Hôm ấy, chúng tôi đang nhẩn nha tới giữa lòng hồ. Thuyền bỗng tắt máy nhưng chẳng ai vội ra chữa, để mặc tâm hồn vượt qua những vách đá vôi dựng đứng.
Bức tranh thủy mặc
Mới đầu tháng Năm, nhưng trời đã như đổ lửa. Ngồi trên chiếc xe gầm cao, tròng trành độ chục cây số dọc tỉnh lộ 254, kéo từ gần văn phòng Vườn Quốc gia Ba Bể đến bến thuyền, ai nấy cũng mướt mồ hôi, lòng thầm ước được như những hàng trúc dây bên kia vách núi. Chúng như chẳng buồn bận tâm đến những vạt nắng tinh nghịch đang nhảy múa qua các mỏm đá, thong thả buông mình xuống hồ như một bức mành khổng lồ.
“Năm nay thấy bảo El Nino nên nóng dữ lắm hả các chú”, Triệu Văn Hình, người thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) xởi lởi chào chúng tôi, tay không quên xách hai can dầu loại 5 lít đầy ắp khệ nệ đi xuống bãi thuyền nhìn thẳng ra hòn Bà Góa giữa hồ Ba Bể. Có lẽ đã thành thói quen, chàng trai người dân tộc Tày không dám để khách chờ một phút nào. Miệng nói, tay làm, chân rảo bước, thanh niên 24 tuổi mau mắn dẫn cả đoàn xuống sát mặt hồ, nơi được ví như viên ngọc lục bảo giữa núi rừng Việt Bắc.
Kẹp giữa hai cánh cung Sông Gâm và Ngân Sơn, hồ Ba Bể được thắt khúc thành 3 hồ nhỏ là Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng, trải rộng gần 2km và dài hơn 8km. Nhiều đảo lớn, đảo nhỏ nằm rãi rác giữa lòng hồ, tựa những khu rừng nhỏ.
Người ta bảo hồ Ba Bể gần như tách biệt với bên ngoài. Bao bọc lấy hồ là các dãy núi đá vôi xen lẫn sa thạch cổ với độ cao trên 1.000m và những cánh rừng già nguyên sinh, nơi chứa đựng hơn 1.000 loài sinh vật, trong đó nhiều loài quý hiếm và có ý nghĩa lớn về đa dạng sinh học. Nước hồ trong xanh, quanh năm mát mẻ, in đậm bóng núi, lồng lộng mây trời, nhìn từ trên cao chẳng khác nào một chiếc gương khổng lồ phản chiếu những dãy núi vòng cung, uốn lượn, ẩn hiện trên mặt hồ.
Là hồ nước ngọt thiên nhiên lớn nhất Việt Nam, Ba Bể đẹp vì nhiều lẽ. Nó vừa khoác trên mình sự hùng vĩ của núi rừng, vừa có nét duyên dáng, mềm mại với làn nước hòa quyện cùng trời đất, lúc xanh rêu, lúc xanh lam, khi lại lẫn sắc vàng của bóng cây mùa rụng lá.
Vẻ đẹp của thiên nhiên nơi này có lẽ đủ sức thách thức mọi nhà quay phim và tạo cảm hứng nhiếp ảnh bất tận, bởi nhìn hồ từ bất cứ góc nào cũng thấy một vẻ nao lòng của chiều sâu xanh thẳm. Sự bình yên, tĩnh lặng - vốn là thứ xa xỉ nơi phố thị - lại có thể dễ dàng cảm nhận dù chỉ đứng cạnh hồ vài phút.
Mang mong muốn tìm được thời điểm chụp hồ đẹp nhất tới bà chủ nhà hàng Kim Xuyến, nơi neo bến thuyền, chúng tôi mới vỡ ra rằng phải lưu lại nơi đây thêm vài hôm nữa.
