Câu chuyện giống lúa IR50404 sẽ không dừng lại ở đây mà nó sẽ là một bài học có thể sẽ diễn ra với các giống lúa khác, vì những lý do khác nhau nếu cứ tiếp tục phương thức sản xuất không có sự kiểm soát, liên kết, hợp tác về giống trong đồng ruộng như hiện nay.

Đến nay vụ lúa đông xuân 2020-2021 ở ĐBSCL thu hoạch được trên 1 triệu ha trong tổng số trên 1,5 triệu ha toàn vùng. Tuy diện tích giảm hơn 27.000ha, nhưng năng suất ước đạt trên 70,5 tạ/ha, tăng trên 2,1 tạ/ha. Sản lượng ước đạt trên 10,7 triệu tấn, tăng 144.000 tấn so vụ đong xuân 2019-2020. Lúa trúng mùa, trúng giá, đây là vụ lúa mang lại nhiều niềm vui cho nông dân.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.