Từ đầu năm đến nay, giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, tôm nuôi bị dịch bệnh khiến nhiều chủ đầm nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) thất bát vì thu không đủ chi. Bởi vậy, nhiều hộ dân không còn mặn mà cho vụ nuôi mới.
Ông Lê Đình Giáp (xã Hoằng Yến, huyện Hoằng Hóa) có 8 ao nuôi tôm theo hướng công nghệ cao (trong đó có 2 ao xử lý nước thải), được đầu tư hàng tỷ đồng. Đầu năm 2023, ông Giáp cầm cố sổ đỏ vay ngân hàng 1 tỷ đồng để thả giống cho vụ hè thu. Với 6 ao nuôi, ông Giáp thả 40 vạn con giống, chi phí khoảng 300 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, số tôm trong ao ngày càng hao hụt. Trong khi đó, thời điểm xuất bán tôm, ông Giáp chỉ bán được giá từ 70.000-100.000 đồng/kg.
"Cứ nuôi 100 con thì chết mất một nửa không rõ nguyên nhân. Với 6 ao nuôi, tôi lỗ khoảng 600 triệu đồng do giá tôm xuống thấp, chi phí vận hành, thức ăn tăng cao. Nếu tiếp tục đầu tư lớn thì gia đình không thể xoay xở vốn, thậm chí càng nuôi càng lỗ nếu giá tôm xuống thấp kéo dài", ông Giáp chia sẻ.
Mặc dù là người có thâm niên nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Hoằng Yến, thế nhưng ông Giáp chưa bao giờ thiệt hại lớn như vụ tôm năm nay. Hiện ông đã cho vệ sinh ao, tổ chức thả nuôi cầm chừng tại 2 ao với diện tích nhỏ. Số ao còn lại đang phơi đáy cùng với hệ thống thiết bị máy móc thiết bị phục vụ nuôi tôm trị giá cả tỷ đồng nay chỉ còn là đống phế thải. Công nhân tại đầm tôm cũng phải nghỉ việc vì không đủ chi phí trả lương.
Để tránh lãng phí tiền đầu tư, ông Giáp quyết định cho thuê ao nuôi nhằm gỡ gạc lại vốn và trả lãi ngân hàng. Tuy nhiên, một số đối tác mặc dù có ý định thuê nhưng thấy ông Giáp làm ăn không hiệu quả nên chẳng ai mặn mà hợp tác. Hợp tác xã nuôi tôm thẻ chân trắng do ông Giáp thành lập gồm 16 thành viên, nay chỉ còn vài người duy trì được ao nuôi.
Toàn xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) có khoảng 250ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó có 100ha nuôi theo hướng công nghiệp và 50ha nuôi trong nhà màng, chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng.
Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, do diễn biến bất lợi của thời tiết cộng với giá tôm giảm sâu, hàng chục hộ dân không xuống giống vụ đông vì lo thua lỗ (khoảng 30ha ao nuôi). Một số hộ dân khác do không còn vốn tái đầu tư nên quyết định chuyển nhượng cho người khác.
Ông Lê Trọng Thảo, Chủ tịch UBND xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa) cho biết, với tình hình hiện nay, người nuôi tôm tại địa phương rất thận trọng trước khi quyết định thả nuôi vụ mới. Chính quyền địa phương cũng khuyến cáo các hộ thả nuôi vụ đông cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho tôm thẻ chân trắng.
Theo Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, hiện nay giá cả thị trường bấp bênh cộng với dịch bệnh trên tôm thẻ chân trắng đang là thách thức đối với các chủ đầm tôm, nhưng cũng là cơ hội để người nuôi tôm tổ chức lại sản xuất. Theo đó, trong bối cảnh khó khăn, người nuôi cần tìm hiểu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng, hiệu quả nuôi tôm thẻ chân trắng.
Bên cạnh đó, người nuôi tôm cần tìm kiếm con giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để đảm bảo tôm phát triển đều từ khi thả đến khi xuất bán. Trường hợp giá cả thị trường giảm, người nuôi cần chọn giải pháp nuôi giảm mật độ để hạn chế mức thấp nhất rủi ro, thiệt hại.
Ngoài ra, cần nắm bắt xu hướng của thị trường để có kế hoạch thả nuôi phù hợp theo từng giai đoạn trong năm. Các nông hộ cần liên kết chặt chẽ trong sản xuất từ việc tìm đầu mối con giống, thức ăn, đến tìm thị trường tiêu thụ, nhằm giảm chi phí và tăng hiệu quả đầu tư.
Tình trạng giá tôm nguyên liệu giảm, dịch bệnh xuất hiện nhiều trên tôm không chỉ gây bất lợi trực tiếp cho nông dân mà còn kéo theo hàng loạt hệ lụy một khi nhà nông treo ao, bỏ đầm. Đây cũng là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong thời gian tới.