| Hotline: 0983.970.780

Du ký Việt Bắc

Cô gái Tày đam mê làm du lịch trải nghiệm

Thứ Tư 14/06/2023 , 06:15 (GMT+7)

Thấy 2 du khách người Australia loay hoay với lễ tân homestay, Thu nhẹ nhàng tiến đến, nở nụ cười thật tươi và hỏi: 'May I help you?/Tôi có thể giúp gì các bạn?'.

Dòng Quây Sơn màu ngọc bích xanh ngăn ngắt chảy qua Bản Mom, nơi Thu sinh ra và lớn lên. Ảnh: Tùng Đinh.

Dòng Quây Sơn màu ngọc bích xanh ngăn ngắt chảy qua Bản Mom, nơi Thu sinh ra và lớn lên. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhắc đến Cao Bằng, nhiều người nghĩ ngay đến Bản Giốc, dòng thác hùng vĩ như vạch ngang trời đổ xuống, biểu tượng của non nước Cao Bằng. Nhưng về vẻ đẹp được ví như “xứ sở thần tiên”, phải nhắc đến dòng Quây Sơn, ngọn nguồn của Bản Giốc.

Bên kia biên giới, sông được gọi là Quy Xuân, chảy qua cả Việt Nam và Trung Quốc, cụ thể là từ Quảng Tây, sang Cao Bằng, rồi lại về Quảng Tây trước khi nhập vào sông Hắc Thủy và đổ ra Biển Đông ở mạn đồng bằng Châu Giang.

Sông Quây Sơn hiền hòa, uốn lượn qua các dãy núi đá vôi trập trùng của huyện Trùng Khánh, huyện Hạ Lang của tỉnh Cao Bằng với mặt nước màu ngọc bích xanh ngăn ngắt. Màu xanh kỳ ảo này uốn lượn, len lỏi qua một vùng núi non xen kẽ ruộng đồng của Cao Bằng. Có nơi dòng sông ôm ấp lấy chân núi đá vôi sừng sững, chỗ lại nép mình dưới những khóm tre xanh mướt, có khúc lại như dải lụa mềm mại vắt qua cánh đồng lúa chín.

Bên sông, những bãi bồi với đàn trâu thong dong gặm cỏ, hay có khóm lau trắng phất phơ, tạo nên khung cảnh đủ sức chinh phục được mọi giác quan khách đường xa, nhất là khi bình minh, sương khói lảng bảng trên mặt sông hoặc lúc chiều về, mặt trời hắt bóng loang loáng theo dòng nước.

Đến đây, bất giác lại nhớ về Hạ Long. Nếu ngắm vịnh Hạ Long từ trên cao, mặt biển như một tấm gương cắt ngang qua chân của hàng vạn hòn đảo thì Cao Bằng cũng từa tựa như thế, thay mặt nước thành mặt đất. Non nước Cao Bằng có một vẻ đẹp riêng, không dốc đá dựng đứng như Hà Giang, không bạt ngàn rừng núi như Bắc Kạn, Cao Bằng phía trên có hàng vạn ngọn núi lớn nhỏ, phía dưới lại mênh mông đồng ruộng bằng phẳng, còn có dòng Quây Sơn xanh ngắt trải dài trên cánh đồng lúc tách ra, khi nhập lại tạo ra những cảnh sắc đầy mê hoặc, rất kỳ lạ. Có lẽ, đây là minh chứng cho lịch sử phát triển địa chất phức tạp kéo dài lên đến hơn 500 triệu năm ở vùng đất này.

Nông Thị Thu, cô gái người Tày có hơn 10 năm dấn thân vào làm du lịch trên quê hương Cao Bằng. Ảnh: Tùng Đinh.

Nông Thị Thu, cô gái người Tày có hơn 10 năm dấn thân vào làm du lịch trên quê hương Cao Bằng. Ảnh: Tùng Đinh.