Từng dẫn khách tham quan hàng chục năm, bà Xuyến bảo Ba Bể lúc nào cũng đẹp. Sáng sớm trong làn sương mờ ảo, cảnh vật huyền ảo đan xen bởi tiếng chim hót và muông thú gọi bầy. Như trưa lúc này, dưới ánh mặt trời, hồ Ba Bể lại tựa một bức tranh thủy mặc, mặt hồ long lanh in đậm bóng núi, mây trời.
Ngay cả khi chiều muộn, ánh ráng hồng cả bầu trời sẽ bao trùm khắp núi đồi, khiến mọi du khách đều thấy bản thân như đang hòa làm một với thiên nhiên.
Dường như thấy khách chưa tỉnh khỏi giấc mộng, lái thuyền Triệu Văn Hình đứng kế bên ngân khẽ một khúc mà cậu thường cất lên bên cây đàn tính: “Hồ chắn lối người dân hai vùng/ Mới rủ nhau vào rừng đốn gỗ/ Thuyền độc mộc chuyên chở sang ngang/ Sự tích của một làng thuở ấy/ Không kể lại có mấy ai hay…”. Tiếng hát bay vút lên cao như mời gọi chúng tôi tiếp tục thưởng ngoạn kiệt tác tạo hóa từ trên thuyền.
Nơi hợp lưu
Cách đây vài năm, người dân xung quanh hồ vẫn dùng thuyền độc mộc di chuyển qua lại giữa các đảo. Thuyền được khoét từ thân cây gỗ, duy nhất có một mái chèo, và là phương tiện ưu tiên đi lại của cư dân lòng hồ tới sông Năng, vào bản Pác Ngòi hay ngược suối Nam Cường để đến phía Bắc huyện Chợ Đồn. Cũng có khi, thuyền độc mộc được trưng dụng cho nghề chài lưới, đi lấy củi, thậm chí cho các em học sinh dùng làm phương tiện đến trường.
Ngày nay, du lịch lòng hồ phát triển. Chúng tôi tìm quay quắt giữa hơn 600ha diện tích mặt nước mới thấy một vài chiếc độc mộc được dựng trong góc, chỏng chơ như thể làm mẫu vật nghiên cứu hay sưu tầm của một nhà khảo cổ nào đó bất chợt nổi hứng muốn tìm về giá trị xưa cũ nơi danh thắng Bắc Kạn. Trái lại, thuyền máy thì khá nhiều. Cứ độ 10 phút là đoàn chúng tôi lại bắt gặp một chiếc chạy ngược chiều, khuấy động làn nước trong xanh tưởng như lặng ngắt như tờ.
Khi đến giữa lòng hồ, cả một khoảng không bao la hiện ra. Sông nước, mây trời như hòa quyện với sắc xanh lam của cây cối. Đón làn gió mát lạnh lan tỏa khắp khoang thuyền, mang hương thơm thanh khiết chốn núi rừng, người lữ khách phương xa như được xóa tan mọi ưu tư, phiền muộn trong lòng.
Khẽ nhíu mày tỏ vẻ tiếc nuối, anh hướng dẫn viên của đoàn táo bạo đề nghị thử trải nghiệm cảm giác thong dong trên thuyền độc mộc bằng cách đi ra giữa hồ rồi thả trôi theo dòng nước. Chiếc thuyền theo đà, chầm chậm nhích về phía trước, trước khi xoay vòng vòng giống một chiếc lá giữa mênh mông mặt nước. Ngồi tựa mạn thuyền, những rặng núi xa theo chiều xoay cứ thế thành một thước phim quay chậm. Để rồi chỉ lát nữa, chúng tôi sẽ ngừng tưởng tượng mà sà vào động Nả Poong, nơi đặt trụ sở Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp; hay cảnh đẹp mơ màng như trong phim kiếm hiệp của động Tiên.
