| Hotline: 0983.970.780

Lúa sắp thu hoạch gặp mưa dông dồn dập, nông dân lòng như lửa đốt

Thứ Năm 14/07/2022 , 07:53 (GMT+7)

Mưa lớn kèm theo giông lốc trên diện rộng đã ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất nông nghiệp, nhất là lúa hè thu đang thời điểm thu hoạch ở các tỉnh ĐBSCL.

Vừa mở đồng thì mưa lớn dồn dập

Mấy ngày nay, ông Đỗ Anh Tuấn (ấp Kênh 5B, xã Tân An, Tân Hiệp, Kiên Giang) ngồi bó gối trong nhà nhìn ra ruộng lúa đang dật dờ trong mưa giông vần vũ mà lòng như lửa đốt. Công chăm hơn 3 tháng trời, đúng thời điểm lúa chuẩn bị cho thu hoạch thì gặp thời tiết bất lợi, mưa to, gió lớn dồn dập suốt ngày đêm không ngớt. Vụ lúa hè thu 2022, hai anh em ông Tuấn đầu tư sản xuất 55 công (8ha) lúa giống OM18 và đã được thương lái đặt cọc chốt giá 6.100 đồng/kg. 

Theo ông Tuấn, vụ này chỉ riêng chi phí đầu tư lúa giống, phân bón, thuốc BVTV đã hết hơn 1,5 triệu đồng/công do giá vật tư tăng cao. Giờ lại thêm chi phí bơm tát tăng, vì mấy ngày nay phải chạy mô tơ liên tục rút nước ra để cứu lúa khỏi bị ngập úng, lên mộng. Giá công cắt cũng tăng theo do lúa bị đổ ngã… Cộng hết chi phí sẽ tăng hơn 2 triệu đồng/công, làm giảm lợi nhuận.

Kênh 5B còn 1/2 ấp sạ chung giống lúa OM18, với tổng diện tích khoảng 120ha chưa thu hoạch, bị mưa dông làm ngã rạp, nông dân phải buộc dựng lên để giảm thiệt hại. Ảnh: Trung Chánh.

Kênh 5B còn 1/2 ấp sạ chung giống lúa OM18, với tổng diện tích khoảng 120ha chưa thu hoạch, bị mưa dông làm ngã rạp, nông dân phải buộc dựng lên để giảm thiệt hại. Ảnh: Trung Chánh.

Kênh 5B còn 1/2 ấp (phía đầu nước) sạ chung giống lúa OM18 với tổng diện tích khoảng 120ha chưa thu hoạch. Một vài hộ vừa kêu máy cắt vào mở đồng được vài lô (mỗi lô 3ha) thì gặp mưa lớn không ngớt buộc phải dừng lại. Ông Tuấn buồn rầu cho biết: “Theo đúng hẹn thì hôm nay (ngày 13/7) máy sẽ xuống đồng thu hoạch, giờ phải đình lại, chưa biết ngày nào mới hết mưa để cắt được. Thương lái cũng đã liên hệ xin giảm giá, chứ mưa bão vầy giá lúa trên thị trường giảm, nếu giữ giá đã chốt sẽ bị thua lỗ”.

Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Kiên Giang cho biết, từ ngày 10/7 đến nay, khu vực Kiên Giang chịu ảnh hưởng của vùng áp thấp trên Biển Đông nên nhiều địa phương trong tỉnh xảy ra mưa lớn, kèm theo dông, gió lốc gây nhiều thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Cùng với đó là gió mùa Tây Nam trên vùng biển Kiên Giang hoạt động với cường độ mạnh, kết hợp với triều biển Tây đang lên nên các vùng ven biển xuất hiện các đợt nước dâng, gây ngập úng các vùng trũng thấp thuộc huyện Châu Thành, An Biên, An Minh… Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang đã chủ động, tăng cường mở các cống trên địa bàn tỉnh để tiêu thoát nước, chống ngập úng tại những khu vực trũng thấp.

