| Hotline: 0983.970.780

Con đường chuyển hóa nỗi đau để có được niềm vui

Chủ Nhật 24/11/2024 , 08:39 (GMT+7)

‘Con đường chuyển hóa’ là tác phẩm thứ hai của tác giả Thích Pháp Hòa, sau cuốn sách ‘Chia sẻ từ trái tim’ được công chúng đón nhận nồng nhiệt.

Tác giả Thích Pháp Hòa.

Tác giả Thích Pháp Hòa.

“Con đường chuyển hóa” đối với một người tu hành như tác giả Thích Pháp Hòa rất đơn giản, đó là chọn lựa đi về phía thanh thản và bình yên. Khi xã hội phát triển, những vấn đề tinh thần ngày càng được mọi người quan tâm, tác giả Thích Pháp Hòa có hàng ngàn buổi thuyết giảng trực tiếp và online rất được đám đông yêu thích.

Thông qua “Con đường chuyển hóa”, tác giả Thích Pháp Hòa giúp độc giả nhận diện đạo Phật nguyên bản thông qua “bát chánh đạo”, bao gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh định, chánh tinh tấn và chánh niệm. Đây là một pháp môn quan trọng, để người từ tâm trừ được cái gốc của bất thiện và đi tới chỗ an vui. Tác giả Thích Pháp Hòa không chỉ đi sâu vào từng khái niệm mà còn đưa ra nhiều ví dụ để ai cũng có thể áp dụng “bát chánh đạo “vào cuộc sống của mình, như cách mưu sinh tử tế, cách sử dụng lời nói cho có ý nghĩa, cách tư duy đúng đắn…

Tác giả Thích Pháp Hòa khẳng định: “Nếu sống mà không có tỉnh giác, không rõ biết vị trí, hoàn cảnh hiện tại của mình, mình sẽ tự làm khổ mình và làm phiền người khác. Còn ngược lại, sống mà biết mình, biết người thì mình vui sống. Để được như vậy, chúng ta phải tu thiền trong mỗi giây mỗi phút”.

Bằng cuốn sách “Con đường chuyển hóa”, tác giả Thích Pháp Hòa phân tích hành động “tu” không phải là tới chùa cúng lễ hay lạy một ngày mấy trăm lạy để “lấy điểm”, mà là thấy rõ cái xấu, cái dở nơi mình để thay đổi tích cực. Còn với những cái thiện đã có, mình phải làm cho nó tăng trưởng.

Cụ thể hơn, theo tác giả Thích Pháp Hòa: “Tu không phải là để thành tiên, thành Phật gì cả, mà tu để thành chính mình. Tu để biết mình đang vướng cái gì để tháo, để buông. Tu để biết mình đang vấp phải cái gì, đã thấu đạt được gì. Tu là để sáng soi rõ ràng, ăn biết mình ăn, uống biết mình uống. Và tu cũng để biết mình đang có nỗi khổ đau gì, từ đó, mình làm sao để giảm bớt cái khổ, cái đau đó”.

Tuy là một vị tu sĩ thiên về truyền thống Tịnh Độ nhưng tác giả Thích Pháp Hòa không giới hạn bài giảng của mình ở một phép tu cố định, thay vào đó là luôn nỗ lực để đưa Thiền và Tịnh Độ về lại một “nhà”.

Trên tinh thần “Thiền - Tịnh song tu” và là người tìm hiểu sâu cũng như có kinh nghiệm tu tập ở cả hai pháp môn, tác giả Thích Pháp Hòa giải thích cặn kẽ tính phương tiện và điểm chung cốt lõi của hai truyền thống này. Đồng thời, ông hướng dẫn người đọc nhiều phương pháp để thực hành như mười cách niệm Phật, đếm hơi thở, quan sát cảm giác, quan sát tâm hành… để mỗi độc giả tự lựa chọn những “món ăn” phù hợp cho con đường tu học của mình.

Nhiều người vẫn nghĩ, tu hành là lánh đời, cách xa mọi sự, không còn lo nghĩ chuyện gì. Nhưng sự thật của tu hành là trở về với chính mình, tạo được nguồn tuệ giác nơi mình để quán chiếu mọi việc trong cuộc sống. Vì thế “Con đường chuyển hóa” tập trung vào cách để mọi người tu tâm và tu trí - hai mục đích cốt lõi của người tu theo đạo Phật.

Cuốn sách 'Con đường chuyển hóa' hướng dẫn lối sống an lạc.

Cuốn sách "Con đường chuyển hóa" hướng dẫn lối sống an lạc.

Nhìn chung, những việc chúng ta làm đều xuất phát từ tâm, nếu tâm an lạc thì mọi việc sẽ bình an. Vì lẽ đó, tất cả các phép tu đều nhằm mục đích để chúng ta điều phục được tâm của mình. Nếu tâm thiện, ta hoan hỉ phát huy tâm thiện đó nhiều hơn. Nếu tâm bất thiện, ta tìm cách giảm bớt. Một khi đã điều phục được tâm thì an lạc sẽ tới. Tâm đã vững thì chúng ta mới không dễ bị lay động hay lệch hướng. Học Phật là hướng dẫn chúng ta quay về bên trong, bởi vì quay về bên trong, ta mới bình an.

Khi quay về bên trong, ta đồng thời nhìn thấy trí tuệ nơi mình, từ đó nhìn thấy được vẻ đẹp của vạn vật. Người có trí thì luôn nhìn đời với cặp mắt thương yêu và hiểu biết, luôn an nhiên và tự tại trước mọi sự “được - mất”, “thắng - thua” ở đời.

Tác giả Thích Pháp Hòa bày tỏ: “Mình thấy rõ là trong cuộc đời, được - mất, thành - bại, thắng - thua… cái gì cũng là tạm. Nói như vậy không phải là để chúng ta bi quan, mà để chúng ta có một sự sống vui vẻ, để chúng ta sống với tâm hoan hỉ, rộng mở, chấp nhận, thương yêu, tha thứ, chứ không phải buồn rầu, sầu khổ. Thấy cuộc đời dường như vô nghĩa, chúng ta nguyện sống cho có ý nghĩa, chứ không phải thấy cuộc đời buồn bã như vậy rồi chúng ta buông xuôi. Vì đó là sự thật của đời sống. Mình chấp nhận nó, nó cũng sẽ đến. Mình không chấp nhận nó, nó cũng sẽ đến. Nếu mình chấp nhận nó thì khi nó đến, mình nhẹ lòng lắm”.

Một trong những điểm đặc biệt của cuốn sách “Con đường chuyển hóa” là sự xuất hiện của các câu kệ Pháp Cú xuyên suốt các bài giảng. Tác giả Thích Pháp Hòa đã khéo léo dung hợp những mẩu chuyện của đời sống vào trong những câu kệ ngắn, mang đến một cái nhìn sâu sắc hơn về đạo Phật, trợ duyên cho người khác tìm thấy niềm vui cuộc sống an lành.

Xem thêm
Chuyện ly hôn: Hành trình vượt qua đau thương

Ly hôn - hai chữ tưởng chừng đơn giản nhưng lại chất chứa biết bao đau thương và mất mát.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?