Ngay từ những ngày đầu năm 2021, xuất khẩu tôm Việt Nam đã khá sôi động, bởi nhu cầu nhập khẩu trên thị trường thế giới vẫn đang khá ổn định.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay, nhu cầu tôm trong phân khúc bán lẻ tại Mỹ vẫn tốt và các đơn đặt hàng mới đang tiếp tục được thực hiện. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục trong nửa đầu năm 2021.
Do thị trường vẫn thuận lợi, ông Jim Gulkin, CEO của Công ty Siam Canadian dự báo giá tôm trên thị trường thế giới sẽ còn tăng trong nửa đầu năm 2021.
Trong khi đó, nhiều nước sản xuất và xuất khẩu tôm vẫn chưa phục hồi được do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Không những thế, ngành tôm ở một số nước lại tiếp tục lâm vào khó khăn do sự bùng phát trở lại của Covid-19.
Ngay gần Việt Nam, ngành tôm Thái Lan đang điêu đứng khi tỉnh Samut Sakhon, nơi chiến khoảng 30% lượng tôm xuất khẩu của Thái Lan, bị phong tỏa khẩn cấp do dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại một chợ thủy sản ở tỉnh này.
Chính vì vậy, đây là cơ hội tốt để ngành tôm Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu ngay trong những ngày đầu năm, nhất là sang thị trường Mỹ. Theo dự báo của VASEP, xuất khẩu tôm sang Mỹ trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt do nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ thủy sản ở Mỹ sẽ tiếp tục tăng. Cùng với cá tra, tôm Việt Nam có lợi thế là có mức giá phù hợp với đa số người tiêu dùng Mỹ.
Mỹ vẫn đang là thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam. 11 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 806,6 triệu USD, tăng tới 34% so với cùng kỳ 2019. Điều đáng chú ý là mặc dù Mỹ là tâm dịch Covid-19 của thế giới, nhưng trong 11 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đều đạt mức tăng trưởng dương qua tất cả các tháng.
Tại thị trường EU, tôm Việt Nam đang có cơ hội gia tăng thị phần nhờ Hiệp định EVFTA. Thị trường Trung Quốc dự báo sẽ tăng trưởng nhẹ. Nhiều thị trường quan trọng khác như Anh, Úc, Canada, Nga, Thụy Sĩ, Hongkong… cũng tiếp tục có xu hướng tăng trưởng tốt trong năm nay.
Tuy nhiên, theo TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, hiện nay, tất cả thị trường tiêu thụ đều đã đòi hỏi việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tôm là một loại thực phẩm cao cấp, thơm ngon bổ dưỡng, nên càng được người tiêu dùng quan tâm, đòi hỏi kỹ lưỡng về truy xuất nguồn gốc.
Bắt đầu từ năm 2019, tôm Việt vào Mỹ phải khai báo nguồn gốc từng lô hàng theo chương trình SIMP của họ. Mã số vùng nuôi, ao nuôi phải cung ứng trước và trước khi lô hàng xuất bến phải báo cho họ chi tiết xuất xứ lô hàng.
Các thị trường lớn khác như EU, Nhật Bản và gần đây là Trung Quốc cũng tương tự. Đây là một đòi hỏi chính đáng, không phải là hàng rào bảo hộ và các nhà cung cấp phải thực thi để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh của mình thông suốt.
Chính vì vậy, tuy ngành tôm đang đứng trước thời cơ tăng tốc, nhưng để bảo đảm sự phát triển bền vững, TS Hồ Quốc Lực cho rằng, cần có sự chuẩn bị đồng bộ. Trong đó, một yếu tố cực kỳ quan trọng là truy xuất nguồn gốc. Việc này gắn liền công tác cấp mã số cơ sở nuôi tôm. Hiện tại, các doanh nghiệp ngành tôm đang trông chờ vào việc cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh việc cấp mã số cho các cơ sở nuôi tôm để xuất khẩu tôm được thuận lợi hơn.
"Ngành tôm đang đứng trước thời cơ vàng tăng trưởng, khi các cường quốc tôm khác đang bị Covid-19 tác động khiến sản lượng tôm nuôi sụt giảm, trong lúc các mắt xích trong chuỗi giá trị tôm Việt lại linh hoạt các hình thức hợp tác, từ đó tạo sự động viên không nhỏ để người nuôi tiếp tục, thậm chí phát triển ao nuôi của mình", TS Hồ Quốc Lực.