| Hotline: 0983.970.780

Còn quá sớm để dự báo hạn mặn 2022 cho ĐBSCL

Thứ Năm 26/08/2021 , 15:56 (GMT+7)

ĐBSCL Ngoài vấn đề làm chậm thời gian đầu mùa lũ của các đập thủy điện, thì tình hình thời tiết liên quan đến chu kỳ ENSO là yếu tố quyết định lượng nước về ĐBSCL.

Đầu mùa lũ năm nay 2021 dự báo mực nước sông Mekong bị thấp so với trung bình nhiều năm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đầu mùa lũ năm nay 2021 dự báo mực nước sông Mekong bị thấp so với trung bình nhiều năm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đầu mùa lũ năm nay 2021, mực nước sông Mekong bị thấp so với trung bình nhiều năm. Từ đó có nhiều lo ngại mùa lũ năm nay sẽ thấp, kéo theo lo ngại về rủi ro hạn, mặn ở ĐBSCL trong mùa khô 2022. Tuy nhiên, mặc dù mực nước đầu mùa lũ thấp là có thật, nhưng vẫn còn quá sớm để có thể dự báo hạn, mặn mùa khô tới có gay gắt hay không vì còn cần phải xét thêm nhiều yếu tố.

Thủy điện Mekong làm chậm mùa lũ

Về nguyên lý, các đập thủy điện không tự gây ra tình hình khô hạn nhưng có thể làm chậm thời gian của dòng chảy. Trong những năm có đủ lượng mưa thì các đập thủy điện Mekong ít ảnh hưởng đến lượng nước và thời gian nước chảy về ĐBSCL. Còn trong những năm thiếu nước thì các đập sẽ tích nước trong hồ chứa đủ cho mình trước rồi mới xả ra phát điện. Đập trên tích nước thì đập kế tiếp bên dưới phải đóng đập chờ đến khi đập trên xả thì đập dưới mới có nước để tích, và đập kế tiếp phải chờ. Như vậy, nước đi qua một chuỗi đập sẽ rất lâu và sẽ gây tình hình mực nước thấp ở phía hạ lưu. 

Vì sự có mặt của các đập thủy điện Mekong, tác động của một năm khô hạn nào đó có thể kéo dài đến đầu mùa mưa năm sau. Đầu mùa mưa năm nay, các đập đã giữ lại phần lớn lượng mưa đầu mùa mưa 2021 làm cho khởi đầu của mùa lũ 2021 rất thấp so với điều kiện tự nhiên.

Thông tin từ dự án Theo dõi đập Mekong (MDM- Mekong Dam Monitor) cập nhật đến tuần 16-22 tháng 8, 2021 cho biết đến thời gian này lẽ ra mùa lũ đã xuất hiện trên sông Mekong nhưng vẫn chưa thấy. Đầu mùa lũ năm nay, mực nước thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm trên phần lớn lưu vực. Một số cột nước của Ủy hội Mekong quốc tế (MRC) cho thấy mực nước thấp kỷ lục do lượng mưa thấp ở phần hạ lưu vực Mekong và do sự tích nước của các đập trong toàn lưu vực, trong đó có sự tích nước quan trọng ở đập Nouzhadu, Trung Quốc. Mô hình dòng chảy tự nhiên (Natural Flow Model) của tổ chức Eyes on Earth ước lượng sự thiếu hụt 26% so với dòng chảy tự nhiên ở trạm Chiang Saen, Thái Lan, 20% ở Vientiane, Lào. Lượng nước này có thể sẽ được giữ lại đến mùa khô mới được xả ra để phát điện.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập sinh thái ĐBSCL nói về Thủy điện Mekong làm chậm mùa lũ ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập sinh thái ĐBSCL nói về Thủy điện Mekong làm chậm mùa lũ ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cụ thể, các đập ở Trung Quốc đã giữ lại tổng cộng 1,4 tỉ m3 nước trong tuần, đập Nuozhadu giữ 1,15 tỉ m3 trong tuần làm dâng mực nước trong hồ lên 5m. Hầu hết 34 đập chi lưu ở Lào, Campuchia, Việt Nam, Thái Lan cũng đã giữ lại nước trong tuần qua để dự trữ nước trong hồ, tổng cộng 633 triệu m3. Sự tích nước này đã diễn ra hàng năm vào đầu mùa lũ, nhưng năm nay lượng mưa đầu mùa trong lưu vực lại thấp hơn trung bình nhiều năm, từ đó gây ra tác động lớn đến mực nước sông Mekong đầu mùa lũ, gây ảnh hưởng lớn đến sản lượng thủy sản tự nhiên vì thiếu nơi sinh sản và ảnh hưởng đến nông nghiệp ở một số nơi trong lưu vực. 

Số liệu quá khứ cho thấy sự tích nước có thể còn tiếp diễn trong thời gian tới vì thể tích hữu dụng của các đập ở Trung Quốc chỉ mới đạt 34%, và 34 đập ở hạ lưu vực chỉ mới tích khoảng 50% thể tích hữu dụng.

Tình hình mùa lũ 2021 và mùa khô 2022 đối với ĐBSCL

Mực nước đoạn sông Mekong ở Lào-Đông Bắc Thái Lan từ biên giới Lào - Trung Quốc đến Vientiane vì gần với các đập Trung Quốc nên sẽ rất nhạy với sự vận hành đóng/mở của các đập ở đoạn Trung Quốc. Đối với ĐBSCL, sự vận hành đóng, mở của các đập Trung Quốc có ảnh hưởng mực nước nhưng ít hơn, vì phần lớn nước về ĐBSCL do ảnh hưởng mưa ở tả ngạn ở đoạn trung lưu sông Mekong, nhất là ở Lào. 

Ngoài vấn đề làm chậm thời gian đầu mùa lũ của các đập thủy điện, thì tình hình thời tiết liên quan đến chu kỳ ENSO mới là yếu tố quyết định lượng nước về ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngoài vấn đề làm chậm thời gian đầu mùa lũ của các đập thủy điện, thì tình hình thời tiết liên quan đến chu kỳ ENSO mới là yếu tố quyết định lượng nước về ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngoài vấn đề làm chậm thời gian đầu mùa lũ của các đập thủy điện, thì tình hình thời tiết liên quan đến chu kỳ ENSO mới là yếu tố quyết định lượng nước về ĐBSCL. Thông tin của Trung tâm Dự báo khí tượng Hoa Kỳ cập nhật đến ngày 12/8/2021, hiện nay thời tiết vẫn đang trong trạng thái ENSO trung tính, có 60% khả năng kéo dài trong giai đoạn tháng 8-9, và có khả năng xuất hiện La Nina (mưa nhiều) trong giai đoạn tháng 9-10, với 70% xác suất kéo dài sang giai đoạn tháng 11 đến tháng 1-2022.

Như vậy, cho đến nay vẫn còn quá sớm để có thể dự báo rằng tình hình hạn, mặn ở ĐBSCL vào mùa khô 2022 có ở mức nào. Nếu La Nina không xuất hiện thì các đập sẽ tiếp tục tích nước đến mùa khô mới xả ra, theo đó, mùa lũ năm nay sẽ thấp, tuy nhiên trong tình huống này đến mùa khô khi các đập đã đầy trên toàn lưu vực và xả ra phát điện thì hạn mặn sẽ không gay gắt. Còn nếu La Nina xuất hiện sớm và mạnh thì trong tháng 9-10 mưa nhiều, các đập sẽ đầy sớm và bắt đầu xả ra từ tháng 10. 

Do đó, mùa lũ năm nay có thể thấp. Tuy nhiên, tình hình hạn, mặn mùa khô vẫn chưa rõ, và có thể ĐBSCL sẽ không có hạn, mặn nếu có La Nina xuất hiện. Do đó, đối với ĐBSCL cần theo dõi tình hình có xuất hiện La Nina hay không vào tháng 9-10 tới. 

                                                                                               

Xem thêm
Thị trường Trung Quốc - 'Át chủ bài' xuất khẩu trái cây

Kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng tăng và ước tính, năm 2024 sẽ đạt gần 5 tỷ USD.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Phân bón Lâm Thao và VinFast hợp tác vì tương lai xanh Việt Nam

Phân hón Lâm Thao và VinFast cùng hợp tác tổ chức chương trình 'Mãnh liệt tinh thần Việt Nam, phủ xanh Việt Nam' nhằm lan tỏa tinh thần xanh, thúc đẩy phát triển bền vững.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...