Bên lề hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Cục Kiểm ngư, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã có chia sẻ với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam về vấn đề tháo gỡ “thẻ vàng” mà Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra đối với các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo (IUU) của Việt Nam.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: “Có 40 vấn đề mà EC đặt ra sau 3 lần thanh tra. Thứ nhất là văn bản quy phạm pháp luật, EC khẳng định, với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay của nước ta, gồm Luật Thủy sản 2017 và 2 nghị định, 9 thông tư, chúng ta có đủ điều kiện để gỡ “thẻ vàng”. Tuy nhiên để sát thực tiễn hơn, chúng ta vẫn điều chỉnh và sửa Nghị định 42, Nghị định 26. Việc sửa đổi này đã được trình Chính phủ sau thời gian chuẩn bị, chắc chắn ít ngày tới sẽ có ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lần 2 và sẽ được Chính phủ thông qua”.
“Vấn đề thứ hai là giám sát và quản lý đội tàu, hiện số lượng tàu của chúng ta quá lớn, vẫn còn 86.820 chiếc, trong đó tàu từ 15 m trở lên trên 30.000 chiếc. Chúng ta đã phấn đấu được 93,7% tàu có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) và kết nối trên hệ thống thông tin chung và của các tỉnh. Tuy nhiên chúng ta vẫn còn tàu vi phạm ở vùng biển nước ngoài”, Thứ trưởng Tiến nói thêm.
Thứ trưởng nhấn mạnh, EC khẳng định còn tàu vi phạm vùng biển nước ngoài thì không thể gỡ “thẻ vàng”. Từ đầu năm đến nay, số lượng tàu vi phạm vùng biển nước ngoài rất hạn chế, mới có 14 tàu, 84 ngư dân, giảm đi rất nhiều so với năm 2022. Vì thế rất hy vọng cả hệ thống chính trị, các tỉnh, thành phố vào cuộc quyết liệt để từ nay đến tháng 10/2023 sẽ không còn tàu vi phạm nữa. Như vậy mới có cơ may một là giữ được “thẻ vàng”, không phải lên “thẻ đỏ”; hai là có thể gỡ được “thẻ vàng”.
Cũng theo Thứ trưởng, vấn đề thứ ba là truy xuất nguồn gốc, khi thanh tra lần thứ 3, EC vẫn phát hiện những cái không đúng về truy xuất nguồn gốc. Vừa rồi Bộ NN-PTNT đi kiểm tra vẫn còn xảy ra tình trạng này.
Vấn đề thứ tư là xử lý vi phạm hành chính. Đợt này, Nghị định 42, Chính phủ đã trình lên Thường vụ Quốc hội đồng ý cho bổ sung 6 thiết bị để chúng ta xử lý vi phạm hành chính, gần như là phạt nguội, chắc chắn sẽ có hiệu lực, hiệu quả. Hơn nữa đã bổ sung cảnh sát biển cũng là lực lượng được quyền xử lý vi phạm hành chính. Chủ tàu, tàu trưởng cũng là đối tượng phải chịu trách nhiệm, chứ trước đây chỉ quy định chủ tàu.
Việc nữa là trong Đề án 2075 tới đây, 3 chi đội sẽ chuyển thành 3 chi cục, như vậy để triển khai Nghị định 42 mới khi được sửa đổi sẽ có hiệu lực, hiệu quả hơn. Như chúng ta biết các tỉnh vẫn chủ yếu nhắc nhở, cam kết, chứ đi vào xử lý đúng quy định của Nghị định 42 còn chưa đạt yêu cầu.
Theo báo cáo của Cục Kiểm ngư, tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài như Thái Lan, Malaysia, Indonesia bị bắt giữ, xử lý vẫn xảy ra tinh vi nhằm trốn tránh thực thi pháp luật, bảo vệ ngư dân của lực lượng kiểm ngư.
Từ tháng 10/2022, sau đợt thanh tra lần thứ 3 của Đoàn Thanh tra EC đến nay đã xảy ra 27 tàu, 132 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, trong đó từ đầu năm 2023 đến nay đã xảy ra 14 tàu, 84 ngư dân, giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2022.
“4 kiến nghị này của EC mà được thực thi một cách đồng bộ thì việc gỡ “thẻ vàng” sẽ rất sớm”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.