| Hotline: 0983.970.780

Viện khoa học trụ vững trong cơ chế thị trường

Còn 'gọt chân cho vừa giày', còn 'đút ngăn kéo'

Thứ Sáu 12/05/2023 , 06:00 (GMT+7)

Viện trưởng Viện Chăn nuôi Phạm Công Thiếu cho rằng, cần sớm cởi trói cho hoạt động nghiên cứu khoa học để đảm bảo đời sống cho cán bộ, công nhân viên.

Viện trưởng Phạm Công Thiếu giám sát quá trình tạo phôi nhân bản. Ảnh: Bảo Thắng.

Viện trưởng Phạm Công Thiếu giám sát quá trình tạo phôi nhân bản. Ảnh: Bảo Thắng.

Nguy cơ teo tóp hệ thống khoa học

Có một thực tế là nhiều công trình khoa học của những viện nghiên cứu công lập chưa được thương mại hóa. Theo ông, nguyên nhân xuất phát từ đâu? 

Có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học chưa thực sự xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn sản xuất. Đây là yếu tố quan trọng nhất, khiến các công trình khoa học thiếu tính ứng dụng.

Thứ hai, đề tài, dự án bây giờ hầu hết được đề xuất ngược, nghĩa là do các nhà khoa học lên ý tưởng, thay vì nhận đặt hàng từ cơ quan quản lý nhà nước, hoặc các cơ quan chỉ đạo sản xuất như Sở NN-PTNT các tỉnh hoặc Cục Chăn nuôi (với trường hợp cụ thể Viện Chăn nuôi - PV).

Thứ ba, nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu ngày càng eo hẹp. Không những vậy, quá trình phân bổ lại dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Do đó, xuất hiện hiện tượng "gọt chân cho vừa giày", ví dụ dự án đề xuất 10 tỉ, nhưng chỉ được duyệt 3 tỉ, nên sản phẩm cuối cùng nó không hoàn thiện, không có tính ứng dụng cao trong sản xuất.

Để tháo gỡ, bây giờ sở khoa học các tỉnh và cơ quan quản lý cấp Trung ương nên hệ thống lại vấn đề theo từng lĩnh vực, sau đó tổng hợp và gửi công văn đến các viện khoa học, cơ quan nghiên cứu. Trên cơ sở đề nghị đó, nhà khoa học mới thảo luận, xem ưu tiên, giải quyết cái gì trước. Làm thế nào để tối ưu nguồn ngân sách, nghiên cứu ra đến đâu sản phẩm bán được đến đấy, tránh tình trạng công trình khoa học lại để "đút ngăn kéo".

Thực hành đông lạnh tinh trùng vật nuôi tại Viện Chăn nuôi. Ảnh: Bảo Thắng.

Thực hành đông lạnh tinh trùng vật nuôi tại Viện Chăn nuôi. Ảnh: Bảo Thắng.

Chính phủ và các Bộ, ngành hiện nay đều kêu gọi gắn nghiên cứu với thị trường. Để công tác này đạt hiệu quả, các bên liên quan cần có những chuyển biến gì trong hoạt động?

Các cơ sở nghiên cứu công lập muốn định hình lại vẫn phải tiếp tục phải đào tạo nguồn nhân lực, tức là đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật. Phải có một đội ngũ có trình độ chuyên sâu, chuyên môn cao, giỏi cả lý thuyết lẫn thực hành. Tiến tới, các viện cần đào tạo ra những chuyên gia đầu ngành theo từng cái lĩnh vực và tạo ra những nhóm nghiên cứu mũi nhọn để tạo ra đột phá trong nghiên cứu.

Nghiên cứu có thành công, có thất bại nhưng đội ngũ cán bộ phải luôn trăn trở với ý tưởng, đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn theo cả ngành ngang và ngành dọc để tăng cường công tác dự đoán tình hình thị trường. Ngoài ra, các viện tiếp tục củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng được các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong tương lai.

Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập, nên các viện khoa học nên tích cực mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực này. Nhờ đó, chúng ta có thể đào tạo đội ngũ, trao đổi kinh nghiệm với các nhà khoa học quốc tế để lấy cơ sở thực nghiệm trên chính mảnh đất quê hương.

Không thể quên nguồn kinh phí từ các địa phương. Tôi cho rằng, đây là nơi đang phát sinh nhiều nhu cầu nhất bởi địa phương thường khó tổ chức đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu để đưa ra những quy hoạch mang tầm chiến lược. Nghiên cứu khoa học là phải dấn thân, cống hiến, thậm chí hy sinh, nhưng đổi lại, lãnh đạo các viện khoa học cũng phải luôn suy nghĩ, tìm tòi để tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho đội ngũ cán bộ để họ yên tâm công tác.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi mong muốn tiếp tục hỗ trợ về chính sách, trong đó có tăng cường đãi ngộ với cán bộ nghiên cứu, thậm chí tạo cơ chế mở thay vì như trước đây là thu hút rồi mới đãi ngộ. Ngoài ra, cơ sở vật chất đầu tư cho hoạt động nghiên cứu của các viện, trường cũng cần được đánh giá định kỳ bởi khối viện, trường không có nguồn lực như doanh nghiệp. Nếu không sớm đầu tư, quan tâm, hệ thống khoa học đứng trước nguy cơ ngày càng càng teo tóp.