Theo Chi cục Trồng trọt – BVTV tỉnh Kiên Giang, diện tích lúa hè thu 2022 toàn tỉnh gieo sạ được 279.562ha, đến nay đã thu hoạch được 73.354ha, diện tích còn lại phần lớn đang trong giai đoạn đòng - trỗ và trỗ - chín. Ngoài ra, diện tích lúa thu đông 2022 đã xuống giống được gần 50.000ha, tập trung ở các huyện Giồng Riềng, Giang Thành, Tân Hiệp, Hòn Đất và Châu Thành.

Nông dân vừa mở đồng thì gặp mưa lớn không ngớt buộc phải dừng lại, và tốn thêm chi phí bơm rút nước, thương lái đã đặt cọc giờ xin giảm giá thu mua. Ảnh: Trung Chánh.

Nông dân vừa mở đồng thì gặp mưa lớn không ngớt buộc phải dừng lại, và tốn thêm chi phí bơm rút nước, thương lái đã đặt cọc giờ xin giảm giá thu mua. Ảnh: Trung Chánh.

Qua ghi nhận, mưa lớn liên tục mấy ngày qua đã làm trên 465 ha lúa hè thu ở các huyện Giồng Riềng, Vĩnh Thuận, TP Rạch Giá… bị đổ ngã, ngập trong nước, làm giảm năng suất, chất lượng lúa khi thu hoạch. Cùng với đó, 1.854 ha lúa ở các huyện Châu Thành (960ha), An Biên (821ha), U Minh Thượng (73ha) và 1.050ha hoa màu ở huyện Châu Thành (chủ yếu là khóm – cau – dừa) bị ngập úng, sau đó đã được nông dân bơm rút nước ra để cứu.

Ông Nguyễn Sỹ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết, đến nay tỉnh đã xuống giống dứt điểm 221.028ha lúa hè thu 2022 và 16.797ha rau màu. Hiện diện tích đã thu hoạch là 16.179ha lúa và 5.286ha rau màu. Theo nghi nhận, mưa lớn, giông lốc… đã làm diện tích lúa, hoa màu và cây ăn trái bị thiệt hại 166ha, trong đó Thị xã Tân Châu 43ha, huyện An Phú 34ha, Tri Tôn 85ha và Phú Tân 4ha. Hiện các địa phương đang thống kê, xác định mức độ thiệt hại.

Trên biển, trong bờ đều thiệt hại nặng

Không chỉ có lúa, hoa màu mà thủy sản cả đánh bắt và nuôi trồng cũng bị thiệt hại. Tại vùng biển Kiên Giang, mưa dông đã gây sóng to, gió lớn đã đánh chìm 9 phương tiện đánh bắt hải sản ở TP Phú Quốc, huyện Kiên Hải và Kiên Lương, trong đó có 8 phương tiện đang neo đậu tránh trú tại bãi và 1 phương tiện đang di chuyển vào bờ.

Ngoài ra, 1 nghe nhỏ chở cá và bè nuôi cá trên vùng biển huyện Kiên Lương cũng bị sóng đánh gây hư hỏng. Mưa lớn cùng với triều cường dâng cao đã làm sạt lở một đoạn đê bao trên địa bàn xã Vĩnh Bình Bắc (huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang) gây vỡ bờ bao vuông nuôi tôm rộng 3ha của hộ dân. Thiệt hại do thiên tai gây ra với ngành thủy sản lên đến hàng tỷ đồng.

Triều cường dâng cao kết hợp mưa to, sóng lớn đã làm nước biển tràn qua đê biển Tây ở Cà Mau, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Ảnh: Trọng Linh.

Triều cường dâng cao kết hợp mưa to, sóng lớn đã làm nước biển tràn qua đê biển Tây ở Cà Mau, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Ảnh: Trọng Linh.

