| Hotline: 0983.970.780

Làng đá trăm tuổi chuyển mình làm homestay

Chủ Nhật 11/06/2023 , 06:09 (GMT+7)

Ngoài trời đang nóng như thiêu, dễ đến gần 40 độ C, nhưng lạ thay, vừa bước chân vào ngôi nhà đá, không khí đột nhiên dịu lại như thể gia chủ bật điều hòa.

Những mái ngói âm dương xếp đan xen, tạo nên vẻ không thể trộn lẫn của làng Khuổi Ky. Ảnh: Tùng Đinh.

Những mái ngói âm dương xếp đan xen, tạo nên vẻ không thể trộn lẫn của làng Khuổi Ky. Ảnh: Tùng Đinh.

Bài liên quan

Trong chuyến rong ruổi về với Cao Bằng, chúng tôi gặp vợ chồng anh Fabio, người Italia. Đến Việt Nam được khoảng 2 tuần, Fabio đã biết nói rành rọt mấy câu đơn giản như “Xin chào”, “Cảm ơn”.

Anh cũng không ngại ngần thuê xe máy từ TP Cao Bằng để trải nghiệm cảm giác phượt về huyện Trùng Khánh, thăm thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao.

Thấy chúng tôi mồ hôi nhễ nhại như vừa lội thác về, Fabio cười lớn rồi chỉ vào chiếc khăn mặt lớn đang đội trên đầu. Anh bảo, nhờ món bảo bối này, vợ chồng anh đã chinh phục thành công cao nguyên đá Đồng Văn và đang trên hành trình thứ hai tại Non nước Cao Bằng.

“Hiếm nơi nào thấy đá đặc biệt như này”, du khách người Italia chia sẻ.

Hỏi thêm mới biết, tại quê nhà, gia đình của vợ chồng Fabio nằm gần sát Đài phun nước Trevi nổi tiếng, công trình được tạo ra chủ yếu bởi đá vôi và đá cẩm thạch.

Đây là biểu tượng của nghệ thuật kiến trúc La Mã, ở chính giữa là tượng thần Neptune, bao xung quanh là những con vật huyền thoại và 4 bức tượng tượng trưng cho 4 mùa. Dưới nước là 2 linh vật kéo cỗ xe của Hải vương Neptune, trên nền lấp lánh của những đồng xu được mọi người ném xuống, hòng mong điều ước thành sự thật.

Thuở nhỏ, Fabio nhiều lần tới thăm đài phun nước này và bị mê mẩn bởi lối kiến trúc La Mã kỳ vĩ và huyền ảo. Cũng chẳng biết tự bao giờ, người đàn ông trạc 40 tuổi đắm chìm trong tình yêu với đá.

Ngay khi biết, Việt Nam có tới 3 công viên địa chất, anh nhanh chóng thu xếp để tận mắt thấy và ở trong những ngôi nhà bằng đá thứ thiệt ở làng Khuổi Ky, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh.

Ngoài mái hiên của những ngôi nhà cổ lúc nào cũng treo đầy những bắp ngô vàng óng. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngoài mái hiên của những ngôi nhà cổ lúc nào cũng treo đầy những bắp ngô vàng óng. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngôi làng toàn đá

Nằm trên tỉnh lộ 206, nối từ huyện Trùng Khánh đi Hạ Lang, cách trung tâm TP Cao Bằng hơn 80km, ngôi làng cổ có lịch sử ngót nghét 400 tuổi. Một số cụ già trong làng kể lại, rằng làng được hình thành vào khoảng cuối thế kỷ 16, thời điểm nhà Mạc rút chạy lên Cao Bằng. Với mục đích cát cứ khu vực này, nhà Mạc cho xây dựng các công trình hầu hết là phòng thủ. Những ngôi nhà bằng đá, vì thế, mọc lên tựa những “pháo đài” bất khả xâm phạm.

Bài liên quan

Trong quan niệm của người Tày, đá là trung tâm vũ trụ. Con người sinh ta từ đá và chết sẽ hóa thành đá. Đá cũng chính là khơi nguồn của sự sống. Có lẽ bởi vậy, mà bên ngoài 14 hộ dân đang sinh sống tại làng Khuổi Ky, du khách vẫn bắt gặp lác đác những ngôi nhà bằng đá khác ven đường. Đá dường như là hơi thở, là cuộc sống hàng ngày, cũng là một tình yêu vĩnh cửu với đồng bào nơi đây.

