Công nghệ chế biến phát triển chậm
Ngày 1/12, tại Hải Phòng, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Sở NN-PTNT TP Hải Phòng và các đơn vị liên quan đã tổ chức Hội thảo tham vấn Đề án phát triển chế biến thủy hải sản đến năm 2030 với sự tham dự của 55 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp đến từ nhiều tỉnh thành trong nước.
Ông Trần Đình Luân – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản và ông Vũ Bá Công - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng dự và chủ trì.
Đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo đề án, các đại biểu trung thảo luận các vấn đề như: thực trạng, cơ chế chính sách, sản lượng, số lượng xuất khẩu, cơ cấu sản phẩm trên thị trường, mục tiêu, giải pháp phát triển lĩnh vực chế biến thủy sản…
Cơ bản các ý kiến đều thẳng thắn nhìn nhận hiện trạng các nhà máy chế biến thủy sản đang có tình trạng thừa công suất, thiếu nguyên liệu, việc phát triển vùng nguyên liệu hiện tại chưa bền vững, chưa đáp ứng đủ công suất chế biến của các doanh nghiệp… Còn về công nghệ chế biến thủy hải sản ở nước ta hiện nay đang phát triển chậm, chủ yếu sản phẩm sơ chế, lợi nhuận thấp, bị tụt xa so với nhiều nước và các lĩnh vực khác như chê biến rau củ quả, chế biến gỗ.
“Hiện tại, chế biến của chúng ta chủ yếu vẫn là sơ chế, việc quy hoạch vùng nguyên liệu chưa đồng bộ với quy hoạch chế biến, đối với nuôi biển còn yếu, manh mún, chưa có đề án phát triển mạnh mẽ. Khi nguồn nguyên liệu của chúng ta chưa bền vững, chưa chắc chắn thì phát triển đề án sẽ khó đạt mục tiêu đề ra. Do vậy, để phát triển chế biến thủy hải sản đúng định hướng đề ra của đề án, các con số đúng thực tế, tôi nghĩ đề án này cần phát triển đồng bộ với đề án phát triển vùng nguyên liệu”, Tiến sĩ Bùi Thị Thu Hiền – Trưởng phòng nghiên cứu công nghệ sau thu hoạch, Viện Nghiên cứu hải sản phát biểu.
Cơ hội phát triển lĩnh vực chế biến
Đề án chế biến thủy sản đến năm 2030 đặt ra mục tiêu, định hướng phát triển công nghiệp chế biến thủy sản thành sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, góp phần đẩy nhanh quá trình hiện đại hoá ngành nông nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp sẽ có hệ thống cơ sở chế biến hiện đại, có trình độ công nghệ tiên tiến, giúp tăng năng suất lao động, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường tiêu thụ. Doanh nghiệp sẽ thể hiện được vai trò trụ cột trong việc dẫn dắt, thúc đẩy phát triển chuỗi sản xuất thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, sớm đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản toàn cầu.
Ông Trần Đình Luân – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, đây là lần đầu tiên ngành thủy sản xây dựng đề án chế biến, là việc không dễ nhưng cần thiết để tiến tới hiện thực hóa chiến lược phát triển ngành. Sau khi hoàn thiện dự thảo, đề án sẽ được trình để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để Đề án hoàn thiện rất cần các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp tham gia đóng góp, xây dựng nhiều ý kiến.
“Sự phát triển của lĩnh vực thủy hải sản có lẽ là trăn trở chung của nhiều thế hệ, việc xây dựng đề án là cơ hội để chúng ta đặt ra và thảo luận những tồn tại trong thời gian vừa qua để chúng ta định vị trở lại, nhìn nhận đúng sức cạnh tranh hàng hóa thủy sản của chúng ta trên thị trường, giúp ngành chế biến phát triển. Song song với đề án chế biến sẽ là đề án nuôi biển và 1 loạt đề án liên quan đi theo, những giải pháp ở đây có bóng dáng bao quát cho sự phát triển lĩnh vực thủy hải sản” – ông Luân nói.
Đề án đặt ra mục tiêu, đến năm 2030, có ít nhất 60% số lượng cơ sở chế biến thủy sản đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất trung bình tiên tiến trở lên, có quy mô lớn, hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng đạt bình quân trên 10%/năm, tỷ trọng giá trị sản phẩm thủy sản thông qua chế biến sâu đạt 45 – 50%. Tốc độ tăng năng suất lao động trong công nghiệp chế biến thủy sản đạt trên 7%/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 18 - 20 tỷ USD, giá trị sản phẩm thủy sản chế biến tiêu thụ nội địa đạt 31.500 tỷ đồng.