| Hotline: 0983.970.780

Côn Đảo đeo thẻ có mã QR để quản lý chó thả rông

Thứ Bảy 02/11/2024 , 09:51 (GMT+7)

BÀ RỊA - VŨNG TÀU Để quản lý chó thả rông và kiểm soát tình hình bệnh dại, Côn Đảo đã cấp phát thẻ đeo có mã QR cho từng gia đình để đeo cho vật nuôi.

Trong ngày 1/11, UBND huyện Côn Đảo đã hoàn thiện bàn giao 887 thẻ đeo có gắn mã QR cho Ban điều hành 9 khu dân cư để phát cho các hộ nuôi chó. Biện pháp được triển khai được kỳ vọng sẽ kiểm soát và xử lý triệt để tình trạng chó thả rông trên địa bàn.

Đại diện UBND huyện Côn Đảo đang bàn giao thẻ đeo có mã QR cho Ban điều hành 9 khu dân cư. Ảnh: LB.

Đại diện UBND huyện Côn Đảo đang bàn giao thẻ đeo có mã QR cho Ban điều hành 9 khu dân cư. Ảnh: LB.

Theo bà Phan Thị Tím, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Côn Đảo, thông qua thẻ đeo, UBND huyện Côn Đảo dễ thực hiện quản lý đàn chó nuôi trên địa bàn hơn so với trước đây. Việc đeo vòng có gắn mã QR không chỉ giúp người dân, chính quyền nhận biết đâu là chó nhà và đâu là chó thả rông.

Mã QR cho phép người truy cập có thể biết đường các thông tin cần thiết như: tên chủ vật nuôi, địa chỉ nhà, số chó nuôi và tình trạng tiêm chủng của vật nuôi. Các thông tin được công khai trên Cổng thông tin UBND huyện Côn Đảo.

“Sau đợt bàn giao thẻ đeo, đội bắt chó thả rông của UBND huyện Côn Đảo sẽ hoạt động liên tục, không theo quy luật để mạnh tay hơn với nạn chó thả rông. Khi phát hiện bất cứ con chó thả rông nào thì chúng tôi sẽ cương quyết bắt đến cùng, thậm chí là chạy vào sân, nhà của chủ nuôi. Người dân đã được tuyên truyền về tác hại của chó thả rông nhiều lần và việc đeo thẻ có mã QR càng thể hiện hơn tầm quan trọng của việc kiểm soát chó thả rông”, bà Tím thông tin.

Mã QR đeo cho chó có đầy đủ thông tin cần thiết của cả chủ và vật nuôi. Ảnh: LB.

Mã QR đeo cho chó có đầy đủ thông tin cần thiết của cả chủ và vật nuôi. Ảnh: LB.

Theo UBND huyện Côn Đảo, việc cấp thẻ này sẽ làm cơ sở tiến hành thực hiện các biện pháp căn cơ xử lý đàn chó hoang vô chủ, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách. Đây cũng là biện pháp cứng rắn của huyện đảo nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn huyện.

Ông Bùi Quang Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bà Rịa - Vũng Tàu đánh giá rất cao sáng kiến này của huyện Côn Đảo. Theo ông Tuấn, hành động cụ thể này góp phần giữ vững được vùng an toàn bệnh dại của Côn Đảo, đảm bảo an toàn cho người dân. Mô hình này của Côn Đảo rất đáng để các địa phương khác trong tỉnh thực hiện theo.

Côn Đảo có khoảng gần 1.000 con chó. Năm 2019, huyện Côn Đảo được Cục Thú y công nhận là vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại động vật.

Theo nhìn nhận của phòng Kinh tế huyện Côn Đảo, con số này còn lớn hơn nhiều do lượng chó hoang chưa thể thống kê. Trong thời gian qua, nhiều trường hợp chó vô chủ tập trung bầy đàn, đã có trường hợp chó rượt đuổi, dọa cắn người dân và du khách trên các tuyến đường, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng.

Chỉ tính riêng trong năm 2023, có khoảng hơn 100 trường hợp tại Côn Đảo bị chó cắn phải tiêm huyết thanh kháng dại. Rất may, chưa có con chó nào phát dại hoặc người bị chó cắn phát dại. Do đó, việc kiểm soát chó thả rông không chỉ phòng ngừa bệnh dại mà còn đảm bảo tính mạng người dân, không ảnh hưởng đến hoạt động du lịch.

“Hiện, tỉ lệ tiêm vacxin ngừa dại của huyện Côn Đảo khá cao, chiếm 92%. Tuy nhiên, lượng chó hoang chưa được tiêm lại khá cao. Đây chính là lỗ hổng trong kiểm soát bệnh dại của Côn Đảo vì không thể xác định nguồn lây, tính an toàn dịch bệnh của con chó”, bà Phan Thị Tím trao đổi thêm.

Đội bắt chó thả rông của Côn Đảo thường xuyên ra quân để dẹp nạn chó thả rông và chó hoang trên địa bàn. Ảnh: Lê Bình.

Đội bắt chó thả rông của Côn Đảo thường xuyên ra quân để dẹp nạn chó thả rông và chó hoang trên địa bàn. Ảnh: Lê Bình.

Côn Đảo cũng ghi nhận nhiều trường hợp bị tai nạn giao thông do chó thả rông gây ra. Địa phương có lượng khách du lịch trong và nước ngoài đến đây để nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh rất lớn. Do đó, trách nhiệm không chỉ thuộc về từng cá nhân mà còn cần sự hợp tác của cả gia đình và cộng đồng xung quanh.

Phòng Kinh tế huyện Côn Đảo, Trạm Thú y và Bảo vệ thực vật Côn Đảo và các đơn vị liên quan đã thường xuyên ra quân bắt chó thả rông trên địa bàn. Tuy nhiên, đàn chó thả rông và chó hoang nhiều, lực lượng mỏng nên rất khó khăn để giải quyết triệt để vấn nạn này.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.