Không chỉ Fabio, chúng tôi cũng ngỡ ngàng với cảnh vật nơi đây. Đầu làng là một cây cầu gỗ lớn, bắc ngang suối Khuổi Ky. Phía dưới, từng đàn vịt bơi chầm chậm như tô điểm thêm vẻ yên bình cho ngôi làng cổ kính, được “bọc đá” gần như từ đầu đến cuối. Tường rào bằng đá, nhà bằng đá, lối đi cũng bằng đá. Ở những khoảng sân rộng, dân làng còn để một vài cối đá lớn cho khách du lịch trải nghiệm làm nông. Đằng xa là dãy núi đá lớn, ôm trọn cả làng vào lòng.

Ngắm bằng mắt thường chưa đã, chúng tôi bay chiếc flycam lên độ cao hơn 100m rồi nhìn xuống, thấy cả làng rộng chừng 1ha như tựa lưng vào núi, mặt hướng ra dòng suối trong xanh. Trông những mái nhà xếp xen kẽ, theo tầng theo lớp, chúng tôi chợt có một suy nghĩ táo bạo rằng, nếu một ngày nào đó, tất cả những nếp nhà kia được đổ mái bằng rồi mời các đoàn văn công đứng trên đó biểu diễn hát then, đàn tính, hẳn sẽ làm nên một khúc nhạc say đắm giữa núi rừng Việt Bắc.

Tâm hồn lãng đãng của chúng tôi chợt dừng lại nơi một homestay lớn, nép mình bên cạnh một núi đá lớn và đứng tách biệt với làng Khuổi Ky. Khu lưu trú cho khách du lịch này có một nhà bằng đá lớn, nằm sát đường, còn lại là những căn bé hơn, xếp thành hai hàng, ôm lấy núi đá. Theo người dân trong bản, đó là homestay Yến Nhi, lớn nhất tại khu vực này.

Bên trong homestay Yến Nhi - homestay lớn nhất tại làng Khuổi Ky. Ảnh: Tùng Đinh.

Bên trong homestay Yến Nhi - homestay lớn nhất tại làng Khuổi Ky. Ảnh: Tùng Đinh.

Đón chúng tôi bằng nụ cười thân thiện, chị Lý Thị Điệp, chủ homestay Yến Nhi, vồn vã mời cả đoàn vào tham quan. Ngoài trời đang nóng như thiêu, dễ đến gần 40 độ C, nhưng lạ thay, vừa bước chân vào ngôi nhà bằng đá, không khí đột nhiên dịu lại như thể gia chủ bật điều hòa.

Nhìn kỹ hơn, thấy bức tường đá cao khoảng 6-7m, được dựng nên từ những viên đá lớn. Phải ai cao lớn, khỏe mạnh lắm mới có thể ôm được những viên đá này. Ngôi nhà có hai cột lớn, như phân không gian sinh hoạt ra làm ba. Một bên kê bộ bàn ghế lớn tiếp khách. Khúc giữa để trống như nhường chỗ cho những bằng khen, giấy chứng nhận được treo trang trọng giữa phòng. Bên còn lại được bố trí làm quầy tiếp tân, phục vụ khách du lịch. Ngoài chiếc quạt treo đang chạy rì rì số nhỏ, tuyệt nhiên không thấy một thiết bị làm mát nào khác.

Đoán chừng được sự khó hiểu của chúng tôi, chị Điệp bảo, ở nhà bằng đá lúc nào cũng mát hơn nhà bằng gỗ hay gạch. “Một lần thử rồi thì không muốn chuyển đi nhà khác các chú ạ”, chị nói.

Trước đây, để dựng được một ngôi nhà bằng đá hoàn chỉnh phải tốn rất nhiều công. Trong đó, đặc biệt là công việc đi tìm nguồn đá. Chỉ người giàu kinh nghiệm mới biết được đâu là những phiến “đá già”, có thể dùng làm nơi che mưa nắng hàng trăm năm. Sau khi chốt được địa điểm khai thác, người dân sẽ dùng vôi tôi nóng khu vực cần khai thác, rồi dùng búa đập. Được viên nào to, nhẵn nhụi sẽ xếp ra phía ngoài bức tường, những viên nhỏ xếp vào trong, hoặc để làm các khớp kết nối.

Theo lời chị Điệp, các cụ ngày xưa hiếm khi xây nhà cao, mà thường chỉ vừa đủ để sinh hoạt, quãng 3-4m. Xây tường cao khoảng nửa mét là phải chờ để lớp cát trộn đá vôi kết dính, hòa với đá thành một khối bền vững, xong mới xây tiếp. Tính từ lúc bắt đầu động thổ thi công đến hoàn thành cũng ngót nghét 7-8 năm, thậm chí lâu hơn tùy thuộc vào nhân công và nguồn nguyên liệu.