Nữ thạc sỹ du lịch người Tày

Với 49 km trên lãnh thổ Việt Nam, Quây Sơn chảy đúng như tên của nó, ôm lấy núi, ôm lấy những bản làng của người Tày, người Nùng… Cao Bằng. Ở xã Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh), nơi có thác Bản Giốc có một địa danh còn chẳng thể tìm ra bên hệ thống bản đồ của Google, có tên là Bản Mom, của người Tày.

Trong tập quán của của người Tày, họ thường lấy tên những ngọn núi, con sông, con suối, cánh đồng gần nơi ở để đặt tên cho làng, cho bản. Từ hàng trăm năm trước, khi cái tên Quây Sơn có lẽ còn chưa ra đời, người Tày ở đây chỉ gọi con sông xanh màu ngọc bích trước mặt là Tha Mom, đó cũng là ngọn nguồn của cái tên Bản Mom.

Bản Mom được sông Quây Sơn bao kín phía trước, sau lưng lại tựa vào vách núi cao sừng sững, địa thế không thể đẹp hơn để làm du lịch. Có lẽ vì thế, nơi này đã sinh ra một cô gái Tày có niềm khát khao làm du lịch cộng đồng đến cháy bỏng, tên là Nông Thị Thu. Đầu hè. Tiếng ve râm ran lúc gần, lúc xa. Bên một góc nhỏ của quán cà phê trong khuôn viên Sài Gòn – Bản Giốc, nắng sớm xiên qua mấy tầng lá liễu, nhảy nhót trên khuôn mặt trái xoan với đôi mắt lanh lợi của Thu. Nhiều người nói, phụ nữ Tày vừa đẹp vừa giỏi và có lẽ cô gái này là một điển hình như thế.

Là thế hệ 9x đời đầu, sinh ra ở nơi sơn thủy hữu tình như Bản Mom, từ bé Thu đã có tình yêu với thiên nhiên, non nước quê hương. Tình yêu ấy ban đầu cũng mơ hồ, mông lung, rồi đến khi 18 tuổi, lúc du lịch bắt đầu phát triển ở Cao Bằng, Thu mang suy nghĩ “học du lịch chắc dễ kiếm việc” xuống Hà Nội. Ngoài tình yêu quê hương, còn một động lực nữa giúp cô phấn đấu học hành, đó là sự vất vả của nghề nông, của những ngày theo mẹ ra đồng làm lúa, làm ngô.

Nhà có 3 anh chị em, Thu là út. Chuyện học hành, thi cử, chọn ngành nghề theo lời của cô gái Tày này, có nhiều phần ảnh hưởng, định hướng từ bố, người thầy giáo của cả đám trẻ ở trường cấp 2 xã Đàm Thủy.

Những ngọn núi thủng ở Cao Bằng là nơi Thu thường đưa các đoàn khách của mình đi trải nghiệm. Ảnh: Tùng Đinh.

Những ngọn núi thủng ở Cao Bằng là nơi Thu thường đưa các đoàn khách của mình đi trải nghiệm. Ảnh: Tùng Đinh.

Thời điểm Thu đỗ vào ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ở Đàm Thủy nói riêng và Trùng Khánh nói chung chưa nhiều người chọn nghề này. Trong 4 năm đại học, đứng trước 2 lựa chọn là tiếng Anh và tiếng Trung, Thu chọn ngôn ngữ của nước láng giềng để học. Ngày quay về bên sông Quây Sơn, muốn làm du lịch nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu, cô cử nhân ngành du lịch loay hoay tìm cách. “Được học tiếng Trung thật nhưng em ít có cơ hội thực hành với nữa lại chưa có vốn liếng gì nên em quyết định đi buôn”, trong bộ trang phục màu chàm truyền thống của người Tày, Thu say sưa kể.