Hồ Ba Bể vào tháng Năm, nước cạn hơn mùa mưa khoảng chừng 1m, khiến việc di chuyển qua các đoạn thác, sông suối cần đến nhiều kinh nghiệm. Có nhiều đoạn, cả khoảng không rộng lớn bỗng bị ken chặt lại bởi lố nhố những đảo lớn nhỏ và những bãi bồi. Từ vài trăm mét, dòng nước bị ép chặt xuống còn vừa đủ chỗ cho hai thuyền tránh nhau. Ngồi trong khoang thuyền qua những đoạn ấy cũng thấy ớn lạnh, ngước lên cao cảm giác như mình mới vừa bước từ một sân bóng đá nào đó để chui vào đường hầm. Triệu Văn Hình phải rón rén đi giữa những luồng được cắm chi chít sào “chỉ giới”. Thi thoảng gặp chỗ cát bồi, cậu tắt máy thuyền và nhoẻn miệng cười giả lả như mong thông cảm.
Từ bến thuyền nơi chúng tôi xuống đoạn gần UBND xã Nam Mẫu đến thác Đầu Đẳng áng chừng 12km đường thủy. Đi được quãng hai phần ba thì thấy sự lạ. Nước sông đang xanh thẫm bỗng ngả dần vàng. Đôi chỗ, nước sủi đục như thể có vài trăm con cá chép kính, cá dầm xanh vừa bơi qua. Tới sát biển báo cách thác Đầu Đẳng 4km, mực nước như chỉ còn 2 - 3m, bằng 1/10 so với độ sâu trung bình của hồ. Giữa dòng, một xoáy nước lớn hình trôn ốc cuốn đám lá cây ngược tiếp lên phía Bắc.
Hỏi ra mới biết đây là nơi hợp lưu giữa hồ Ba Bể và sông Năng, con sông được hợp thành từ nhiều khe suối nhỏ thuộc hai huyện Bảo Lạc và Bảo Lâm (Cao Bằng) và huyện Pác Nặm (Bắc Kạn). Hai nhánh thượng nguồn sông Năng là ranh giới tự nhiên giữa Cao Bằng và Bắc Kạn, trải dài độ trăm cây số rồi chảy sang địa phận tỉnh Tuyên Quang và hợp lưu tiếp với sông Gâm tại huyện Na Hang.
Chảy sát hồ Ba Bể, sông Năng xuyên qua khối núi đá vôi Lũng Nham và dành tặng cho Ba Bể động Puông dài 300m. Dòng sông uốn mình thơ mộng qua những khúc quanh hẹp trong lòng hang, luồn dưới những rèm thạch nhũ đá, nhưng kỳ lạ là không cho hồ Ba Bể giọt nước nào. Có người bảo sông Năng bị cạn do biến đổi khí hậu, có người lại nói lòng sông bị bồi lắng nhiều nên mực nước lúc nào cũng thấp hơn hồ. Không ai biết chính xác, nhưng soi bãi hai bên bờ sông thì thấy đúng là chúng cứ vươn ra mãi. Khu vực Bé Vài, xã Khang Ninh trước đây là hồ rộng mênh mông, nay cũng thành cánh đồng canh tác của người dân.
Lái thuyền Hình bảo, tham quan tuyến sông Năng - hồ Ba Bể giờ không còn dễ như trước vì rất dễ bị mắc cạn, đâm vào đá ngầm. Kinh nghiệm 6 - 7 năm như cậu, nhưng vì chiều mấy thước phim ký sự của chúng tôi, cũng rơi vào cảnh “lên không được, xuống chẳng xong”. Thế là mấy anh em thanh niên trong đoàn phải xắn quần lên tới gối, nhảy xuống làn nước mát, hợp sức đưa thuyền về đúng lộ trình.