Ngày nay, nhờ sự trợ giúp của máy móc và tiến bộ kỹ thuật, chị Điệp xây ngôi nhà khang trang hiện tại chỉ mất chừng 2 năm. Tường nhà cũng dày hơn đáng kể vì lựa được những viên đá to, nặng 20-30kg. Vì thế, nên nhà cũng mát hơn, phù hợp với khách du lịch châu Âu.

Cảnh vật yên bình bên dòng Khuổi Ky, nơi cấp nước và là cội nguồn bản sắc, văn hóa cho ngôi làng đá. Ảnh: Tùng Đinh.

Cảnh vật yên bình bên dòng Khuổi Ky, nơi cấp nước và là cội nguồn bản sắc, văn hóa cho ngôi làng đá. Ảnh: Tùng Đinh.

Lúa, ngô để ngoài đồng đợi khách

Chờ vợ chồng Fabio làm thủ tục nhận phòng, chúng tôi được nghe chị Lý Thị Điệp trải lòng về homestay mơ ước mà chị đang khai thác. Hóa ra, đây là cơ sở thứ hai của gia đình, nằm ở bên kìa bờ suối Khuổi Ky. Ngôi nhà cũ nằm trong làng, gia đình chị cho khách sử dụng hoàn toàn. Bên trong bố trí sẵn bếp, bàn ghế, chăn đệm, đủ sức phục vụ khoảng 20 người cùng lúc.

Với cơ ngơi hiện tại của chị, chúng tôi đùa bà chủ homestay Yến Nhi chẳng khác nào “triệu phú” nơi biên giới. Chị thật thà tâm sự, là cũng không chắc bản thân đã thành triệu phú chưa, chỉ khẳng định một điều là từ khi bắt đầu công việc cung cấp dịch vụ lưu trú từ 2016 đến nay, chị có thêm nhiều bạn bè trên cả nước. Đi làm đồng hay đi chơi trong xã, hầu như ai cũng biết tiếng.

Một thay đổi nữa trong cuộc sống của chị, là thói quen sử dụng Zalo, Facebook nhiều hơn để chia sẻ và quảng bá về homestay của mình. Trong lúc nói chuyện với chúng tôi, thi thoảng chị Điệp lại có điện thoại gọi hỏi thăm đường, giá phòng và các địa điểm tham quan chính tại xã Đàm Thủy. Miệng nói, tay ghi chép vắn tắt vào sổ, không ai nghĩ đây là người mà mới chỉ vài năm trước còn quay quắt với cuộc sống.

Chị Điệp là một trong số 7 hộ của làng Khuổi Ky cung cấp dịch vụ lưu trú homestay, với mức phí từ 100.000 - 400.000 đồng/ngày. Tình nguyện làm hướng dẫn viên, đưa chúng tôi về ngôi nhà cũ, chị gặp anh Nông Văn Thơ, hàng xóm cũ nay cũng đầu tư làm homestay.

Nhìn từ trên cao, làng Khuổi Ky được các dãy núi san sát ôm trọn. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhìn từ trên cao, làng Khuổi Ky được các dãy núi san sát ôm trọn. Ảnh: Tùng Đinh.

Mở cánh cửa gỗ, chỉ cao qua đầu người một chút, anh Thơ dẫn chúng tôi tham quan cơ sở của mình. Đầu hiên, một dãy ngô vàng óng, có lẽ vừa thu hoạch, được buộc gọn gàng. Trong ngôi nhà một tầng, lát ván gỗ, mái ngói âm dương mang dáng dấp cổ kính, có bộ bàn ghế cũ bằng gỗ, đặt giữa căn nhà rộng độ 40m2. Xen kẽ là những tấm ri-đô bằng lụa nhiều màu, được anh dùng để chia tách không gian sinh hoạt cho khách.

Không khang trang bằng cơ sở của chị Điệp, bù lại anh Thơ cung cấp thêm dịch vụ “trekking” (đi bộ đường dài) cùng khách. Cao chừng 1m75, da rám nắng, giọng nói sang sảng như tiếng nước thác Bản Giốc, anh bảo có thể đi bộ cả ngày không biết mệt. Ngoài việc sẵn lòng mang hộ hành lý cho du khách, anh Thơ còn có cả dịch vụ trải nghiệm làm nông nghiệp. Anh hướng dẫn họ hái măng, bắt cá, chế biến những món ăn đặc trưng của người Tày. Lúa, ngô nhiều khi anh để ngoài ruộng, chờ có đợt khách mới dẫn ra thu hoạch.

“Lượng thành phẩm có thể bớt đi một chút, nhưng tôi có tiền ngay để lo cho con cái ăn học, không phải chờ hết vụ mới đem bán”, anh Thơ chia sẻ.

