Nhiều cơ hội mở cửa thị trường
Tại Hội nghị “RCEP - UKVFTA Cơ hội thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản Việt Nam với thị trường thế giới”, do Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VFAEA), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh (VCCI), Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tổ chức mới đây ở TP HCM, ông Lê Duy Minh, Chủ tịch VFAEA, cho biết, RCEP được đánh giá là FTA lớn nhất thế giới, với quy mô khoảng 2,2 tỷ người tiêu dùng và chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu (26,2 nghìn tỉ USD), được kỳ vọng sẽ mang lại cục diện mới, kết cấu mới cho thương mại khu vực và quốc tế.
Hiệp định RCEP được cho là sẽ mở ra cơ hội lớn cho nông lâm thủy sản (NLTS), bởi đây là một khu vực thị trường rất lớn bởi có nhiều thị trường quan trọng của xuất khẩu NLTS Việt Nam trong những năm qua như Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc …
Thạc sỹ Nguyễn Anh Dũng (Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN-PTNT), cho biết, Trung Quốc đang là thị trường NLTS lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ. Năm 2020, xuất khẩu NLTS sang thị trường Trung Quốc ước đạt 10,36 tỷ USD, chiếm 25,14% tổng giá trị xuất khẩu NLTS chính của Việt Nam.
ASEAN là thị trường lớn thứ 4 của NLTS Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS vào thị trường ASEAN năm 2020 ước đạt 3,69 tỷ USD. Nhật Bản là thị trường xuất khẩu NLTS lớn thứ 5 của Việt Nam, chiếm gần 10% tổng kim ngạch. Năm 2020, xuất khẩu NLTS sang Nhật Bản ước đạt 3,42 tỷ USD. Hàn Quốc là thị trường lớn thứ 7, chiếm gần 7% tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS. Năm 2020, xuất khẩu NLTS sang Hàn Quốc ước đạt 2,34 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Hiệp định RCEP cũng sẽ tạo điều kiện tốt hơn trong việc mở cửa thị trường cho nhiều mặt hàng nông sản. Theo ông Trần Lê Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Trung Quốc hiện chỉ mới cấp phép nhập khẩu chính ngạch cho 10 loại trái cây Việt Nam. Với RCEP, việc đàm phán mở rộng thêm các mặt hàng rau quả tươi khác được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc như sầu riêng, chanh dây, bưởi, bơ, vú sữa, mận (roi) … sẽ thuận lợi hơn. Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Thái Lan, Malaysia, New Zealand cũng vậy.
Đây là điểm cốt lõi và mong chờ của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, rau quả Việt Nam thông qua các cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ giá trị trong khu vực địa lý RCEP, cùng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại của các nước thành viên. FTA này cũng sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới.
Phải xây dựng nền tảng nông nghiệp vững chắc
Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, NLTS Việt Nam cũng sẽ đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ nhiều nước trong Hiệp định RCEP. Bộ Công Thương cho biết, nhiều đối tác trong RCEP như Thái Lan, Trung Quốc, các nước ASEAN … có nhiều mặt hàng NLTS tương tự Việt Nam nhưng năng lực cạnh tranh mạnh hơn, vì chất lượng, hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm Việt Nam còn khiêm tốn.
Sức ép này không chỉ diễn ra trên thị trường xuất khẩu mà cũng sẽ diễn ra tương tự trên thị trường nội địa. Chẳng hạn, các mặt hàng rau quả từ các nước trong RCEP có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và đạt VSATTP sẽ không chỉ cạnh tranh mạnh mẽ với sản phẩm tương tự của Việt Nam trên thị trường của các nước trong khu vực, mà sẽ tràn vào thị trường Việt Nam ngày càng nhiều hơn.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T, cho biết, trong RCEP, chúng ta có rất nhiều đối thủ như Trung Quốc, Thái Lan và các nước ASEAN khác có cùng mặt hàng với chúng ta. Ở những nước đó, nền tảng nông nghiệp họ đã đi trước Việt Nam khá lâu.
Do đó, để tăng khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam nhằm tận dụng tốt các cơ hội trong RCEP, chúng ta phải đẩy mạnh việc xây dựng một nền tảng nông nghiệp vững chắc. Theo đó, nông dân muốn bán được hàng thì phải sản xuất đúng quy trình, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp muốn xuất khẩu được thì phải hỗ trợ, liên kết nông dân thành một chuỗi giá trị ổn định.