Giống nhiều con sông khác như sông Lô, sông Gâm, sông Kỳ Cùng, sông Bằng, sông Cầu thuộc mạng lưới sông ngòi của tỉnh Bắc Kạn, sông Năng tương đối dốc, thủy chế thất thường. Phải chăng vì thế mà nó tạo nên thác Đầu Đẳng hùng vĩ, dài tới hơn 1.000m, tạo thành 3 bậc, bậc trên chênh với bậc dưới đến 3 - 4m theo chiều dài. Tiếng thác từ cách xa trăm mét đã nghe rõ mồn một. Càng đến gần, tiếng nước réo càng vang rền, cảm tưởng như có hàng nghìn con trâu đang rống lên sướng khoái trong làn nước. Hàng trăm tảng đá lớn chặn lại giữa dòng, khiến thác bị chia tách thành nhiều dòng nhỏ, nước chảy xiết tạo nên mỹ cảnh bọt tung trắng trời. Nép mình sau những hàng cây, chỉ thấy thấp thoáng những tán lá xanh gầy, xòe ra chao mình qua bóng nước.
Nét đẹp văn hóa
Hồ Ba Bể không chỉ đẹp ở thiên nhiên hùng vĩ mà còn hấp dẫn bởi phong tục, tập quán và văn hóa ẩm thực nơi đây. Từ khoảng chục năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền tỉnh Bắc Kạn, những khu nghỉ dưỡng kiểu homestay mọc lên như nấm xung quanh hồ. Không những được hòa mình vào cuộc sống, sinh hoạt, ăn nghỉ cùng các gia đình sống trong bản, du khách còn được thưởng thức rất nhiều món ăn đậm chất núi rừng, thậm chí tham gia vào cùng những điệu nhảy bên bếp lửa bập bùng dưới mái nhà sàn truyền thống, nhấp chén rượu ngô cay nồng bên tiếng nói cười râm ran.
Trong nhiều lễ hội của người dân địa phương quanh hồ, nổi tiếng nhất là lễ hội xuân Ba Bể - lễ hội lớn nhất trong năm của tỉnh Bắc Kạn. Lễ hội diễn ra vào mùng 9 - 11 tháng Giêng, trong đó có hội chọi bò thường vào ngày mùng 10. Vốn là lễ hội truyền thống của người Mông, với mục đích thể hiện tình yêu thương, sự chăm sóc công phu và nghệ thuật chăm sóc bò của người chủ.
Để được tham gia thi đấu, bò chọi phải qua vòng tuyển chọn từ các bản làng. Khác với lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, trâu trước khi thi đấu được chăm sóc cẩn thận, thì bò chọi vẫn đi cày bừa như thường. Tới sớm ngày diễn ra hội thi, các chú bò mới được “ăn diện” chỉn chu và dẫn ra một bãi đất bằng phẳng, phủ đầy cỏ non. Với hình thức thi đấu vòng tròn, con nào thắng nhiều nhất sẽ nhận giải. Và dù có đứng thứ mấy, bò sau đó tiếp tục trở lại với chủ để phục vụ việc đồng áng, nương rẫy.
Cùng đứng nghe câu chuyện về hội chọi bò với chúng tôi, anh David - khách du lịch người Australia - mắt long lanh như nuốt từng lời của hướng dẫn viên. Đến khi biết là đã qua mùa lễ hội, anh nghiêng đầu, tỏ ý tiếc nhưng rất nhanh khoát tay hướng chúng tôi vào phát hiện của anh.
Theo lời anh, các loài cây cỏ quanh hồ Ba Bể đều “rất lạ”. Chúng không phải mọc ra từ những lớp đất màu mỡ như dưới miền xuôi mà đâm xuyên qua vùng đá vôi có niên đại lên tới 400 - 500 triệu năm. Anh bảo, trồng trọt trong khu vực karst (các-xtơ) như hồ Ba Bể luôn phải tính toán đến sự mất nước. Ngay cả khi đất đủ màu mỡ và lượng mưa dư thừa, nhưng nước cũng nhanh chóng chui xuống các đường nứt để vào trong đất, đôi khi làm cho mặt đất bị khô nẻ trong khoảng thời gian giữa những trận mưa.