Trưởng phòng Phân tích thức ăn và Sản phẩm chăn nuôi Dương Thị Thu Anh giám sát quá trình cấy mẫu vi sinh. Ảnh: Bảo Thắng.

Trưởng phòng Phân tích thức ăn và Sản phẩm chăn nuôi Dương Thị Thu Anh giám sát quá trình cấy mẫu vi sinh. Ảnh: Bảo Thắng.

Cởi trói cho hoạt động nghiên cứu khoa học

Từ thực tế hoạt động của bản thân, Viện Chăn nuôi đã định hướng và lên kế hoạch như thế nào để những sản phẩm nghiên cứu có được chỗ đứng trên thị trường?

Ở Việt Nam, rõ ràng chúng ta có đội ngũ nghiên cứu hùng hậu, cơ sở vật chất, đất đai không hề thiếu. Tuy nhiên, các viện vẫn gặp thách thức trong việc phát huy hiệu quả hoạt động của cán bộ, đời sống của người làm khoa học vẫn chưa được cải thiện. Những điều ấy đặt ra yêu cầu khẩn thiết về việc cởi trói cơ chế cho khoa học công nghệ.

Từ khi thành lập năm 1952, đa phần các kết quả nghiên cứu của viện đều được chuyển giao cho sản xuất. Trong bối cảnh, tỷ lệ nông hộ nhỏ lẻ của Việt Nam còn tương đối lớn, nhiệm vụ của viện thời gian qua được đảm bảo bởi chúng tôi xác định đối tượng phục vụ chính là bà con nông dân. Một số nghiên cứu cơ bản có tính ứng dụng cao như nghiên cứu về tinh phôi, cấy truyền phôi hoặc nhân bản luôn được viện chú trọng.

Với tư cách người đứng đầu Viện Chăn nuôi, tôi cho rằng chúng tôi phải tiếp tục phát huy lợi thế, ở đây là nguồn nguyên liệu di truyền và nguồn gen vật nuôi bản địa của Việt Nam để tiếp tục chọn tạo. Trên cơ sở đó, tạo ra những giống vật nuôi mang thương hiệu Việt Nam, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Việt Nam để chuyển giao sản xuất.

Việt Nam là một trong số những quốc gia được đánh giá cao về đa dạng sinh học, trong đó có nguồn gen vật nuôi bản địa. Do đó, Viện Chăn nuôi sẽ tiếp tục triển khai công tác bảo tồn, lưu giữ, phục tráng những nguồn gene mang tính đặc trưng, đặc hữu, nhằm phục vụ chính cho đối tượng chăn nuôi nông hộ, tiến tới là tạo ra các sản phẩm OCOP chất lượng cao.

Một mũi nhọn nữa của viện là tập trung nghiên cứu các chế phẩm sinh học, chế phẩm dược liệu để thay thế dần kháng sinh trong chăn nuôi, phát triển chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như xử lý chất thải chăn nuôi và xử lý môi trường chăn nuôi.

Trước áp lực thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, đội ngũ nghiên cứu của viện đã có nhiều công trình về chế biến, bảo quản, sử dụng các nguồn phụ phẩm công, nông nghiệp, thủy sản để tạo ra các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, phát huy hơn nữa vai trò của ngành chăn nuôi đối với xã hội.

Viện Chăn nuôi hiện có 3 phòng nghiệp vụ, 5 bộ môn, phòng nghiên cứu, 10 trung tâm và 1 phòng thí nghiệm trọng điểm. Ảnh: Bảo Thắng.

Viện Chăn nuôi hiện có 3 phòng nghiệp vụ, 5 bộ môn, phòng nghiên cứu, 10 trung tâm và 1 phòng thí nghiệm trọng điểm. Ảnh: Bảo Thắng.

Có ý kiến cho rằng để viện khoa học thực sự được "cởi trói" thì cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ để viện có thể hoạt động như có mô hình doanh nghiệp. Quan điểm của ông về ý kiến này thế nào? 

Đây là vấn đề không mới bởi nguồn ngân sách từ nhà nước luôn có hạn, trong khi nhiều viện khoa học giờ hoạt động theo cơ chế tự chủ. Nếu đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng một số chế độ, chính sách như doanh nghiệp, chẳng hạn quyền được cho thuê tài sản nếu không sử dụng hết, hoặc liên doanh, liên kết trong việc sử dụng đất đai thì quá tốt.

Mô hình viện nghiên cứu - doanh nghiệp có thể xem là lý tưởng, bởi một bên có kiến thức, kinh nghiệm, một bên có nguồn lực và vốn. Ở một số quốc gia trên thế giới, người ta đã triển khai cách làm này để tạo ra nguồn lực và động lực mới cho nền kinh tế - xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Ra mắt bộ giống chè mới và giải pháp canh tác chè bền vững

PHÚ THỌ Bộ giống chè mới và các kỹ thuật canh tác chè đã được giới thiệu tại Diễn đàn 'Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao' tổ chức sáng 5/11.