Tại tỉnh Bạc Liêu, mưa lớn và triều cường đã làm nước dâng cao. Qua kiểm tra, mực nước trên kênh rạch ở vùng phía bắc Quốc lộ 1A hiện đang dâng cao, gây ngập úng một số khu vực trũng thấp (từ 0,5 - 0,6m). Trước tình hình trên, Sở NN- PTNT tỉnh Bạc Liêu đã cho tiếp tục mở toàn bộ hệ thống cống để tiêu úng hơn một tuần qua. Cùng với đó, xem xét tiếp tục triển khai hệ thống cống để chống ngập úng, cho lùi lại lịch điều tiết nước mặn vào vùng bắc Quốc lộ 1A để tập trung mở hệ thống cống chống ngập úng trong giai đoạn trước mắt.

Ông Lai Thanh Ẩn, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu cho biết, mưa lớn kèm theo lốc xoáy đã làm thiệt hại nhiều căn nhà của người dân tại địa bàn 4 huyện: Hồng Dân, Phước Long, Đông Hải và Hòa Bình. Trong đó, bị sập 9 căn và tốc mái 19 căn, tổng thiệt hại ước tính trên 230 triệu đồng. Rất may không có thiệt hại về người.

Tại Cà Mau, nhiều vị trí rừng phòng hộ ven biển bị sóng biển đánh tan, gây áp lực rất lớn lên những vị trí chưa có kè mái đê, xuất hiện nhiều vị trí sạt lở nghiêm trọng. Đã có 110m đê đang có nguy cơ sạt lở, trong đó có 30m đặc biệt nguy hiểm, đang được tiến hành gia cố. Trước tình hình trên, các lực lượng tại chỗ cùng với sự chi viện của huyện đã tiến hành các giải pháp kè hộ đê khẩn cấp bằng cừ tràm và đá tảng. Tại những vị trí này, nước biển dâng cao trên 1,75m, nhiều thời điểm sóng biển đã tràn qua đê.

Mưa lớn liên tục những ngày qua đã gây ngập úng cục bộ nhiều diện tích lúa hè thu ở ĐBSCL, khiến nông dân đứng ngồi không yên. Ảnh: Hoàng Vũ.

Mưa lớn liên tục những ngày qua đã gây ngập úng cục bộ nhiều diện tích lúa hè thu ở ĐBSCL, khiến nông dân đứng ngồi không yên. Ảnh: Hoàng Vũ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Sử chỉ đạo các lực lượng tham gia hộ đê khẩn cấp. “Nhiều vị trí cách đây mấy ngày có đai rừng phòng hộ chân đê từ 5 - 7m, nay đã bị sóng biển phá huỷ, cần có biện pháp khẩn cấp hộ đê. Nếu không xử lý kịp thời, vỡ đê là điều khó tránh khỏi”, ông Sử cảnh báo.

Từ ngày 10 - 13/7, trên địa bàn tỉnh Cà Mau xuất hiện mưa to kèm theo dông lốc đã làm nhiều căn nhà bị sập, tốc mái, nhiều diện tích hoa màu, cây ăn trái bị bật gốc, gãy đổ. Đặc biệt, tại khu vực ven biển Tây thuộc xã Khánh Tiến, Khánh Hội (huyện U Minh); Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc và Thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), triều cường dâng cao, nhiều con sóng cao đã làm nhiều đoạn đê bị tràn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Trên địa bàn TP Cần Thơ những ngày qua đã xảy ra 3 loại hình thiên tai, gồm mưa lớn kèm theo dông lốc, sét đánh và sạt lở bờ sông. Ông Nguyễn Quý Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ cho biết, tình trạng sạt lở bờ sông đang xảy ra ở nhiều quận, huyện, gồm Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Phong Điền và Vĩnh Thạnh, với 9 điểm sạt lở. Đến nay, đã làm sạt hoàn toàn 5 căn nhà, 16 căn bị sạt một phần và ảnh hưởng. Tổng chiều dài sạt lở là 268m, với mức thiệt hại gây ra hơn 2,6 tỷ đồng.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm