| Hotline: 0983.970.780

Cơ hội nào cho xoài Việt tại Mỹ?

Thứ Tư 06/03/2019 , 13:15 (GMT+7)

Ngày 18/2, Cục BVTV Việt Nam và Văn phòng của Cục Kiểm dịch động thực vật Mỹ đã công bố về việc xoài Việt Nam được cấp phép XK sang Mỹ.

Xoài Việt Nam có cơ hội nào để thâm nhập vào thị trường NK xoài lớn nhất thế giới này?
 

Thị trường NK xoài lớn nhất

Theo Thương vụ Việt Nam tại San Francisco (Mỹ), thông tin từ Bộ Nông nghiệp Mỹ cho hay, Mỹ là thị trường NK xoài lớn nhất thế giới. Từ năm 1997 đến 2017, NK xoài tươi của Mỹ từ mức 187 ngàn tấn/năm đã tăng lên tới 474 ngàn tấn. Mỹ NK xoài chủ yếu từ 6 nước Mỹ Latinh là Mexico, Peru, Ecuador, Brazil, Guatemala và Haiti. 6 nước này chiếm khoảng 99% tổng lượng NK xoài vào Mỹ. Cụ thể, năm 2017, Mexico chiếm 66,56%; Peru 10,73%; Ecuador 6,89%; Brazil 3,52%; Guatemala 3,52%; Haiti 1,95%.

15-01-59_xk_xoi_sng_my
Xoài ở Đồng Tháp (Ảnh: Minh Sáng)

Trong giai đoạn 2014 - 2017, thời điểm NK cao điểm xoài vào Mỹ là các tháng 4, 5, 6 và 7, trung bình mỗi tháng chiếm gần 12% tổng lượng NK xoài trong cả năm. Trong đó nhập cao điểm nhất là tháng 6 với bình quân 58.351 tấn xoài, chiếm 14.66% tổng lượng xoài nhập trong năm. Thời điểm nhập khẩu thấp điểm là các tháng 9 và 10, trung bình mỗi tháng nhập khoảng 16.200 tấn xoài, chiếm 4,05 - 4,23% tổng lượng xoài nhập trong năm.Trong đó tháng 10 là thời điểm có lượng nhập thấp nhất, khoảng 16.047 tấn xoài.

Xoài tươi thường được bán siêu thị, ở địa phương thông qua các trang trại, chợ của nông dân, và các cửa hàng tạp hoá đặc sản. Ngoài xoài tươi Mỹ còn nhập khẩu dưới dạng xoài sấy khô, đông lạnh, đã qua chế biến hoặc bảo quản cũng như nước ép xoài.

Lượng xoài nhập khẩu của Mỹ đang có xu hướng tăng hàng năm, do nhu cầu tiêu dùng trái cây nhiệt đới nói chung đã tăng lên trong vài thập kỷ qua. Điều này có nhiều lý do, chẳng hạn như sự gia tăng di dân từ các nước châu Á và châu Mỹ Latinh, người tiêu dùng Mỹ tăng xu hướng tiêu dùng các trái cây NK, có ý thức hơn về sức khỏe và chế độ ăn uống của... Tiêu thụ xoài theo đầu người tại Mỹ vì thế cũng tăng dần theo thời gian. Theo số liệu thống kê, năm 2005, Mỹ tiêu thụ ít hơn nửa kg xoài mỗi người/năm. Nhưng đến năm 2016, con số này đã tăng lên gần 1,3 kg/người/năm. Dự kiến thời gian tới, tốc độ tăng trưởng NK xoài của Mỹ đạt bình quân khoảng 5,3%-8%/năm.

Ở Mỹ, xoài tươi thường được dùng cùng bột yến mạch, làm rau trộn hoặc sinh tố. Xoài cũng có thể được làm khô, đông lạnh, hoặc chế biến để tăng giá trị. Xoài chưa chín được chế biến thành nước sốt, dưa chua, và cà ri. Xoài chín thường được chế biến thành các sản phẩm như bánh kẹo, lát hộp, thanh trái cây, nước trái cây và các đồ uống khác, salsas, nước sốt và các loại khác.
 

Cơ hội nào cho xoài Việt Nam?

Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại San Francisco, xoài Việt Nam có chất lượng ngon, độ ngọt cao, nhưng khi XK sang Mỹ sẽ có một bất lợi lớn so với các nước Mỹ Latinh là giá thành cao. Ông Nguyễn Đình Tùng, TGĐ Cty Vina T&T cũng xác nhận điều này, bởi cước phí vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ chắc chắn là cao hơn nhiều so với từ Mexico và các nước Mỹ Latinh. Hiệp định Mậu dịch tự do Bắc Mỹ (gồm Mỹ, Canada và Mexico) cũng giúp cho xoài của Mexico sang Mỹ có lợi thế rất lớn về thuế so với xoài từ các nguồn cung khác.

