| Hotline: 0983.970.780

Sầu riêng Khánh Sơn được mùa kép

Thứ Bảy 18/07/2020 , 17:44 (GMT+7)

Nông dân huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang bước vào mùa thu hoạch sầu riêng trong không khí phấn khởi vì được mùa, được giá.

Bà con trồng sầu riêng ở Khánh Sơn phấn khởi vì có mức lãi lớn. Ảnh: KS.

Bà con trồng sầu riêng ở Khánh Sơn phấn khởi vì có mức lãi lớn. Ảnh: KS.

Những ngày này, huyện miền núi Khánh Sơn trở nên nhộp nhịp khi các thương lái tấp nập đổ về thu mua sầu riêng. Ông Lê Anh Quang, một nhà vườn trồng sầu riêng ở thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình cho biết: Năm nay thương lái đổ về thu mua sầu riêng đông hơn mọi năm. Họ đến từ các tỉnh miền Tây, Bình Phước, Đăk Lăk…ngày càng đông. Giá sầu riêng cũng được thu mua tăng hơn năm ngoái từ 5-10 ngàn đ/kg. Cụ thể, sầu riêng Mongthong dao động từ 45-51 ngàn đ/kg, Chín Hóa từ 30-35 ngàn đ/kg, Ri6 từ 35-40 ngàn đ/kg.

Năng suất sầu riêng năm nay thấp hơn năm ngoái chút ít, dao động trung bình từ 15-16 tấn/ha (cây từ 6-7 tuổi trở lên) nhưng như vậy là được mùa. Bởi thời gian qua trên địa bàn bị ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước tưới nghiêm trọng, bà con tưởng chừng mất mùa. Song tính ra đến nay bước vào mùa thu hoạch trung bình 1 ha, bà con có mức lãi từ 400-500 triệu đồng.

Gia đình ông Quang có 1 ha sầu riêng khoảng 200 cây, trong đó chủ yếu giống Mongthong. Vụ này vườn nhà ông cho năng suất khoảng 15 tấn. Mới đây ông đã bán “đứt vườn” cho thương lái tự thu hoạch quả, với giá 46 ngàn đ/kg. Với giá này, sau khi trừ phí còn lãi khoảng nửa tỷ đồng.

Tương tự, vườn sầu riêng 2ha, khoảng 400 cây, trong đó 1 ha đang cho thu hoạch của nhà anh Lưu Văn Thắng ở thôn Cô Lắc, xã Sơn Bình cũng bội thu. Anh Thắng phấn khởi cho biết, vườn sầu riêng nhà anh ước cho sản lượng gần 20 tấn. Mấy tuần trước, thương lái liên tục vào vườn gạ mua nhưng anh chưa bán vì chưa được giá. Mới đây thương lái nâng giá thu mua lên 50 ngàn đồng/kg, anh đã “chốt” bán hết cả vườn.

Dù ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng giá sầu riêng được thương lái thu mua cao hơn năm ngoái. Ảnh: KS.

Dù ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng giá sầu riêng được thương lái thu mua cao hơn năm ngoái. Ảnh: KS.

Không chỉ vườn sầu riêng nhà ông Quang, anh Thắng vui mừng vì được mùa kép, mà hầu như khắp cao nguyên Tô Hạp, nông dân bước vào vụ thu hoạch rộ đều kiếm mức lãi lớn.

Anh Đào Văn Yến vừa trồng vừa thu mua sầu riêng ở thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình cho hay, trong tình hình ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, mà giá sầu riêng vẫn thu mua ở mức cao nên hầu hết bà con đều phấn khởi. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, mỗi ngày gia đình anh thu mua trên 10 tấn sầu riêng của bà con để cung cấp cho các thương lái đặt hàng chở đi tiêu thụ.

Anh Yến giải thích, sở dĩ sầu riêng Khánh Sơn năm nay được thu mua với giá cao, ngoài xuất hàng đi được sang thị trường các nước như Trung Quốc, Campuchia, mà còn tiêu thụ rất mạnh trong nước.

“Hiện nay bà con đã thu hoạch được 60-70% sản lượng các giống sầu riêng Ri6, Chín Hóa. Còn sầu riêng Mongthong mới bước vào mùa thu hoạch rộ và dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 8 tới”, anh Yến chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Khánh Sơn, cho biết, năm nay toàn huyện có hơn 500 ha/1.500 ha cho thu hoạch, chủ yếu giống Mongthong, sản lượng ước trên 4.000 tấn, tăng gần 500 tấn so với năm trước. Vụ này bà con được mùa kép, nhiều hỗ có mức lãi trên dưới 500 triệu đồng/ha.

Được biết, sầu riêng Khánh Sơn có lợi thế ra hoa, kết trái “lệch pha” với những nơi khác nên không bị cạnh tranh. Cụ thể, mùa sầu riêng Khánh Sơn bắt đầu thu hoạch vào khoảng tháng 7 hàng năm và kết thúc vào cuối tháng 8. Tức là sầu riêng nơi đây thu hoạch muộn hơn sầu riêng miền Tây, Đông Nam bộ tầm 1 – 2 tháng và sớm hơn Tây Nguyên 1 tháng.

Theo lãnh đạo huyện Khánh Sơn, để nâng cao chất lượng quả sầu siêng, huyện đang hướng bà con sản xuất sầu riêng theo hướng sạch. Đến nay trên địa bàn đã có một tổ sản xuất trái cây được chứng nhận VietGAP và trong năm nay sẽ có thêm 7 tổ nữa sẽ được chứng nhận. Khi các mô hình sản xuất VietGAP thành công, địa phương sẽ tiếp tục nhân rộng đến từng hộ gia đình nhằm phát triển trái cây bền vững.

Xem thêm
Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.