Ngày ấy, chợ biên giới, hay còn gọi là chợ mốc 53 giữa Việt Nam và Trung Quốc tại khu vực xã Đàm Thủy rất sầm uất. Buôn bán 1 năm, vừa có chút vốn, vừa cải thiện khả năng tiếng Trung, người con của Bản Mom lại khăn gói xuống Hà Nội, quyết tâm thi và học tiếp cao học. 2015, Nông Thị Thu chính thức trở thành thạc sỹ về du lịch, bắt đầu chuyển sang một chương mới trong câu chuyện làm đưa non nước quê hương đến với bạn bè quốc tế.

Đi để trở về

Khi mấy ly cà phê vừa cạn, gạt đi lời đề nghị đi thăm Bản Giốc với lý do “mùa này nước cạn, phải qua trưa thác mới đẹp”, Thu đề xuất đi thăm làng đá Khuổi Ky, ngôi làng cổ hơn 400 năm tuổi của người Tày, cũng ở xã Đàm Thủy. Giống Bản Mom, Khuổi Ky được đặt theo tên con suối chạy quanh làng với vài chục nóc nhà được xây từ đá vôi, vôi và cát suối.

Rong ruổi trên con đường đá, dưới bóng mát của những mái ngói âm dương trăm tuổi, nữ thạc sỹ bắt đầu chia sẻ nhiều hơn về 1 thập kỷ miệt mài làm du lịch cộng đồng của mình. Hành trình mà Thu nhận định là “đi để trở về”, đi học để không phải làm nông nữa nhưng học xong rồi lại trở về với ruộng đồng, sông núi. Tròn 10 năm trước, sau khi dừng việc buôn bán ở chợ biên giới để học cao học cũng là lúc Thu bắt đầu nhận những tour đầu tiên. Phát triển từ mối quan hệ với bạn hàng Trung Quốc, cô đưa khách du lịch từ quốc gia láng giềng đi khám phá các điểm đến nổi tiếng khắp miền Bắc. Nhưng vừa học vừa làm, nên công việc cũng lúc có lúc không, khó đều.

Trong lúc Thu đang theo học thạc sỹ thì Sài Gòn – Bản Giốc được xây dựng, do vướng việc học hành, cô không thể bén duyên cùng resort xinh đẹp cạnh dòng thác hùng vỹ này được, thay vào đó, 2 bên trở thành đối tác của nhau. Sài Gòn – Bản Giốc trở thành 1 trong 3 kênh chính đưa khách hàng đến với Thu ngoài mạng xã hội và các công ty lữ hành.

Những tour du lịch khắp miền Bắc với khách hàng Trung Quốc phải dừng lại vào năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng nổ. Đây cũng là cột mốc đánh dấu bước ngoặt trong hoạt động du lịch của cô gái người Tày này. Khó khăn trong xuất nhập cảnh khiến Thu quyết tâm thu hẹp địa bàn hoạt động, lấy Cao Bằng làm chính và xoay từ khách Trung sang khách Tây. Cũng vì thế mà cô gái tài năng này đã tự mình học thêm tiếng Anh để phục vụ công việc.

Nữ thạc sỹ người Tày giúp 2 du khách Australia giao tiếp, tìm hiểu thông tin di chuyển khi họ đến thăm xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh. Ảnh: Tùng Đinh.

Nữ thạc sỹ người Tày giúp 2 du khách Australia giao tiếp, tìm hiểu thông tin di chuyển khi họ đến thăm xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh. Ảnh: Tùng Đinh.

Từ 2022 đến nay, hoạt động du lịch trải nghiệm của Thu tập trung vào các tuyến trekking, xe máy, xe đạp… tại những địa điểm đẹp của Trùng Khánh, Bảo Lạc, Nguyên Bình, Trà Lĩnh … (Cao Bằng), Ba Bể (Bắc Kạn), Mù Căng Chải, Mèo Vạc… (Hà Giang). Để đảm bảo thuận lợi của mỗi chuyến đi, Thu phải tìm hiểu rõ nhu cầu của khác trước khi bắt đầu, có người thích cảnh đẹp, có người thích văn hóa, có người thích đời sống, có người lại thích trải nghiệm hết.

Dừng chân bên hiên ngôi nhà đá to nhất làng Khuổi Ky, trên đầu lúc lỉu những bắp ngô vàng óng, lấp ló đằng sau là vài câu đối đỏ rực viết chữ Hán, Thu tự hào nói: “Cao Bằng quê em đẹp và hoang sơ. Ở đây chưa có quá nhiều khách du lịch nên khi dẫn khách trải nghiệm, em luôn chọn những tuyến đường ít người, vắng vẻ để khách thực sự hòa mình vào thiên nhiên, đem lại cảm giác mọi thứ đều dành riêng cho họ”. Ngay cả với những điểm du lịch nổi tiếng như thác Bản Giốc hay động Ngườm Ngao, Thu cũng có bí quyết để đưa khách đến lúc vừa đẹp vừa vắng, để Cao Bằng đem lại cảm giác khác lạ cho du khách so với Lào Cai, Hà Giang…

Để phù hợp với các nhóm khách khác nhau, Thu có 2 tuyến chính. Nếu đón khách ở Đàm Thủy, các điểm đến sẽ là động Ngườm Ngao, đường vành đai biên giới, các bản làng sát biên rồi quay về thác Bản Giốc. Với khách ở thành phố Cao Bằng, Thu đưa họ đi thăm các điểm du lịch nổi tiếng ở Nguyên Bình, Bảo Lạc, đèo 15 tầng, qua Pác Pó, cắm trại ở núi mắt thần Trà Lĩnh, quay về Trùng Khánh rồi vòng lại thành phố.

Để an toàn và đem lại trải nghiệm trọn vẹn cho du khách, mỗi chuyến đi của Thu chỉ dao động từ 12 – 15 người, nếu đi bộ thì quãng đường sẽ từ 10 – 15 km. Trước mỗi chuyến đi, cô sẽ phổ cập cho từng cá nhân các thông tin, vật dụng cần thiết, không thừa, không thiếu. “Có những chuyến khách mệt, em phải cõng luôn đồ cho khách, ba lô trên lưng phải 10-12kg đấy anh”, cô gái người Tày nói, trong mắt ánh lên vẻ tự tin.

Bên cạnh những phong cảnh thiên nhiên hữu tình, hoạt động du lịch trải nghiệm của Thu cũng đươc rất nhiều du khách phương Tây lựa chọn. Đó có thể là chèo mảng trên sông Quây Sơn, thăm các làng nghề thủ công, cùng bà con làm hương, làm giấy, đan nón.. Theo mùa, du khách còn có thể đi cày, đi bừa bằng trâu bò hoặc gặt lúa với bà con.

Những ngôi làng cổ như làng hương Phia Thắp của người Nùng An ở Cao Bằng để lại rất nhiều ấn tượng với du khách quốc tế sau khi Thu đưa họ đến đây. Ảnh: Tùng Đinh.

Những ngôi làng cổ như làng hương Phia Thắp của người Nùng An ở Cao Bằng để lại rất nhiều ấn tượng với du khách quốc tế sau khi Thu đưa họ đến đây. Ảnh: Tùng Đinh.

“Bây giờ người dân cơ giới hóa nhiều, tìm được điểm canh tác thô sơ để khách trải nghiệm cũng không dễ. Em thường đưa khách đến bản người Nùng ở Lũng Phiắc, giáp biên giới Trung Quốc, vẫn giữ được rất nhiều nét nguyên sơ”, tiếng của Thu hòa cùng âm thanh của suối Khuổi Ky khi đang bước dần về phía cổng làng.

