Liên quan đến ca bệnh nhiễm cúm A/H9N2 đầu tiên trên cả nước vừa xảy ra tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, chính quyền và ngành chức năng địa phương đang khẩn trương thực hiện phòng, chống bệnh cúm gia cầm lây lan.
Khuyến cáo 5 không
Ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang cho biết, thông báo ngày 4/4/2024 của Chi cục Thú y vùng VI về kết quả xét nghiệm virus cúm gia cầm từ 7 mẫu được thu tại 2 điểm buôn bán gia cầm sống trên địa bàn ấp Tân Quới, xã Tân Lý Đông, nơi bệnh nhân đầu tiên mắc cúm A/H9N2 được phát hiện, rất may chỉ có 1 mẫu dương tính với virus cúm A/H5N1 tại điểm buôn bán của ông L.V.T.
Đối với trường hợp này, ngành NN-PTNT tổ chức tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng liên tục 3 ngày và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch như đối với ổ dịch cúm gia cầm. Ngày 7/4/2024, chính quyền địa phương huyện Châu Thành đã tổ chức đốt hủy 121 con gia cầm (gồm gà, bồ câu, ngỗng).
“May mắn là chủng H9N2 có độc lực thấp, tương đương cúm mùa. Xét nghiệm đàn gà của cơ sở buôn bán gia cầm kế bên nhà bệnh nhân có xuất hiện sự lưu hành của virus cúm, dù chưa có biểu hiện ra ngoài. Tuy nhiên, ngành đã phối hợp với chính quyền địa phương phun thuốc tiêu độc sát trùng tại cơ buôn bán này và vận động tiêu hủy đàn gia cầm”.
Để chủ động ngăn ngừa, kiểm soát bệnh cúm gia cầm lây sang diện rộng, đặc biệt là phòng tránh lây truyền từ gia cầm sang người, Sở NN-PTNT Tiền Giang đề nghị UBND các huyện chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm.
Các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác giám sát, theo dõi tình hình bệnh trên gia cầm qua nhiều kênh thông tin (chủ nuôi, thú y cơ sở, cửa hàng thuốc thú y, đại lý thức ăn...) nhằm phát hiện bệnh sớm, báo cáo nhanh và xử lý ổ dịch kịp thời.
Đồng thời, thống kê lại tổng đàn gia cầm trên địa bàn quản lý, tổ chức tiêm phòng vacxin cúm cho đối tượng hỗ trợ vắc xin miễn phí (vịt, ngan của nông hộ) và vận động chủ nuôi ngoài diện hỗ trợ tự mua vắc xin để tiêm phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm trên địa bàn huyện, đảm bảo đạt tỷ lệ từ 80% trở lên.
Bên cạnh đó, thành lập đoàn công tác cấp huyện tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ, thu gom và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không đúng quy định.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân cảnh giác, chủ động phòng bệnh cúm gia cầm.
Cụ thể, khi mua gia cầm giống trong tỉnh phải biết rõ nguồn gốc, ở ngoài tỉnh phải có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật của cơ quan thú y. Bố trí hố sát trùng trước cổng trại và trước các dãy chuồng để kiểm soát con người, động vật, xe cộ, vật tư chăn nuôi ra vào cơ sở.
Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, định kỳ tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi từ 1 - 2 lần/tuần. Sử dụng loại vacxin cúm theo hướng dẫn của cơ quan thú y và thực hiện quy trình chủng ngừa theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Năm 2024, chủ nuôi cần sử dụng một số loại vacxin phù hợp với virus cúm đang gây bệnh trên đàn gia cầm của tỉnh Tiền Giang như vacxin cúm gia cầm Navet-Fluvac 2, vacxin cúm gia cầm Re-5, vacxin cúm gia cầm Re-6, vacxin cúm gia cầm K-New H5, vacxin cúm gia cầm H5 vô hoạt chủng D7 và rD8 và vacxin cúm gia cầm H5 vô hoạt Medivac AI.