Thiên niên khéo ban tặng cho Ba Bể khi hình thành nên vùng hồ từ cách đây hơn 200 triệu năm khi một vùng đá vôi bị sụt xuống do nước chảy ngầm đã đục rỗng lòng khối núi. Chúng không chỉ biến lớp lớp đá vôi thành những mảng đá hoa cương, mà còn tạo ra một vùng hồ lớn, với lớp đất sét dày tới 200m bịt kín phía dưới. Chính bởi địa tầng đất sét này, nước không thoát được ra lớp đá vôi. Mực nước cũng được giữ ổn định ở mức trung bình 20m quanh năm.
Khu vực karst ở Việt Nam khá nhiều, có thể kể đến như Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) hay khu hang động Tràng An, Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình), hang Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình). Ẩn bên trong vẻ kỳ bí, địa hình karst tự nó cũng gây ra một số khó khăn cho sự cư trú của con người khi sự xói mòn ngầm trong lòng các lớp đá rất khó nhận biết. Những rặng đá vôi có thể sụt bất thình lình, gây nên những tổn hại nhất định cho bà con.
Anh Hùng, chủ homestay Hùng Mán tại hồ Ba Bể nhớ rằng, hồi còn bé đã được ông nội kể về một lần núi rừng nơi đây “rung nhẹ”. Hỏi có sợ không, Hùng chỉ cười xòa bảo: “Mẹ thiên nhiên đang vỗ về”. Nói rồi, tay anh chỉ về hướng 2 hòn đảo nổi bật giữa long hồ Ba Bể là An Mã và Bà Góa. Trên đảo là những phiến đá to nhỏ, xếp chồng lên nhau. Cây cối trên đảo xanh tốt quanh năm, rễ cây buông thõng, ôm chặt lấy phiến đá, nhìn xa giống hệt một hòn non bộ giữa mặt hồ. Phải chăng anh Hùng muốn nói, nếu không nhờ thiên nhiên thì sức người chẳng tài nào xếp đặt những phiến đá thành một kỳ quan như này.
Trước khi đến hồ Ba Bể, chúng tôi đã nằm lòng sự tích về danh thắng này. Rằng khi xưa xã Nam Mẫu có phong tục mở hội cầu Phật vào dịp đầu năm. Một hôm, có bà lão ăn xin từ đâu tới, với thân hình đáng sợ khiến mọi người sợ hãi, xua đuổi. Duy chỉ có hai mẹ con nhà này đưa về, cho ăn cơm rồi mời nghỉ lại qua đêm. Đến sáng ra, bà ăn xin bảo rằng vùng này sắp có lụt lớn và đưa cho mẹ con một gói tro bếp dặn đem rắc quanh nhà.
Hai mẹ con bàng hoàng, vội mang chuyện kể lại cho dân làng nhưng chẳng ai tin. Quả nhiên, tối hôm đó, lúc mọi người đang lễ bái thì một cột nước dưới đất phụt mạnh lên. Nước phun đến đâu, đất lở đến đấy. Bỗng một tiếng ầm rung chuyển mặt đất, nhà cửa và muôn vật trong phút chốc chìm sâu trong biển nước. Riêng ngôi nhà nhỏ của hai mẹ con tốt bụng vẫn khô ráo, nguyên vẹn và nước ngập tới đâu là nền nhà lại nâng lên tới đó, rồi thành chiếc gò nổi giữa hồ là hòn Bà Góa ngày nay.
Trái ngược cảm tưởng về sự dữ dội như trong tích trên, hồ Ba Bể từ bao đời nay luôn mang một vẻ thanh bình đến kỳ diệu. Vẻ đẹp ấy đến từ làn nước trong xanh lững lờ trôi giữa mây trời, núi rừng, đến những hang động trầm tích với hàng ngàn nhũ đá đủ hình thù độc đáo khác nhau rũ xuống từ các vách đá dựng đứng. Và nó cũng đến từ câu hát duyên dáng của những cô gái Tày mặc áo the hát đàn tính: "Bắc Kạn có suối đãi vàng/ Có hồ Ba Bể, có nàng áo xanh".