Triển vọng
Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Đồng Tháp Mười (gọi tắt là trung tâm) đã tổ chức tổng kết mô hình trồng thử nghiệm giống lúa ĐTM 126 tại xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An thu hút hàng trăm nông dân đến tham dự.
Điều đó cho thấy, ĐTM 126 được người nông dân “ưu ái” nhiều. Giống lúa này do Trung tâm lai tạo, tuyển chọn từ 2 giống chất lượng là DS 2001 và MTL 250.
Sau 5 vụ theo dõi, đánh giá của trung tâm cho thấy, ĐTM 126 có đặc điểm: Cây thấp, cứng, để nhánh khỏe (14-18 nhánh/bụi), bụi to nên hạn chế đổ gãy, TGST dưới 90 ngày, chịu phèn. Bình quân một bông có 70 - 90 hạt chắc. Trọng lượng hạt 26,5 - 28 gr.
“Đến nay, chúng tôi đã đủ cơ sở khoa học để kết luận ĐTM 126 thích hợp trong cả 3 vụ với hầu hết các vùng đất ở khu vực ĐBSCL. Giống này cho năng suất khá và ổn định. Trong đó, vụ ĐX năng suất bình quân đạt từ 7 - 9 tấn/ha, 2 vụ còn lại từ 5 - 6 tấn/ha.
Sản phẩm cho gạo gạo màu trắng trong, thon, dài trung bình 7,12 mm, vỏ trấu mỏng. Tỷ lệ gạo nguyên hạt sau xay chà trên 70%. Cơm mềm, thơm nhẹ và ngọt, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Về sâu bệnh, ĐTM 126 nhiễm nhẹ rầy nâu, kháng đạo ôn”, ông Nguyễn Viết Cường, GĐ trung tâm nói.
Tiếp xúc với nông dân xã Thạnh An tại buổi hội thảo, tôi được biết, nhiều hộ trồng lúa ĐTM 126 cho năng suất “khủng”, lên tới hơn 11 tấn/ha như hộ ông Nguyễn Văn Tâm, ở ấp 3, ông Võ Ngọc Lợi, Nguyễn Văn Song ở ấp 4… Và theo đánh giá của họ thì trồng ĐTM 126 hơn các giống lúa trước rất nhiều.
“Trồng cái "126" này hay lắm, nhẹ phân thuốc, dễ chăm, ít sâu bệnh, chịu phèn tốt. Trước trồng cái IR, lời chừng 5 - 6 triệu đ/ha là may. Còn cái này, vụ ĐX, năng suất của tui đạt 11 tấn/ha, trừ chi phí, mỗi ha tui lời khoảng 25 triệu đ”, ông Tâm cho biết.
“ĐTM 126 đã phát triển ở các vùng SX lúa 3 vụ, nơi trồng phổ biến diện tích lúa IR 50404, những vùng đất phèn như Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang (thuộc vùng Đồng Tháp Mười) và một số tỉnh khác như Kiên Giang, Bạc Liêu, An Giang, Tây Ninh… Đây là giống lúa chất lượng cao, dù chưa phải đứng đầu, nhưng ưu thế là chịu phèn tốt, nhẹ phân, thuốc, dễ chăm sóc, rất thích hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng ở khu vực ĐBSCL. Hiện nay diện tích lúa này ở ĐBSCL đã tăng lên hàng ngàn ha. Với kết quả này, trong tương lai gần, tôi tin ĐTM 126 sẽ có thể thay thế toàn bộ giống lúa kém chất lượng IR 50405 ở khu vực ĐBSCL”, ông Nguyễn Viết Cường. |
Đồng quan điểm, ông Song, một trong những nông dân làm giỏi nhất Thạnh An nói thêm: “Đầu tư cho ĐTM 126 giảm 30% so với các loại khác, trong khi năng suất hơn hẳn, nên tiền lời cũng nhiều hơn. Khỏe nhất là không lo đầu vào đầu ra”.
Tăng cường liên kết
Ông Lê Tấn Hội, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh An phấn khởi nói: “Lâu nay, hơn 90% diện tích lúa ở Thạnh An là IR50404, giống lúa chất lượng kém, năng suất không cao, chỉ có ưu điểm là dễ trồng, dễ chăm. Phần nhỏ diện tích còn lại là một số giống lúa chất lượng nhưng chi phí chăm sóc cao, khó chăm, đầu ra lại bấp bênh.
Từ 2 năm nay, trồng thử giống ĐTM 126, tôi thấy nhiều ưu điểm. Bản thân tôi hài lòng chưa đủ, mà quan trọng là bà con nông dân rất phấn khởi, hài lòng với giống này. Đặc biệt, bà con được hỗ trợ tối đa đầu vào như giống, phân, thuốc, bao tiêu đầu ra. Cho nên, chúng tôi khuyến khích họ thay thế IR50404 bằng ĐTM 126. Hiện nay, diện tích ĐTM 126 trong xã đã hơn 500 ha, chiếm ¼ diện tích lúa”.
“Dù chỉ mới tham gia thị trường XK 2 năm nay, nhưng gạo ĐTM 126 đã có chỗ đứng ổn định tại thị trường châu Á như Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore. Đặc biệt nhu cầu gạo này khá cao, nhưng Cty chưa đáp ứng đủ lượng gạo XK theo yêu cầu của khách hàng.
Hiện gạo ĐTM 126 đã được chào hàng sang Mỹ, một thị trường rất khó tính, và đã được chấp thuận. Trong tương lai gần, sản phẩm sẽ có mặt tại thị trường Mỹ”, bà Đặng Thị Liên, GĐ Cty Lương thực Long An, đơn vị bao tiêu đầu ra cho lúa ĐTM 126 nói.
Xác định đây là một giống lúa tốt, có thể mang lại hiệu quả SX cao cho người nông dân. Nhưng, phải làm gì để ổn định và nâng cao chất lượng mô hình? Trước câu hỏi này, Thạc sỹ Lê Thị Hồng Thắm, PGĐ Trung tâm cho biết: “Phải cùng lúc thực hiện đồng bộ nhiều việc như: Tăng cường liên kết "4 nhà" và liên kết vùng để hình thành, phát triển vùng chuyên canh. Có chính sách khuyến khích hợp lý khi doanh nghiệp tham gia với nông dân để họ mạnh dạn đầu tư, mở rộng.
Hỗ trợ đào tạo, xây dựng đội ngũ nông dân nòng cốt trong các mô hình, bảo đảm vững về kỹ thuật, nhạy bén trong tiếp cận và ứng dụng có hiệu quả những TBKT vào SX. Củng cố, duy trì và giữ vững thương hiệu nông sản đã tạo ra. Tăng cường công tác quản lý của nhà nước trong phát triển mô hình, tránh tình trạng phát triển tự phát, chạy theo phong trào, kém hiệu quả gây ảnh hưởng đến uy tín của mô hình”.