Tuy nhiên, xoài của Việt Nam vẫn có những lợi thế cạnh tranh, nhất là về hương vị. Xoài của các nước Trung và Nam Mỹ chỉ ngọt và không có hương vị xoài. Còn xoài Việt Nam ra đúng hương vị xoài. Việt Nam lại có nguồn giống xoài phong phú hơn hẳn các nước Mỹ Latinh, với nhiều giống xoài lạ, do đó có thể đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau về hương vị cho người tiêu dùng Mỹ. Các nước Mỹ Latinh chỉ có xoài ăn chín, Việt Nam ngoài xoài ăn chín còn có xoài ăn xanh. Xoài Việt Nam được thu hoạch quanh năm.

Vì thế, theo ông Tùng, nếu tận dụng tốt những lợi thế trên, cộng với việc tránh XK trùng vào mùa vụ của những nước Mỹ Latinh, xoài Việt Nam hoàn toàn có thể thâm nhập và tạo được chỗ đứng trên thị trường Mỹ. Đến thời điểm này, Vina T&T đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để XK xoài sang Mỹ như có mã số vùng trồng, nhà máy đóng gói...

Thương vụ Việt Nam tại San Francisco

Việc Việt Nam đạt được bước thỏa thuận mở cửa thị trường xoài Mỹ đã là một thành công. Để thực sự xâm nhập được vào thị trường khó tính hàng đầu thế giới này, Việt Nam cần tiến hành hàng loạt các yêu cầu, tiêu chuẩn bắt buộc như quy hoạch vùng trồng, các nhà máy đóng gói và xử lý chiếu xạ, VSATTP. Sản phẩm xoài Việt sẽ phải đáp ứng đầy đủ các hàng rào kỹ thuật. Chi phí để thực hiện các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm XK sẽ là khó khăn không nhỏ với doanh nghiệp và nông dân trồng xoài Việt Nam.

Mặt khác, một số cơ sở chiếu xạ của Việt Nam được Mỹ công nhận đều đặt tại miền Nam, việc này sẽ gây thêm chi phí cho các nhà XK của các vùng xoài khác của nước ta. Bởi mỗi bước vận chuyển và XK xoài tiêu tốn một khoản tiền lớn và sự chậm trễ ở bất kỳ giai đoạn nào đều đe dọa đến toàn bộ triển vọng bán hàng và chất lượng của lô hàng đó.

Một vấn đề quan trọng cũng đang được đặt ra là chúng ta cần có chiến lược phát triển vùng trồng, phát triển thị trường, XTTM như một số nước đang làm để đưa trái xoài ra thế giới. Hiện một số nước châu Á như Philippines, Ấn Độ, Pakistan ... đang đẩy mạnh chiến lược XK xoài ra thế giới, nhất là thị trường Mỹ.

Mùa vụ tại một số nước XK xoài vào Mỹ

Peru

Bắt đầu vào giữa tháng 11 và sẽ kéo dài đến giữa tháng 3 với dự kiến khoảng 11,8 triệu thùng. Các giống chính xuất chính của Peru là Kent (97%), Tommy Atkins (2%) và Ataulfo (1%).

Mexico

Thường bắt đầu vào tháng 1 và kết thúc tuần cuối tháng 10 hàng năm với lượng xuất từ nay cho tới tuần 20 của năm tức 8/2019 là khoảng xấp xỉ 29.3 triệu thùng. Mexico có các loại xoài chính xuất khẩu sang Mỹ với tỷ lệ như sau: Tommy Atkins (32%), Ataulfo (27%), Kent (22%), Keitt (13%) and Haden (5%), loại khác 1%.

Guatemala

Bắt đầu vào tháng 3 và kết thúc vào cuối tháng 5 với lượng xuất khoảng 4.2 triệu thùng. Guatemala cung cấp các loại xoài với tỷ lệ như sau: Tommy Atkins (95%), Kent (3%), Keitt (1%) and Ataulfo (1%).

Costa Rica

Bắt đầu từ tháng 2 đến tận giữa tháng 4 với lượng xuất xấp xỉ khoảng 406.000 thùng. Tỷ lệ các loại xoài chính mà nước này cung cấp như sau: Tommy Atkins (70%), Irwin (15%), Ataulfo (10%), and Keitt (5%).

Nicaragua

Bắt đầu vào tuần đầu tháng 3 cho tới giữa tháng 5 với lượng xuất xấp xỉ là 1 triệu thùng. Nicaragua xuất các loại xoài Atkins (82%), Keitt Green (13%), Keitt Fresh (3%), Ataulfo (2%).

(Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại San Francisco, Mỹ)

 

Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam

Vinachem vừa ban hành Quyết định số 18/QĐ-HCVN bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tập đoàn giữ chức vụ Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.