Một điều may mắn với cô gái này là những người dân ở các làng, bản mà cô đi qua đều có nhận thức rất sớm về làm du lịch, họ sẵn sàng chào đón, thân thiện với mọi du khách. Ở chiều ngược lại, Thu cũng chia sẻ lợi ích với mỗi nơi đưa đoàn ghé qua và cố gắng san sẻ ra cho cả cộng đồng cùng hưởng lợi. Ra khỏi cổng làng, thấy 2 du khách người Australia loay hoay với lễ tân homestay, Thu nhẹ nhàng tiến đến, nở nụ cười thật tươi và hỏi: “May I help you?/Tôi có thể giúp gì các bạn?”.

Sau cuộc trò chuyện ngắn, Thu hướng dẫn xong cho cặp vợ chồng này cách bắt xe bus trên đường cái, cách làng khoảng 5 phút đi bộ để về thành phố Cao Bằng. Chờ họ đi khuất khỏi khúc cua sau vách núi đá, Thu mới thổ lộ thêm, mong muốn của cô là đào tạo được những người có khả năng, có hứng thú làm du lịch ở địa phương để cùng nhau nâng tầm cho Cao Bằng, để không còn du khách phải loay hoay vì bất đồng ngôn ngữ nữa.

Giấc mơ cho riêng mình

Cầm tinh con ngựa, Thu cứ mải miết rong ruổi trên hành trình làm du lịch của mình. Khi hỏi về gia đình, Thu chỉ bảo “em chưa”, một đồng nghiệp của cô nửa đùa nửa thật nói: “Tình yêu lớn nhất của Thu bây giờ là anh “du lịch” đấy”.

Đi khắp nơi khắp chốn, đến lúc này giấc mơ lớn nhất của Thu lại quay về Bản Mom, nơi chôn rau cắt rốn, nơi sơn thủy hữu tình, nơi in hằn ký ức về những ngày nướng ống cơm lam, chăn đàn trâu nhỏ bên bãi sông. Và giấc mơ đang dần rõ nét.

Nhiều năm cố gắng, giờ đây nữ giám đốc trẻ của HTX Du lịch sinh thái cộng dồng Bản Mom Village đang ấp ủ những dự định cho riêng mình. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhiều năm cố gắng, giờ đây nữ giám đốc trẻ của HTX Du lịch sinh thái cộng dồng Bản Mom Village đang ấp ủ những dự định cho riêng mình. Ảnh: Tùng Đinh.

Năm 2021, trong lần thứ 4 tổ chức “Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” của tỉnh Cao Bằng, Nông Thị Thu xuất sắc giành vị trí dẫn đầu với dự án "Xây dựng mô hình homestay kết hợp phát triển du lịch sinh thái cộng đồng làng Bản Mom".

2 năm qua, đứa con tinh thần của Thu đang từng bước phát triển, bằng chứng là sự ra đời của Hợp tác xã Du lịch sinh thái cộng dồng Bản Mom Village, do Thu làm Giám đốc. Đây dự kiến sẽ là nơi để Thu cùng với những người Tày ở Đàm Thủy chung tay phát triển du lịch ở địa phương. “Em mơ ước có một homestay cho riêng mình, ở đó có nhà cộng đồng, có bugalow, tất cả tựa lưng vào núi, mặt hướng thẳng ra dòng Quây Sơn xanh ngắt”, nữ giám đốc trẻ không giấu nổi sự hào hứng trên khuôn mặt rạng rỡ khi nói về giấc mơ của riêng cô. Dù vẫn còn một vài vướng mắc, nhưng ai cũng tin, sớm thôi, Bản Mom Village sẽ ra đời, hòa cùng nhịp đập du lịch của non nước Cao Bằng.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Thủy lợi - nền tảng vững chắc cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Đồng Tháp Các hệ thống thủy lợi nội đồng giúp kiểm soát nguồn nước hiệu quả hơn, nhờ đó nông dân có thể canh tác 3 vụ lúa/năm với năng suất tăng 15% so với trước đây.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hải Phòng khai trương dự án Chính quyền số

HẢI PHÒNG Chiều 21/11, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức lễ khai trương Dự án ‘Chính quyền số’ để chào mừng ngày chuyển đổi số quốc gia 2024.