Nghiêm túc thực hiện 5 không: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển gia cầm bệnh, chết; không giết mổ gia cầm bệnh, chết; không ăn thịt gia cầm bệnh, chết; không vứt xác gia cầm chết ra môi trường.
Khi phát hiện có gia cầm bệnh, chết bất thường phải báo ngay cho thú y xã hoặc huyện, chính quyền địa phương hoặc số điện thoại đường dây nóng 02733888111 để được hỗ trợ của địa phương, cơ quan thú y và cơ quan y tế.
Tỉnh Tiền Giang là địa phương có đàn gia cầm lớn nhất ĐBSCL, theo số liệu của Cục Thống kê, đến 1/3/2024 tổng đàn gà đạt 16 triệu con, giảm 5,5% so cùng kỳ. Công tác tiêu độc sát trùng chuồng trại cũng như kiểm dịch động vật được địa phương thực hiện thường xuyên. Gần nhất, đợt tổng vệ sinh tiêu độc sát trùng trên địa bàn tỉnh diễn ra hồi tháng 12/2023.
Phòng, chống cúm lây sang người
Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cũng có công văn 1338 về tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người. Trong đó, đề nghị Bệnh viện Quân y 120, Bệnh xá Công an tỉnh và yêu cầu các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện các hoạt động. Đặc biệt là phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật sang người.
Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch cúm gia cầm trên người, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Hướng dẫn, hỗ trợ, phối hợp với tuyến y tế cơ sở trong việc xử lý ổ dịch cúm gia cầm trên người và thực hiện báo cáo theo quy định.
Đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang tiếp tục theo dõi, giám sát trường hợp nhiễm cúm A(H9) và các trường hợp tiếp xúc gần, báo cáo về Sở Y tế khi có thông tin mới và khi kết thúc ổ dịch. Hướng dẫn, hỗ trợ, phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh trong việc điều tra các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút.
Lấy mẫu bệnh phẩm, bảo quản, vận chuyển mẫu bệnh phẩm theo quy định và kịp thời gửi mẫu đến Viện Pasteur TP. HCM xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Hướng dẫn, hỗ trợ, phối hợp với Trung tâm Y tế tuyến huyện trong việc điều tra dịch tễ ca bệnh viêm phổi nặng do vi rút, theo dõi những người tiếp xúc gần, thực hiện báo cáo theo quy định.
Trước đó, vào lúc 21 giờ 09 phút ngày 1/4/2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang tiếp nhận thông tin ca bệnh cúm A/H9 từ Viện Pasteur TP. HCM, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM. Đơn vị khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng cùng với chính quyền xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành xác minh thông tin ca bệnh, điều tra dịch tễ và tiến hành các biện pháp xử lý ổ dịch theo đúng quy định.
Theo ông Võ Thanh Nhơn, Quyền Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang, qua xác minh thông tin ca bệnh là ông N.V.Đ, hiện đang sinh sống tại địa chỉ trên. Cách đây 4 tuần, bệnh nhân chỉ sống tại nhà không ra khỏi nơi cư trú, hiện sống cùng vợ là bà N.T.N.L (sinh năm 1974). Thỉnh thoảng có hai người anh ruột đến nhà nhậu cùng.
Đơn vị đã tiến hành lập danh sách 9 người tiếp xúc gần bệnh nhân Đ gồm: Nhà mẹ ruột cách nhà bệnh nhân khoảng 4m có 5 người lớn và 1 trẻ em, nhà anh trai cách nhà bệnh nhân khoảng 14m có 3 người lớn và nhà anh trai khác cách nhà bệnh nhân khoảng 8m có 1 người lớn.
Đồng thời, hướng dẫn những người tiếp xúc gần theo dõi nếu có các triệu chứng như: sốt, ho, khó thở phải báo ngay cho Trạm Y tế. Giao Trạm Y tế xã Tân Lý Đông theo dõi, giám sát sức khỏe người tiếp xúc gần hàng ngày trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối đối với người lớn và 21 ngày đối với trẻ em dưới 15 tuổi.