| Hotline: 0983.970.780

Còn nhiều việc chưa làm được trong gỡ 'thẻ vàng' IUU

Thứ Tư 28/09/2022 , 09:18 (GMT+7)

Theo số liệu thống kê, đến giữa tháng 9/2022, vẫn còn 62 vụ vi phạm về đánh bắt thủy sản với 88 tàu, 704 người, các vụ vi phạm xảy ra ở nhiều địa phương.

z3755526464106_d6eeb92e63d9a104a4c07aa0f55aa20e

Tại buổi làm việc với Cảng Tân Cảng - Hiệp Phước, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, còn nhiều việc chúng ta chưa làm được trong vấn đề gỡ 'thẻ vàng' IUU. Ảnh: Hồng Thủy.

Đó là thông tin Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đưa ra trong buổi làm việc tại Cảng Tân Cảng - Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP. HCM) chiều 27/9 trong chuyến đi kiểm tra về hành trình gỡ "thẻ vàng" IUU.

Buổi làm việc có đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Hải quan, Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y Vùng VI và lãnh đạo Cảng.

Đánh giá cao Cảng Tân Cảng - Hiệp Phước về quy mô, đầu tư bài bản, Thứ trưởng Tiến cho rằng, đây là một trong những cảng hiện đại nhất của cả nước, được đầu tư bài bản. Từ khi chính thức hoạt động đến nay, Cảng Tân Cảng - Hiệp Phước cùng các cơ quan chức năng luôn tuân thủ nghiêm và đảm bảo các điều kiện khai thác theo các quy định, pháp luật nhà nước.

Thứ trưởng mong muốn Cảng Tân Cảng - Hiệp Phước sẽ là một trong những cảng tiêu biểu dẫn dầu trong hệ thống cảng của Việt Nam, góp phần giải quyết vấn đề thẻ vàng IUU.

Ông Nguyễn Hữu Đức, Giám đốc Cảng Tân Cảng - Hiệp Phước cho biết, cảng là 1 trong 8 cảng biển được phép tiếp nhận tàu đánh bắt thủy sản, tàu vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của nước ngoài cập cảng để thực hiện hoạt động nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác qua lãnh thổ Việt Nam.

Nói về việc Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang kiểm tra tình hình chống khai thác IUU tại Việt Nam, Thứ trưởng Tiến cho rằng, trong gần 5 năm qua, Chính phủ, các địa phương, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp hải sản đã nỗ lực cải thiện theo khuyến nghị của EC, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu để gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói: Trước trình tự xuất hàng đi châu Âu chỉ hết khoảng 1 tuần, giờ là 3 tuần, trước kiểm tra giám sát chỉ lấy một số mẫu, giờ là 100% lô hàng. Ngoài thị trường châu Âu, thị trường Mỹ cũng ảnh hưởng.

Trong những năm qua, ngành thủy sản đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tổng sản lượng thủy sản hàng năm đạt khoảng 8,3 - 8,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 8,5 - 8,9 tỷ USD.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để nỗ lực gỡ thẻ vàng, trong 5 năm qua, chúng ta đã rất quyết liệt, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để chống khai thác IUU, gỡ “thẻ vàng” của EC.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU, các ban, Bộ, ngành và 28 tỉnh, thành phố thuộc Trung ương ven biển đã tích cực trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, triển khai các giải pháp chống khai thác IUU. Sự cam kết, nỗ lực hành động, quyết tâm chính trị của Việt Nam gỡ cảnh báo “thẻ vàng” được phía EC ghi nhận, đánh giá cao.

Trong Kết luận 245/TB-VPCP ngày 7/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu bật nhiệm vụ trọng tâm là “đến cuối năm 2021 chấm dứt được tình trạng tàu cá địa phương vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, để gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC. Tuy nhiên, theo thống kê chưa đầy đủ, đến giữa tháng 9/2022 này, vẫn có đến 62 vụ vi phạm với 88 tàu, 704 người. Các vụ vi phạm xảy ra ở nhiều địa phương, ở cả 3 vùng miền ven biển nước ta.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý: "Vấn đề nhận thức về vấn đề IUU nói chung đã có những chuyển biến tích cực, nhưng về cơ sở vật chất lại rất yếu kém và vấn đề quản lý đội tàu cũng còn nhiều bất cập, tổ chức chưa chặt chẽ. Còn nhiều vấn đề chúng ta chưa làm được như quản lý đội tàu, vi phạm 14 hành vi về đánh bắt, nhật ký khai thác, truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch… Tất cả những vấn đề này thuộc thách nhiệm của nhiều cơ quan ban ngành như thú y, hải quan, thuỷ sản".

Theo Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030 dự kiến tổng sản lượng thủy sản đạt 9,8 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 14 - 16 tỷ USD. Bên cạnh đó, với khoảng 1 triệu lao động trực tiếp trên biển và khoảng 4 triệu lao động gián tiếp, hoạt động khai thác thủy sản giải quyết sinh kế góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng ven biển, hải đảo, đồng thời hoạt động khai thác trên biển đã góp phần rất quan trọng trong công cuộc bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Xem thêm
Mở rộng nuôi tôm sú 2 giai đoạn vùng ven biển miền Trung

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.