Trong tín ngưỡng của người Tày, nhà được coi là một miền thiêng, nơi lưu giữ những nét đặc trưng của đời sống vật chất cũng như tinh thần cho cả đại gia đình truyền qua bao đời. Cũng một phần bởi vậy, mà trước đây, khi chưa được tuyên truyền về phát triển du lịch cộng đồng, người dân nơi dây còn “khép mình”. Không dễ gì để đồng bào chia sẻ nơi linh thiêng với những người lạ. Ngay cả khi mô hình homestay manh nha, không phải hộ gia đình nào cũng có thể tham gia từ đầu bởi khó khăn về cơ sở vật chất, ngôn ngữ, cũng như tập quán, sinh hoạt.

Làng Khuổi Ky được xem là điểm sáng trong phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại Cao Bằng. Ảnh: Tùng Đinh.

Làng Khuổi Ky được xem là điểm sáng trong phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại Cao Bằng. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhờ sự vận động của chính quyền, cái nhìn của người dân giờ đã cởi mở hơn. Anh Trần Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Đàm Thủy cho biết, những hộ đủ điều kiện đón khách lưu trú sẽ kết hợp các hộ khác trong việc cung cấp các dịch vụ phụ trợ như dẫn tour, chế biến nông đặc sản địa phương, kể cả vận chuyển hành khách.

“Bà con hiểu được lợi ích thiết thực của cách làm du lịch cộng đồng. Họ vừa gìn giữ được những nếp nhà sàn đá cổ, vừa đảm bảo cuộc sống và có thêm thu nhấp”, anh Phú bày tỏ.

Vĩ thanh

Cách đây hàng trăm năm, những ngôi nhà bằng đá được dùng để chở che cho đời sống sinh hoạt của cư dân vùng biên do nạn trộm cướp hay thú dữ hay xảy ra. Tưởng như, đó sẽ là những “pháo đài” ngăn người dân xã Đàm Thủy trong việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ và công tác quảng bá.

Ngày nay, dù lên thác Bác Giốc hay rẽ vào động Ngườm Ngao, người dân ai cũng hiểu lợi ích lâu dài của mô hình phát triển du lịch cộng đồng. Hệ quả, kết cấu hạ tầng du lịch, xúc tiến quảng bá, hạ tầng cơ sở, đặc biệt là giao thông ngày một cải thiện. Nếu như cách đây chục năm, du khách phải đi xe máy cho gia đình anh Fabio mới tới được các thắng cảnh, thì nay xe 29, thậm chí 45 chỗ cũng dư sức đưa mọi người tới nơi nghỉ dưỡng.

Mặt trời đã lên đỉnh đầu, nhưng anh Chủ tịch Trần Văn Phú vẫn nài chúng tôi tham quan thêm mấy mô hình nữa để góp ý thêm cho du lịch Đàm Thủy. Anh bảo, tiến tới xã sẽ xây dựng một ban quản lý chuyên nghiệp nhằm giám sát mô hình du lịch cộng đồng đã được hình thành, đồng thời tổ chức thường xuyên các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân cùng tham gia phát triển du lịch.

Giữa bầu không khí hừng hực, không biết là do đất trời những ngày giáp Hạ chí hay của bà con đồng bào dân tộc Tày, Fabio nháy khẽ chúng tôi về giai điệu trầm bổng đang vút lên từ một mái nhà gần đó. “Từng ngàу cuộc sống thoáng chốc lại đổi thaу/Ɓầu trời mỗi tối có biết bao sao đổi ngôi/Nhưng có bao giờ hòn đá ấу bỗng khóc như loài người..”

Tròn mắt thích thú khi nghe lược dịch ca từ, Fabio trầm trồ: “Tôi vẫn nói mà. Ở đâu có kỳ quan của đá là ở đó có nhiều cái hay lắm!”

Làng đá Khuổi Ky nằm trên tuyến du lịch phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên”, thuộc hành trình khám phá Công viên địa chất toàn cầu USESCO Non nước Cao Bằng. Hai tuyến tham quan còn lại là: tuyến phía Bắc “Hành trình về nguồn cội”, tuyến phía Tây “Khám phá Phja Oắc - vùng núi của những đổi thay”.

Ông Trương Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giám đốc Ban Quản lý Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng cho biết, tỉnh định hướng phát triển mô hình du lịch xanh, bền vững, thân thiện với môi trường, phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa thì du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm về văn hóa, lịch sử. Đây sẽ là những sản phẩm du lịch tạo được bước đột phá trong tương lai.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Nông nghiệp góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng cho Nghệ An

Năm 2024, ngành nông nghiệp Nghệ An tiếp đà thắng lợi toàn diện, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

Đồng Xoài sẽ là đô thị 'hiện đại, sinh thái, thông minh'

Đó là kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Chính quyền tỉnh Bình Phước tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước (26/12/1974 - 26/12/2024).